Tội phạm hoàn thành là một trong các giai đoạn thực hiện tội phạm, việc xác định đúng thời điểm tội phạm hoàn thành có ý nghĩa quan trọng trong định tội danh, hình phạt đối với người phạm tội. Vậy, tội phạm hoàn thành là gì?
1. Tội phạm hoàn thành là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015, tội phạm là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý.
Theo đó, hành vi của tội phạm xâm phạm tới độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân…
Các giai đoạn phạm tội gồm:
- Phạm tội chưa đạt;
- Tội phạm hoàn thành.
Trong đó, tội phạm hoàn thành là trường hợp hành vi phạm tội thỏa mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cụ thể được quy định tại điều luật trong Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự. Các dấu hiệu cấu thành tội phạm gồm:
- Chủ thể: Là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và có đủ điều kiện bị truy cứu hình sự gồm:
+ Có năng lực trách nhiệm hình sự;
+ Trong độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
- Khách thể: Là quan hệ xã hội bị tội phạm xâm hại và được Bộ luật Hình sự bảo vệ.
- Yếu tố khách quan: Là những biểu hiện bên ngoài của tội phạm, gồm:
+ Hành vi nguy hiểm cho xã hội;
+ Hậu quả của hành vi nguy hiểm cho xã hội;
+ Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi - hậu quả…
Tóm lại, để xác định tội phạm hoàn thành thì cần xác định xem tội phạm đó đã thỏa mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cụ thể được quy định tại điều luật trong Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự.
2. Hiểu thế nào cho đúng về tội phạm hoàn thành?
Như đã trình bày ở trên, tội phạm hoàn thành là khi hành vi phạm tội đã thỏa mãn đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm cụ thể, do vậy cần hiểu “hoàn thành” ở đây là hoàn thành về mặt pháp lý, gắn với các dấu hiệu cấu thành tội phạm mà không gắn với mục đích phạm tội của người phạm tội.
Điều này có nghĩa, thời điểm tội phạm hoàn thành sẽ không phụ thuộc vào việc người phạm tội đã đạt được mục đích hay chưa. Như vậy, việc xác định tội phạm hoàn thành không dùng dựa vào thời điểm người phạm tội đạt được mục đích của mình. Khi tội phạm hoàn thành thì cũng có thể người phạm tội đã đạt được mục đích của mình hoặc có thể là chưa đạt được mục đích đó.
3. Thời điểm tội phạm hoàn thành xác định thế nào?
Dựa theo đặc điểm cấu trúc của các loại cấu thành phạm tội, có thể xác định thời điểm tội phạm hoàn thành như sau:
- Đối với tội phạm có cấu thành vật chất:
Cấu thành tội phạm vật chất là cấu thành tội phạm có dấu hiệu bắt buộc thuộc mặt khách quan của tội phạm. Theo đó, tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội gây ra hậu quả phù hợp với hậu quả được nêu trong cấu thành tội phạm sau khi đã thực hiện tội phạm.
Ví dụ:
Tội trộm cắp tài sản: Hành vi trộm cắp tài sản được coi là hoàn thành khi người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản.
- Đối với tội phạm có cấu thành hình thức:
Cấu thành tội phạm hình thức là cấu thành tội phạm mà có các dấu hiệu phạm tội bắt buộc thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Theo đó, tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội thỏa mãn dấu hiệu hành vi phạm tội được quy định cụ thể tại điều luật trong Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự mà không cần xác định đến yếu tố hậu quả của hành vi phạm tội.
Ví dụ:
Tội cướp tài sản: Người nào thực hiện hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc như giơ dao lên dọa đâm, giơ súng dọa bắn… nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng chưa đâm, chưa bắn, chưa chiếm đoạt được tài sản thì bị bắt giữ.
Khi xác định thời điểm tội phạm hoàn thành, cần lưu ý:
- Căn cứ vào đặc điểm của từng loại tội phạm để xác định đó là tội có cấu thành vật chất hay tội có cấu thành hình thức.
- Căn cứ để xác định quyền phòng vệ chính đáng, có đồng phạm, áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự trong các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 không phải dựa trên cơ sở xác định tội phạm đã hoàn thành hay chưa mà là trên cơ sở xác định tội phạm đã kết thúc hay chưa.
Ngoài ra, cần lưu ý về thời điểm hoàn thành tội phạm:
- Thời điểm hoàn thành của tội phạm có thể không trùng với mục đích của tội phạm.
- Tội phạm kết thúc hoặc tội phạm tạm dừng không phải là hoàn thành tội phạm.
Trên đây là giải đáp về Tội phạm hoàn thành. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng gọi 1900.6192 để được hỗ trợ, tư vấn.