Cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm giữa các ngân hàng bắt đầu từ tháng 11/2018 và tiếp tục “cam go” hơn trong tháng cuối cùng của năm 2018.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất là 8,6%/năm
Hiện nay, quy định về lãi suất tiền gửi của các ngân hàng được áp dụng theo Quyết định 2173/QĐ-NHNN. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép các ngân hàng được áp dụng mức lãi suất tối đa 1%/năm với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 01 tháng; với tiền gửi kỳ hạn từ 01 tháng đến dưới 06 tháng, lãi suất tối đa là 5,5%/năm. Tuy nhiên, với kỳ hạn từ 06 tháng trở lên, các ngân hàng được tự quyết định.
Trên thực tế, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm tính ở thời điểm đầu tháng 12/2018 đang được hầu hết các ngân hàng duy trì ở mức khá cao. Trong đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng, 24 tháng trở lên ở mức cao nhất do không được Ngân hàng Nhà nước áp mức trần.
Theo khảo sát của vietnambiz vào ngày 3/12/2018, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) có mức lãi suất cao nhất là 8,6%/năm với tiền gửi từ 12 tháng trở lên và không có điều kiện về số tiền gửi; các ngân hàng khác như TP Bank, VIB, PVcomBank cũng áp mức lãi suất từ 8,4%/năm - 8,5%/năm nhưng đặt ra yêu cầu về số tiền gửi…
Các ông lớn khác của ngành ngân hàng như Vietcombank, Techcombank hay Agribank duy trì một mức lãi suất khiêm tốn hơn, khoảng 6,8 - 6,9%/năm với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Nhìn chung, mức lãi suất này hiện nay cao hơn khá nhiều với mặt bằng lãi suất các tháng trước đó.
Cuối năm, lãi suất tiết kiệm ngân hàng đua nhau "nhảy múa" (Ảnh minh họa)
Vì sao các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất tiết kiệm cuối năm?
Ngoài việc tăng lãi suất, thời điểm này, các ngân hàng còn liên tiếp tung ra các chương trình tặng quà, khuyến mãi, cộng lãi suất… để thu hút khách hàng. Sở dĩ, các ngân hàng mạnh tay tăng lãi suất tiền gửi kèm theo nhiều chương trình ưu đãi bởi các ngân hàng phải chịu sức ép từ nhu cầu tín dụng lớn cuối năm.
Đồng thời, sang năm 2019, các ngân hàng sẽ phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn là 40% theo quy định của Thông tư 28/2018/TT-NHNN, trong khi đó, tỷ lệ này ở năm 2018 là 45%. Việc giảm tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn được cho là một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng gấp rút tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút nguồn tiền trong dân khi năm 2019 cận kề.
Theo dự đoán của nhiều chuyên gia tài chính, việc tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm còn có thể được các ngân hàng duy trì trong những ngày gần Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Và trong cuộc đua này, người gửi tiền được hưởng lợi.
Xem thêm:
Lãi suất gửi tiết kiệm của ngân hàng nào cao nhất?
LuatVietnam