(LuatVietnam) Tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi người lao động không quá 300 giờ là nội dung nổi bật tại Thông tư số 54/2015/TT-BLĐTBXH do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành ngày 16/12/2015 hướng dẫn về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc sản xuất có tính thời vụ và công việc gia công hàng theo đơn đặt hàng, có hiệu lực từ ngày 10/02/2016.
Cũng theo Thông tư này, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong 01 tuần của người lao động làm công việc sản xuất có tính thời vụ và công việc gia công hàng tháng theo đơn đặt hàng không quá 64 giờ hoặc 48 giờ đối với các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; tổng số giờ làm thêm trong 01 tháng không quá 32 giờ, riêng với công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tối đa là 24 giờ. Người sử dụng lao động được lựa chọn áp dụng giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm theo tuần hoặc giới hạn giờ làm thêm theo tháng và phải ghi vào kế hoạch thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong năm. Trường hợp áp dụng giới hạn giờ làm thêm theo tháng thì đồng thời tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn trong 01 tuần tối đa là 56 giờ hoặc 42 giờ đối với các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Về thời giờ nghỉ ngơi, Thông tư quy định, hàng tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 01 ngày (24 giờ liên tục). Trong những tháng thời vụ hoặc phải gấp rút gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, nếu không thực hiện được nghỉ hàng tuần thì phải bảo đảm hàng tháng có ít nhất 04 ngày nghỉ cho người lao động. Với lao động làm việc trong ngày từ 10 ngày trở lên phải được nghỉ thêm ít nhất 30 phút tính vào giờ làm việc, ngoài thời giờ nghỉ ngơi trong ca làm việc bình thường. Doanh nghiệp có trách nhiệm bố trí để người lao động được nghỉ hoặc nghỉ bù đủ số ngày lễ, Tết, nghỉ hàng năm và các ngày nghỉ có hưởng lương khác đúng theo quy định của Bộ luật Lao động.
Thông tư này thay thế Thông tư số 33/2011/TT-BLĐTBXH ngày 18/11/2011.
LuatVietnam