1. Suy thoái môi trường là gì? Ví dụ suy thoái môi trường
Theo quy định tại khoản 13 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 72/2020/QH14 thì khái niệm “suy thoái môi trường” được định nghĩa như sau:
“Suy thoái môi trường là sự suy giảm về chất lượng, số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.”
Trong đó, tại khoản 3 của Điều này giải thích “thành phần môi trường” là yếu tố vật chất tạo thành môi trường gồm đất, nước, không khí, sinh vật, âm thanh, ánh sáng và các hình thái vật chất khác.
Như vậy, có 02 yếu tố dẫn đến suy thoái môi trường. Một là sự suy giảm về chất lượng, số lượng của đất, nước, không khí, sinh vật, âm thanh, ánh sáng và các hình thái vật chất khác là những vật chất tạo nên môi trường. Và hai là sự suy giảm này phải đến mức gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.
Theo đó, dưới đây là một số ví dụ về suy thoái môi trường:
Ví dụ 1: Hành vi khai thác rừng bừa bãi và chuyển đổi đất rừng thành đất nông nghiệp hoặc khu đô thị làm giảm diện tích rừng, mất môi trường sống của nhiều loài động thực vật, gây ra suy giảm đa dạng sinh học.
Ví dụ 2: Hành vi khai thác quá mức nguồn nước ngầm và nước mặt làm giảm lượng nước dự trữ, gây khan hiếm nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày con người và các hoạt động kinh tế.
2. Sự khác nhau giữa ô nhiễm môi trường và suy thoái môi trường
Mặc dù ô nhiễm môi trường và suy thoái môi trường thường bị nhầm lẫn, nhưng chúng có những khác biệt cơ bản. Dưới đây là bảng tổng hợp thể hiện sự khác nhau giữa ô nhiễm môi trường và suy thoái môi trường.
Tiêu chí |
Ô nhiễm môi trường |
Suy thoái môi trường |
Định nghĩa |
Là sự biến đổi tính chất vật lý, hóa học, sinh học của thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên. (Khoản 12 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020) |
Là sự suy giảm về chất lượng và số lượng của các thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên. (Khoản 13 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020) |
Nguyên nhân chính |
Hành vi đưa vào môi trường những chất gây ô nhiễm, chất độc hại, làm nhiễm bẩn các thành phần môi trường. |
Hành vi khai thác và sử dụng quá mức các thành phần môi trường dẫn đến làm suy giảm, cạn kiệt các nguồn tài nguyên. |
Phạm vi ảnh hưởng |
Thường là cục bộ và tập trung vào một hoặc vài yếu tố môi trường (không khí, nước, đất). |
Rộng lớn và toàn diện hơn, ảnh hưởng đến nhiều thành phần môi trường và hệ sinh thái. |
Biện pháp khắc phục |
Làm sạch môi trường, thu gom, xử lý chất thải, làm loãng độ độc hại của các chất gây ô nhiễm. |
Khôi phục chất lượng và số lượng các thành phần môi trường, gây nuôi các hệ động, thực vật rừng, cải tạo đất. |
Tuy nhiên cần lưu ý, có tột số thành phần môi trường có thể bị ô nhiễm đồng thời bị suy thoái như môi trường nước, môi trường đất.
Ví dụ: Con người xả thải công nghiệp không qua xử lý, nước thải sinh hoạt, nông nghiệp chứa hóa chất làm nước sông, hồ bị ô nhiễm, chất lượng nước giảm sút, mất khả năng sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất. Hậu quả là gây bệnh tật cho con người và động vật, ảnh hưởng đến hệ sinh thái nước và giảm nguồn nước ngọt.
3. Nguyên nhân và biểu hiện của suy thoái môi trường
3.1 Nguyên nhân của suy thoái môi trường
Nguyên nhân của suy thoái môi trường có thể được phân thành hai nhóm chính: nguyên nhân chủ quan do con người gây ra và nguyên nhân khách quan do tự nhiên gây ra.
Thứ nhất, về nguyên nhân chủ quan có thể kể đến:
Khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên: Khai thác rừng không bền vững, khai thác mỏ, và sử dụng quá mức tài nguyên nước là những nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái môi trường. Việc chặt phá rừng làm giảm diện tích rừng, gây xói mòn đất và làm giảm khả năng hấp thụ nước, dẫn đến sự suy thoái hệ sinh thái rừng.
Sử dụng hóa chất trong nông nghiệp: Lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu trong nông nghiệp làm mất cân bằng hệ sinh thái và ô nhiễm nguồn nước, gây ra suy thoái đất, giảm năng suất nông nghiệp.
Đô thị hóa và công nghiệp hóa: Đô thị hóa nhanh chóng dẫn đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên đất nông nghiệp, làm mất diện tích đất canh tác và phá hủy hệ sinh thái tự nhiên. Công nghiệp hóa gây ra ô nhiễm không khí, nước và đất do phát thải các chất thải công nghiệp, làm giảm chất lượng môi trường sống.
Phát thải khí nhà kính: Các hoạt động công nghiệp, giao thông và năng lượng thải ra khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, dẫn đến sự thay đổi về nhiệt độ, lượng mưa và mực nước biển, ảnh hưởng tiêu cực đến các hệ sinh thái.
Thứ hai, nguyên nhân khách quan bao gồm: các hiện tượng tự nhiên như phun trào núi lửa, cháy rừng, động đất, lũ lụt, bão, mưa a xít...
3.2 Biểu hiện của suy thoái môi trường
Suy thoái môi trường thể hiện qua sự giảm sút dần giá trị sinh thái của các thành tố môi trường, làm mất đi các chức năng cơ bản của chúng. Một số biểu hiện cụ thể bao gồm:
Mất rừng và suy giảm đa dạng sinh học: Khai thác rừng bừa bãi và chuyển đổi đất rừng thành đất nông nghiệp hoặc khu đô thị làm giảm diện tích rừng, mất môi trường sống của nhiều loài động thực vật, gây ra suy giảm đa dạng sinh học.
Suy thoái đất: Xói mòn, sa mạc hóa và giảm độ phì nhiêu của đất do sử dụng quá mức phân bón và thuốc trừ sâu, làm năng suất nông nghiệp bị suy giảm.
Cạn kiệt nguồn nước: Khai thác quá mức nguồn nước ngầm và nước mặt làm giảm lượng nước dự trữ, gây khan hiếm nước, ảnh hưởng đến đời sống con người và các hoạt động kinh tế.
Ô nhiễm không khí và nước: Các hoạt động công nghiệp, giao thông và sinh hoạt hàng ngày thải ra các chất ô nhiễm như khí thải, hóa chất độc hại vào không khí và nước, làm giảm chất lượng môi trường sống và gây hại cho sức khỏe con người.
Biến đổi khí hậu: Hiện tượng nóng lên toàn cầu, thay đổi về lượng mưa và mực nước biển do phát thải khí nhà kính, ảnh hưởng tiêu cực đến các hệ sinh thái và làm gia tăng tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan.
4. Hậu quả của suy thoái môi trường là gì?
Suy thoái môi trường kéo theo nhiều hậu quả nghiêm trọng, gây tác động tiêu cực đến cả tự nhiên và con người. Cụ thể, Điều 130 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định những thiệt hại mà suy thoái môi trường gây ra bao gồm:
- Sự giảm sút chức năng và tính hữu dụng của môi trường.
- Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, cũng như tài sản và quyền lợi hợp pháp của các tổ chức và cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng và tính hữu dụng của môi trường.
Trên đây là nội dung giải đáp chi tiết suy thoái môi trường là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và hậu quả của suy thoái môi trường.