1. Chất ô nhiễm khó phân hủy là gì? Chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy là gì?
Căn cứ nội dung tại khoản 16 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 thì “Chất ô nhiễm khó phân hủy” được hiểu là loại chất ô nhiễm có độc tính cao, khó được phân hủy, chất này có khả năng tích lũy sinh học và được lan truyền trong môi trường, đồng thời chất ô nhiễm khó phân hủy được xác định là có tác động xấu đến môi trường cũng như sức khỏe con người.
Căn cứ nội dung tại khoản 17 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 thì chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (còn được gọi là các chất POP) được hiểu là loại chất ô nhiễm khó phân hủy được đề cập tại Công ước Stockholm.
2. Yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy
Căn cứ khoản 1 Điều 69 Luật Bảo vệ môi trường 2020, yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy được đề cập như sau:
- Không được sản xuất, xuất nhập khẩu cũng như sử dụng các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và cả những nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, hàng hóa sản phẩm, và thiết bị có chứa chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy nằm trong Phụ lục A Công ước Stockholm mà có hàm lượng chất vượt mức tối đa cho phép, trừ trường hợp đã đăng ký miễn trừ theo Công ước Stockholm;
- Phải thực hiện kiểm soát nguồn phát sinh chất ô nhiễm và công bố những thông tin, dán nhãn, thông tin đánh giá sự phù hợp, kiểm tra đối với chất ô nhiễm khó phân hủy và những nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, hàng hóa sản phẩm, và thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy;
- Chỉ được phép tái chế, tiêu hủy các chất ô nhiễm khó phân hủy và cả những nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, hàng hóa sản phẩm, và thiết bị có chứa chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy vượt giới hạn nếu việc tái chế và tiêu hủy các chất này không dẫn đến thu hồi cho mục đích tái sử dụng, đồng thời phải đáp ứng các điều kiện về bảo đảm bảo vệ môi trường;
- Phải lưu giữ, quản lý, thu hồi cũng như xử lý đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường đối với chất ô nhiễm khó phân hủy và cả những nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, hàng hóa sản phẩm, và thiết bị có chứa chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy vượt giới hạn tối đa (trừ khi các chất này đã qua tái chế, tiêu hủy);
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm báo cáo về chủng loại, cũng như kết quả tính toán lượng chất ô nhiễm bị phát thải ra môi trường không khí, đất, nước theo danh mục và chuyển giao để xử lý, quản lý thông tin, đánh giá cũng như quản lý rủi ro môi trường;
- Đối với các khu vực tồn lưu, bị ô nhiễm bởi các chất ô nhiễm khó phân hủy phải được xác định, đánh giá, cảnh báo rủi ro và đưa ra những đề xuất biện pháp trong quản lý an toàn, xử lý, cũng như cải tạo và phục hồi môi trường.
3. Trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy
Căn cứ khoản 2 Điều 69 Luật Bảo vệ môi trường 2020, có quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy như sau:
- Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy (đã nêu tại phần trên);
- Bộ Tài nguyên & Môi trường có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các Bộ và cơ quan ngang Bộ có liên quan để hướng dẫn, tổ chức thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy; Thực hiện tích hợp thông tin quan trắc đối với các chất ô nhiễm khó phân hủy tại báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan cùng UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với chất ô nhiễm khó phân hủy và cả những nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, hàng hóa sản phẩm, và thiết bị có chứa chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy tùy thuộc vào lĩnh vực và tình hình địa phương;
- Chính phủ có trách nhiệm ban hành quy định chi tiết về bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và cả những nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, hàng hóa sản phẩm, và thiết bị có chứa chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy theo Công ước Stockholm và các điều ước quốc tế khác mà nước ta đang là thành viên.
Trên đây là thông tin về chất ô nhiễm khó phân hủy.