Tố cáo là gì?
Theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo 2018, tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của các đối tượng sau đây: Cán bộ, công chức, viên chức; Người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Người không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian là cán bộ, công chức, viên chức; Cơ quan, tổ chức…
-Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực là tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật về quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào về việc chấp hành quy định của pháp luật, trừ hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Tố cáo nặc danh không được định nghĩa trong luật, có thể hiểu là đơn tố cáo không có thông tin, địa chỉ của người tố cáo.
Tố cáo nặc danh sẽ được tiếp nhận, xử lý từ 2019 (Ảnh minh họa)
Theo nguyên tắc, người tố cáo phải ký tên vào đơn tố cáo
Tại Điều 22, 23 Luật Tố cáo 2018, việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan.
Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo. Người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo.
Tố cáo nặc danh có nội dung rõ ràng vẫn được tiếp nhận
Khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo, người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định tại Điều 22 của Luật Tố cáo 2018 thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Tố cáo 2018 trường hợp thông tin tố cáo trên có nội dung rõ ràng, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về người có hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.
Không ít người tố cáo, đặc biệt là tố cáo hành vi tham nhũng, tố cáo các hành vi sai phạm của cán bộ, công chức thường lựa chọn tố cáo nặc danh vì họ sợ bị trả thù, trù dập… nên đây là một quy định rất tiến bộ và được đông đảo người dân ủng hộ.
Xem thêm:
8 điểm khác nhau giữa khiếu nại và tố cáo
Cơ quan nào tiếp nhận đơn tố cáo?
Nhiều điểm mới của Luật Tố cáo 2018 cần biết
Phải xác minh thông tin về người tố cáo trong 10 ngày
Luật Tố cáo 2018: 3 biện pháp bảo vệ người tố cáo
LuatVietnam