Hôn nhân là gì? Những quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân

Hôn nhân là cột mốc quan trọng đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của mỗi con người. Vậy hôn nhân là gì? Có những quy định pháp luật nào trong quan hệ hôn nhân? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

1. Hôn nhân là gì?

Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn. Đây là một khái niệm đã được quy định rõ ràng tại khoản 1 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Hôn nhân là sự kết hợp giữa nam và nữ sau khi đăng ký kết hôn
Hôn nhân là sự kết hợp giữa nam và nữ sau khi đăng ký kết hôn (Ảnh minh hoạ)

Như vậy, hôn nhân là một mối quan hệ giữa một người đàn ông được gọi là chồng và một người phụ nữ được gọi là vợ. Về mặt xã hội, lễ cưới thường là sự kiện đánh dấu chính thức cho cuộc hôn nhân bắt đầu. Về mặt pháp luật, đăng ký kết hôn với cơ quan nhà nước là chính thức bước vào cuộc hôn nhân.

2. Nguyên tắc của hôn nhân theo quy định pháp luật

Sau khi đã tìm hiểu khái niệm hôn nhân là gì? Tiếp theo, hãy cùng tìm hiểu về các nguyên tắc của hôn nhân theo quy định của pháp luật hiện hành nhé!

2.1 Hôn nhân một vợ một chồng

Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản được pháp luật đặc biệt nhấn mạnh. Theo đó, hôn nhân một vợ một chồng là sự kết hợp giữa chỉ một người nam và một người nữ trong suốt thời kỳ hôn nhân.

Bên cạnh đó, nguyên tắc hôn nhân này cũng được ghi nhận trong Hiến pháp, cụ thể ở khoản 1 điều 36 Hiến pháp năm 2013. Như vậy, nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng bắt buộc với cả hai bên nam và nữ tham gia mối quan hệ hôn nhân.

Vậy tại sao phải pháp luật quy định hôn nhân phải một vợ, một chồng?

Thứ nhất, nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng là nguyên tắc cơ bản có ý nghĩa quan trọng, được xây dựng trên nền tảng hôn nhân tự nguyện của 2 bên tham gia, thể hiện quan điểm tư tưởng tiến bộ, theo xu thế chung của toàn xã hội trong việc xây dựng chế độ hôn nhân và gia đình hạnh phúc bền vững.

Thứ hai, nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng nhằm xóa bỏ hoàn toàn chế độ đa thê trong thời kỳ phong kiến trước đây. Nguyên tắc này đã xóa bỏ được những phong tục cổ hủ lạc hậu đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người dân như con trai được lấy nhiều vợ, nhưng con gái chỉ có thể lấy được một chồng.

Thứ ba, nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng là cơ sở để duy trì tình yêu trong gia đình thêm hạnh phúc, bền vững và có trách nhiệm với nhau hơn.

Thứ tư, nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng góp phần vào việc xóa bỏ các tệ nạn xã hội  hiện nay như ngoại tình, mại dâm, đảm bảo cho việc giữ vững trật tự an ninh, xã hội. Việc đảm bảo tuân thủ nguyên tắc này đem lại một cuộc sống lành mạnh trong đời sống gia đình và xã hội.

Thứ năm, nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng là cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp về thân nhân và các tài sản chung liên quan đến lợi ích chính đáng của hai bên tham gia mối quan hệ hôn nhân. Ngoài ra, nguyên tắc này cũng là cơ sở pháp lý để xem xét xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hôn nhân.

Nguyên tắc hôn nhân chỉ được một vợ và một chồng
Nguyên tắc hôn nhân chỉ được một vợ và một chồng (Ảnh minh hoạ)

Tóm lại, nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa vợ và chồng, bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của cả vợ và chồng, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc vững bền và phát triển xã hội tốt hơn.

Vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng là hành vi trái pháp luật, quy định rõ tại điểm c khoản 2 điều 5 trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

  • Người đang có vợ, có chồng cấm kết hôn với người khác
  • Người đang có vợ, có chồng cấm chung sống như vợ chồng với người khác
  • Người chưa có vợ, có chồng cấm kết hôn với người đang có vợ, có chồng
  • Người chưa có vợ, có chồng cấm chung sống như vợ chồng với người đang có vợ, có chồng.

>> Có thể bạn quan tâm: Mức phạt đối với người vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng

2.2 Hôn nhân dựa trên cơ sở tự nguyện giữa hai người nam, nữ

Nguyên tắc hôn nhân dựa trên cơ sở tự nguyện được thể hiện rõ ở điểm b khoản 2 điều 5 và điểm b khoản 1 Điều 8 trong Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành.

Ngày nay, hôn nhân thường dựa trên từ tình yêu chân chính giữa hai người nam và nữ. Nếu hôn nhân xuất phát từ tình yêu thì kết quả đương nhiên sẽ là một cuộc hôn nhân tự nguyện.

Nam nữ đều có quyền tự do tìm hiểu, tự do lựa chọn người kết hôn và quyền quyết định tiến tới hôn nhân là do hai người trong cuộc chứ không còn phụ thuộc vào sự đồng ý hay sắp xếp của bố mẹ như thời phong kiến trước kia.

Ở thời kỳ trước, khi hôn nhân có sự can thiệp của bố mẹ, nghĩa là cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Bên cạnh đó, hôn nhân phải môn đăng hộ đối, có nghĩa là điều kiện hoàn cảnh gia đình của hai bên phải tương xứng với nhau, không được quá chênh lệch.

Không chỉ có vậy, con gái thời xưa cũng phải theo đạo tam tòng, có nghĩa là người con gái khi còn ở nhà chưa lấy chồng thì phải nghe theo lời cha, lúc lấy chồng phải nghe theo lời chồng, nếu chồng qua đời phải nghe theo lời con trai.

Quy định tam tòng khiến người phụ nữ khi đã lấy chồng thì cho dù sau này hoàn cảnh nhà chồng như nào cũng phải an phận, không được thay đổi, không được nương tựa ai ngoài chồng, ngoài con trai.

Nhưng theo hôn nhân tiến bộ, thì nam nữ có quyền tự quyết định việc kết hôn và thể hiện ý chí mong muốn là vợ chồng của nhau, không bị ai cưỡng ép, không bị lừa dối và cũng không bị bất kỳ ai có thể cản trở.

Và đặc biệt sau khi kết hôn, việc duy trì hay chấm dứt quan hệ hôn nhân cũng dựa trên sự tự nguyện, tự do quyết định của mỗi bên vợ, chồng. Điều này được thể hiện rõ trong Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành tại điểm e khoản 2 điều 5.

2.3 Quan hệ hôn nhân hoàn toàn bình đẳng

Nguyên tắc này thể hiện rõ tại Điều 17 trong Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành. Bình đẳng trong hôn nhân là cả hai vợ chồng đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt  trong quan hệ hôn nhân giúp đảm bảo được những quyền và lợi ích hợp pháp của hai bên và duy trì mối quan hệ bình đẳng để hôn nhân hạnh phúc bền vững.

Bình đẳng trong hôn nhân là bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa vợ, chồng. Mối quan hệ đó phải dựa trên nguyên tắc dân chủ, công bằng, tôn trọng lẫn nhau, không được phân biệt đối xử trong phạm vi gia đình và xã hội được pháp luật quy định.

Bình đẳng trong hôn nhân được thể hiện trong tất cả các mối quan hệ hôn nhân như: Tài sản, thân nhân, những quyền và nghĩa vụ của công dân, chăm sóc và giáo dục con cái

Bình đẳng trong hôn nhân chính là giúp cho người phụ nữ có tiếng nói trong gia đình, cũng có quyền tham gia, bàn bạc, quyết định mọi việc trong gia đình và được người chồng chia sẻ công việc trong gia đình.

Khi bình đẳng giới trong gia đình được thực hiện, người đàn ông trong gia đình cũng bớt đi gánh nặng về kinh tế, người vợ sẽ chia sẻ gánh nặng về kinh tế với người chồng, còn người chồng thì có thêm thời gian dành cho vợ và con, giúp vợ chia sẻ công việc nhà cũng như nuôi dạy con cái.

Ngoài ra, bình đẳng trong hôn nhân trước pháp luật còn được thể hiện trong việc lựa chọn người kết hôn là người Việt Nam hay người nước ngoài, người thuộc dân tộc hay tôn giáo nào, người có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng. Nội dung này được ghi rõ tại khoản 2 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Do đó, việc bình đẳng trong quan hệ hôn nhân cần phải được áp dụng ở tất cả các gia đình, mọi người cần được hiểu rõ để có thể lựa chọn đúng đắn người kết hôn với mình mà không bị bất kỳ tác động nào can thiệp đến quyết định hôn nhân.

Trong quan hệ hôn nhân phải có sự bình đẳng
Trong quan hệ hôn nhân phải có sự bình đẳng (Ảnh minh hoạ)

2.4 Xác lập hôn nhân theo mục đích đúng đắn

Theo quy định của pháp luật, một cuộc hôn nhân được bắt đầu khi kết hôn, có nghĩa là hai người nam và nữ xác lập mối quan hệ vợ chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.

Ngày nay, hôn nhân thường là kết quả của tình yêu giữa nam và nữ. Hai người quyết định đi đến hôn nhân dựa trên cơ sở tình yêu, có sự tôn trọng lẫn nhau và có sự ổn định về kinh tế. Vì vậy, việc quyết định lựa chọn người bạn đời như nào là phải là chính sự lựa chọn của hai bên nam nữ.

Mục đích của hôn nhân là xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bền vững
Mục đích của hôn nhân là xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bền vững (Ảnh minh hoạ)

Nhìn chung, mục đích của hôn nhân là hai người nam và nữ cùng nhau xây dựng một gia đình ấm no, hạnh phúc, bền vững, có thể chia sẻ với nhau mọi vấn đề trong cuộc sống và có thể bên nhau đến hết cuộc đời.

Có một số cuộc hôn nhân không theo mục đích đúng đắn như:

  • Xác lập hôn nhân chỉ đơn giản để sinh con, duy trì nòi giống chứ không phải xây dựng một gia đình hạnh phúc, yêu thương và chia sẻ lẫn nhau.
  • Xác lập hôn nhân để củng cố địa vị, gia thế, kinh tế của hai bên gia đình
  • Xác lập hôn nhân nhằm lợi dụng kết hôn để giúp đỡ họ có thể nhập xuất cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam hay nhập quốc tịch nước ngoài để hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được các mục đích khác chứ không phải kết hôn nhằm xây dựng gia đình.

2.5 Tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật

Khi kết hôn, các bên phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về điều kiện hôn nhân tại điều 8 và đăng ký kết hôn tại Điều 9 trong Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành. Quan hệ hôn nhân và gia đình khi được xác lập thì được pháp luật bảo vệ.

Khi hai bên nam nữ đã kết hôn bắt buộc phải tuân theo đúng quy định của pháp luật về chế độ hôn nhân và gia đình. Nếu vợ hoặc chồng có hành vi làm trái pháp luật sẽ có những chế độ xử phạt từ hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào mức độ vi phạm.

Khi chấm dứt hôn nhân thì hai bên cũng phải dựa trên những quy định của pháp luật trong Luật Hôn nhân và gia đình. Khi hai bên hoặc một bên muốn chấm dứt hôn nhân thì cần có pháp luật công nhận.

3. Ý nghĩa của hôn nhân đối với cá nhân và xã hội

3.1 Ý nghĩa của hôn nhân đối với cá nhân

Hôn nhân đối với mỗi người sẽ có ý nghĩa khác nhau. Nhưng nhìn chung, hôn nhân là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của mỗi người, sẽ giúp bạn thay đổi con người, thay đổi suy nghĩ của chính mình.

Hôn nhân sẽ giúp mỗi người tự hoàn thiện bản thân mình một cách tốt hơn, sống và làm việc có trách nhiệm hơn.

Khi bắt đầu một cuộc hôn nhân thì cả hai bên đều phải có trách nhiệm với nhau. Một trong hai người hoặc cả hai đều phải thay đổi sở thích cá nhân, suy nghĩ, hành động nếu nó làm ảnh hưởng đến cuộc sống chung của hai vợ chồng.

Mỗi người nếu nhận thấy bản thân mình thiếu sót ở đâu thì sẽ hoàn thiện bản thân mình tốt hơn, giúp cho gia đình hạnh phúc, bền vững.

Bên cạnh đó, hôn nhân là một sự ràng buộc mang tính chất thiêng liêng, sẽ giúp con người cố gắng vượt qua thử thách cùng nhau trong cuộc sống cũng như cùng nhau chia sẻ những câu chuyện buồn vui trong đời sống hàng ngày.

3.2 Ý nghĩa của hôn nhân đối với xã hội

Mỗi một cuộc hôn nhân sẽ tạo ra một gia đình nhỏ. Từ một gia đình nhỏ sau một thời gian sẽ phát triển thành một gia đình lớn. Và gia đình chính là tế bào của xã hội, là nơi nuôi dưỡng và hình thành những mầm non tương lai của đất nước.

Nếu trong một cuộc hôn nhân hạnh phúc, họ sẽ tạo ra một môi trường sống hạnh phúc, nơi đó có những đứa trẻ hạnh phúc. Xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, tôn trọng lẫn nhau là trách nhiệm của mỗi cá nhân và toàn xã hội.

Xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững và phát triển cũng chính là cách để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Bên cạnh đó, việc xây dựng gia đình phát triển cũng góp phần xóa bỏ các tệ nạn xã hội, tạo một nguồn nhân lực mới sống và làm việc có trách nhiệm giúp phát triển và bảo vệ đất nước.

Ở mỗi nước trên thế giới, mỗi dân tộc nếu muốn tồn tại và phát triển đều phải biết cách chăm sóc và bảo vệ gia đình, tạo nên môi trường sống hạnh phúc khiến mọi thành viên trong gia đình đều thoải mái, vui vẻ.

Tóm lại, gia đình là tế bào của xã hội, là nơi sản xuất ra của cải và vật chất để nuôi sống gia đình và xã hội cũng như là nơi sản sinh ra con người; đặc biệt gia đình là nơi đầu tiên hình thành và nuôi dưỡng nhân cách của mỗi người khi sinh ra và lớn lên.

4. Điều kiện để đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật

Khi đã hiểu rõ hôn nhân là gì vậy để bước vào một cuộc hôn nhân đúng pháp luật thì các bạn cần tìm hiểu kỹ về điều kiện để đăng ký kết hôn sẽ được đề cập trong nội dung dưới đây. Điều kiện để đăng ký hôn được quy định rõ tại Điều 8 trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:

Hôn nhân là gì
Điều kiện để đăng ký kết hôn theo đúng pháp luật quy định (Ảnh minh hoạ)

4.1 Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên

Đủ tuổi ở đây có nghĩa là tính đủ ngày sinh, đủ tháng sinh, đủ năm sinh.

Ví dụ như nữ sinh ngày 11/01/2005 thì đến ngày 11/01/2023 là đủ 18 tuổi. Như vậy, kể từ ngày 11/01/2023 bạn nữ này đủ điều kiện về độ tuổi để được đăng ký kết hôn.

4.2 Việc kết hôn do nam, nữ tự nguyện quyết định

Đi đến quyết định hôn nhân là do nam, nữ tự bàn bạc, thống nhất để tiến tới hôn nhân chứ không chịu bất kỳ sự thúc ép hay cưỡng bức, đe dọa cũng như ngăn cấm, cản trở kết hôn.

4.3 Không bị mất năng lực hành vi dân sự

Người bị mất năng lực hành vi dân sự là người bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức hay làm chủ hành vi có quyết định của tòa án dựa trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

4.4 Không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn mà pháp luật quy định

  • Kết hôn giả tạo: Kết hôn giả tạo là lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích một hay cả hai bên tham gia đều có lợi ích cho bản thân chứ không phải kết hôn nhằm mục đích xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.
  • Kết hôn khi một hay hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật
  • Cưỡng ép kết hôn : Bắt buộc người khác kết hôn trái với ý muốn của người tham gia kết hôn.
  • Lừa dối kết hôn: Có thể hiểu là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba vì muốn đạt được mục đích nào đó từ việc kết hôn nên đã cố tình làm cho một bên tham gia kết hôn hiểu sai lệch mục đích và dẫn đến đồng ý kết hôn, nếu không có hành vi cố tình gây hiểu lầm này thì một bên đã không đồng ý kết hôn.
  • Người đang có vợ, có chồng kết hôn hay chung sống như vợ, chồng với người khác và người chưa có vợ có chồng kết hôn hay chung sống như vợ, chồng với người đang có vợ, có chồng.
  • Kết hôn và chung sống như vợ chồng giữa những người cùng huyết thống cũng như có họ trong phạm vi ba đời; giữa con nuôi với bố mẹ nuôi; giữa người đã từng là bố mẹ nuôi với con nuôi; giữa bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể; mối quan hệ giữa con riêng của vợ, của chồng.

Một điểm đặc biệt mà các bạn cần chú ý là theo quy định pháp luật hiện hành, nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới.

Điều đó có nghĩa là những người cùng giới có thể chung sống với nhau như vợ chồng nhưng sẽ không được kết hôn theo quy định của pháp luật và không có những ràng buộc nhất định về mặt pháp lý cũng như không được pháp luật bảo vệ những quyền và lợi ích hợp pháp đáng có.

5. Những quy định về chấm dứt hôn nhân

Thông tin trên đã làm rõ khái niệm hôn nhân là gì. Trên thực tế, vì một số lý do nào đó có nhiều người muốn chấm dứt hôn nhân của chính mình hoặc do điều kiện hoàn cảnh thì phải làm thế nào?

Theo quy định hiện hành về Luật Hôn nhân và gia đình, chấm dứt hôn nhân khi có 02 trường hợp sau:

  • Ly hôn: Quy định tại Mục 1 Chương IV theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
  • Vợ chết hoặc chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết: Quy định tại Mục 2 Chương IV tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình ở chương IV, chấm dứt hôn nhân là chấm dứt các quyền và nghĩa vụ về thân nhân và tài sản chung của vợ chồng.

Trong trường hợp chấm dứt hôn nhân do một trong hai bên vợ hoặc chồng chết hoặc bị Tòa tuyên án là đã chết thì người vợ hoặc chồng còn sống sẽ có quyền được thừa kế di sản của người đã chết hoặc người bị Tòa án tuyên bố là đã chết.

Dựa vào Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, chúng tôi đã cung cấp ngắn gọn khái niệm hôn nhân là gì và những quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân để các bạn nắm được. Theo đó, các bạn sẽ có những kiến thức hữu ích giúp bạn xây dựng một gia đình hoàn thiện theo đúng quy định của pháp luật.

Nếu còn thắc mắc, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Đã đăng ký kết hôn ở nước ngoài có phải đăng ký lại ở Việt Nam không?

Đã đăng ký kết hôn ở nước ngoài có phải đăng ký lại ở Việt Nam không?

Đã đăng ký kết hôn ở nước ngoài có phải đăng ký lại ở Việt Nam không?

Nhiều người đã đăng ký kết hôn ở nước ngoài, khi về Việt Nam thắc mắc có phải làm thủ tục đăng ký lại không? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết cụ thể giải đáp vấn đề: Đã đăng ký kết hôn ở nước ngoài có phải đăng ký lại ở Việt Nam không?

Ký hợp đồng với công ty nước ngoài thế nào để đúng quy định?

Ký hợp đồng với công ty nước ngoài thế nào để đúng quy định?

Ký hợp đồng với công ty nước ngoài thế nào để đúng quy định?

Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế thị trường trên toàn cầu, việc hợp tác với các công ty nước ngoài cũng trở nên phổ biến. Để tránh những rủi ro có thể xảy ra khi giao kết hợp đồng, cùng theo dõi bài viết ký hợp đồng với công ty nước ngoài thế nào để đúng quy định?

Uống rượu bia lái xe gây tai nạn có được bảo hiểm bồi thường không?

Uống rượu bia lái xe gây tai nạn có được bảo hiểm bồi thường không?

Uống rượu bia lái xe gây tai nạn có được bảo hiểm bồi thường không?

Khi mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc cho xe cơ giới, nếu gây thiệt hại cho bên thứ ba thì chủ phương tiện sẽ được doanh nghiệp bán bảo hiểm bồi thường. Vậy uống rượu bia lái xe gây tai nạn có được bảo hiểm bồi thường không?