Vay lãi ngày có phải cho vay nặng lãi không?

Khi cần gấp một khoản tiền nhiều người đã lựa chọn vay lãi ngày. Tuy nhiên, liệu đây có phải một hình thức của cho vay nặng lãi không?

1. Vay lãi ngày là gì?

Thuật ngữ “cho vay lãi ngày” diễn ra rất phổ biến trong cuộc sống hằng ngày. Thậm chí, ít nhất một hoặc hai lần, mỗi người trong chúng ta đều đã nghe đến “vay lãi ngày”.

Không chỉ vậy, ở rất nhiều nơi, những quảng cáo “cho vay lãi ngày nhanh, lãi suất thấp…” được dán khắp nơi trên đường. Hiện nay, với sự phát triển của mạng internet, những quảng cáo “có cánh” về việc cho vay lãi ngày với thủ tục nhanh, gọn, đơn giản, người vay nhận tiền vay nhanh… cũng không hiếm thấy trên mạng xã hội như Facebook, Zalo…

Thông thường, các quảng cáo sẽ là “vay lãi 02 nghìn/triệu đồng/ngày, 05 nghìn/triệu đồng/ngày… Việc tính lãi được tính theo ngày, số tiền vay thấp và thời hạn vay cũng không dài.

Thủ tục vay trong trường hợp này cũng đơn giản, nhiều khi chỉ cần “cắm” Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân hoặc bằng lái xe, thẻ sinh viên… tại chỗ cho vay là được đảm bảo để vay. Số tiền vay cũng chỉ dao động dưới 50 triệu đồng.

Như vậy, có thể hiểu vay lãi ngày là hình thức cho vay tính lãi suất theo ngày.

Ví dụ: Ông A vay ông B 10 triệu đồng trong thời hạn 01 tháng với lãi suất 02 nghìn đồng/triệu đồng/ngày, tương đương số tiền lãi phải trả trong một ngày sẽ là 20.000 đồng/ngày tương đương với mức lãi suất là 0,2%/ngày.




vay lai ngay co phai cho vay nang lai

2. Vay lãi ngày có phải vay nặng lãi không?

Để xét vay lãi ngày có phải vay nặng lãi không thì trong phạm vi bài viết chỉ đề cập đến việc vay nợ giữa cá nhân với cá nhân hoặc cá nhân với tổ chức mà không phải tổ chức tín dụng bởi các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay với mức lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Quy định về thế nào là vay nặng lãi được giải thích tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP. Cụ thể, cho vay lãi nặng được định nghĩa như sau:

1. “Cho vay lãi nặng” là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.

Trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải là tiền) thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.

Trong đó, lãi suất cao nhất mà các bên có thể thoả thuận nêu tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự là 20%/năm. Do đó, được xem là cho vay lãi nặng nếu các bên thoả thuận mức lãi suất cao hơn 100%/năm hoặc 0,27%/ngày.

Do đó, nếu lãi ngày vượt quá 0,27%/ngày thì bị xem là cho vay nặng lãi.

Ví dụ: Ông A cho ông B vay 10 triệu đồng trong vòng 01 tháng với lãi suất ngày là 05 nghìn đồng/triệu đồng/ngày. Như vậy, mức lãi suất ông A và ông B đang thoả thuận cho số tiền vay là 50.000 đồng/10 triệu đồng/ngày tương đương với mức lãi suất là 0,5%/ngày, gấp 18 lần lãi suất cao nhất được phép cho vay theo ngày như phân tích nêu trên. Do đó, đây được xem là ông A cho ông B vay nặng lãi.




3. Vay lãi ngày có bị phạt không?

Khi cho vay ngày với lãi suất vượt quá 0,27%/ngày thì bị xem là cho vay nặng lãi. Và tuỳ vào từng trường hợp cũng như mức độ vi phạm, người cho vay lãi ngày với lãi suất bị xem là “nặng lãi” có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

- Bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng theo điểm đ khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:

Không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự;

Trường hợp này chỉ là người cho vay với mức lãi suất quá 20%/năm tương đương với việc cho vay quá 0,27%/ngày thì người cho vay đã có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt như trên.

- Chịu trách nhiệm hình sự: Nếu mức độ nặng, người cho vay nặng lãi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cho vay nặng lãi theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017:

Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo đó, mức phạt tù được quy định cụ thể như sau:

STT

Mức phạt tù

Nội dung

1

Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm tù (hoặc phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng)

Cho vay với lãi suất gấp 100%/năm tương đương 0,27%/ngày và:

- Thu lợi bất chính từ 30- dưới 100 triệu đồng, hoặc

- Đã bị kết án, chưa xóa án tích, tiếp tục vi phạm, hoặc

- Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này.

2

Từ 06 tháng - 03 năm (hoặc phạt tiền từ 200 triệu đồng - 01 tỷ đồng)

Thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên

Trên đây là giải đáp về vấn đề: Vay lãi ngày có phải cho vay nặng lãi không? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục