Chấp nhận công bố khoa học trong nước
Điều 14 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm Thông tư 18 quy định:
1. Việc đánh giá luận án tại đơn vị chuyên môn được tổ chức khi nghiên cứu sinh đáp ứng đủ những yêu cầu sau và yêu cầu bổ sung của cơ sở đào tạo đối với từng chương trình đào tạo (nếu có):
a) Đã hoàn thành các học phần trong chương trình đào tạo tiến sĩ;
b) Có bản thảo luận án tiến sĩ được người hướng dẫn hoặc đồng hướng dẫn đồng ý đề xuất được đánh giá ở đơn vị chuyên môn;
c) Là tác giả chính của báo cáo hội nghị khoa học, bài báo khoa học được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục WoS/Scopus, hoặc chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành, hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên theo ngành đào tạo, hoặc sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có uy tín trong nước và quốc tế phát hành; các công bố phải đạt tổng điểm từ 2,0 điểm trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định cho mỗi loại công trình (không chia điểm khi có đồng tác giả), có liên quan và đóng góp quan trọng cho kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận án;
Trước đây, yêu cầu để minh chứng cho kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu khoa học của người hướng dẫn và đầu ra của nghiên cứu sinh chỉ công nhận các bài báo, báo cáo khoa học trong danh mục tạp chí World of Sciences (WoS) và Scopus.
Tuy nhiên, quy chế mới đã bổ sung việc chấp nhận các sách chuyên khảo, công bố tại các tạp chí trong nước có chất lượng tốt theo tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Giáo sư nhà nước nếu nghiên cứu sinh là tác giả chính.
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học:
"Sự công nhận đối với các tạp chí trong nước sẽ là động lực để các tạp chí khoa học phấn đấu nâng cao chất lượng, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế bằng nội lực.”
Quy định này góp phần mang các sản phẩm khoa học có giá trị, phù hợp với điều kiện của Việt Nam đến được đông đảo người quan tâm ở trong nước. Đồng thời khẳng định trách nhiệm, đóng góp đối với quốc gia của các nhà khoa học, nghiên cứu sinh Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam có 01 tạp chí được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu SCIE (Science Citation Index Expansed); 06 tạp chí thuộc ESCI (Emerging Sources Citation Index) của Web of Sciences; 08 tạp chí Scopus và 18 tạp chí trong cơ sở dữ liệu của ACI (ASEAN Citation Index).
Được thay thế công bố khoa học bằng sáng chế, giải thưởng quốc gia, quốc tế
Bên cạnh việc chấp nhận sách chuyên khảo, công bố trên tạp chí chất lượng trong nước, điểm d khoản 1 Điều 14 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới còn bổ sung quy định cho phép thay thế các công bố nghiên cứu khoa học bằng minh chứng khác là:
- Tác giả hoặc đồng tác giả của: 01 kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền sáng chế quốc gia, quốc tế; Hoặc 01 giải thưởng chính thức của cuộc thi quốc gia, quốc tế được công nhận bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục, thể thao;
- Có liên quan và đóng góp quan trọng cho kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận án.
Được bảo lưu kết quả học tập nếu có nhu cầu
Các năm trước, theo Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2017 ban hành kèm Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT, nghiên cứu sinh không có khả năng hoàn thành chương trình đào tạo đúng hạn chỉ được xin gia hạn học tập không quá 24 tháng. Nếu hết thời gian gia hạn luận án của nghiên cứu sinh không được thông qua, kết quả học tập sẽ không được bảo lưu.
Tuy nhiên, theo quy định mới tại Điều 11 Quy chế đào tạo năm 2021, nghiên cứu sinh sẽ được bảo lưu, xem xét công nhận, chuyển đổi trong trường hợp:
- Nghiên cứu sinh bị thôi học và có nguyện vọng được tiếp tục theo học chương trình đào tạo thạc sĩ ngành tương ứng nếu đáp ứng những quy định của quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ hiện hành;
- Nghiên cứu sinh chuyển ngành đào tạo hoặc cơ sở đào tạo;
- Nghiên cứu sinh đã thôi học, đăng ký dự tuyển lại và được công nhận là nghiên cứu sinh mới của cơ sở đào tạo đã theo học.
Quy chế của cơ sở đào tạo quy định chi tiết về thời hạn bảo lưu, thành phần hội đồng chuyên môn, quy trình thực hiện việc công nhận và chuyển đổi kết quả học tập, nghiên cứu của nghiên cứu sinh.
Bổ sung, sửa đổi yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ
Để minh chứng trình độ ngoại ngữ, thí sinh dự tuyển chương trình đào tạo tiến sĩ phải có chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp theo phụ lục II Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ. Cụ thể:
Stt | Ngôn ngữ | Bằng/Chứng chỉ/Chứng nhận | Trình độ/Thang điểm |
1 | Tiếng Anh | TOEFL iBT | Từ 46 trở lên |
IELTS | Từ 5.5 trở lên | ||
Cambridge Assessment English | B2 First/B2 Business Vantage/Linguaskill Thang điểm: từ 160 trở lên | ||
2 | Tiếng Pháp | CIEP/Alliance française diplomas | TCF từ 400 trở lên DELF B2 trở lên Diplôme de Langue |
3 | Tiếng Đức | Goethe -Institut | Goethe- Zertifikat B2 trở lên |
The German TestDaF language certificate | TestDaF level 4 (TDN 4) trở lên | ||
4 | Tiếng Trung Quốc | Chinese Hanyu Shuiping Kaoshi (HSK) | HSK level 4 trở lên |
5 | Tiếng Nhật | Japanese Language Proficiency Test (JLPT) | N3 trở lên |
6 | Tiếng Nga | ТРКИ - Тест по русскому | TPKH-2 trở lên |
7 | Các ngôn ngữ tiếng nước ngoài khác | Chứng chỉ đánh giá theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam | Từ bậc 4 trở lên |
So với quy định cũ, danh sách chứng chỉ tiếng ngước ngoài mới đã có một số thay đổi về thang điểm chứng chỉ, đồng thời bổ sung chứng chỉ đánh giá theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam đối với một số ngôn ngữ khác.
Xem thêm: Bổ sung yêu cầu về ngoại ngữ khi thi tiến sĩ từ 15/8/2021
Tăng số lượng nghiên cứu sinh/người hướng dẫn
Tại khoản 2 Điều 6 Quy chế quy định:
- Tại cùng một thời điểm, người có chức danh giáo sư được hướng dẫn độc lập tối đa 07 nghiên cứu sinh (trước đây tối đa là 05 nghiên cứu sinh);
- Người có chức danh phó giáo sư, hoặc có bằng tiến sĩ khoa học được hướng dẫn độc lập tối đa 05 nghiên cứu sinh (trước đây tối đa là 04 nghiên cứu sinh);
- Người có bằng tiến sĩ được hướng dẫn độc lập tối đa 03 nghiên cứu sinh.
- Trường hợp đồng hướng dẫn 01 nghiên cứu sinh được tính quy đổi tương đương hướng dẫn độc lập 0,5 nghiên cứu sinh
Thay đổi các mốc thời gian đào tạo
Căn cứ Điều 3 Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ, tổng thời gian đào tạo tiêu chuẩn là 03 - 04 năm.
Tổng thời gian học tập nghiên cứu trước khi trình hồ sơ thực hiện quy trình phản biện độc lập và bảo vệ cấp cơ sở là 06 năm.
Thời hạn để hoàn thành các thủ tục bảo vệ luận án ở cơ sở sau thời gian này là từ 06 tháng đến một năm theo tình hình thực tế do cơ sở đào tạo quyết định.
Trên đây là một số điểm mới trong quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.
>> Chuẩn chương trình đào tạo đại học từ 07/8/2021