Bên lề Hội nghị ngành Tài chính được tổ chức sáng qua (3/12) tại Hà Nội, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí xung quanh các vấn đề về giảm, hoãn, giãn thuế cho doanh nghiệp; thuế thu nhập cá nhân; thắt chặt chi tiêu công…
* Thưa Bộ trưởng, trong cuộc họp hôm nay, Thủ tướng đã có chỉ đạo về giãn một số loại thuế. Kế hoạch của Bộ Tài chính trong thời gian tới thực hiện việc giãn thuế này như thế nào?
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Tình hình kinh tế thế giới suy giảm đã tác động đến nền kinh tế Việt
Bộ Tài chính đã trình với Chính phủ trong phiên họp ngày 02/12 về các kế hoạch để triển khai Nghị quyết này.
Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Bộ đề xuất giảm 30% thuế suất thuế TNDN của quý IV năm 2008 và cả năm 2009 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.
Phần thuế phải nộp còn lại sẽ cho giãn thời gian từ 6 tháng đến 9 tháng.
Ngoài ra, Bộ sẽ rà soát tất cả các chính sách thuế xuất khẩu và nhập khẩu để vừa hạn chế nhập siêu vừa khuyến khích thúc đẩy xuất khẩu tốt hơn.
* Sắp tới, chúng ta sẽ áp dụng thuế thu nhập cá nhân thay cho thuế thu nhập cao. Xin Bộ trưởng cho biết, hình thức thuế mới này sẽ đem lại những lợi ích gì cho đối tượng chịu thuế?
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Thực ra, so với thuế thu nhập cao (TNC) thì thuế TNCN động viên thấp hơn và nhìn chung người nộp thuế TNCN có lợi hơn là nộp thuế TNC. Bởi vì người nộp thuế TNC không được giảm trừ gia cảnh, giảm trừ cho những người ăn theo. Hơn nữa, biểu thuế lũy tiến từng phần cũng có sự thay đổi đáng kể, trong đó mức thấp nhất giảm từ 10% hiện hành xuống còn 5% và mức cao nhất hạ từ 40% xuống còn 35%. Nhìn tổng thể người nộp thuế TNCN được lợi hơn nộp thuế TNC.
* Có ý kiến cho rằng cần hoãn thuế thu nhập cá nhân từ chứng khoán đến đầu năm 2010 để hỗ trợ thị trường chứng khoán vượt qua thời kỳ khó khăn này. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này thế nào?
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Thuế TNCN từ chứng khoán có hai loại mới phải đưa vào để điều tiết. Đó là điều tiết chứng khoán thông qua hình thức cổ tức và điều tiết mua bán chứng khoán thông qua giao dịch trên thị trường. Thực chất, những điều tiết này không lớn.
Ví dụ, cổ tức có lãi thì mới đánh thuế 5%, còn mua bán chứng khoán thì nộp 20% trên lãi, còn đối với trường hợp không xác định được lãi thì nộp 0,1% trên giao dịch. Hiện nay phí giao dịch chứng khoán mà các tổ chức kinh doanh chứng khoán phải nộp cho các công ty chứng khoán là 0,3-0,4%. Nên nếu có nộp thuế 0,1% thì cũng rất là nhỏ. Tuy nhiên nó có tác động tâm lý đến thị trường.
Vừa rồi, Bộ Tài chính trình Chính phủ về vấn đề này và Chính phủ đang xem xét. Việc xem xét dừng, hoãn hoặc giãn, giảm miễn thuế không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho nên chúng tôi đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cụ thể. Đây là phương án thứ nhất.
Phương án thứ hai là sẽ dùng hướng dẫn về mặt kỹ thuật để cuối năm mới tính toán kết quả cụ thể. Nếu thực sự có lãi thì mới điều tiết, còn lỗ thì thôi.
* Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng do giá dầu giảm, hoạt động xuất khẩu sẽ khó khăn hơn, việc thắt chặt chi tiêu công cũng rất cần thiết, Bộ Tài chính đã có kế hoạch cụ thể gì?
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Hiện nay, Bộ đã xây dựng rất nhiều các phương án tương ứng với giá dầu để điều hành cho linh hoạt. Ví dụ nếu giá xuống, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu thì chúng ta phải rà soát đến các khoản chi để tiết kiệm, tiết kiệm cả chi tiêu công. Hơn nữa, cũng phải tích cực khai thác các nguồn thu, chống thất thu, chống nợ đọng thuế để đảm bảo thu cho ngân sách.
Vấn đề này, Chính phủ đã tiên lượng trước các khả năng để huy động các nguồn lực. Có thể, Chính phủ sẽ phát hành thêm trái phiếu cho đầu tư hoặc là tìm các nguồn khác để đầu tư thông qua hỗ trợ lãi suất. Như mới đây, Chính phủ chỉ đạo cho các doanh nghiệp thu mua lúa gạo của dân vay không lãi suất, vừa hỗ trợ thị trường gạo, vừa hỗ trợ cho đời sống của người dân. Ngay lập tức giá gạo thu mua đã tăng.
* Xin cảm ơn Bộ trưởng./.
.