Thế nào là vụ án hình sự? Các giai đoạn xét xử vụ án hình sự

Các giai đoạn xét xử vụ án là nội dung quan trọng trong tố tụng hình sự. Vậy, quá trình giải quyết, xét xử vụ án hình sự gồm những giai đoạn nào? Bài viết dưới đây của LuatVietnam sẽ làm rõ về vấn đề này.

1. Vụ án hình sự là gì?

Vụ án hình sự là vụ việc vi phạm có dấu hiệu là tội phạm đã được quy định trong Bộ luật Hình sự và được cơ quan có thẩm quyền ra lệnh khởi tố về hình sự để tiến hành điều tra, truy tố, xét xử theo các trình tự, thủ tục đã được quy định ở Bộ luật Tố tụng hình sự.

Khác với vụ án dân sự, trong vụ án hình sự, quan hệ pháp luật bị xâm phạm là các quan hệ liên quan đến chủ quyền quốc gia, an ninh đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân… được pháp luật hình sự bảo vệ.

cac giai doan xet xu vu an hinh su
Vụ án hình sự là vụ việc vi phạm có dấu hiệu tội phạm được quy định tại BLHS (Ảnh minh họa)

2. Các giai đoạn giải quyết vụ án hình sự

Việc giải quyết vụ án hình sự được tiến hành qua nhiều giai đoạn khác nhau. Mặc dù đây là các giai đoạn tố tụng độc lập nhưng có vai trò quan trọng và bổ trợ lẫn nhau. Theo đó, các giai đoạn giải quyết vụ án hình sự gồm:

- Khởi tố vụ án hình sự;

- Điều tra vụ án hình sự;

- Truy tố;

- Xét xử vụ án:

+ Xét xử sơ thẩm

+ Xét xử phúc thẩm

- Xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

- Thi hành án.

Cụ thể:

2.1 Khởi tố vụ án

Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên của tố tụng hình sự trong đó có cơ quan thẩm quyền xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.

Cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự gồm: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử hoặc đơn vị Bộ đội biên phòng, cơ quan Hải quan, cơ quan Kiểm lâm hoặc các cơ quan khác thuộc lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện theo quy định của pháp luật.

Theo đó, căn cứ để khởi tố vụ án hình sự được nêu cụ thể tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự:

Điều 143. Căn cứ khởi tố vụ án hình sự

Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:

1. Tố giác của cá nhân;

2. Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

3. Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;

4. Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;

5. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;

6. Người phạm tội tự thú.

Kết quả của giai đoạn tố tụng này là việc cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định khởi tố vụ án để chuyển sang các giai đoạn tiếp theo hoặc ban hành quyết định không khởi tố vụ án.

2.2 Điều tra vụ án

Theo Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự gồm:

- Cơ quan điều tra của Công an nhân dân;

- Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân;

- Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương;

- Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.

Ở giai đoạn này, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành các hoạt động:

- Khởi tố và hỏi cung bị can

- Lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và -nghĩa vụ liên quan đến vụ án, đối chất và nhận dạng.

- Khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật

- Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra

- Giám định và định giá tài sản.

Theo đó, khi đủ chứng cứ xác định tội phạm và người phạm tội thì Cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố.

2.3 Truy tố

Truy tố là việc đưa người phạm tội ra trước tòa án để xét xử. Thẩm quyềnn truy tố thuộc Viện kiểm sát nhân dân. Theo đó, sau khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố rồi gửi cùng hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát cùng cấp thực hiện thẩm quyền truy tố.

Ở giai đoạn này, Viện kiểm sát nhân dân ra một trong các quyết định

- Truy tố bị can trước Tòa án;

- Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;

- Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

2.4 Xét xử vụ án

- Xét xử sơ thẩm: Trường hợp bản án sơ thẩm không bị khán cáo, kháng nghị trong thời hạn quy định thì  sẽ có hiệu lực pháp luật và được thi hành án. Ngược lại, trường hợp bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị phải tiến hành xét xử phúc thẩm.

Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án được quy định tại Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:

Điều 268. Thẩm quyền xét xử của Tòa án

1. Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ những tội phạm:

a) Các tội xâm phạm an ninh quốc gia;

b) Các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;

c) Các tội quy định tại các điều 123, 125, 126, 227, 277, 278, 279, 280, 282, 283, 284, 286, 287, 288, 337, 368, 369, 370, 371, 399 và 400 của Bộ luật hình sự;

d) Các tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án:

a) Vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực;

b) Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài;

c) Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.

- Xét xử phúc thẩm: Được thực hiện khi bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị. Thẩm quyền xét xử phúc thẩm được giao cho cấp cao hơn xét xử lại bản án bị kháng cáo, kháng nghị của cấp dưới và được quy định cụ thể tại Điều 344 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:

Điều 344. Tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm

1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị.

2. Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng cáo, kháng nghị.

3. Tòa án quân sự cấp quân khu có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự khu vực bị kháng cáo, kháng nghị.

4. Tòa án quân sự trung ương có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự cấp quân khu bị kháng cáo, kháng nghị.

2.5 Xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật

Xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật là nội dung của hoạt động Tái thẩm, Giám đốc thẩm. Cụ thể:

- Giám đốc thẩm là việc Toà án có thẩm quyền xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật vì phát hiện có vi phạm pháp luật trong việc xử lý vụ án.

- Tái thẩm là việc Toà án có thẩm quyền xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Toà án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó.

2.6 Thi hành án hình sự

Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho Chánh án Tòa án khác cùng cấp để ra quyết định thi hành án. Thời hạn ra quyết định thi hành án là 07 này kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc phẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác thi hành án của Chánh án Tòa án xét xử sơ thẩm thì Chánh án Tòa án được ủy thác phải ra quyết định thi hành án.

Trên đây là giải đáp về Thế nào là vụ án hình sự? Các giai đoạn xét xử vụ án hình sự . Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp cụ thể.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Tài khoản định danh cá nhân dùng thay Sổ hộ khẩu như thế nào?

Tài khoản định danh cá nhân dùng thay Sổ hộ khẩu như thế nào?

Tài khoản định danh cá nhân dùng thay Sổ hộ khẩu như thế nào?

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, Nhà nước dần bãi bỏ các loại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú... để quản lý giấy bằng tờ điện tử. Theo đó, người dân có thể sử dụng tài khoản định danh cá nhân dùng thay Sổ hộ khẩu trong các thủ tục hành chính.