Hiện nay, người dân thường sử dụng sổ hộ khẩu thể hiện một số thông tin về nơi đăng ký thường trú, nhân thân của công dân như tên tuổi, mối quan hệ với chủ hộ, các thành viên trong gia đình…. Vậy, khi bỏ Sổ hộ khẩu giấy thì người dân sẽ chứng minh nơi cư trú và các mối quan hệ gia đình như thế nào?
Sổ hộ khẩu giấy chỉ có giá trị đến hết năm 2022
Theo Luật Cư trú năm 2020, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Những thay đổi về nơi thường trú sẽ được cơ quan Công an cập nhật trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Ngoài ra, tại điều khoản thi hành của Luật này quy định:
Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022.
Nghĩa là từ năm 2023, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sẽ chính thức bị "khai tử". Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
Người dân chứng minh cư trú bằng cách nào? (Ảnh minh họa)
Bỏ Sổ hộ khẩu giấy, người dân chứng minh cư trú, nhân thân bằng cách nào?
Theo các quy định tại Luật Cư trú đã nêu trên, thông tin trước đây có trong Sổ hộ khẩu giấy sẽ được số hóa, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thông tin về mối quan hệ của công dân với chủ hộ gia đình và các thành viên trong hộ gia đình cũng sẽ được cụ thể hóa bằng trường thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cụ thể, tại Điều 37 Luật Cư trú 2020 sửa khoản 1 Điều 9 Luật Căn cước công dân đã yêu cầu thu thập thêm nhiều thông tin để bổ sung vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như:
- Nơi tạm trú;- Tình trạng khai báo tạm vắng;
- Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ và các thành viên hộ gia đình.(trước đó, thông tin thu thập đã có nơi thường trú, nơi ở hiện tại...)
Những dữ liệu này sẽ được tích hợp vào thẻ Căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, công dân và cơ quan nhà nước chỉ cần dùng thẻ Căn cước công dân có thể tra cứu được tất cả thông tin cần thiết.
Đồng thời, để đồng bộ hệ thống pháp luật, khoản 4 Điều 38 Luật Cư trú 2020 cũng quy định:
4. Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính.
Kết luận: Khi bỏ Sổ hộ khẩu giấy, người dân chỉ cần xuất trình thẻ Căn cước công dân, cơ quan có thẩm quyền sẽ dễ dàng tra cứu được các thông tin cư trú, nhân thân.
Hiện nay, Bộ Công an dự kiến cấp Căn cước công dân gắn chip đã tích hợp nhiều thông tin của công dân.
Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900 6192 để được hỗ trợ.