Quốc hội xem xét, thẩm tra dự án Luật Phòng chống tham nhũng

Quốc hội xem xét, thẩm tra dự án Luật Phòng chống tham nhũngHôm nay, 30/5, dự án Luật Phòng chống tham nhũng sẽ được Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình ra Quốc hội. Sau đây là cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Thanh, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ), thành viên Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ Biên tập dự án Luật Phòng chống tham nhũng, chung quanh nội dung dự luật trên.

 

Sẽ công khai việc kê khai tài sản của cán bộ - công chức

 

- Thưa ông, công khai minh bạch là biện pháp căn bản để ngăn ngừa tham nhũng, trong đó vấn đề người dân quan tâm nhất hiện nay là việc kê khai tài sản riêng của cán bộ. Vấn đề này được đặt ra trong dự án Luật Phòng chống tham nhũng như thế nào và có gì mới hơn so với các quy định hiện hành?

 

- Kê khai tài sản – theo tổng kết kinh nghiệm về chống tham nhũng của các nước - là vấn đề then chốt trong việc phòng ngừa tham nhũng. Khi sự gia tăng về tài sản của mỗi người được kiểm soát theo từng thời điểm, thì động cơ và khả năng tham nhũng sẽ giảm đi rất nhiều.

 

Vì vậy, khi soạn thảo dự án Luật Phòng chống tham nhũng, cùng với quá trình tổng kết Pháp lệnh Chống tham nhũng, Ban soạn thảo đã trình và Chính phủ sau khi thảo luận đã có sự thống nhất là phải đưa vào dự án những điểm mới về kê khai tài sản so với cơ chế kê khai hiện hành.

 

Trước hết, về tên gọi, dự thảo luật lần này đặt tên việc kê khai là minh bạch tài sản, thu nhập. Mục tiêu là hướng tới tài sản của mỗi người đều phải rõ ràng, minh bạch. Bên cạnh đó, về đối tượng kê khai, đối với cán bộ, công chức ngoài việc phải kê khai tài sản của cá nhân, còn phải kê khai tài sản của vợ hoặc chồng và con trong cùng một sổ hộ khẩu (trừ con đã sinh sống độc lập).

Thứ đến, cán bộ công chức còn phải báo cáo với tổ chức việc bản thân hoặc vợ, chồng, con đi du học, chữa bệnh hay tham quan du lịch nước ngoài. Việc này để làm rõ việc đi nước ngoài đó do tự túc kinh phí, do doanh nghiệp mời hay do được học bổng của cơ sở nước ngoài cấp.

 

- Thưa ông, lâu nay chúng ta có quy định kê khai tài sản, nhưng lại không quy định công khai tài sản đó. Đó cũng chính là một điểm bất hợp lý?

 

- Đúng thế, một điểm mới khác của dự luật lần này là công khai tài sản kê khai. Dự thảo quy định trong ba trường hợp phải công khai. Thứ nhất, là bản kê khai của người chuẩn bị được đề bạt, bổ nhiệm. Thứ hai, những người ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp.

Thứ ba, những người được chuẩn bị được bầu khi tiến hành đại hội của các tổ chức chính trị - xã hội có sử dụng ngân sách nhà nước thì phải công khai tài sản riêng của mình với đại hội. Tất cả những điểm đó nhằm tạo ra sự minh bạch về tài sản riêng của những người lãnh đạo. Luật cũng quy định thêm những người bị khởi tố về tội tham nhũng thì cũng phải công khai tài sản.

 

- Thưa ông, dự luật có đặt vấn đề sau một thời hạn nhất định là bao lâu cán bộ, công chức lại phải kê khai lại tài sản của mình?

 

- Luật quy định rõ hàng năm cán bộ, công chức phải kê khai lại tài sản riêng của mình một lần. Trong bản kê khai đó, phải giải thích về nguồn gốc, lý do của sự gia tăng tài sản của mình sau mỗi năm.

 

- Đối với tài sản như đất đai, nhà cửa hay hiện vật thì có thể giám sát sự kê khai một cách tương đối trung thực; nhưng còn các tài sản khác như tiền mặt, vàng... thì làm thế nào để kiểm soát được?

 

- Quy định trong dự án luật hướng tới mục tiêu từng bước tiến tới thể chế minh bạch về tài sản của cán bộ, công chức. Thể chế đó là không thể thiếu được trong quá trình phòng, chống tham nhũng. Áp dụng vào thực tế hiện nay thì còn nhiều khó khăn vì nền kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển đổi, tài sản của người dân nói chung và của cán bộ, công chức nói riêng được hình thành qua rất nhiều nguồn khác nhau, mới chỉ có một phần tài sản nhất định được đăng ký và quản lý một cách rõ ràng. Ngay như nhà, đất hiện nay cũng chưa phải là đã được đăng ký và quản lý một cách rõ ràng.

 

Vì vậy, dự án luật có tính đến một số biện pháp bổ sung để hỗ trợ cho những quy định về minh bạch tài sản. Dự án đặt ra hai vấn đề cơ bản là: áp dụng một số biện pháp để hạn chế phương thức thanh toán bằng tiền mặt; quy định một số loại giao dịch với một lượng tiền nào đó trở lên thì bắt buộc phải qua chuyển khoản để hạn chế tham nhũng.

 

Điều này có nghĩa là sẽ bắt buộc các đơn vị thanh toán phải thực hiện thanh toán qua tài khoản. Chẳng hạn anh làm việc ở cơ quan A nhưng đi giảng bài, đọc tham luận tại hội thảo tại cơ quan B, thì bắt buộc cơ quan B phải thanh toán cho anh qua tài khoản. Những vấn đề này sẽ còn được thảo luận, đề cập một cách chi tiết hơn tại các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

 

Thứ trưởng tham nhũng, bộ trưởng bị liên đới trách nhiệm

 

- Từ lâu chúng ta có chủ trương là khi để xảy ra tham nhũng ở một cơ quan, đơn vị nào đó thì cấp ủy và người đứng đầu cơ quan đó phải liên đới trách nhiệm. Vấn đề này có được quy định trong dự án Luật Phòng chống tham nhũng?

 

- Trong phần phòng ngừa tham nhũng có hẳn một mục nói về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức nếu để xảy ra tham nhũng. Về nguyên tắc người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu trong cơ quan, đơn vị mà người đó phụ trách xảy ra tham nhũng. Cũng có sự phân biệt mức độ trách nhiệm giữa người đứng đầu và những cấp phó được phân công phụ trách từng lĩnh vực đối với những cơ quan, tổ chức lớn.

Ví dụ như trong một bộ, có rất nhiều đơn vị trực thuộc thì sẽ nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trực thuộc. Vì thực tế là có những bộ trưởng không thể quản lý một cách chi tiết đến từng đơn vị trực thuộc. Một điểm quan trọng khác và mới khác là để tạo cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền xử lý được trách nhiệm của người đứng đầu, dự thảo có quy định trong những kết luận thanh tra, kết luận điều tra và báo cáo kiểm toán thì phải có kết luận cụ thể về mức độ trách nhiệm của người đứng đầu. Kết luận đó phải nêu rõ về nguyên nhân do thiếu trách nhiệm hay do trực tiếp tham gia vào quá trình tham nhũng để các tổ chức Đảng hay cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở tiến hành xử lý trách nhiệm.

 

- Thưa ông, nếu theo những quy định mà ông vừa nêu thì trong các vụ việc đã xảy ra như của nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu hay các Thứ trưởng Nguyễn Thiện Luân, Nguyễn Quang Hà ở Bộ NN-PTNT thì bộ trưởng ở hai bộ đó có bị xử lý về mặt trách nhiệm?

 

- Về nguyên tắc thì pháp luật không hồi tố. Pháp luật ở nước ta hay các nước trên thế giới cũng đều tuân thủ nguyên tắc này.

 

- Nhưng nếu luật này có hiệu lực thi hành mà trong tương lai xảy ra những vụ việc tương tự như thế?

- Theo tinh thần của luật này thì sẽ phải xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Nghĩa là bộ trưởng bộ đó sẽ phải liên đới về trách nhiệm.

 

- Thưa ông, theo Nghị quyết của Quốc hội, dự thảo phải trình lần này là Luật Chống tham nhũng, nhưng dự thảo mà Chính phủ trình là Luật Phòng chống tham nhũng. Phải chăng Chính phủ muốn đề cao yếu tố "phòng" trong cuộc chiến chống tham nhũng?

 

- Khi soạn thảo dự án luật, chúng tôi đánh giá những quy định hiện hành của pháp luật thì thấy rằng các quy định về phát hiện, xử lý tham nhũng là tương đối tốt. Do vậy trọng tâm của luật lần này là phát triển những quy định về phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi tham nhũng mới phát sinh. Đó là chủ trương của Chính phủ. Trong phòng ngừa thì dự án nêu lên "5 trụ cột".

 

Đó là công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước; xây dựng quy tắc ứng xử của đội ngũ cán bộ công chức và những người tham gia các cơ quan dân cử (quy định cụ thể theo đặc thù cho từng ngành, từng lĩnh vực); minh bạch tài sản; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh cải cách hành chính và áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật để giảm tối đa sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ, công chức với người dân, doanh nghiệp, giảm thiểu cơ hội phát sinh tham nhũng.

 

- Ông vừa đề cập đến những hành vi tham nhũng mới, đó là những hành vi nào?

 

- Pháp lệnh chống tham nhũng và Bộ luật Hình sự hiện hành đã quy định rõ 7 hành vi tham nhũng bị xử lý hình sự. Nhưng xét trên thực tế hiện nay, nhất là nguy cơ "tham nhũng vặt" trong cuộc sống đời thường có xu hướng phát triển tràn lan gây khó chịu cho người dân và các doanh nghiệp.

Vì thế, dự án luật có bổ sung một số hành vi tham nhũng mới. Cụ thể, đã bổ sung thêm 5 hành vi được coi là tham nhũng với mức xử lý chủ yếu là xử lý hành chính và kỷ luật, ví dụ như hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để cản trở hành vi chống tham nhũng, hành vi nhũng nhiễu trong khi thi hành công vụ, nhiệm vụ vì vụ lợi, hay việc dây dưa chậm giải quyết, trì hoãn công việc của dân và doanh nghiệp...

 

- Xin cám ơn ông!

 

(Theo SGGP)

 

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Đã có Thông tư 65/2024/TT-BCA về kiểm tra kiến thức phục hồi điểm GPLX

Đã có Thông tư 65/2024/TT-BCA về kiểm tra kiến thức phục hồi điểm GPLX

Đã có Thông tư 65/2024/TT-BCA về kiểm tra kiến thức phục hồi điểm GPLX

Thông tư 65/2024/TT-BCA quy định kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với người có Giấy phép lái xe (GPLX)  bị trừ hết điểm để được phục hồi điểm giấy phép lái xe được ban hành ngày 12/11/2024.

Công ty cho thuê tài chính không được mua, đầu tư vào tài sản cố định của mình quá 50% vốn tự có

Công ty cho thuê tài chính không được mua, đầu tư vào tài sản cố định của mình quá 50% vốn tự có

Công ty cho thuê tài chính không được mua, đầu tư vào tài sản cố định của mình quá 50% vốn tự có

Đó là một trong những qui định của Nghị định số 65/2005/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 19/5 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2001/NĐ-CP ngày 2/ 5/2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Công ty cho thuê tài chính.