Người thực hiện hành vi trái pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS). Vậy có trường hợp nào người phạm tội bồi thường thiệt hại thì không phải đi tù?
Bồi thường thiệt hại là tình tiết giảm nhẹ TNHS
Về nguyên tắc xử lý người phạm tội, điểm đ khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
Nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.
Dựa trên nguyên tắc này, người phạm tội có ý thức tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại đã gây ra sẽ được xử phạt khoan hồng. Bên cạnh đó, theo Điều 51 Bộ luật Hình sự, việc người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả là một trong những tình tiết giảm nhẹ TNHS.
Theo đó, với trường hợp bị truy cứu TNHS về một tội phạm ít nghiêm trọng (theo Điều 11 tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm), nếu có thêm tình tiết giảm nhẹ, người phạm tội có thể được xem xét áp dụng mức phạt nhẹ hơn như phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ.
Ngoài ra, khi quyết định hình phạt, căn cứ Điều 54 Bộ luật Hình sự, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.
Như vậy, theo quy định trên, nếu người phạm tội chủ động, tự nguyện bồi thường thiệt hại gây ra và có thêm 01 tình tiết giảm nhẹ khác thì có thể sẽ được áp dụng mức phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt với tội mà mình phạm phải.
Bồi thường và hòa giải với người bị hại có thể được miễn TNHS
Khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định như sau:
Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Trong đó, các tội gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác có thể kể đến là: Tội cố ý gây thương tích, Tội trộm cắp tài sản, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tội làm nhục người khác…
Đồng thời, theo khoản 2, 3 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.
Như vậy, không phải lúc nào người phạm tội cũng bị truy cứu TNHS. Nếu đã bồi thường và hòa giải tự nguyện với người bị hại, đồng thời được họ rút yêu cầu khởi tố vụ án hoặc đề nghị miễn TNHS thì vụ án sẽ bị đình chỉ hoặc người phạm tội sẽ được miễn TNHS.
Ví dụ: A và B là hàng xóm, do B thường xuyên hát Karaoke gây mất trật tự nên A đã sang nhà A đập phá, đánh A thương tích 12%. A bị truy cứu TNHS về Tội cố ý gây thương tích.
Tuy nhiên, A đã chủ động bồi thường tổn thất về tài sản, tinh thần và chi phí điều trị cho B. Sau đó, B tự nguyện hòa giải với A, đồng thời làm đơn đề nghị miễn TNHS cho A. Theo Điều 29 Bộ luật Hình sự, A sẽ được miễn TNHS.
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:
1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
Cụ thể, các tội chỉ bị khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại bao gồm: Cố ý gây thương tích; Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh; Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; Vô ý gây thương tích; Vô ý gây thương tích do vi phạm quy tắc nghề nghiệp; Hiếp dâm; Cưỡng dâm; Làm nhục người khác; Vu khống; Xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp.
Theo đó, người thực hiện hành vi vi phạm về một trong các tội trên nhưng không có yêu cầu của người bị hại thì cũng không bị khởi tố.Trên đây là các quy định về: Khi nào bồi thường thiệt hại không phải đi tù? Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.