Trong những năm gần đây, nhu cầu học tập và nâng cao kỹ năng qua các khóa học ngoài nhà trường đang ngày càng gia tăng. Vậy hoạt động bán khóa học phải nộp thuế như thế nào?
Cũng như các hoạt động kinh doanh khác, việc bán khóa học cũng chịu sự quản lý của Nhà nước và phải nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động kinh doanh bán khóa học sẽ phải nộp thuế như sau:
1. Thuế thu nhập doanh nghiệp
Doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bán khóa học phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Cá nhân tự mình bán khóa học cũng phải đăng ký kinh doanh và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp do hoạt động bán khóa học không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP.
Cụ thể, khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007 quy định một số cá nhân kinh doanh các ngành sau đây được coi là cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh, bao gồm:
a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
Theo hướng dẫn tại Công văn 81439/CT-HTr, các hoạt động giáo dục của doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa thể thao và môi trường, được cấp giấy chứng nhận đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật, đáp ứng điều kiện về danh mục loại hình, tiêu chí quy mô và tiêu chuẩn thì thu nhập được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian hoạt động.
Xem thêm: Hướng dẫn cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp mới nhất
2. Thuế giá trị gia tăng
Tại khoản 13 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định đối tượng không chịu thuế gia tăng trong hoạt động giáo dục bao gồm:
Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật bao gồm cả dạy ngoại ngữ, tin học; dạy múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao; nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp.
Theo Điều 11 Thông tư 219, thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.
Căn cứ các quy định trên:
Trường hợp bán các khóa học nghề, khóa học về ngoại ngữ, tin học, múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao, học các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý theo lĩnh vực chuyên môn cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật thì thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp bán khóa học trong các lĩnh vực khác và không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật thì thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng là 10%. Ví dụ như các khóa học về kỹ năng sống, khóa học đầu tư tài chính online…
3. Thuế thu nhập cá nhân
Tiền lương giáo viên, tiền lương nhân viên... từ việc bán khóa học sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân nếu thu nhập vượt quá mức giảm trừ gia cảnh (mức giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng).
(1) Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên
Căn cứ Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 và Điều 7, Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên được xác định theo công thức sau:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất
Theo đó, để tính được số thuế phải nộp cần phải tính được thu nhập tính thuế và thuế suất, cụ thể:
- Thu nhập tính thuế:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ
Trong đó:
Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập - Các khoản được miễn
- Thuế suất:
Thuế suất từ tiền lương, tiền công đối với cá nhân ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên được áp dụng theo lũy tiến từng phần:
Bậc thuế | Phần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng) | Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) | Thuế suất (%) |
1 | Đến 60 | Đến 05 | 5 |
2 | Trên 60 đến 120 | Trên 5 đến 10 | 10 |
3 | Trên 120 đến 216 | Trên 10 đến 18 | 15 |
4 | Trên 216 đến 384 | Trên 18 đến 32 | 20 |
5 | Trên 384 đến 624 | Trên 32 đến 52 | 25 |
6 | Trên 624 đến 960 | Trên 52 đến 80 | 30 |
7 | Trên 960 | Trên 80 | 35 |
(2) Không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng
Căn cứ điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động mà có tổng mức trả thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập (khấu trừ luôn trước khi trả tiền).
Nói cách khác, cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng mà có thu nhập từ tiền lương, tiền cồng mỗi lần nhận từ 02 triệu đồng trở lên phải nộp thuế với mức 10%, trừ trường hợp làm cam kết theo Mẫu 08/CK-TNCN nếu đủ điều kiện.
Số thuế phải nộp được tính như sau:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 10% x Tổng thu nhập trước khi trả
Xem chi tiết: Cách tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công