“Mùa Covid-19”, nền kinh tế gặp khó khăn. Thay vì chọn giải thể hay tiếp tục "cầm cự", nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương án tạm ngừng kinh doanh. Thủ tục tạm ngừng kinh doanh hiện nay thực hiện khá đơn giản.
Tạm ngừng kinh doanh để “né” Covid-19
Dịch Covid-19 bùng phát, tất cả các ngành nghề đều bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt du lịch, giao thông vận tải, nông nghiệp, xuất nhập khẩu… là những ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu đóng cửa tất cả các cơ sở kinh doanh trừ các mặt hàng thiết yếu, hạn chế tập trung đông người, người dân được yêu cầu không ra ngoài khi không cần thiết nên tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội đều bị ảnh hưởng tiêu cực.
Trước tình hình này, doanh nghiệp gặp “khó” là điều không tránh khỏi. Nhiều doanh nghiệp lựa chọn tạm ngừng kinh doanh để “né” đại dịch.
Bởi tạm ngừng kinh doanh chỉ làm chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp trong một thời gian nhất định, hết thời hạn tạm ngừng, doanh nghiệp sẽ quay trở lại hoạt động như bình thường.
Còn nếu chọn phương án giải thể, doanh nghiệp coi như bị “khai tử” và sau này không thể tiến hành hoạt động được nữa.
Thủ tục tạm ngừng kinh doanh cho doanh nghiệp gặp khó bởi Covid-19 (Ảnh minh họa)
Thủ tục tạm ngừng kinh doanh cho doanh nghiệp khó khăn do Covid-19
Tạm ngừng kinh doanh là quyền của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 200 Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh.
Doanh nghiệp tiến hành tạm ngừng kinh doanh thực hiện các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm:
- Thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh;
- Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của chủ sở hữu công ty đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của Hội đồng quản trị đối với Công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với Công ty hợp danh;
- Đối với doanh nghiệp được cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương thì ngoài các giấy tờ nêu trên, doanh nghiệp nộp kèm theo:
+ Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đầu tư;
+ Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế;
+ Giấy đề nghị bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Bước 3: Cấp Giấy xác nhận về việc doanh nghiệp đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh
Theo khoản 4 Điều 57 Nghị định số 78/2015, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc doanh nghiệp đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh.
Doanh nghiệp được quyền tạm ngừng kinh doanh nhưng không được tạm ngừng quá 01 năm. Sau khi hết thời hạn tạm ngừng kinh doanh đã thông báo, nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục tạm ngừng kinh doanh thì phải thông báo tiếp cho Phòng Đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên, tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tiếp không được quá 02 năm.
Trường hợp dịch Covid-19 kết thúc sớm, doanh nghiệp muốn tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo thì phải gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký chậm nhất 15 ngày trước khi tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Kèm theo thông báo, doanh nghiệp phải gửi quyết định và biên bản họp (về việc thỏa thuận tiếp tục kinh doanh trước thời hạn) của Hội đồng thành viên đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của chủ sở hữu công ty đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của Đại hội đồng cổ đông đối với Công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với Công ty hợp danh.