Ngày 28/3, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã ký phê duyệt đề án "Chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em tàn tật nặng, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học và trẻ em nhiễm HIV/AIDS dựa vào cộng đồng giai đoạn 2005 – 2010". Kinh phí để thực hiện đề án được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Đề án này đưa ra các mục tiêu như đến năm 2010, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội, được chăm sóc thay thế tại cộng đồng và được trợ giúp về y tế, giáo dục tăng từ 30% lên 65% (bình quân mỗi năm tăng thêm 15.000 trẻ em); số trẻ em tàn tật nặng được chỉnh hình phục hồi chức năng tăng từ 40% lên 70%. Đề án cũng sẽ thực hiện việc thí điểm chuyển 1.000 trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em tàn tật nặng đang được chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước về chăm sóc ở cộng đồng thông qua các hình thức gia đình hoặc cá nhân nhận nuôi dưỡng, nhận đỡ đầu, nhận nuôi con nuôi và chăm sóc tại Nhà xã hội; thí điểm chuyển đổi hình thức chăm sóc tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước sang chăm sóc tại các "gia đình quy mô nhỏ" tại 10 cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước.
Trong giai đoạn 2005 - 2010, bình quân mỗi năm tăng thêm 15000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội tại cộng đồng, thông qua các hình thức như: giải quyết trợ cấp xã hội tại cộng đồng, đồng thời trợ giúp y tế, giáo dục cho 11.000 trẻ em/năm; vận động cộng đồng chăm sóc thay thế 4.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn/năm dưới các hình thức gia đình hoặc cá nhân nhận nuôi dưỡng, nhận đỡ đầu, nhận nuôi con nuôi và chăm sóc tại Nhà xã hội.
Nhà nước cũng sẽ có những chính sách cụ thể để hỗ trợ trẻ em tàn tật nặng được chỉnh hình và phục hồi chức năng, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn học nghề, việc làm và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ văn hóa. Nhà nước còn tạo điều kiện cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ văn hoá. Đối với trẻ em tàn tật, tạo điều kiện có lớp học, khu năng khiếu, ấn phẩm văn hoá và chương trình thể thao riêng.
(Lan Hương - Hà Nội Mới)