Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2016

(LuatVietnam) Hàng loạt chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội như: Thân nhân chiến sĩ công an bị đau ốm được trợ cấp 500.000 đồng; Ô tô được đi tối đa 60km/h trong khu đông dân cư; Chia tài sản khi ly hôn phải xét đến lỗi của hai bên; Áp dụng thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT; Điều kiện kinh doanh dược liệu; Cơ quan Nhà nước phải thuê máy móc, thiết bị nếu chỉ sử dụng 3 lần/năm ... sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 03/2016.




Thân nhân chiến sĩ công an bị đau ốm được trợ cấp 500.000 đồng

Có hiệu lực từ ngày 01/03/2016, Nghị định số 05/2016/NĐ-CP quy định thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ công an nhân dân bị ốm đau từ 01 tháng trở lên hoặc điều trị 01 lần tại bệnh viện từ 07 ngày trở lên được trợ cấp 500.000 đồng/suất/lần.

Cũng theo Nghị định này, mức trợ cấp khó khăn đột xuất với gia đình chiến sĩ phải di dời chỗ ở và thân nhân chiến sĩ từ trần, mất tích sẽ được tăng thêm 01 triệu đồng/suất so với quy định trước đây. Cụ thể, mức trợ cấp 03 triệu đồng/suất/lần được áp dụng trong trường hợp gia đình chiến sĩ, hạ sĩ quan gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến nhà ở bị sập, trôi, cháy hoặc phải di dời chỗ ở; mức trợ cấp 02 triệu đồng/suất áp dụng với trường hợp thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ từ trần, mất tích.

Phải đưa chứng khoán vào giao dịch trong vòng 90 ngày

Theo Thông tư số 202/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/03/2016, tổ chức được chấp thuận niêm yết chứng khoán trên Sở Giao dịch chứng khoản phải đưa chứng khoán vào giao dịch trong vòng 90 ngày, kể từ ngày được Sở Giao dịch chấp thuận; sau thời hạn này, quyết định chấp thuận sẽ mặc nhiên hết hiệu lực.

Trường hợp tổ chức có chứng khoán bị hủy niêm yết (bắt buộc hay tự nguyện) chỉ được đăng ký niêm yết lại sau 12 tháng kể từ ngày bị hủy nếu đáp ứng được các điều kiện tương ứng, trừ trường hợp hủy niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội do đã được chấp thuận niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh hoặc ngược lại.

Một nội dung đáng chú ý khác của Thông tư này là cho phép công ty hợp nhất, công ty sáp nhập sau quá trình sáp nhập hoặc công ty niêm yết sau hoán đổi khi nộp hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán được lựa chọn báo cáo tài chính được lập và đã được kiểm toán tại thời điểm gần nhất nhưng không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

Tổ chức tín dụng chỉ được làm đại lý chi, trả ngoại tệ cho một tổ chức kinh tế

Từ ngày 01/03/2016, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế sẽ được áp dụng theo Thông tư số 34/2015/TT-NHNN.

Thông tư này nhấn mạnh tới nguyên tắc: Một tổ chức tín dụng chỉ được làm đại lý chi, trả ngoại tệ cho một tổ chức kinh tế; trong khi đó, một tổ chức tín dụng, một tổ chức kinh tế có thể làm đại lý chi, trả ngoại tệ cho một hoặc nhiều tổ chức tín dụng được phép. Đồng thời, tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng làm đại lý chi, trả ngoại tệ không được ủy quyền lại việc chi, trả cho tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng khác…

Đặc biệt, Thông tư yêu cầu các tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng đã được cấp Giấy xác nhận đăng ký đại lý chi, trả ngoại tệ hoặc Giấy phép làm dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ phải thực hiện chuyển đổi sang văn bản chấp thuận đăng ký đại lý chi, trả ngoại tệ hoặc văn bản chấp thuận trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ trước ngày 02/03/2017. Quá thời hạn này, tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng không chuyển đổi hoặc không được chuyển đổi do không đáp ứng đủ điều kiện phải chấm dứt hoạt động đại lý chi, trả ngoại tệ hoặc trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/03/2016.

Tổ chức tài chính vi mô phải có tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 10%

Cũng có hiệu lực từ ngày 01/03/2016, Thông tư số 33/2015/TT-NHNN quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, gồm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và tỷ lệ về khả năng chi trả.

Cụ thể, tổ chức tài chính vi mô phải thường xuyên duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu bằng 10%; trong đó, tỷ lệ an toàn vốn được xác định bằng vốn tự có trên tổng tài sản “Có” rủi ro nhân (x) 100. Đồng thời, tổ chức tài chính vi mô cũng phải duy trì thường xuyên khả năng chi trả tối thiểu bằng 20%; tỷ lệ về khả năng chi trả được xác định bằng tiền mặt, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại trên tổng số dư tiền gửi tự nguyện nhân (x) với 100.

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của Quỹ tín dụng nhân dân là 8%

Nếu như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của tổ chức tài chính vi mô là 10% thì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của Quỹ tín dụng nhân dân được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ấn định là 8%. Đồng thời, Quỹ tín dụng nhân dân phải duy trì tỷ lệ khả năng chi trả trong ngày làm việc tiếp theo và trong khoảng thời gian 07 ngày làm việc tiếp theo tối thiểu bằng 01; duy trì tỷ lệ của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn tối đa bằng 30%...

Ngoài ra, Quỹ tín dụng nhân dân phải đảm bảo tổng mức dư nợ cho vay đối với khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của Quỹ; trong đó mức cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá 15%. Quỹ không được cho vay không có bảo đảm, cho vay với điều kiện ưu đãi đối với thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng của Quỹ; Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán và thanh tra viên đang thanh tra tại Quỹ…

Những nội dung này được thể hiện tại Thông tư số 32/2015/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 01/03/2016.

Ô tô được đi tối đa 60km/h trong khu đông dân cư

Tại Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/03/2016, Bộ Giao thông Vận tải quy định tốc độ tối đa trên đường bộ (trừ đường cao tốc), trong khu vực đông dân cư của ô tô là 60km/h nếu chạy trên đường đôi (có dải phân cách giữa) hoặc đường một chiều có từ hai làn xe trở lên và 50km/h nếu chạy trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có một làn xe.

Như vậy việc xác định tốc độ chạy xe trong khu đông dân cư sẽ phụ thuộc vào loại đường xe chạy mà không phụ thuộc vào loại xe như quy định trước đây.

Ở ngoài khu vực đông dân cư, tốc độ tối đa cho phép của xe ô tô con, ô tô chở người đến 30 chỗ trên đường đôi hoặc đường một chiều có từ hai làn xe là 90km/h; xe ô tô chở người trên 30 chỗ là 80km/h; xe bus là 70km/h… Trên đường hai chiều không có dải phân cách hoặc đường một chiều có một làn, tốc độ tối đa cho phép của các loại xe ô tô này lần lượt là 80km/h; 70km/h và 60km/h…

Đối với xe máy khi tham gia giao thông (trừ đường cao tốc), tốc độ tối đa được xác định theo báo hiệu đường bộ nhưng không quá 40km/h.

Trên đường cao tốc, người điều khiển ô tô, xe máy phải tuân thủ tốc độ tối đa không quá 120km/h.

Chia tài sản khi ly hôn phải xét đến lỗi của hai bên

Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn là một trong những nội dung được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, có hiệu lực từ ngày 01/03/2016.

Theo đó, khi vợ chồng ly hôn, việc chia tài sản được thực hiện theo nguyên tắc chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố như: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; trong đó, bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn sẽ được chia phần tài sản nhiều hơn…; Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; trong đó, người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm vẫn được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm; Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng; cụ thể như trường hợp người chồng có hành vi bạo lực, không chung thủy thì khi giải quyết ly hôn, Tòa án sẽ xem xét đến yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung…

Cũng theo Thông tư liên tịch này, giá trị tài sản chung của vợ, chồng, tài sản riêng của vợ, chồng được xác định theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết sơ thẩm vụ việc. Khi giải quyết chia tài sản, Tòa án phải xem xét để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động…

Từ 1/3, áp dụng thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT

Đây là nội dung của Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của Liên bộ Y tế và Tài chính, có hiệu lực từ ngày 01/03/2016.

Cụ thể, từ ngày 01/03/2016, giá dịch vụ khám bệnh bảo hiểm y tế bao gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù. Theo đó, với bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I, mức giá được áp dụng là 20.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng II là 15.000 đồng/lượt; hạng III là 10.000 đồng/lượt và hạng IV là 7.000 đồng/lượt. Trường hợp hội chẩn để xác định ca bệnh khó (chỉ khi mời chuyên gia đơn vị khác đến hội chẩn tại cơ sở khám, chữa bệnh) thì mức giá là 200.000 đồng/lượt.

Từ ngày 01/07/2016, giá dịch vụ khám bệnh bảo hiểm y tế sẽ bao gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương. Như vậy, với bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I, mức giá là 39.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng II là 35.000 đồng/lượt; hạng III là 31.000 đồng/lượt và hạng IV là 29.000 đồng/lượt. Vẫn như thời điểm trước, trong trường hợp hội chẩn để xác định ca bệnh khó thì mức giá được áp dụng là 200.000 đồng/lượt.

Cũng theo hướng dẫn của Thông tư này, trường hợp người bệnh đến khám bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đó được chuyển vào điều trị nội trú theo yêu cầu chuyên môn được thanh toán một lần khám bệnh.

Điều kiện kinh doanh dược liệu

Thông tư số 03/2016/TT-BYT quy định các cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ và dịch vụ bảo quản dược liệu phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc có phạm vi kinh doanh dược liệu.

Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh dược liệu còn phải đáp ứng một số điều kiện khác. Cụ thể, với cơ sở bán lẻ dược liệu, phải có địa điểm cố định, diện tích tối thiểu 25m2, riêng biệt; có khu vực trưng bày, khu vực bảo quản dược liệu; có thiết bị để bảo quản thuốc tránh được các ảnh hưởng bất lợi của môi trường; có đủ nhân viên trình độ phù hợp với công việc được giao, trong đó có ít nhất 01 người có trình độ từ dược tá trở lên; nhân viên phải được thường xuyên đào tạo, tập huấn chuyên môn…

Với cơ sở nhập khẩu dược liệu, phải đạt các nguyên tắc “Thực hành tốt bảo quản thuốc”; trường hợp chưa đủ điều kiện nhập khẩu trực tiếp phải ký kết hợp đồng ủy thác nhập khẩu với cơ sở có đủ điều kiện và tên cơ sở ủy thác nhập khẩu phải được thể hiện trên đơn hàng nhập khẩu…

Thông tư này có hiệu lực  từ ngày 06/03/2016.

Hà Nội, TP.HCM có tối đa 5 Phó Chủ tịch UBND

Theo Nghị định số 08/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/03/2016, số lượng Phó Chủ tịch UBND được quy định cụ thể theo từng cấp, ở khu vực đô thị và nông thôn.

Ở đô thị, các thành phố trực thuộc TW có không quá 04 Phó Chủ tịch UBND; riêng TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh có không quá 05 Phó Chủ tịch UBND. Tại các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc TW loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch UBND; quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc TW loại II, loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND. Tại các phường, thị trấn loại I có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND; phường, thị trấn loại II, loại III có 01 Phó Chủ tịch UBND.

Ở nông thôn, tỉnh loại I có tối đa 04 Phó Chủ tịch UBND, tỉnh loại II, loại III có tối đa 03 Phó Chủ tịch UBND; huyện loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch UBND; huyện loại II, loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND; xã loại I có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND và xã loại II, loại III có 01 Phó Chủ tịch UBND.

DN nước ngoài đã hoạt động 1 năm được có Văn phòng đại diện tại VN

Có hiệu lực từ ngày 10/03/2016, Nghị định số 07/2016/NĐ-CP quy định thương nhân nước ngoài được phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh của mình tại Việt Nam theo cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Để được cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh và Văn phòng đại diện tại Việt Nam, thương nhân nước ngoài phải được thành lập, đăng ký kinh doanh theo pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…; Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh phải phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên...

Đặc biệt, thương nhân nước ngoài phải hoạt động ít nhất 01 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký nếu đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện hoặc đã hoạt động ít nhất 05 năm đối với trường hợp đề nghị cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh.

Cũng theo Nghị định, Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh của thương nhân nước ngoài có thời hạn 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài trong trường hợp giấy tờ đó có quy định về thời hạn.

Truyền hình trả tiền chỉ được có tối đa 30% kênh nước ngoài

Một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 06/2016/NĐ-CP là quy định về việc số lượng kênh chương trình nước ngoài khai thác trên hệ thống dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền chỉ tối đa 30% tổng số kênh khai thác. Trên kênh truyền hình trả tiền không được bao gồm các thông tin quảng cáo cài đặt sẵn từ nước ngoài; các nội dung quảng cáo đều phải thực hiện tại Việt Nam.

Về việc thu tín hiệu truyền hình thuộc dịch vụ phát thanh, truyền hình, Nghị định cho phép người sử dụng được lắp đặt thiết bị thu tín hiệu truyền hình trực tiếp từ vệ tinh để thu xem các kênh chương trình truyền hình thuộc dịch vụ truyền hình qua vệ tinh của Việt Nam mà không phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

Đối với việc thu tín hiệu truyền hình không thuộc dịch vụ phát thanh, truyền hình (thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh để xem các kênh truyền hình nước ngoài), chỉ cơ quan Nhà nước ở trung ương và cấp tỉnh; cơ quan báo chí; cơ quan, tổ chức ngoại giao… được thực hiện để khai thác thông tin phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/03/2016.

Công ty quản lý quỹ không được vay vốn để đầu tư

Thay vì quy định công ty quản lý quỹ không được phép vay vốn để tài trợ cho hoạt động của quỹ như trước đây, Thông tư số 15/2016/TT-BTC quy định công ty quản lý không được vay để đầu tư; trừ khi vay ngắn hạn để trang trải các chi phí cần thiết cho quỹ hoặc thực hiện thanh toán các giao dịch chứng chỉ quỹ với nhà đầu tư. Trong đó, tổng giá trị các khoản vay ngắn hạn của quỹ, không bao gồm các khoản tạm ứng, các khoản phải trả, không được quá 5% giá trị tài sản ròng của quỹ tại mọi thời điểm. Thời hạn vay chỉ tối đa 30 ngày.

Về lệnh mua chứng chỉ quỹ, Thông tư chỉ rõ, tiền mua chứng chỉ quỹ sau khi chuyển vào tài khoản tiền của quỹ tại ngân hàng giám sát thì được giải ngân để đầu tư ngay trong ngày giao dịch chứng chỉ quỹ; trong khi trước đây quy định tiền mua chứng chỉ quỹ chỉ được giải ngân để đầu tư sau ngày giao dịch chứng chỉ quỹ.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/03/2016.

Cơ quan Nhà nước phải thuê máy móc, thiết bị nếu chỉ sử dụng 3 lần/năm

Nhằm góp phần tiết kiệm nguồn chi từ ngân sách, tại Thông tư số 19/2016/TT-BTC, Bộ Tài chính quy định cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện thuê máy móc, thiết bị mà trên thị trường có cung cấp dịch vụ cho thuê trong các trường hợp như: Máy móc, thiết bị có nhu cầu sử dụng trong thời gian dưới 12 tháng hoặc chỉ sử dụng tối đa không quá 03 lần/năm; Máy móc, thiết bị phục vụ công tác quản lý dự án có nhu cầu sử dụng dưới 50% thời gian sử dụng theo chế độ quy định…

Cũng với mục đích trên, khi thay thế máy móc, thiết bị chuyên dùng hoặc máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến, cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện theo nguyên tắc: Trước tiên, nhận điều chuyển từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền; trường hợp không có máy móc, thiết bị để nhận điều chuyển thì mua mới.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 16/03/2016.

Sở hữu ứng dụng di động bán hàng phải thông báo với Bộ Công Thương

Thông tư số 59/2015/TT-BTC quy định thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu ứng dụng bán hàng trên điện thoại di động phải thông báo với Bộ Công Thương. Việc thông báo này phải được thực hiện từ ngày 31/03/2016 - ngày Thông tư có hiệu lực. Đối với các ứng dụng di động được thành lập và hoạt động trước ngày 31/03/2016, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải tiến hành thông báo trước ngày 31/05/2016.

Cũng theo Thông tư, thương nhân, tổ chức, cá nhân sử hữu ứng dụng bán hàng trên điện thoại di động phải tuân thủ các nghĩa vụ về bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng; thông báo cho người tiêu dùng về việc ứng dụng của mình sẽ thu thập những thông tin gì trên thiết bị di động khi được cài đặt và sử dụng. Đặc biệt, không được phép mặc định buộc người tiêu dùng phải sử dụng các dịch vụ đính kèm khi cài đặt và sử dụng ứng dụng của mình…

Ngoài ra, còn nhiều quy định đáng chú ý  khác như: Chuyển đổi hình thức pháp lý tổ chức tín dụng; Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú; Quy định việc tổ chức các Tòa chuyên trách tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện; Điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm; Quy trình lựa chọn đơn vị khai thác tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô  … cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 03/2016.

Khách hàng của LuatVietnam có thể xem thêm Danh sách các văn bản có hiệu lực trong tháng 03/2016 tại đây.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Thêm hai đối tượng được miễn thuế thu nhập cá nhân

Thêm hai đối tượng được miễn thuế thu nhập cá nhân

Thêm hai đối tượng được miễn thuế thu nhập cá nhân

Ngày 22/02/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 06/2016/QĐ-TTg và Quyết định số 07/2016/QĐ-TTg quy định việc miễn thuế thu nhập cá nhân đối với với chuyên gia nước ngoài thực hiện chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam và với người Việt Nam làm việc tại cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam… 

Đi khám nghĩa vụ quân sự được thanh toán tiền ăn, tàu xe

Đi khám nghĩa vụ quân sự được thanh toán tiền ăn, tàu xe

Đi khám nghĩa vụ quân sự được thanh toán tiền ăn, tàu xe

Công dân đang làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện được hưởng nguyên lương, phụ cấp hiện hưởng và tiền tàu xe đi, về là nội dung nổi bật tại Nghị định số 13/2016/NĐ-CP ngày 19/02/2016 của Chính phủ… 

Nhiều ưu đãi với dự án phát triển ngành công nghiệp ô tô

Nhiều ưu đãi với dự án phát triển ngành công nghiệp ô tô

Nhiều ưu đãi với dự án phát triển ngành công nghiệp ô tô

Nội dung này được thể hiện tại Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Cụ thể, doanh nghiệp đầu tư sản xuất các dòng xe ưu tiên có quy mô công suất trên 50.000 xe/năm và dự án sản xuất các bộ phận động cơ…