Lừa đảo sàn tiền ảo: Cảnh báo 3 “bẫy” đánh sập nhà đầu tư

Hiện, nhiều nhà đầu tư đổ xô bỏ tiền ra đầu tư tiền ảo. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều kẻ núp bóng nhằm lừa đảo sàn tiền ảo. Dưới đây là chi tiết 03 chiêu trò phổ biến về hình thức lừa đảo qua mạng này.

1. Điểm mặt 3 thủ đoạn lừa đảo sản tiền ảo phổ biến nhất

Trên thị trường hiện nay xuất hiện rất nhiều kẻ lừa đảo sàn tiền ảo với các thủ đoạn tinh vi, lợi dụng công nghệ cao, mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Trong đó, có thể kể đến 03 chiêu trò phổ biến sau đây.


1.1 Thủ đoạn 1: Kinh doanh đa cấp tiền ảo biến tướng

Đây là một trong những biến tướng của hình thức lừa đảo bán hàng đa cấp vẫn là điểm nhức nhối từ trước đến giờ chỉ khác là hiện tại nó được phát triển dưới vỏ bọc của dự án đầu tư.

Theo đó, những kẻ lừa đảo thường sẽ mời chào trên các nhóm môi giới đầu tư của Facebook, Zalo… hoặc tổ chức các cuộc hội thảo miễn phí vé tham gia, thậm chí còn tổ chức các vòng quay may mắn, người tham gia chơi có thể trúng thưởng hoặc được tặng quà khi tham gia.

Đặc biệt, các đối tượng này thường xây dựng cho bản thân bằng các hình ảnh đi xe sang, mua biệt thự, du lịch nước ngoài, đi ăn đi uống ở những nhà hàng, khách sạn hạng sang… và kêu gọi, huy động vốn của các nhà đầu tư.

Không chỉ thế, các đối tượng lừa đảo còn hứa hẹn sẽ trả lợi nhuận cực cao, có khi lên đến 50% số tiền đã đầu tư. Đồng thời, kẻ lừa đảo còn kêu gọi các nhà đầu tư rủ rê bạn bè, người thân, đồng nghiệp… cùng tham gia đầu tư và nhận hoa hồng, chiếu khấu khủng khiếp có khi lên đến 20-30%.

Chính bởi các chiêu trò và hứa hẹn cùng với việc tạo hình ảnh của người thành đạt, giàu có… nên không ít các đối tượng đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người tham gia để huy động vốn. Đến một thời điểm nào đó, bọn chúng sẽ tự đánh sập dự án và bỏ trốn cùng số tiền đã huy động của những nhà đầu tư trên.

lua dao san tien ao


1.2 Thủ đoạn 2: Thông qua sàn giao dịch quyền chọn nhị phân

Không chỉ lừa đảo bằng việc “vẽ” ra các dự án ma và kêu gọi đầu tư, kẻ lừa đảo còn lừa đảo sản tiền ảo thông qua sàn giao dịch quyền chọn nhị phân. Khác với thủ đoạn lừa đảo trên, ở hình thức này, kẻ lừa đảo sẽ mở một sàn giao dịch không đăng ký kinh doanh các sản phẩm mà thực hiện dưới dạng đầu tư tài chính.

Ở thủ đoạn này, kẻ lừa đảo thường tạo ra các sàn giao dịch đầu tư tài chính nhưng không đăng ký kinh doanh và cũng không có trụ sở tại Việt Nam. Đồng thời, các thông tin khác như người đứng đầu, địa chỉ… cũng là một “ẩn số”.

Không chỉ vậy, các đối tượng lừa đảo còn lập một đội chuyên đọc lệnh, lập nhiều nhóm trên mạng xã hội chia sẻ kinh nghiệm đầu tư và thường xuyên đăng ảnh nhận lãi khủng, mua nhà, mua xe nhằm lôi kéo những người không rành về tài chính, những người lớn tuổi hay người sống ở các vùng nông thôn…

Bằng các thủ đoạn đó, chúng giới thiệu sàn đầu tư tài chính với hình thức chơi chủ yếu là dự đoán về các giao dịch liên quan đến tiền ảo, cổ phiếu… thông qua các lệnh như mua - bán, lên - xuống, xanh - đỏ…

Thủ đoạn này tương tự như những trò tài xỉu online hoặc cá cược bóng đá online. Người chơi sẽ có một khoảng thời gian để lựa chọn và nếu thắng thì sẽ nhận về đến 95% số tiền đặt cược, nếu thua thì sẽ mất hết tất cả số tiền đã cược trước đó.

Có thể thấy, đây là một hình thức lừa đảo vô cùng tinh vi. Kẻ lừa đảo lợi dụng tâm lý thắng thua, đam mê bài bạc của các nạn nhân cùng với cam kết trả lợi nhuận cao thậm chí có thể rút vốn cũng như lãi bất cứ lúc nào để dụ dỗ, lôi kéo người chơi thực hiện đầu tư vào sàn giao dịch.

Sau khi đã thu hút được một số lượng lớn người chơi nạp tiền vào sàn, bọn chúng sẽ lợi dụng công nghệ cao để can thiệp vào hệ thống xử lý các lệnh giao dịch, chiếm quyền của các tài khoản của người chơi và đánh sập sàn giao dịch, chiếm đoạt tiền của các nạn nhân. 

lua dao san tien ao 1


1.3 Thủ đoạn 3: Tặng tiền ảo

Ngoài hai thủ đoạn lừa đảo sàn tiền ảo nêu trên, thời gian gần đây lại rộ lên chiêu thức lừa đảo mới là tặng tiền ảo.

Ở chiêu trò này, kẻ lừa đảo thường giả danh CEO của các dự án coin lớn, yêu cầu người dùng gửi tiền ảo vào ví để nhận lãi khủng. Đặc biệt, số coin này sẽ không thể quy thành tiền hay bất cứ loại tài sản nào khác.

Tuy nhiên, sau khi người chơi đã gửi tiền thành công, các đối tượng sẽ thông báo hệ thống lỗi và nạn nhân sẽ không nhận được tiền lãi cũng như có nguy cơ mất toàn bộ số tiền đã nạp trước đó.

Nếu nhận ra dấu hiệu lừa đảo, nạn nhân muốn bán toàn bộ coin có trong ví của mình thì cũng sẽ phát hiện toàn bộ số tiền trong ví đã biến mất và không thể thực hiện được bất kỳ giao dịch nào. 
lua dao san tien ao 2

>> Gọi ngay tổng đài  1900.6192  để được giải thích rõ hơn về các chiêu trò lừa đảo sàn tiền ảo.


2. 3 nguyên tắc cần nhớ để tránh bị lừa đảo sàn tiền ảo

Mặc dù hiện tại người dân đã trang bị cho mình rất nhiều kiến thức để phòng, chống lừa đảo nhưng các thủ đoạn lừa đảo trong đó có lừa đảo sàn tiền ảo càng ngày càng tinh vi. Do đó, để tránh sập bẫy các chiêu trò lừa đảo này, mỗi người cần lưu ý những vấn đề sau đây:


2.1 Đầu tư tiền ảo tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, kinh doanh tiền ảo không thuộc hệ thống ngành, nghề kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020 cũng không liệt kê đầu tư tiền ảo là ngành, nghề kinh doanh bị cấm đầu tư.

Ngoài ra, tại Chỉ thị 10/CT-TTg, Thủ tướng yêu cầu ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an… ngăn chặn, xử lý giao dịch liên quan đến tiền ảo trái luật.

Có thể thấy, hiện pháp luật Việt Nam không cấm đầu tư tiền ảo nhưng cũng không liệt kê đây là ngành, nghề kinh tế của Việt Nam. Và điều đáng nói là, pháp luật hiện không có quy định cụ thể về hình thức đầu tư tiền ảo này. Do đó, khi đầu tư, các nhà đầu tư sẽ chịu rất nhiều rủi ro khi chưa có quy định điều chỉnh về vấn đề này.

Theo đó, khi người chơi gặp bất cứ rủi ro gì trong quá trình chơi thì cũng khó được pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích.

Không chỉ vậy, khi phát hành, sử dụng các phương thức thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng theo điểm d khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP.

Nếu mức độ vi phạm nặng hơn, căn cứ Điều 206 Bộ luật Hình sự, người phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo không hợp pháp còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng với mức phạt tù lên đến 20 năm.

Ngoài ra, khi thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người vi phạm còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 174 Bộ luật Hình sự:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

lua dao san tien ao


2.2 Lưu ý nhất định phải nhớ khi đầu tư tiền ảo

Thứ nhất: Cần kiểm tra tính pháp lý của các dự án đầu tư, sàn giao dịch đầu tư tài chính hay các công ty về đầu tư tài chính như: Doanh nghiệp tên là gì? Có đăng ký kinh doanh không? Có trụ sở tại Việt Nam không? Có ký hợp đồng đầu tư tài chính với người chơi không…

Khi đảm bảo được đầy đủ các yếu tố về pháp lý thì sau này khi có tranh chấp, nhà đầu tư mới có thể được pháp luật bảo vệ.

Thứ hai: Tuyệt đối không tin tưởng và đầu tư vào các dự án có cam kết lợi nhuận cao khủng khiếp. Bởi việc đầu tư và sinh lời dựa vào nhiều yếu tố để nhận được lợi nhuận. Do đó, lợi dụng tâm lý muốn làm giàu nhanh chóng, kẻ lừa đảo thường cam kết mức lãi suất cao.

Có thể thấy, đây hoàn toàn là một trong những chiêu trò lừa đảo, bịa đặt nhằm chiếm đoạt tài sản. Do đó, khi muốn đầu tư, tuyệt đối không được quá tin tưởng vào những lời chào mời về mức lợi nhuận, lãi suất của dự án mà phải tìm hiểu kỹ hệ thống vận hành cũng như cách mà các dự án sinh ra lợi nhuận.


2.3 Bị lừa đảo sàn tiền ảo, phải làm sao?

Các đối tượng lừa đảo sàn tiền ảo thường lợi dụng mạng xã hội hoặc chạy quảng cáo trên các nền tảng tìm kiếm thông dụng như Google, Yahoo… để dụ dỗ, lôi kéo người chơi nhằm chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Do đó, khi bị lừa đảo, nạn nhân có thể thực hiện như sau:

- Tố cáo qua đường dây nóng của công an địa phương: Ví dụ tại TP. Hồ Chí Minh, người bị lừa đảo qua mạng có thể tố cáo qua đường dây nóng 02838.413.744 hoặc 0693.187.680; đường dây nóng 113 nếu ở TP. Hà Nội hoặc số 069.219.4053 của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

- Làm đơn tố cáo gửi đến công an nơi thường trú hoặc nơi tạm trú để được giải quyết. Theo đó, cần chuẩn bị đơn tố cáo; giấy tờ, chứng cứ chứng minh bị lừa đảo, giấy tờ nhân thân của nạn nhân…

Trên đây là thông tin LuatVietnam cung cấp về chiêu trò lừa đảo sàn tiền ảo. Nhìn chung, đây là vấn đề khá phức tạp, nếu tình huống của bạn phức tạp và cần có sự tư vấn, giải đáp chi tiết của chuyên gia pháp lý, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Tháng 8/2022, LuatVietnam triển khai chuyên đề pháp luật Lừa đảo qua mạng, giúp cộng đồng nêu cao tinh thần cảnh giác đối với các hành vi lừa đảo trên môi trường mạng hiện nay. Xem chi tiết tại đây.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Dính bẫy công việc tải app: Việc nhẹ lương cao, có ngày “tay trắng”

Dính bẫy công việc tải app: Việc nhẹ lương cao, có ngày “tay trắng”

Dính bẫy công việc tải app: Việc nhẹ lương cao, có ngày “tay trắng”

“Tải app kiếm tiền - thu nhập khủng dễ dàng tại nhà” là một trong số những lời mời gọi đầy hấp dẫn xuất hiện phổ biến trên các trang mạng xã hội hiện nay. Thế nhưng, do chưa tìm hiểu kỹ về công việc online này và thiếu kinh nghiệm sử dụng mạng, đã có không ít người bị sập bẫy lừa đảo. Bài viết dưới đây của LuatVietnam sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về công việc tải app và các chiêu trò lừa đảo qua mạng.

Lừa đảo chốt đơn ảo: Nhận diện chiêu trò lừa đảo và cách xử lý

Lừa đảo chốt đơn ảo: Nhận diện chiêu trò lừa đảo và cách xử lý

Lừa đảo chốt đơn ảo: Nhận diện chiêu trò lừa đảo và cách xử lý

Cùng với sự phát triển của các sàn thương mại điện tử (TMĐT), đã có nhiều hình thức lừa đảo qua mạng xuất hiện. Trong đó, phổ biến nhất hiện nay là lừa đảo tuyển cộng tác viên (CTV) chốt đơn ảo cho các sàn thương mại điện tử. Vậy, thực hư chiêu trò lừa đảo chốt đơn ảo thế nào?