Bộ Tài chính vừa đưa ra cam kết sẽ sớm đề nghị dỡ bỏ trần giới hạn mức chi phí 10% đối với các hoạt động liên quan đến quảng cáo, khuyến mãi, tiếp khách, quà biếu của doanh nghiệp.
Đây là một động thái rất đáng chú ý trong nỗ lực nhằm tạo nên một môi trường kinh doanh bình đẳng, chuẩn bị cho nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu vào khu vực và thế giới.
Khi trả lời báo giới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết: "Đã đến lúc cần dỡ bỏ hạn mức chi phí trên, vì điều này không còn phù hợp với bối cảnh Việt Nam ngay trước ngưỡng cửa trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)".
Bộ Tài chính đang trong quá trình chuẩn bị dự thảo đề nghị lên Chính phủ ra quyết định dỡ bỏ hạn mức trên. Theo như lộ trình đề ra, những chỉnh sửa này được coi như là một cấu thành của Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được đem ra bàn thảo và thông qua tại Kỳ họp tới của Quốc hội vào giữa năm 2006.
Ngay lập tức, cam kết trên của Bộ Tài chính đã được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh, đặc biệt là các công ty kiểm toán và kế toán nước ngoài, bởi chính những công ty này đã từng có nhiều kiến nghị gửi tới Chính phủ đề nghị dỡ bỏ hạn mức chi phí này.
Ông Lê Viết Thọ, Giám đốc phụ trách mảng thuế của Công ty Kiểm toán và Kế toán KPMG cho rằng, việc dỡ bỏ quy định giới hạn hạn mức chi phí quảng cáo, khuyến mãi, tiếp khách, quà biếu sẽ tạo nên một môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng hơn cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu của nền kinh tế Việt Nam.
"Việc bảo hộ của Nhà nước đối với doanh nghiệp trong nước sẽ không còn nữa, trong khi vị thế độc quyền của một số doanh nghiệp nhà nước tất yếu sẽ bị ảnh hưởng do cạnh tranh sẽ gay gắt hơn từ phía các doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp này có thể chi tiêu rộng tay hơn cho các hoạt động quảng cáo và tiếp thị nhằm mở rộng thị phần", ông Thọ nhận định.
Nhiều chuyên gia ngành tài chính nhận định, quy định hiện hành về khống chế hạn mức 10% tổng chi phí hợp lệ dành cho quảng cáo, khuyến mãi, tiếp khách, quà biếu đang hạn chế sự phát triển của nhiều doanh nghiệp, hơn nữa nó không còn phù hợp với bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi để trở thành một nền kinh tế thị trường một cách đầy đủ.
Theo họ, việc dỡ bỏ quy định này sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh hơn, khuyến khích nhiều doanh nghiệp mở rộng thị phần thông qua các hoạt động khuyếch trương, quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ...
Nguyên nhân khiến Chính phủ áp dụng hạn mức chi phí dành cho các hoạt động quảng cáo, khuyến mãi, tiếp khách, quà biếu được hiểu như một biện pháp nhằm duy trì sự bảo hộ đối với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là đối với một số doanh nghiệp Nhà nước vẫn giữ vị thế độc quyền.
Nhìn chung, các doanh nghiệp Nhà nước này không muốn đối thủ là các doanh nghiệp nước ngoài (vốn có năng lực hùng mạnh về tài chính) có thể cạnh tranh trực tiếp về thị phần thông qua những chiến dịch đồ sộ, quy mô lớn về quảng cáo, tiếp thị, khuyếch trương sản phẩm, dịch vụ.
Ông Trung cho biết, Nhà nước không thể tiếp tục duy trì bảo hộ như vậy trong bối cảnh Việt Nam đang chịu sức ép của nhiều tổ chức quốc tế đối với việc cần hình thành một nền kinh tế tuân thủ theo những luật lệ quốc tế và không còn phân biệt giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế khác nhau.
Các chuyên gia cho rằng, không chỉ doanh nghiệp nước ngoài, mà ngay cả doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng cảm thấy phấn khích trước động thái này, bởi vì hiện nay tại Việt Nam đã xuất hiện những gương mặt doanh nghiệp Việt mới nổi, với thương hiệu và uy tín đã được xác lập như Cà phê Trung Nguyên, Dệt Thái Tuấn, Giày Biti’s (những doanh nghiệp này được coi là có đủ tiềm lực tài chính cần thiết cũng như kinh nghiệm thương trường để cạnh tranh với đối thủ là doanh nghiệp nước ngoài).
Ông Đỗ Gia Bính, Chủ tịch Công ty Quảng cáo Bạch Việt dự báo, một khi quy định hạn chế được dỡ bỏ, tiềm năng phát triển của ngành quảng cáo sẽ trở nên sáng sủa hơn nhiều và doanh thu quảng cáo tại Việt Nam sẽ tăng lên mạnh mẽ.
"Chỉ có các doanh nghiệp tư nhân trong nước là chịu thiệt thòi từ việc khống chế hạn mức này mà thôi, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài lại có thể tận dụng những lỗ hổng từ luật pháp mà sử dụng những chiến lược quảng cáo toàn cầu của công ty mẹ ở nước ngoài để quảng cáo sản phẩm và dịch vụ của họ cũng được sản xuất và cung cấp tại thị trường Việt Nam", ông Bính nói.
Ông Bính nhấn mạnh, việc khống chế hạn mức này là không có ý nghĩa đối với nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam khi mà chi phí cho những chiến lược quảng cáo toàn cầu lại được hạch toán vào chi phí của công ty mẹ ở nước ngoài.
Khá nhiều doanh nghiệp quảng cáo "mừng ra mặt" khi đưa ra dự báo tổng doanh thu quảng cáo tại thị trường Việt Nam có thể sẽ lên con số đột biến hàng tỷ USD/năm so với ước tính khoảng 400 triệu USD cho năm nay.
(Theo Đầu Tư)