Cha mẹ có quyền đánh con hay không?
Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái.
Theo đó, thương yêu, tôn trọng ý kiến của con cũng như không được phân biệt đối xử giữa con trai và con gái, không được ép con phải lao động quá sức hoặc xúi giục, ép buộc con làm công việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội… là quyền cũng là nghĩa vụ mà cha mẹ phải thực hiện.
Không những thế, theo điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 nêu rõ, việc ngược đãi, đánh đập, đe dọa/có hành vi cố ý khác, hành hạ nhằm xâm hại sức khỏe, tính mạng của thành viên gia đình đều bị coi là bạo lực gia đình.
Đồng thời, hành vi bạo lực gia đình này không chỉ áp dụng giữa cha mẹ với con mà còn áp dụng với người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị, em của người đã ly hôn, của người chung sống như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi với nhau.
Do đó, có thể khẳng định, mọi hành vi đánh đập, hành hạ, ngược đãi… con đẻ, con nuôi, con riêng hoặc của người từng là con nuôi của cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi đều được coi là bạo lực gia đình và là hành vi vi phạm pháp luật.
Cha mẹ đánh con bị phạt thế nào?
Theo quy định của pháp luật, hành vi đánh đập con cái là hành vi vi phạm pháp luật và cha mẹ không được quyền xâm phạm sức khỏe, tính mạng của con cái.
Tuy nhiên, đây được coi là hành vi bạo lực gia đình và bị nghiêm cấm. Do đó, tùy vào mức độ, tính chất của việc đánh con, cha mẹ có thể bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử phạt hành chính
Theo Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu cha mẹ có hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình thì sẽ bị phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng.
Nặng hơn, nếu sử dụng thêm các công cụ, vật dụng khác… gây thương tích cho con cái hoặc không kịp đưa nạn nhân đi cấp cứu hoặc không chăm sóc trẻ trong thời gian con cái điều trị chấn thương do bạo lực gia đình gây ra thì bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng (trừ trường hợp người con từ chối).
Ngoài ra, với các hành vi khác ngược đãi, hành hạ con cái như đối xử tồi tệ (bắt nhịn ăn, nhịn uống, chịu rét hoặc bỏ mặc không chăm sóc…) thì có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng theo Điều 53 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Với trẻ em (người dưới 16 tuổi), hành vi bạo lực với trẻ có thể bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP với các hành vi:
- Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho/hạn chế vệ sinh cá nhân hoặc có hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em…
- Gây tổn hại về tinh thần, lăng mạ, chửi bới, đe dọa, cô lập… hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ trong đó có đánh đập khiến thể chất, tinh thần của trẻ bị tổn hại…
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Không chỉ bị xử phạt hành chính, nếu cha mẹ đánh đập con cái còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội sau đây:
- Tội hành hạ người khác (Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015) với khung hình phạt cao nhất là 03 năm tù giam
- Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015) với khung hình phạt cao nhất là 05 năm tù giam.
Ngoài ra, nếu vì bị ngược đãi, thường xuyên bị đối xử tàn ác làm người đó tự sát thì có thể bị phạt tù cao nhất là 12 năm tù giam do phạm Tội bức tử quy định tại Điều 130 Bộ luật Hình sự 2015.
Trên đây là phân tích quy định pháp luật về việc cha mẹ đánh con bị phạt thế nào? Có thể thấy, đây là hành vi sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc mà các bậc cha mẹ không thể lường trước được. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp.