Bộ TN&MT vừa ban hành Thông tư 17/2009/TT-BTNMT quy định về mẫu Giấy chứng nhận mới cho nhà và đất (theo Nghị định 88/2009 của Chính phủ ngày 19/10/2009), thể hiện nội dung trên Giấy chứng nhận và đăng ký biến động sau khi cấp Giấy chứng nhận. Đây là lần đầu tiên Giấy chứng nhận cho cả nhà và đất được ban hành, có nhiều điểm mới đáng quan tâm. Thông tư 17/2009 có hiệu lực từ 10/12/2009.
Việc gộp quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất trên một Giấy chứng nhận là vấn đề phức tạp, vì có người "đồng quyền sở hữu và sử dụng", có nhà và đất trên cùng vị trí, có người "không đồng", chỉ đồng một phần… Nghị định 88/2009 của Chính phủ và Thông tư 17/2009 của Bộ TN&MT đã có những quy định rút ngắn thời gian và đơn giản hóa thủ tục nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực thi quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Thông tư 17/2009 dành 2 chương II và III trong số bốn chương, quy định rõ nội dung thể hiện trên Giấy chứng nhận và đăng ký biến động sau khi cấp giấy chứng nhận, về cơ bản giải quyết được đa dạng mọi trường hợp có nhu cầu cấp giấy.
Tổng cục Quản lý đất đai phát hành, kiểm tra việc quản lý, sử dụng phôi Giấy chứng nhận.
Theo Thông tư 17/2009, Tổng cục Quản lý đất đai có trách nhiệm tổ chức in ấn, phát hành phôi Giấy chứng nhận cho Sở TN&MT, Phòng TN&MT; đồng thời lập và quản lý sổ theo dõi việc phát hành phôi Giấy chứng nhận. Trường hợp phát hành cho Phòng TN&MT thì phải gửi thông báo số lượng phôi giấy chứng nhận và số seri đã phát hành cho Sở TN&MT. Trách nhiệm của Tổng cục còn hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng phôi Giấy chứng nhận ở các địa phương.
Sở TN&MT có trách nhiệm lập kế hoạch và sử dụng phôi Giấy chứng nhận của địa phương gửi về Tổng cục Quản lý đất đai trước ngày 30/10 hàng năm. Tổ chức nhận, cấp phôi Giấy chứng nhận; lập sổ theo dõi công việc này và hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng phôi Giấy chứng nhận ở địa phương; tổ chức hủy phôi Giấy chứng nhận bị hư hỏng.
Phòng TN&MT có trách nhiệm lập kế hoạch về sử dụng phôi Giấy chứng nhận của địa phương gửi về Sở TN&MT trước 15/10 hàng năm. Đồng thời quản lý phôi Giấy chứng nhận, lập sổ theo dõi tình hình sử dụng phôi Giấy chứng nhận.
Trách nhiệm in, viết Giấy chứng nhận thuộc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất. Cơ quan TN&MT có trách nhiệm kểm tra việc in, viết Giấy chứng nhận do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện.
Theo Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Phùng Văn Nghệ, trong điều kiện chưa thành lập được Văn phòng đăng lý thì Phòng TN&MT cấp huyện phải triển khai việc thực hiện. Để tăng cường năng lực cho cán bộ các Văn phòng đăng ký, trong tháng 11/2009, Bộ TN&MT sẽ triển khai tập huấn cho cán bộ chuyên trách công tác viết và cấp Giấy chứng nhận.
Cấp Giấy chứng nhận cho chủ sở hữu nhà nằm trên thửa đất của nhiều người sử dụng?
Theo Thông tư 17/2009, trường hợp thửa đất có nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận được cấp cho từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Trên mỗi Giấy chứng nhận ghi thông tin của người được cấp, dòng tiếp ghi " Cùng sử dụng đất và cùng sở hữu tài sản với người khác" đối với trường hợp cùng sử dụng đất và cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất. Hoặc ghi "Cùng sử dụng đất với người khác" đối với trường hợp cùng sử dụng đất. Hoặc ghi "Cùng sở hữu tài sản với người khác" đối với trường hợp cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất thì tiếp theo ghi "Sở hữu tài sản trên thửa đất… (ghi hình thức thuê, mượn, nhận góp vốn) của… (ghi tên của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cho thuê, mượn, góp vốn).
Trường hợp từng thửa đất thuộc quyền sử dụng của từng người, đồng thời là chủ sở hữu chung đối với nhà ở, công trình xây dựng nằm chung trên các thửa đất đó, thì Giấy chứng nhận được cấp cho từng người sử dụng đất…
- Theo Báo Tài nguyên và Môi trường