Nhận tiền chuyển khoản nhầm, phải làm gì để không dính bẫy lừa đảo?

Giả chuyển khoản nhầm để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chiêu trò lừa đảo vô cùng tinh vi mới xuất hiện gần đây. Vậy khi nhận tiền chuyển khoản nhầm, phải làm gì để không dính bẫy lừa đảo?

1. Chuyển tiền nhầm tài khoản ngân hàng: Thủ đoạn lừa đảo mới cần cảnh giác

Giả chuyển khoản nhầm để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chiêu trò lừa đảo vô cùng tinh vi mới xuất hiện gần đây.

Thủ đoạn của các đối tượng xấu là cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người nào đó. Sau khi bên kia nhận được tiền, đối tượng sẽ giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính để liên hệ, dọa nạt và yêu cầu họ trả lại số tiền đã nhận như một khoản vay cùng với số lãi cắt cổ.

Một trường hợp khác, đối tượng lừa đảo chuyển tiền cho người bị hại, sau đó liên hệ giới thiệu mình đang sống tại nước ngoài và muốn được nhận lại số tiền đã chuyển khoản nhầm.

Để trả lại số tiền, người nhận tiền chuyển nhầm phải sử dụng dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua một đường link. Không ngờ, sau khi điền xong thông tin, số tiền trong tài khoản của người nhận đã bị rút sạch.

Qua một số ví dụ kể trên, có thể thấy, kịch bản lừa đảo chuyển tiền nhầm tài khoản ngân hàng vô cùng khó đoán. Đồng thời, đánh thẳng vào lòng tốt của nạn nhân là những người nhẹ dạ, cả tin, khiến họ rất dễ mắc bẫy.

Nếu chưa biết tới chiêu thức lừa đảo này từ trước, có lẽ đa số những người nhận được tiền chuyển nhầm từ người khác sẽ khó tránh khỏi bị lừa.

nhan tien chuyen khoan nham


2. Nhận tiền chuyển khoản nhầm, phải làm gì để không dính bẫy lừa đảo?

Khi nhận được tiền chuyển khoản nhầm, người nhận cần lưu ý: Không sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân và chỉ làm việc với ngân hàng để trả lại tiền cho người chuyển nhầm, tuyệt đối không chuyển lại tiền cho người lạ khi không có bên thứ ba làm chứng.

Người dân có thể chủ động liên hệ với ngân hàng để thông báo về việc nhận tiền chuyển nhầm hoặc đợi đại diện ngân hàng liên hệ làm việc.

Nếu nhận được điện thoại từ ngân hàng, cần kiểm tra xem đó có đúng là số điện thoại của ngân hàng hay không. Để chắc chắn hơn, chủ tài khoản vẫn nên đến ngân hàng làm việc trực tiếp.

Trường hợp khoản tiền chuyển nhầm có giá trị nhỏ thì chủ tài khoản có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê rồi đối chiếu với những thông tin nhận được và tiến hành chuyển lại.

Còn đối với số tiền lớn, chủ tài khoản nên sắp xếp thời gian đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để thực hiện việc xác minh hay thậm chí là liên hệ với cơ quan công an để giải quyết.

>> Gọi ngay tổng đài 1900.6199 để được hướng dẫn cách xử lý khi nhận được tiền người khác chuyển nhầm.

3. Tiêu tiền người khác chuyển khoản nhầm, người nhận có phạm tội?

Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, việc không trả lại số tiền bị chuyển nhầm sẽ bị coi là chiếm hữu tài sản của người khác không có căn cứ pháp luật.

Trong đó, Điều 579 Bộ luật Dân sự nêu rõ, người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, khi được người khác chuyển nhầm tiền vào tài khoản, người nhận nên liên hệ với ngân hàng để giải quyết để tránh vi phạm pháp luật.

Nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép dưới 10 triệu đồng, người thực hiện vi phạm sẽ bị phạt hành chính từ 02 - 05 triệu đồng (theo điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).

Nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép trên 10 triệu đồng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chiếm giữ trái phép tài sản quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, di vật là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, nếu sử dụng, chiếm đoạt số tiền từ 10 - 200 triệu đồng do được người khác chuyển nhầm, người thực hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Nếu chiếm đoạt số tiền trên 200 triệu do người khác chuyển nhầm, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 01 - 05 năm. 

Trên đây là những thông tin liên quan đến vấn đề: Nhận tiền chuyển khoản nhầm, phải làm gì để không dính bẫy lừa đảo? Với những trường hợp cụ thể, bạn có thể gọi 1900.6199  để LuatVietnam hỗ trợ chi tiết.

>> Cách lấy lại tiền khi chuyển nhầm tài khoản

Đánh giá bài viết:
(4 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục