Bên cạnh các chiêu trò lừa đảo qua mạng như xem tiktok kiếm tiền, làm cộng tác viên mua hàng ảo ăn hoa hồng,… thì chiêu trò “nạp tiền giật đơn hàng ảo” xuất hiện thời gian gần đây cũng khiến không ít người rơi vào bẫy “việc nhẹ lương cao”.
1. Nạp tiền giật đơn hàng ảo: Cẩn thận trắng tay!
Lướt web, đọc báo, xem youtube… không khó để bắt gặp các tin quảng cáo nổi bật với lời mời chào đầy hấp dẫn như “Đảm bảo thu nhập ổn định, đầu tư không rủi ro, không cần đặt cọc trước vẫn kiếm được tiền trăm/triệu mỗi ngày…”. Thế nhưng, đây thực tế chỉ là những “miếng mồi ngon” mà các đối tượng lừa đảo thả ra chờ “con mồi” cắn câu.
Đối tượng lừa đảo thường nhắm tới những người đang có thời gian rảnh rỗi, người làm nội trợ hoặc những người đã có tuổi thiếu kiến thức về kinh tế, cũng như kinh nghiệm sử dụng mạng, thiếu sự cảnh giác và đặc biệt là nhẹ dạ cả tin.
Bước 01:
Thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok… các đối tượng lừa đảo đăng tin quảng cáo (giới thiệu các ứng dụng của mình có liên kết các sàn giao dịch Thương mại điện tử Shopee, Lazada… để tăng uy tín) trên các nhóm tìm việc online hoặc bình luận ở dưới các bài viết có lượt tương tác cao hoặc cài bài quảng cáo công khai trên các website, video…
Bước 02:
Người dùng phải đăng ký tài khoản trên ứng dụng, giới thiệu người khác tham gia và "giật" đơn hàng ảo (quay số để mở đơn hàng) để hưởng hoa hồng trên tổng số tiền đầu tư. Số tiền kiếm được của người dùng sẽ tỷ lệ thuận với giá trị các gói đầu tư của họ theo quy định của hệ thống.
Bước 03:
Thời gian đầu, người chơi có thể rút thành công tiền mặt. Càng về sau, hệ thống bắt đầu đưa ra các quy tắc mới hoặc yêu cầu nạp thêm tiền. Khi đã kiếm được số tiền lớn, nhóm lừa đảo không cho người chơi rút tiền đã đầu tư, đồng thời chiếm đoạt luôn số tiền này.
Như vậy, thực tế sẽ chẳng có công việc dễ dàng như những lời quảng cáo kia cả, nếu nhẹ dạ cả tin, người chơi có thể phải chịu cái kết đắng.
2. Dấu hiệu nhận biết các web, app lừa đảo để tránh bị sập bẫy
Có thể thấy, hầu hết các hành vi lừa đảo đều đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh với một công việc đơn giản của người chơi. Do đó, khi được mời tham gia đầu tư, người chơi cần hết sức tỉnh táo và tìm hiểu kỹ về các thông tin liên quan đến website, các ứng dụng để xác thực độ tin cậy.
Một số dấu hiệu nhận biết các ứng dụng, website lừa đảo như:
- Các ứng dụng, website có tên miền không phổ biến như “.xyz”, “.work”, .cc… hoặc gồm các chuỗi ký tự, con số không có ý nghĩa như 6868, 999, 888…
- Webite có giao diện đơn giản, không có phần thông tin liên hệ rõ ràng, ngôn ngữ lập trình giao diện không được tối ưu cho nhiều thiết bị mà chỉ phát triển trên nền tảng HTML cho máy tính.
- Một số website còn bị các phần mềm diệt virus cảnh báo do thiếu chức năng bảo mật, chứa các ứng dụng nguy hiểm…
Thời gian vừa qua, cơ quan Công an cũng đã triệt phá đường dây thành lập các sàn giao dịch tiền ảo là Rforex.com, Yaibroker, Vistaforex, Exswis. Ngoài ra, một số app lớn bị sập gần đây là Coolcat, Busstrade và Pchome. Các website, ứng dụng này đều có chung hình thức kêu gọi nộp tiền đầu tư, hưởng lãi cao sau đó biến mất.
3. Bị sập bẫy lừa đảo, làm sao để lấy được tiền?
Ngay khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo hoặc đã trở thành nạn nhân của chiêu lừa đảo “nạp tiền giật đơn hàng ảo” cần báo ngay cho cơ quan chức năng để được giải quyết kịp thời. Hoặc, có thể liên hệ qua tổng đài 1900.6192 của LuatVietnam để được hướng dẫn cụ thể cách lấy lại tiền khi bị lừa đảo.
Theo đó, nạn nhân có thể tố giác tội phạm cho cơ quan Công an theo các hình thức sau:
- Đến trực tiếp cơ quan Công an xã, phường nơi mình cư trú, hồ sơ cần chuẩn bị gồm: Đơn tố cáo, chứng cứ chứng minh về việc bị lừa đảo, giấy tờ tùy thân…
- Tin báo về tội phạm lừa đảo thông qua đường dây nóng của cơ quan Công an:
+ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: Hotline 069.219.4053;
+ Tại Hà Nội: Gọi đến số 113;
+ Tại TP. Hồ Chí Minh: Gọi về đường dây nóng 02838.413.744 hoặc 0693.187.680…
Về mức phạt dành cho các đối tượng lừa đảo, những người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 174 Bộ luật Hình sự:
Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trên đây là nội dung về chiêu trò lừa đảo nạp tiền giật đơn hàng ảo mọi người dân cần cảnh giác. Để được tư vấn, giải đáp về các vấn đề liên quan đến lừa đảo qua mạng, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ cụ thể.