Thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến thực hiện như thế nào?

Bài viết tổng hợp các quy định về thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, bao gồm hướng dẫn về thành phần hồ sơ, cơ quan thực hiện, cách thức nộp hồ sơ.

1. Thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm thực hiện khi nào?

Đăng ký biện pháp bảo đảm là việc cơ quan đăng ký ghi, cập nhật vào Sổ đăng ký hoặc Cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm về việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc của người khác hoặc đồng thời bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình và của người khác đối với bên nhận bảo đảm.

Điều 4 Nghị định 99/2022/NĐ-CP quy định về các trường hợp đăng ký biện pháp đảm bao gồm:

- Đăng ký thế chấp tài sản, cầm cố tài sản, bảo lưu quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự và luật khác liên quan;

- Đăng ký theo thỏa thuận giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm hoặc theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm, trừ cầm giữ tài sản;

- Đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ mà có nhiều bên cùng nhận bảo đảm hoặc trong trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có thỏa thuận;

- Đăng ký thay đổi nội dung đã được đăng ký; xóa đăng ký nội dung đã được đăng ký.

2. Thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến

Thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến được hướng dẫn tại Điều 24 Nghị định 99/2022 như sau:

- Người yêu cầu đăng ký sử dụng tài khoản để đăng nhập vào hệ thống đăng ký trực tuyến và kê khai thông tin, xác thực hồ sơ đăng ký theo quy trình trên giao diện đăng ký trực tuyến.

- Người yêu cầu đăng ký gửi đính kèm văn bản này nếu được yêu cầu.

- Thanh toán phí đăng ký theo quy trình trên giao diện đăng ký trực tuyến hoặc theo phương thức thanh toán được quy định tại pháp luật về phí, lệ phí, pháp luật khác có liên quan.

- Hồ sơ đăng ký trực tuyến có giá trị pháp lý như hồ sơ đăng ký bằng bản giấy.

- Trường hợp bên bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm thực hiện việc đăng ký trực tuyến thông qua tài khoản của người đại diện thì người đại diện phải kê khai thông tin mã số tài khoản của người được đại diện.

- Trường hợp có căn cứ từ chối đăng ký, cơ quan đăng ký thực hiện việc từ chối đăng ký thông qua giao diện đăng ký trực tuyến hoặc gửi thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu đăng ký.

Hướng dẫn thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm
Hướng dẫn thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến (Ảnh minh họa)

3. Hồ sơ làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm gồm giấy tờ gì?

Theo khoản 5 Điều 3 Nghị định 99, hồ sơ đăng ký hợp lệ là hồ sơ có đầy đủ Phiếu yêu cầu đăng ký hợp lệ và giấy tờ khác thuộc thành phần hồ sơ theo quy định tại Điều 27, 28, 29, 30, 31 Nghị định này. Cụ thể:

Hồ sơ đăng ký đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã được chứng nhận quyền sở hữu gồm:

- Phiếu yêu cầu theo mẫu (01 bản chính).

- Hợp đồng bảo đảm hoặc hợp đồng bảo đảm có công chứng, chứng thực trong trường hợp Luật Đất đai, Luật Nhà ở, luật khác có liên quan quy định (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực).

- Giấy chứng nhận (bản gốc)

Hồ sơ đăng ký đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng công trình không phải là nhà ở bao gồm:

- Phiếu yêu cầu theo mẫu (01 bản chính).

- Hợp đồng bảo đảm hoặc hợp đồng bảo đảm có công chứng, chứng thực trong trường hợp Luật Đất đai, Luật Nhà ở, luật khác có liên quan quy định (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực).

- Giấy chứng nhận (bản gốc) hoặc Quyết định giao đất, cho thuê đất nếu tài sản bảo đảm là dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà chưa có Giấy chứng nhận đối với quyền sử dụng đất (01 bản chính); Giấy chứng nhận (bản gốc) nếu tài sản bảo đảm là dự án đầu tư xây dựng công trình không phải là nhà ở;

- Giấy phép xây dựng, trừ trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực);

- Quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư dự án hoặc Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ về việc chấp thuận, cho phép thực hiện dự án đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực);

- Một trong các loại bản vẽ thiết kế theo quy định của pháp luật về xây dựng thể hiện được mặt bằng công trình của dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực).

Hồ sơ đăng ký đối với dự án đầu tư nông nghiệp, dự án phát triển rừng, dự án khác có sử dụng đất bao gồm:

- Phiếu yêu cầu theo mẫu (01 bản chính).

- Hợp đồng bảo đảm hoặc hợp đồng bảo đảm có công chứng, chứng thực trong trường hợp Luật Đất đai, Luật Nhà ở, luật khác có liên quan quy định (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực).

- Giấy chứng nhận (bản gốc).

 

4. Cơ quan thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm

Cơ quan thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm quy định tại Điều 10 Nghị định 99 như sau:

- Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh của Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

- Cục Hàng không Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu bay.

- Cục Hàng hải Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải hoặc Chi cục Hàng hải, Cảng vụ Hàng hải theo phân cấp của Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu biển, tài sản khác.

- Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng chứng khoán đã đăng ký tập trung theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

- Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản không phải là tàu bay, tàu biển, chứng khoán đã đăng ký tập trung và trường hợp khác.

 

5. Cách thức nộp hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm

Điều 13 Nghị định 99 quy định hồ sơ đăng ký được nộp theo một trong các cách thức sau đây:

- Qua hệ thống đăng ký trực tuyến;

- Nộp bản giấy trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính;

- Qua thư điện tử.

Trên đây là các quy định về thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến. Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Treo băng rôn phản đối chủ đầu tư ở chung cư có phạm luật?

Treo băng rôn phản đối chủ đầu tư ở chung cư có phạm luật?

Treo băng rôn phản đối chủ đầu tư ở chung cư có phạm luật?

Nhiều người dân sinh sống tại các khu chung cư đã treo băng rôn nhằm phản đối các chính sách vi phạm của chủ đầu tư như chậm cấp Sổ hồng, không cung cấp nước sạch như đã cam kết... Vậy treo băng rôn ở chung cư để phản đối chủ đầu tư có phạm luật không?