Khi nhặt được đồ vật bị rơi, thông thường mọi người sẽ giao nộp cho cơ quan công an gần nhất. Vậy nếu không tìm được chủ, nhặt được của rơi sau bao lâu được phép bỏ túi?
1. Nhặt được của rơi sau bao lâu được phép bỏ túi?
Tài sản bị đánh rơi, bỏ quên là tài sản của người khác. Khi bạn nhặt được tài sản bị đánh rơi, bỏ quên thì thông thường việc đầu tiên người nhặt được nghĩ đến đó là phải trả lại cho người mất. Đặc biệt, vẫn có trường hợp tài sản bị đánh rơi sẽ trở thành vật sở hữu của người nhặt được.
Cụ thể, theo Điều 230 Bộ luật Dân sự mới nhất, khi nhặt được tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, nếu biết tài sản này của ai, biết địa chỉ của người đánh rơi/bỏ quên thì người nhặt được phải thông báo/trả lại cho chủ sở hữu.
Ngược lại, nếu không biết địa chỉ cũng như không biết ai là người đánh rơi, bỏ quên thì người nhặt được có thể thông báo hoặc giao nộp cho một trong hai cơ quan dưới đây để xác minh chủ sở hữu:
- Uỷ ban nhân dân cấp xã (viết tắt là UBND cấp xã).
- Công an xã, phường, thị trấn nơi gần nhất với nơi nhặt được tài sản bị đánh rơi, bỏ quên.
Đặc biệt, cũng tại quy định này, cụ thể là khoản 2 Điều 230 Bộ luật Dân sự nêu rõ, sau 01 năm kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền thông báo công khai về tài sản mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì:
- Tài sản có giá trị ≤ 10 lần mức lương cơ sở: Người nhặt được sở hữu tài sản đánh rơi, bỏ quên.
- Tài sản có giá trị > 10 lần mức lương cơ sở: Người nhặt được hưởng 10 lần mức lương cơ sở và 50% phần giá trị vượt quá. 50% còn lại của phần vượt quá sẽ thuộc về Nhà nước.
Trong đó, mức lương cơ sở hiện nay đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng. Bắt đầu từ 01/7/2023 trở đi thì mức lương cơ sở được tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng.
- Tài sản thuộc di tích lịch sử, văn hóa: Sẽ thuộc về Nhà nước. Người nhặt sẽ được hưởng một khoản tiền thưởng nêu chi tiết tại Điều 30 Nghị định số 29/2018 của Chính phủ:
STT | Phần giá trị tài sản đánh rơi, bỏ quên | Tỷ lệ thưởng |
1 | Đến 10 triệu đồng | 30% |
2 | Từ trên 10 - 100 triệu đồng | 15% |
3 | Từ trên 100 triệu đồng - 01 tỷ đồng | 7% |
4 | Từ trên 01 - 10 tỷ đồng | 1% |
5 | Trên 10 tỷ đồng | 0,5% |
Như vậy, câu trả lời cho câu hỏi “nhặt được của rơi sau bao lâu sẽ được sở hữu” là sau 01 năm kể từ ngày giao nộp, người nhặt được tài sản có thể được sở hữu tài sản đó nếu giá trị tài sản nhỏ hơn hoặc bằng 14,9 triệu đồng (tính đến hết 30/6/2023) hoặc 18,0 triệu đồng (tính từ 01/7/2023).
2. Không trả tài sản nhặt được sẽ bị phạt thế nào?
Mặc dù có thể được sở hữu tài sản nhặt được nhưng trước đó, người nhặt được tài sản phải trả lại cho người bị mất. Nếu không trả lại tài sản bỏ quên, đánh rơi, người này có thể bị phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.
2.1 Xử phạt hành chính
Nhặt được tài sản bị đánh rơi mà chiếm giữ trái phép tài sản của người khác, người nhặt tài sản đánh rơi, bỏ quên có thể bị xử phạt hành chính từ 03 - 05 triệu đồng theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 15 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Cũng tại Nghị định trên, bên cạnh bị xử phạt vi phạm hành chính, người nhặt được tài sản đánh rơi, bo quên sẽ bị tịch thu và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi chiếm đoạt tài sản nhặt được, bỏ rơi.
2.2 Chịu trách nhiệm hình sự
Khi nhặt được tài sản mà cố tình không trả hoặc không giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền sau khi chủ sở hữu yêu cầu nhận lại tài sản thì căn cứ tại Điều 176 Bộ luật Hình sự mới nhất 2015 về Tội chiếm giữ trái phép tài sản, người đó sẽ bị:
- Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 02 năm: Tài sản có giá trị từ 10 - 20 triệu đồng, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa;
- Phạt tù từ 01 - 05 năm: Tài sản có trị giá từ 200 triệu đồng trở lên hoặc là bảo vật quốc gia.
Như vậy, khi đi trên đường mà vô tình nhặt được tài sản thì mọi người nên nộp cho cơ quan công an gần nhất. Lúc này, người nhặt tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có thể tránh được việc mất tiền thậm chí ngồi tù.
Trên đây là giải đáp chi tiết về vấn đề: Nhặt được của rơi sau bao lâu được phép bỏ túi? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.