DN được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ 03 điều kiện
Doanh nghiệp (DN) được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
- Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế GTGT.
+ Nếu mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị > 20 triệu đồng ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, DN chưa thanh toán thì DN được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Khi thanh toán DN không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì DN phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế.
+ Nếu DN mua hàng hóa, dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và có hóa đơn in trực tiếp từ máy tính thì theo quy định của pháp luật về hóa đơn. Cụ thể:
. Nếu hóa đơn có giá trị > 20 triệu đồng thì DN căn cứ vào hóa đơn và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của DN để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
. Nếu hóa đơn này có giá trị < 20 triệu đồng và có thanh toán bằng tiền mặt thì DN căn cứ vào hóa đơn và chứng từ thanh toán bằng tiền mặt của DN để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Chi phí được trừ khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (Ảnh minh họa)
Lưu ý: Các khoản chi không đáp ứng đủ các điều kiện trên thì không được trừ khi tính thuế TNDN.
Ngoài ra, một số chi phí liên quan đến phần tổn thất, hàng hóa bị hư hỏng sẽ được tính vào chi phí được trừ. Cụ thể:
Chi phí bị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn
Trường hợp DN có chi phí liên quan đến phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
+ DN phải tự xác định rõ tổng giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác.
+ Giá trị tổn thất được xác định như sau:
Giá trị tổn thất |
= |
Tổng giá trị tổn thất |
-
|
Phần giá trị doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức, cá nhân phải bồi thường |
Hồ sơ đối với tài sản, hàng hóa bị tổn thất gồm:
+ Biên bản kiểm kê giá trị tài sản, hàng hóa bị tổn thất do DN lập…
+ Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có).
+ Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).
- Hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, không được bồi thường thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Hồ sơ đối với hàng hóa bị hư hỏng gồm:
+ Biên bản kiểm kê giá trị hàng hóa bị hư hỏng do DN lập.
+ Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có).
+ Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).
- Hồ sơ nêu trên được lưu tại DN và xuất trình với cơ quan thuế khi cơ quan thuế yêu cầu.
Xem thêm:
Thuế thu nhập doanh nghiệp: 7 điều doanh nghiệp không thể bỏ qua
Doanh nghiệp được phép báo lỗ mấy năm?
Khắc Niệm