Chứng cứ là một phần quan trọng trong việc giải quyết các vụ án hình sự. Sau đây là các quy định về chứng cứ và nguồn chứng cứ theo quy định của pháp luật.
Chứng cứ trong tố tụng hình sự được định nghĩa tại·Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sư 2015 (BLTTHS) như sau:
Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Trong đó, theo Điều 87 BLTTHS, chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:
- Vật chứng
Vật chứng theo Điều 89 là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
- Lời khai, lời trình bày
Căn cứ các Điều 91, 92, 93, 94, 95, 96, 97, 98 Lời khai, lời trình bày được coi là vật chứng bao gồm:
+ Lời khai của người làm chứng;
+ Lời khai của bị hại;
+ Lời khai của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự;
+ Lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án;
+ Lời khai của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người phạm tội tự thú, đầu thú, người bị bắt, bị tạm giữ;
+ Lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm;
+ Lời khai của người chứng kiến;
+ Lời khai của bị can, bị cáo.
Lưu ý:
Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do lời khai của người làm chứng; lời khai của bị hại; lời khai của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.
Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Đồng thời, không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội.
- Dữ liệu điện tử
Theo Điều 99 BLTTHS, dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử.
Trong đó, dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác.
- Kết luận giám định, định giá tài sản
+ Kết luận giám định là văn bản do cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức giám định lập để kết luận chuyên môn về những vấn đề được trưng cầu, yêu cầu giám định (theo Điều 100);
+ Kết luận định giá tài sản là văn bản do hội đồng định giá tài sản lập để kết luận về giá của tài sản được yêu cầu. Đồng thời, hội đồng định giá tài sản kết luận giá của tài sản và phải chịu trách nhiệm về kết luận đó (Điều 101 BLTTHS).
- Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án
- Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác
Tại Điều 103 quy định, kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với chứng cứ khác của vụ án.
- Các tài liệu, đồ vật khác
Những tình tiết liên quan đến vụ án ghi trong tài liệu, đồ vật do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp có thể được coi là chứng cứ. Trường hợp tài liệu, đồ vật này có đặc điểm theo Điều 89 quy định về vật chứng như trên thì được coi là vật chứng.
Ngoài ra, những gì có thật nhưng không phải từ các nguồn trên, không được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.
Trên đây là quy định về chứng cứ trong tố tụng hình sự. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.