Thời gian gần đây, cả nước đã áp dụng các biện pháp điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà để giảm áp lực cho ngành y tế, giảm chi phí... Vậy khi được điều trị tại nhà, người nhiễm Covid-19 (hay còn gọi là F0) cần phải biết những thông tin gì?
- 1. F0 nào được điều trị tại nhà?
- 2. F0 điều trị tại nhà theo dõi sức khoẻ thế nào?
- 3. F0 điều trị tại nhà dùng thuốc thế nào?
- 4. F0 nào điều trị tại nhà phải vào viện ngay?
- 5. Điều kiện F0 điều trị ở nhà được xem là khỏi bệnh
- 6. F0 điều trị tại nhà nhận được những khoản tiền nào?
- 7. F0 không khai báo, không cách ly tại nhà có thể bị đi tù?
1. F0 nào được điều trị tại nhà?
Theo hướng dẫn tại Quyết định 261/QĐ-BYT, người bệnh mắc Covid-19 được quản lý, điều trị tại nhà nếu đáp ứng điều kiện sau đây:
- Là người mắc Covid-19, không có triệu chứng hoặc có nhưng ở mức nhẹ như sốt, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi, tiêu chảy, chảy mũi, mất mùi, mất vị.
- Không mắc các bệnh nền hoặc không có bệnh nền đang được điều trị ổn định: Bệnh đái tháo đường, ung thư, thận mạn tính, béo phì, thừa cân, HIV/AIDS... (theo hướng dẫn tại Quyết định 250/QĐ-BYT).
- Không có dấu hiệu viêm phổi, thiếu ô xy, nhịp thở < 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời, không thở rên, rút lõm lồng ngực, thở khò khè, thở rít...
- Có khả năng tự chăm sóc bản thân: Tự ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh, tự theo dõi sức khoẻ, có sẵn điện thoại, máy tính, có khả năng giao tiếp...
2. F0 điều trị tại nhà theo dõi sức khoẻ thế nào?
Việc tự theo dõi sức khoẻ của F0 cũng được Bộ Y tế hướng dẫn tại Quyết định 261/QĐ-BYT như sau:
- Thời gian: 02 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều hoặc khi có dấu hiệu/triệu chứng cần chuyển viện cấp cứu, điều trị.
- Nội dung: Chỉ số nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2, huyết áp; triệu chứng mệt mỏi, ho, ớn lạnh, mắt đỏ, mất vị giác/khứu giác, tiêu chảy, thở dốc, đau tức ngực, đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn...
Đồng thời, người mắc Covid-19 cần nghỉ ngơi, vận động nhẹ, phù hợp với tình trạng sức khoẻ; ít nhất 15 phút mỗi ngày tập thở; uống nước thường xuyên, không bỏ bữa, ăn đầy đủ chất, trái cây, uống nước hoa quả...
3. F0 điều trị tại nhà dùng thuốc thế nào?
Việc kê đơn điều trị F0 tại nhà được thực hiện khi F0 có dấu hiệu sốt, ho như sau:
- Ho: Dùng thuốc giảm ho khi ho khan nhiều.
- Sốt:
Người lớn sốt trên 38,5oC, đau đầu, đau người nhiều |
Trẻ em sốt trên 38,5oC |
- Uống thuốc hạ sốt (paracetamol 0,5 g) 01 viên/lần/mỗi 4-6 giờ và chỉ uống không quá 04 viên/ngày. - Uống oresol nếu ăn kém/giảm hoặc thay nước. |
Uống thuốc hạ sốt (paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần) lặp lại mỗi 4-6 giờ và không quá 04 lần/ngày. |
Trong đó, danh mục các loại thuốc dành cho điều trị ngoại trú người mắc Covid-19 tại nhà được ban hành tại Phụ lục số 03 kèm Quyết định 261/QĐ-BYT gồm:
Lưu ý:
- Ngay sau khi có chuẩn đoán xác định mắc Covid-19, dùng thuốc kháng vi rút ngay, tốt nhất là dùng trong 05 ngày đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng và ưu tiên dùng cho F0 có triệu chứng hoặc có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi, người chưa tiêm đủ liều vắc xin, có bệnh nền...
- Khi người bệnh có dấu hiệu suy hô hấp như khó thở, thở hụt hơi, thở rít, khò khè; người lớn có nhịp thở ≥ 20 lần/phút; trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi ≥ 30 lần/phút; trẻ em từ 1 đến dưới 5 tuổi ≥ 40 lần/phút và/hoặc SpO2≤ 96%... cần sử dụng kết hợp thuốc chống viêm corticosteroid và chống đông máu nhưng chỉ kê điều trị trong 01 ngày chờ chuyển đến cơ sở điều trị F0.
4. F0 nào điều trị tại nhà phải vào viện ngay?
Nếu sau khi uống thuốc hạ sốt 02 lần không đỡ, F0 cần phải thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà để xử trí. Đặc biệt, khi phát hiện 11 biểu hiện bất thường dưới đây thì ngay lập tức báo cho nhân viên y tế để được cấp cứu và chuyển viện:
- Khó thở, thở hụt hơi, trẻ em thở trên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè...
- Người lớn thở ≥ 20 lần/phút; trẻ từ 01 - dưới 05 tuổi thở ≥ 40 lần/phút; trẻ từ 05 - dưới 12 tuổi thở ≥ 30 lần/phút.
- SpO2 ≤ 96%.
- Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút;
- 90 mmHg > huyết áp < 60 mmHg.
- Thường xuyên đau tức ngực, bó thắt ngực, khi hít sâu thì đau tăng hơn.
- Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì, co giật...
- Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
- Trẻ bú/uống kém/giảm, ăn kém, nôn, sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban...
- Mắc thêm bệnh cấp tính như sốt xuất huyết, tay chân miệng...
- Bất kỳ tình trạng bất ổn nào mà người mắc Covid-19 thấy cần báo cơ sở y tế.
Căn cứ: Quyết định 261/QĐ-BYT
5. Điều kiện F0 điều trị ở nhà được xem là khỏi bệnh
F0 khi đáp ứng các điều kiện nêu tại mục 7.1 hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 250/QĐ-BYT thì sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà:
- Đã cách ly, điều trị đủ 07 ngày và test nhanh có kết quả âm tính với Sars-CoV-2 do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
- Sau 07 ngày nếu kết quả xét nghiệm vẫn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày nếu đã tiêm đủ liều vắc xin và 14 gnayf nếu chưa tiêm đủ liều vắc xin.
Việc xác nhận F0 khỏi bệnh sẽ do trạm y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm thực hiện.
6. F0 điều trị tại nhà nhận được những khoản tiền nào?
- Tiền của công đoàn: Theo Quyết định số 3749/QĐ-TLĐ, lao động là F0 không vi phạm quy định về phòng, chống dịch có triệu chứng nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại nhà được nhận tối đa 1,5 triệu đồng/người...
- Tiền bảo hiểm của chế độ ốm đau: Lao động là F0 phải việc, có xác nhận của cơ sở y tế sẽ được hưởng chế độ ốm đau.
- Tiền trợ cấp dưỡng sức: Sau khi điều trị Covid-19, người lao động vẫn chưa phục hồi sức khoẻ thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ 05 ngày...
Xem thêm: Nếu bạn là F0, đây là 4 khoản tiền bạn được nhận
7. F0 không khai báo, không cách ly tại nhà có thể bị đi tù?
Hiện nay, theo Quyết định 447 của Thủ tướng Chính phủ, Covid-19 được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A. Vì thế, khi F0 không khai báo với cơ sở y tế, không thực hiện cách ly tại nhà hoặc chuyển đến cơ sở điều trị tập trung ngoài việc sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ bản thân, người xung quanh, nâng khả năng lây nhiễm cho người khác thì còn có thể bị xử phạt. Cụ thể:
Xử phạt hành chính
Theo điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, người nào che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời việc bản thân hoặc người khác mắc Covid-19 thì có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Chịu trách nhiệm hình sự
Ở mức độ nặng hơn, không chỉ bị phạt tiền, F0 còn có thể phải ngồi tù về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự:
- Phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 - 05 năm: Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc gian dối, không tuân thủ quy định về cách ly, trốn khỏi nơi cách ly...
- Phạt tù từ 05 - 10 năm: Làm chết người hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh/Bộ trưởng Bộ Y tế phải công bố dịch.
- Phạt tù từ 10 - 12 năm: Thủ tướng Chính phủ phải công bố dịch hoặc làm chết 02 người trở lên.
Trên đây là tổng hợp các quy định về những quy định F0 đang điều trị tại nhà cần biết. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199 dể được hỗ trợ, giải đáp.