Mở công ty mùa dịch: 3 lợi thế ít ai biết

Mở công ty trong mùa dịch là điều ít ai nghĩ đến bởi vì những dịch bệnh sẽ gây ra rất nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, không nên vì thế mà doanh nghiệp đánh mất đi cơ hội của mình, bởi lẽ dịch bệnh cũng tạo ra một số cơ hội nhất định cho việc kinh doanh.


Cơ hội kinh doanh những ngành, nghề thiết yếu

Theo Công văn 4349/BCT-TTTN và Công văn 4481/BCT-TTTN, Bộ Công Thương đã ban hành các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân khi thực hiện Chỉ thị về việc giãn cách xã hội. Theo đó, những ngành, nghề thiết yếu được phép cung cấp, lưu thông trong thời gian này bao gồm:

- Nhóm thực phẩm (bao gồm các mặt hàng theo danh mục tại Phụ lục II, phụ lục III, và mục 3, 4, 5, 6, 7, 8 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm, cụ thể tại Phụ lục gửi kèm);

- Nhóm hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất (bao gồm các mặt hàng như sắt, thép, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi...);

- Nhóm nhiên liệu, năng lượng (như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, than...);

Ngoài ra nhóm hàng liên quan đến trang, thiết bị y tế, vaccine cũng là mặt hàng rất cần thiết trong thời gian này.

Hiện nay, hệ thống ngành, nghề kinh tế Việt Nam được quy định cụ thể tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg. Trước đó, được quy định tại Quyết định 10/2007/QĐ-TTg.

Hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam là căn cứ để lựa chọn mã ngành nghề khi thành lập, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, một số ngành, nhóm ngành, nghề mà doanh nghiệp nên đăng ký để kinh doanh, sản xuất trong thời gian này bao gồm:

- Chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt, thuỷ hải sản, rau quả;

- Bán lẻ trong các cửa hàng kinh doanh tổng hợp;

- Bán lẻ lương thực, thực phẩm, đồ uống hoặc thuốc lá, thuốc lào trong các cửa hàng chuyên doanh;

- Bán buôn đồ dùng khác cho gia đình;

- Bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm và vật phẩm vệ sinh trong các cửa hàng chuyên doanh.

Do đó, nếu dự định thành lập công ty thì cũng nên tuỳ ngành nghề và đối tượng khách hàng mà cân nhắc. Ví dụ ngành du lịch đang khó khăn thì không nên mở công ty kinh doanh lĩnh vực này. Tuy nhiên, nếu đang có ý định kinh doanh các ngành, nghề thiết yếu như trên thì việc mở công ty trong mùa dịch cũng là một cơ hội kinh doanh lớn, nhu cầu tiêu dùng là rất cao.

thanh lap cong ty mua dich

Có nên thành lập công ty mùa dịch không? (Ảnh minh hoạ)

Thủ tục Đăng ký thành lập doanh nghiệp dễ dàng

Theo Điều 44, 45 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, trình tự thủ tục đăng ký qua mạng điện tử như sau:

Bước 1: Kê khai thông tin và tải văn bản điện tử, ký xác thực hồ sơ và nộp lệ phí theo quy định

Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ

- Người nộp hồ sơ sẽ nhận được giấy biên nhận hồ sơ;

- Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện cấp đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện cấp đăng ký doanh nghiệp và thông báo cho doanh nghiệp về việc cấp đăng ký doanh nghiệp.

- Trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện cấp đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo qua mạng thông tin điện tử cho doanh nghiệp để yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Bước 3: Nhận kết quả

Theo quy định cũ, sau khi Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo chấp thuận thì doanh nghiệp phải một bộ hồ sơ bằng bản giấy lên để nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Kể từ 04/01/2021, theo quy trình đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử như trên, doanh nghiệp không cần phải nộp hồ sơ bằng bản giấy nữa.

Tuy nhiên, khi nhận kết quả là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người thực hiện thủ tục vẫn phải lên Phòng Đăng ký kinh doanh để nhận. Trường hợp được uỷ quyền thì người được uỷ quyền phải mang theo Giấy uỷ quyền và giấy tờ nhân thân của mình.

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội bắt buộc phải nộp hồ sơ qua mạng điện tử, các tỉnh/thành phố khác mặc dù không bắt buộc nhưng để thuận tiện hơn thì nên đăng ký thành lập doanh nghiệp theo hình thức này.


Tạm ngừng hoạt động nếu kinh doanh không thuận lợi?

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên rất nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng kinh doanh. Vì vậy, trong trường hợp mở công ty nhưng do nhiều lý do khác nhau, công việc kinh doanh không được thuận lợi thì có thể tiến hành thủ tục tạm ngừng kinh doanh.

Theo khoản 1 Điều 66 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp chỉ phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.

Tạm ngừng kinh doanh chỉ làm chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp trong một thời gian nhất định, hết thời hạn tạm ngừng, doanh nghiệp sẽ quay trở lại hoạt động như bình thường. Doanh nghiệp cũng không phải chịu các nghĩa vụ về thuế, nghĩa vụ với người lao động trong thời gian tạm ngừng kinh doanh

Như vậy, mở công ty mùa dịch không hẳn là khó khăn, trái lại những công ty này còn có thể biến khó khăn thành cơ hội kinh doanh. Nếu có thắc mắc về vấn đề này, độc giả vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> Chữ ký số giúp doanh nghiệp như thế nào khi giãn cách xã hội?

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục