Pháp chế doanh nghiệp: 5 thông tin cần biết

Trước khi trở thành một chuyên viên pháp chế doanh nghiệp, sinh viên luật cần có cái nhìn tổng quan nhất về ngành, nghề này. Bài viết sau đây sẽ điểm qua những thông tin cần biết về pháp chế doanh nghiệp.

1. Pháp chế doanh nghiệp là gì?

Pháp chế doanh nghiệp được hiểu đơn giản là vị trí có chức năng tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, tham mưu, tư vấn về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và các công việc khác liên quan đến pháp luật trong doanh nghiệp.

Pháp chế doanh nghiệp được xác định là công việc mang tính chuyên môn cao, phải giao cho nhân sự chuyên trách, thì mới bảo đảm chất lượng của công việc, hạn chế thấp nhất rủi ro pháp, tăng tối đa hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp.

Ở doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường chỉ cần một đến hai nhân viên phụ trách pháp chế, có thể kiêm nhiệm công tác nhân sự, công tác hành chính hoặc trợ lý kinh doanh.

Ngược lại, ở các doanh nghiệp có quy mô lớn, công tác pháp chế thường được giao cho một bộ phận, phòng/ban, được phụ trách bởi một nhóm người, tổ chức phân cấp, phân công rõ ràng về công việc, không kiêm nhiệm các công việc khác ngoài chuyên môn.

Pháp chế doanh nghiệp - nghề
Pháp chế doanh nghiệp - nghề "gác cổng" cho doanh nghiệp (Ảnh minh họa) 

2. Vai trò của pháp chế doanh nghiệp

Có thể thấy rõ nhất vai trò của pháp chế doanh nghiệp thấy trên 03 phương diện sau:

- Tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo doanh nghiệp trong việc xây dựng, bổ sung, sửa đổi điều lệ doanh nghiệp, xây dựng và ban hành nội dung, quy chế của doanh nghiệp, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Đại diện pháp lý cho doanh nghiệp: Tổ chức pháp chế thay mặt cho chủ doanh nghiệp tham gia giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người lao động; tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện pháp lý theo ủy quyền của chủ doanh nghiệp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp và người lao động.

- Quản trị rủi ro cho doanh nghiệp: Trong đó dự báo, đánh giá và kiểm soát rủi ro là quan trọng, đặc biệt là khi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế bởi lợi nhuận càng cao rủi ro càng lớn.

Bởi vậy, vai trò của bộ phận pháp chế vô cùng quan trọng, nhằm dự báo, đánh giá, kiểm soát rủi ro trong môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đảm bảo an toàn pháp lý trong hoạt động của mình.

3. Pháp chế doanh nghiệp là làm gì?

3.1. Tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp

Tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp là công việc thường xuyên và phổ biến nhất của bộ phận pháp chế, không chỉ tư vấn cho người điều hành, chủ doanh nghiệp mà còn cho các phòng ban và nhân sự của doanh nghiệp.

Các vấn đề mà pháp chế doanh nghiệp tư vấn có thể trải rộng từ thuế, tài chính, tài sản, chứng khoán, đầu tư, đến lao động, tiền lương,... Có thể nói, pháp chế doanh nghiệp tư vấn cho mọi vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp.

3.2. Tư vấn nội bộ tại doanh nghiệp

Thông thường, mỗi doanh nghiệp đều xây dựng bộ quy định nội bộ để quản lý nhân sự, đảm bảo tất cả mọi người hoạt động một cách có kỷ luật, có tổ chức và theo đúng quy định pháp luật. Pháp chế doanh nghiệp sẽ là người thực hiện việc tư vấn, hỗ trợ nhà quản lý xây dựng bộ quy định này.

Đồng thời họ sẽ kiểm tra, giám sát cá nhân, phòng ban trong việc thực hiện các quy định.

Ngoài ra, còn có một số hoạt động mà bộ phận Pháp chế doanh nghiệp sẽ phải tư vấn và hỗ trợ như: tổ chức lấy ý kiến cho việc ra quyết định trong doanh nghiệp, hỗ trợ tư vấn trong việc thử việc, ký kết, thực hiện, chấm dứt hợp đồng lao động, thực hiện chế độ bảo hiểm, phúc lợi cho người lao động, thực hiện các thủ tục hành chính về lao động,…

3.3. Tư vấn hợp đồng

Bộ phận pháp chế doanh nghiệp sẽ tư vấn, soạn thảo hoặc hỗ trợ soạn thảo các dự thảo hợp đồng phục vụ cho toàn bộ các hoạt động kinh doanh, giao dịch của doanh nghiệp.

Nhân viên pháp chế phụ trách chính trong việc thực hiện các thủ tục, đàm phán xử lý việc sửa đổi, chuyển nhượng hợp đồng, giải quyết các vấn đề phát sinh, chấm dứt, thanh lý hợp đồng.

Họ cũng phải rà soát, hiệu chỉnh các bản dự thảo hợp đồng do các đối tác, khách hàng, các bộ phận chuyên môn trình lên cho nhà quản lý nhằm đảm bảo các hợp đồng đó không vi phạm các quy định của pháp luật, giảm thiểu rủi ro pháp lý. 

3.4. Tư vấn, đại diện cho doanh nghiệp tham gia giải quyết tranh chấp

Pháp chế doanh nghiệp có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ, tư vấn cho doanh nghiệp có khởi kiện hay không, tư vấn phương án, lập tờ trình xin ý kiến về việc khởi kiện; chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, soạn thảo đơn khởi kiện, các giấy tờ, tài liệu cần ký để kèm theo đơn khởi kiện; nộp hồ sơ khởi kiện, thực hiện các thủ tục để Tòa án/Trọng tài thương mại thụ lý vụ tranh chấp…

3.5. Công việc pháp chế khác liên quan

Ngoài các công việc trên thì pháp chế doanh nghiệp cũng đại diện thực hiện các thủ tục liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp như xin giấy phép con, đăng ký nhãn hiệu, logo…

Xem thêm: Công việc của pháp chế doanh nghiệp là gì?

4. Yêu cầu cơ bản của pháp chế doanh nghiệp

4.1. Trình độ chuyên môn

Cần phải nắm vững các kiến thức cơ bản của pháp luật theo tiêu chuẩn đào tạo ngành Luật của các trường đại học.

Cụ thể là kiến thức luật về doanh nghiệp, thuế, hợp đồng, tài sản… Đồng thời, cũng phải nắm rõ hệ thống các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, gồm các điều luật, các văn bản hướng dẫn thi hành, thực hiện thủ tục pháp lý.

Khi đi làm, doanh nghiệp hoạt động trong ngành, nghề nào thì phải tìm hiểu, nghiên cứu thêm pháp luật quy định cụ thể về ngành nghề đó.

4.2. Kỹ năng nghề nghiệp

Kỹ năng tư vấn pháp luật: Đây là công việc phổ biến và thường xuyên của bộ phận pháp lý doanh nghiệp nên bạn cần luyện tập nó thật tốt. Đầu tiên, bạn phải chú ý đến kỹ năng giao tiếp của bản thân, đảm bảo truyền đạt thông tin một cách dễ hiểu, đầy đủ nhưng không lan man, dài dòng. Bên cạnh đó phải nắm rõ các điều luật trong và ngoài doanh nghiệp để tư vấn một cách chính xác.

Kỹ năng soạn thảo văn bản: Đặc trưng của pháp luật và các điều lệ đó chính là sự rắc rối, khó hiểu. Do đó, người làm pháp chế doanh nghiệp cần có kỹ năng soạn thảo văn bản một cách dễ hiểu, cô đọng. Bởi vì, các bên liên quan như doanh nghiệp, khách hàng, đối tác không phải ai cũng có thể nắm hết được các điều khoản, điều luật rắc rối. Điều này sẽ gây khó khăn và mất thời gian trong quá trình ký kết hợp đồng và làm việc giữa các bên.

Kỹ năng đàm phán hợp đồng: Một lỗi thường gặp của các luật sư hoặc người làm pháp lý đó là “mau nói, chậm nghe”. Tức là họ chưa lắng nghe tận tường các ý kiến của đồng nghiệp, đối tác mà đã phản bác, đưa ra ý kiến trái chiều. Do đó, bạn cần chú ý khi đàm phán hợp đồng thì cần bình tĩnh, lắng nghe đầy đủ các ý kiến, cẩn thận ghi nhớ hoặc ghi chép để tìm ra luận điểm phù hợp, thuyết phục nhất.

Kỹ năng xây dựng văn bản chế độ: Văn bản chế độ được hiểu là pháp luật của riêng doanh nghiệp đó, bao gồm các quy định, quy chế, quy trình áp dụng cho toàn thể cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp. Để việc điều hành, quản lý doanh nghiệp được hiệu quả, có trật tự, đi đúng với pháp luật hiện hành thì người làm pháp chế doanh nghiệp phải có đầu óc biết xây dựng văn bản chế độ phù hợp, chắc chắn, không có kẽ hở, đảm bảo hạn chế rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp.

Kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức công việc: Để đảm bảo hoàn thành tốt và đầy đủ mọi công việc về mặt pháp lý của doanh nghiệp thì người làm pháp lý doanh nghiệp chắc chắn phải có kỹ năng lập kế hoạch tốt. Đặc biệt là tại các thời điểm doanh nghiệp gặp nhiều vấn đề rắc rối liên quan, nếu không biết cách sắp xếp, tổ chức công việc tốt thì bạn khó mà hoàn thành hết những nhiệm vụ pháp chế.

Kỹ năng giao tiếp và tâm lý học: Hai kỹ năng này đặc biệt quan trọng đối với việc tư vấn pháp lý và đàm phán trong các cuộc tranh chấp. Bạn phải biết cách lắng nghe, mềm mại và cứng rắn đúng chỗ, với từng đối tượng để đảm bảo truyền đạt thông tin hiệu quả và được chấp thuận ý kiến đưa ra.

Khả năng ngoại ngữ và tin học: Đối với vị trí pháp chế doanh nghiệp thì bạn sẽ cần đến ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh khi giải quyết các vấn đề với đối tượng là người nước ngoài. Nếu làm tại các doanh nghiệp đa quốc gia thì tiếng Anh là điều kiện bắt buộc. Bên cạnh đó, bạn cũng phải có kỹ năng tin học văn phòng để soạn thảo các văn bản cần thiết liên quan đến pháp chế…

5. Pháp chế doanh nghiệp lương bao nhiêu?

Theo tìm hiểu, mức lương trung bình của nhân viên pháp chế doanh nghiệp tại Việt Nam:

  • Rơi vào khoảng hơn 12 triệu đồng/tháng. Mức lương thấp nhất là khoảng 06 triệu đồng/tháng. Mức lương sẽ tùy vào năng lực và doanh nghiệp mà bạn làm việc.

  • Các giám đốc pháp chế tại các doanh nghiệp, tập đoàn, quản lý bộ phận pháp chế, thu nhập có thể trên 50 triệu đồng mỗi tháng, thậm chí là 100 triệu đồng/tháng, bao gồm các khoản tiền thưởng theo kỳ, không tính các khoản thưởng đột xuất.

Nhìn chung, người làm pháp chế càng có kinh nghiệm thì thu nhập sẽ càng cao và thu nhập tăng lên rất nhanh theo số năm kinh nghiệm, độ khó của công việc đảm nhận, trách nhiệm ở vị trí công việc được giao.

Để biết chi tiết, sinh viên Luật nên tham gia các khóa học về đào tạo kỹ năng pháp chế doanh nghiệp tại Học viện đào tạo pháp chế ICA - khóa học do LuatVietnam đồng hành tổ chức thực hiện.

Liên hệ: 

Fanpage: https://www.facebook.com/phapche.edu.vn

Website: https://phapche.edu.vn/

Hotline: 0564.646.646
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4

Mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4

Mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4

Trò chơi điện tử trên mạng đang trở nên ngày càng thịnh hành đối với mọi lứa tuổi. Do đó, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã ban hành các quy định dành riêng cho việc cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4 trên mạng cùng với mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4.