Xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường dựa vào căn cứ nào?

Việc xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường là bước quan trọng để xử lý và khắc phục hậu quả và yêu cầu bồi thường từ các bên gây ra thiệt hại. Quy định về xác định thiệt hại này nhằm bảo vệ quyền lợi của các cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng và đảm bảo rằng người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm.

1. Đối tượng xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường

Khoản 12 và khoản 13 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 định nghĩa ô nhiễm môi trường và suy thoái môi trường:

“Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi tính chất vật lý, hóa học, sinh học của thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.”

“Suy thoái môi trường là sự suy giảm về chất lượng, số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.”

Môi trường bị ô nhiễm, suy thoái có thể dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng cho cả con người và tự nhiên. Điều 115 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định những đối tượng cần xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường bao gồm:

Thứ nhất, đối tượng cần xác định thiệt hại là môi trường:

- Thành phần môi trường: Gồm môi trường nước mặt và môi trường đất, những thành phần này chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các nguồn ô nhiễm và suy thoái.

- Hệ sinh thái: Bao gồm rừng (cả trên cạn và ngập mặn), hệ sinh thái san hô, và hệ sinh thái cỏ biển. Các hệ sinh thái này đóng vai trò quan trọng trong duy trì cân bằng sinh thái và bảo vệ đa dạng sinh học.

- Các loài động, thực vật phân bố tại Việt Nam: Các loài bị chết thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục của CITES.

Thứ hai, đối tượng cần xác định thiệt hại là tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và các lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng và tính hữu ích của môi trường thì được xác định theo các quy định của pháp luật về dân sự. 

2. Quy định về xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường

Quy định về xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường
Quy định về xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường (Ảnh minh hoạ)

Một là quy định về việc thu thập dữ liệu và chứng cứ để xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường. Việc thu thập dữ liệu, chứng cứ là công việc có tính chuyên môn cao và đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật tại Điều 116 Nghị định 08/2022/NĐ-CP như sau:

- Hình thức dữ liệu và chứng cứ: có thể bao gồm hình ảnh, băng từ, dữ liệu quan trắc, đo đạc, phân tích, viễn thám, hệ thống thông tin địa lý và các hình thức khác.

- Yêu cầu về dữ liệu và chứng cứ: Dữ liệu và chứng cứ phải đảm bảo tính chính xác và có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Cụ thể, dữ liệu, chứng cứ cần thu thập để xác định thiệt hại của các đối tượng sẽ khác nhau, được tổng hợp trong bảng dưới đây:

Đối tượng

Dữ liệu, chứng cứ cần thu thập

Tổ chức, cá nhân gây ra ô nhiễm, suy thoái môi trường

- Tác nhân gây thiệt hại: Xác định nguồn gây ra ô nhiễm, khu vực bị ảnh hưởng và mức độ xâm hại đến môi trường.

- Thông tin cơ bản về tổ chức, cá nhân liên quan.

- Các dữ liệu và chứng cứ khác.

Môi trường nước bị ô nhiễm, suy thoái

- Hiện trạng môi trường trước ô nhiễm.

- Quyết định, giấy phép sử dụng hoặc quy hoạch sử dụng các thành phần môi trường nước tại nơi xảy ra ô nhiễm.

- Các dữ liệu từ quan trắc, điều tra, thanh tra của cơ quan chức năng liên quan đến môi trường nước.

- Mức độ và phạm vi ô nhiễm nước.

- Chất gây ô nhiễm trong nước: Xác định loại và hàm lượng các chất gây ô nhiễm.

Môi trường đất bị ô nhiễm, suy thoái

- Thông tin về tình trạng môi trường đất trước khi bị ô nhiễm.

- Quyết định, giấy phép sử dụng hoặc quy hoạch sử dụng các thành phần môi trường đất.

- Các dữ liệu từ quan trắc, điều tra, thanh tra của cơ quan chức năng liên quan đến môi trường đất.

- Các tài liệu về điều kiện tự nhiên, quản lý và sử dụng đất, và tài nguyên thiên nhiên liên quan.

- Diện tích và thể tích đất bị ô nhiễm.

- Hàm lượng các chất gây ô nhiễm.

Hệ sinh thái bị suy thoái

- Thông tin về tình trạng hệ sinh thái trước khi bị ô nhiễm.

- Văn bản quản lý của nhà nước: Quy định mức độ bảo tồn của hệ sinh thái tự nhiên.

- Các dữ liệu từ quan trắc, điều tra, thanh tra của cơ quan chức năng liên quan đến hệ sinh thái.

- Bản đồ hiện trạng rừng, cơ sở dữ liệu về diễn biến rừng, thông tin về ô nhiễm môi trường, hiện trạng hệ sinh thái san hô, cỏ biển, và đất ngập nước.

- Dữ liệu về xả thải vào vùng có hệ sinh thái bị ảnh hưởng.

Động vật và thực vật bị suy thoái

- Văn bản quản lý của nhà nước: Danh mục và chế độ quản lý các loài động vật, thực vật.

- Dữ liệu từ quan trắc, điều tra, thanh tra của cơ quan chức năng liên quan đến các loài động vật và thực vật.

- Khu vực bị ảnh hưởng, thời gian và chi phí phục hồi các loài.

Hai là quy định về cách thức, phương pháp xác định thiệt hại theo tại Điều 117 Nghị định 08/2022/NĐ-CP:

 

Đối tượng

Cách thức và phương pháp 

Phạm vi và diện tích môi trường nước bị ô nhiễm

- Điều tra, khảo sát điều kiện tự nhiên và môi trường bị ô nhiễm.

- Sử dụng mô hình thủy động lực học và môi trường để dự đoán và xác định phạm vi ô nhiễm.

- Khảo sát thực địa.

Phạm vi, diện tích, khu vực môi trường đất bị ô nhiễm

- Khảo sát thực địa và đối chiếu với bản đồ hiện trạng sử dụng đất để xác định các khu vực bị ô nhiễm.

- Thu thập và phân tích mẫu đất để xác định các điểm đất bị ô nhiễm.

Phạm vi, diện tích, số lượng, thành phần hệ sinh thái rừng bị suy thoái

- Kết hợp bản đồ hiện trạng rừng và bản đồ ô nhiễm để xác định phạm vi và diện tích rừng bị ảnh hưởng.

- Điều tra thực địa các lô rừng sau sự cố ô nhiễm để xác định số lượng, khối lượng và thành phần rừng bị thiệt hại.

- Trường hợp không có bản đồ hiện trạng, sử dụng cơ sở dữ liệu hệ sinh thái rừng tương đương.

Phạm vi và diện tích hệ sinh thái san hô và cỏ biển bị suy thoái

- Điều tra thực địa thu thập thông tin và tính toán diện tích, độ che phủ của rạn san hô và cỏ biển bị thiệt hại.

- Trường hợp không có bản đồ hoặc dữ liệu hiện trạng, sử dụng cơ sở dữ liệu hệ sinh thái tương đương.

Thiệt hại đối với động vật và thực vật

- Thu thập thông tin thực địa về số lượng và thành phần các loài động vật, thực vật tại khu vực bị ô nhiễm.

- Sử dụng phương pháp đo đếm thực tế, mô hình tính toán và các biện pháp kỹ thuật để đánh giá sự thay đổi về thành phần loài và số lượng cá thể trước và sau khi xảy ra sự cố ô nhiễm.

3. Căn cứ xác định chi phí bồi thường thiệt hại về môi trường là gì?

Căn cứ quy định tại Điều 118 Nghị định 08/2022/NĐ-CP thì thiệt hại của các thành phần môi trường, hệ sinh thái, và loài sinh vật được xác định dựa trên chi phí xử lý, phục hồi môi trường, hệ sinh thái, và bảo tồn, tái thả động vật, thực vật về trạng thái ban đầu hoặc tương đương trước khi xảy ra ô nhiễm, suy thoái.

Căn cứ xác định chi phí bồi thường thiệt hại về môi trường
Căn cứ xác định chi phí bồi thường thiệt hại về môi trường (Ảnh minh hoạ)

Theo đó, dưới đây là các các nguyên tắc cụ thể xác định chi phí bồi thường thiệt hại về môi trường:

- Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm tự thực hiện hoặc thuê đơn vị chuyên nghiệp xử lý và phục hồi môi trường, bảo tồn và tái thả động vật, thực vật về trạng thái ban đầu. Tự chi trả chi phí và có sự giám sát, xác nhận của cơ quan chức năng.

- Nếu tổ chức, cá nhân không thể tự thực hiện, cơ quan nhà nước sẽ tổ chức thực hiện việc xác định chi phí xử lý và phục hồi.

- Khi không xác định được chi phí cụ thể, sử dụng kết quả tính toán thiệt hại của các vụ việc tương đương đã được công nhận hoặc mô phỏng hiện trạng môi trường, hệ sinh thái trước khi xảy ra ô nhiễm để ước tính chi phí phục hồi.

- Hoặc có thể lựa chọn các phương án phù hợp khác theo quy định của pháp luật.

Tóm lại, việc xác định thiệt hại là quá trình phức tạp và quan trọng, đòi hỏi sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng, các chuyên gia và cộng đồng. Các quy định về xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường nêu trên đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn và thực hiện quá trình này, đảm bảo rằng môi trường được bảo vệ và phát triển bền vững.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4

Mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4

Mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4

Trò chơi điện tử trên mạng đang trở nên ngày càng thịnh hành đối với mọi lứa tuổi. Do đó, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã ban hành các quy định dành riêng cho việc cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4 trên mạng cùng với mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4.

Quy chuẩn mới nhất về nhà xưởng và kho chứa hóa chất nguy hiểm doanh nghiệp cần biết

Quy chuẩn mới nhất về nhà xưởng và kho chứa hóa chất nguy hiểm doanh nghiệp cần biết

Quy chuẩn mới nhất về nhà xưởng và kho chứa hóa chất nguy hiểm doanh nghiệp cần biết

Ngày 10/10/2024, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 19/2024/TT-BCT sửa đổi, bổ sung cho Thông tư 48/2020/TT-BCT. Trong đó, doanh nghiệp cần lưu ý một số điểm mới về quy chuẩn đối với nhà xưởng và kho chứa hóa chất nguy hiểm