Xe ô tô kinh doanh nhưng không đăng ký có bị phạt?

Hiện nay, xe có phát sinh hoạt động kinh doanh vận tải nhưng không đăng ký hầu hết gặp ở các xe gia đình và chỉ kinh doanh, chở khách khi có dịp, có thời gian rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập.

Xe có kinh doanh phải đăng ký!

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP:

Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phưong tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

Như vậy, chỉ cần xe ô tô có phát sinh vận chuyển hành khách, hàng hóa nhằm sinh lợi đều được xếp vào kinh doanh vận tải.

Hiện nay, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được quy định tại khoản 1 Điều 67 Luật Giao thông đường bộ 2008 như sau:

1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật;

b) Bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh; phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định của Chính phủ;

c) Bảo đảm số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án kinh doanh và phải có hợp đồng lao động bằng văn bản; nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn nghiệp vụ kinh doanh vận tải, an toàn giao thông; không được sử dụng người lái xe đang trong thời kỳ bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật;

d) Người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã phải có trình độ chuyên môn về vận tải;

đ) Có nơi đỗ xe phù hợp với quy mô của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm yêu cầu về trật tự, an toàn, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.

Như vậy, xe ô tô có phát sinh hoạt động kinh doanh vận tải bắt buộc phải đăng ký kinh doanh vận tải.

o to kinh doanh nhung khong dang ky
Xe ô tô kinh doanh nhưng không đăng ký có bị phạt? (Ảnh minh họa)

Xe ô tô kinh doanh nhưng không đăng ký bị phạt bao nhiêu?

Theo quy định tại khoản 7 Điều 28 Nghị định 100/2019 xử phạt vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phạt tiền từ 07 - 10 triệu đồng đối với cá nhân, từ 14 - 20 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có Giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định;

- Thực hiện không đúng hình thức kinh doanh đã đăng ký trong Giấy phép kinh doanh vận tải…

Như vậy, mức phạt với ô tô kinh doanh vận tải nhưng không đăng ký tối đa là 20 triệu đồng.

Xe ô tô kinh doanh phải gắn phù hiệu

Theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 10/2020/NĐ-CP, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng:

- Phải có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết các thông tin khác trên xe;

- Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” là 06 x 20 cm…

Khi vận chuyển hành khách, ngoài các giấy tờ phải mang theo theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, lái xe còn phải thực hiện các quy định sau (trừ trường hợp thực hiện hợp đồng vận chuyển phục vụ đám tang, đám cưới):

- Mang theo hợp đồng vận chuyển bằng văn bản giấy của đơn vị kinh doanh vận tải đã ký kết;

- Mang theo danh sách hành khách có dấu xác nhận của đơn vị kinh doanh vận tải;

Lưu ý: Trường hợp sử dụng hợp đồng điện tử, lái xe phải có thiết bị để truy cập được nội dung của hợp đồng điện tử và danh sách hành khách kèm theo do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp.

Ngoài việc phải dán phù hiệu, trước ngày 31/12/2021, xe kinh doanh vận tải phải đổi sang biển vàng, nếu không sẽ bị phạt đến 08 triệu đồng.

Trên đây là quy định xung quanh việc ô tô kinh doanh vận tải. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900 6192 để được hỗ trợ.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục