1. Gia cầm là gì?
Theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018:
Gia cầm là các loài động vật có 02 chân, có lông vũ, thuộc nhóm động vật có cánh được con người thuần hóa và chăn nuôi.
Gia cầm được nuôi để cung cấp thịt, trứng và lông. Thịt gia cầm các loại cung cấp hàm lượng protein lành mạnh, tốt cho với sức khỏe. Thịt gia cầm cũng là một trong những loại thực phẩm thiết yếu hàng ngày, chiếm tới 30% sản phẩm thịt trên toàn thế giới. Trong đó, thịt gà có lượng tiêu thụ phổ biến nhất chỉ sau thịt lợn.
Theo báo Công Thương, kết quả nghiên cứu của Ipsos Việt Nam cho thấy, trong 10 năm trở lại đây, mức tăng trưởng tiêu thụ thịt gia cầm trên đầu người tăng 8,5%/năm và có xu hướng tăng nhanh hơn so với tiêu thụ thịt lợn.
2. Gia cầm gồm những loại con gì?
Gia cầm hiện nay rất phong phú về giống loài, đa số là các loài chim được thuần hóa mang đi nuôi để lấy thịt, trứng và lông. Gia cầm bao gồm: gà, vịt, ngan, ngỗng, bồ câu, chim cút, đà điểu, các loài chim làm cảnh và các loài chim khác.
Các loài chim sống được trên cạn và cả môi trường nước được gọi là thủy cầm hay thủy điểu. Nhiều loài trong số chúng được thuần hóa thành các loại gia cầm như vịt, ngan, ngỗng, thiên nga. Với các loài chim hoang dã chưa được thuần hóa thì không phải là gia cầm.
Một số loại gia cầm phổ biến ở Việt Nam như gà, vịt, ngan, ngỗng và bồ câu.
2.1 Gà
Gà là loài gia cầm không biết bay, đẻ trứng và là nguồn cung cấp thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.
Gà được thuần hóa từ giống gà rừng biết bay, sau khi được thuần hóa chúng thay đổi về hình dạng, kích thước, màu sắc lông và tập tính ít khi bay.
Gà là giống loài dễ nuôi, tiện chăm sóc, lại có thể thích nghi với nhiều môi trường sống khác nhau. Chúng là giống gia cầm ăn tạp, thức ăn của chúng thường là cám, gạo, thóc, ngô,... Ngoài ra, chúng cũng thường xuyên bới đất tìm giun, sâu bọ,... để ăn.
Gà là gia cầm được nuôi với số lượng lớn nhất hiện nay như một nguồn thực phẩm quan trọng, gà cho cả thịt và trứng.
Theo Ipsos Việt Nam, trong những năm gần đây thịt gà được người dân tiêu thụ nhiều hơn. Cụ thể, năm 2021, lượng thịt gà tiêu thụ là 17,8 kg/người và năm 2022 tăng lên 18,3kg.
Theo TS Phan Văn Lục, phó chủ tịch VIPA cho biết, bình quân năm 2022 một người Việt Nam tiêu thụ 184 quả trứng gia cầm và dự kiến năm 2030 lượng tiêu thụ sẽ đạt 250 quả/người.
Như vậy, có thể thấy được thị trường chăn nuôi gia cầm, đặc biệt là gà đang rất tiềm năng. Một số giống gà đang được chăn nuôi phổ biến ở Việt Nam hiện nay là gà ri, gà Đông Tảo, gà Tam Hoàng, gà Lương Phượng, gà mía, gà ác,...
2.2 Vịt
Cũng như gà, vịt cũng là một trong những loại gia cầm được người chăn nuôi ưu tiên lựa chọn đầu tư tại Việt Nam do vịt nhanh lớn và có năng suất cao.
Vịt nhà được thuần hóa từ vịt rừng. Vịt rừng biết bay và có thể lặn sâu trong nước, chúng có thân hình nhỏ nhắn, lông có màu nâu và màu xanh sẫm. Ngược lại, vịt nhà được nuôi mập để lấy thịt và hầu như chúng không bay được. Chăn nuôi vịt có ý nghĩa kinh tế cao trong việc cung cấp thịt, trứng, lông, đặc biệt là thịt.
Vịt là loài thủy cầm nên thích sống ở môi trường nước như ao, hồ,... Người chăn nuôi có thể áp dụng mô hình nuôi công nghiệp hoặc kết hợp nuôi chạy đồng sẽ mang lại lợi nhuận kinh tế cao.
Vịt có rất nhiều giá trị kinh tế, chúng cung cấp cung cấp thịt, lông, trứng đặc biệt là thịt. Ví dụ: Vịt Bắc Kinh trưởng thành con đực nặng 3,0-3,5kg/con, năng suất trứng 130-150 quả/mái/năm. Hoặc vịt Anh Đào có nguồn gốc từ Anh, vịt đực trưởng thành nặng trên 4kg, vịt mái nặng trên 3,5kg, sản lượng trứng 100-110 quả/năm.
2.3 Ngan
Ngan là tên gọi của một loài gia cầm ngoài miền Bắc hay gọi, riêng trong Nam sẽ gọi là vịt xiêm (Muscovy). Loài này bắt nguồn từ Nam Mỹ, sau dần lan sang nhiều nước như Anh, Pháp,… Sau đó đến Việt Nam được người dân nhân giống và chăn nuôi với số lượng lớn.
Con ngan khá dễ nuôi, kỹ thuật chăn nuôi không cầu kỳ hay tốn kém, thức ăn của chúng thường có sẵn trong tự nhiên. Các thức ăn thừa hàng ngày đều có thể làm thức ăn cho ngan, do đó chúng rất được ưa chuộng và phổ biến.
Thịt của ngan có nhiều nạc và mềm, mọi người thường thích ăn thịt ngan hơn. Thường giống ngan nuôi lấy thịt 4 tháng đạt 4kg, nuôi lấy trứng năng suất thấp chỉ 60-70 quả/mái/năm. Nhiều nơi còn có những trang trại lớn để nuôi riêng dòng gia cầm ngan này để cung ứng ra thị trường.
2.4 Ngỗng
Ngỗng là một loài loài chim được con người thuần hóa và trở thành một loài gia cầm được con người chăn nuôi để lấy thịt, trứng và lông. Ngoài ra, người ta còn nuôi chúng để giữ nhà, canh gác do bản tính ngỗng rất hung hăng và phát ra tiếng kêu lớn.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loài ngỗng ví dụ như ngỗng bạch tuyết, ngỗng nâu vằn, ngỗng nâu xám,...
Ngỗng sinh trưởng rất nhanh, chỉ tầm khoảng 10 – 11 tuần nuôi, trọng lượng cơ thể đã tăng gấp 40 – 45 lần so với lúc mới nở.
Ngỗng là một loài ăn tạp. Thức ăn chủ yếu của chúng là cỏ, các loại rau củ, quả tươi,... hoặc chúng cũng ăn các loại hạt như ngô, thóc, đậu tương, lạc củ, thức ăn bổ sung khoáng chất. Nếu được nuôi bằng thức ăn hỗn hợp thì ngỗng có thể tăng trọng lượng rất nhanh.
Ngỗng sinh sản theo mùa vụ, tầm khoảng từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Sức đẻ của chúng rất lớn, mỗi lứa từ 50 – 70 quả/năm. Trứng ngỗng có khối lượng lớn so với các loài gia cầm khác, nặng từ 160-180g. Trứng của chúng có hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho thai phụ và thai nhi, do đó trứng ngỗng có giá trị kinh tế rất cao.
2.5 Bồ câu
Chim bồ câu có tên khoa học là Columba livia domestica. Bồ câu là một loài chim vô cùng phổ biến và thân thuộc, chúng còn được gọi chim cu gáy, chim gầm ghì, chim cưu,... Chúng là sinh vật sống gần gũi với con người và được nuôi dưỡng để làm cảnh, làm thịt hoặc lấy trứng.
Bồ câu có nhiều giống khác nhau về kích thước và màu sắc, được phân thành các nhóm như bồ câu đưa thư, bồ câu bay lượn, bồ câu cảnh và bồ câu thịt. Trong đó, bồ câu thịt là loại được nuôi phổ biến nhất để lấy thịt. Thịt của chúng mềm, ngọt, rất giàu dinh dưỡng nên được nhiều người sử dụng để hầm bổ điều trị nhiều căn bệnh. Ví dụ như bệnh suy dinh dưỡng, còi xương, đổ mồ hôi trộm,...
Bồ câu siêu thịt, trọng lượng có thể nặng từ 1,2 kg trở lên, dễ nuôi, nhanh lớn, ít bệnh lại sinh sản tốt. Một số giống bồ câu nhà, chủ chăn nuôi có thể tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp dư thừa như: đậu nành xấu, ngô, lõi ngô, rau cỏ đem nghiền thành cám viên làm thức ăn cho chim bồ câu ăn.
Khi nuôi chim bồ câu nhà, chủ chăn nuôi cần lưu ý thường xuyên vệ sinh và đảm bảo chuồng nuôi thoáng mát.
3. Điều kiện chăn nuôi gia cầm theo quy định
Tùy theo từng loại hình chăn nuôi, chủ chăn nuôi cần đáp ứng các điều kiện tương ứng.
3.1 Chăn nuôi trang trại
Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018:
Chăn nuôi trang trại là hình thức tổ chức hoạt động chăn nuôi tập trung tại khu vực riêng biệt dành cho sản xuất, kinh doanh chăn nuôi.
Căn cứ theo quy định tại Điều 55 Luật Chăn nuôi 2018 thì chăn nuôi trang trại phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
-
Vị trí xây dựng trang trại phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, chiến lược phát triển chăn nuôi; đáp ứng yêu cầu về mật độ chăn nuôi quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 53 của Luật này;
-
Có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi;
-
Có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
-
Có chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi;
-
Có hồ sơ ghi chép quá trình hoạt động chăn nuôi, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc-xin và thông tin khác để bảo đảm truy xuất nguồn gốc; lưu giữ hồ sơ trong thời gian tối thiểu là 01 năm sau khi kết thúc chu kỳ chăn nuôi;
-
Có khoảng cách an toàn từ khu vực chăn nuôi trang trại đến đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi và từ nguồn gây ô nhiễm đến khu vực chăn nuôi trang trại.
Đối với các cá nhân, tổ chức chăn nuôi trang trại với quy mô lớn phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.
3.2 Chăn nuôi nông hộ
Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018:
Chăn nuôi nông hộ là hình thức tổ chức hoạt động chăn nuôi tại hộ gia đình.
Căn cứ theo quy định tại Điều 56 Luật Chăn nuôi 2018 thì chăn nuôi nông hộ phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
-
Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người;
-
Định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi;
-
Có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.