(LuatVietnam) Theo dự thảo Nghị quyết mới về Biểu thuế bảo vệ môi trường, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ tăng lên mức kịch khung, là 4000 đồng/lít, thay cho mức 3000 đồng/lít đang được áp dụng hiện nay.
Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường để lấy ý kiến trong dư luận. Một trong những nội dung nổi bật, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dự thảo này là đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên 4000 đồng/lít, thay cho mức 3000 đồng/lít như hiện nay.
Theo quy định của Luật Thuế bảo vệ môi trường, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là từ 1000 đồng - 4000 đồng/lít. Như vậy, nếu như dự thảo trên được thông qua, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sẽ tăng lên mức kịch khung.
Trước đây, tại Nghị quyết 1269/2011/UBTVQH12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ấn định mức thuế bảo vệ môi trường với xăng ở mức thấp nhất là 1000 đồng/lít; sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết 888a/2015/UBTVQH13, tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên 3000 đồng/lít. Mức thuế này có thể sẽ tiếp tục được tăng lên mức tối đa, là 4000 đồng/lít vào ngày 01/07 năm nay, nếu như dự thảo trên được thông qua.
Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên 4000 đồng/lít
Không chỉ xăng, trong đợt điều chỉnh mới này, mức thuế bảo vệ môi trường của các nhiên liệu khác như dầu diesel, dầu madut, dầu nhờn, mỡ nhờn cũng được đề xuất tăng từ 500 đồng - 1.100 đồng/lít mỗi loại.
Lý giải cho đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu như trên, Bộ Tài chính cho rằng mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước đang được cắt giảm mạnh nên ảnh hưởng tới nguồn từ ngân sách. Mặt khác, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam hiện nay đang thấp hơn so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Trong khi đó, xăng, dầu là sản phẩm chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng đến mức kịch khung là cần thiết.
Với số đông người dân, điều được quan tâm nhất là, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tăng thì giá bán xăng có tăng hay không?
Theo khoản 9, Điều 3 Nghị định 83/2014/NĐ-CP, giá cơ sở của xăng dầu (căn cứ để các cơ quan quản lý Nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước) bao gồm các yếu tố như: Thuế nhập khẩu; Thuế tiêu thụ đặc biệt; Thuế giá trị gia tăng; Thuế bảo vệ môi trường…
Do đó, với vai trò là một yếu tố cấu thành giá cơ sở của xăng dầu, khi thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tăng, thì tất nhiên, giá bán lẻ xăng dầu cũng sẽ tăng.
LuatVietnam