Tiếp chương trình làm việc của Phiên họp thứ 15, ngày 25/12, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận và cho ý kiến về Dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước và Luật Quản lý nợ công.
Dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước (BTNN) đã được QH thảo luận và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, QH khóa XII.
Dự thảo Luật quy định theo hướng, xác định bản chất của quan hệ bồi thường nhà nước là quan hệ dân sự đặc thù, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với công dân là trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng.
Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng, bản chất của quan hệ BTNN là vấn đề quan trọng, xuyên suốt toàn bộ chế định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Xác định được bản chất của quan hệ BTNN sẽ giải quyết được các vấn đề lớn, phức tạp như nguyên tắc trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường, cơ chế bồi thường, mức bồi thường…
Luật BTNN sẽ tăng thêm trách nhiệm cho người thi hành công vụ
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền, Luật này nên được ban hành. Bởi trên thực tế hiện nay, quá trình tố tụng cũng có một số sai sót do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân thiếu tinh thần trách nhiệm của người thi hành công vụ. Vì vậy nếu không có giải pháp một cách đồng bộ sẽ không thể ngăn chặn được. Bên cạnh đó, việc quy trách nhiệm người thi hành công vụ hiện nay cũng không rõ ràng.
Ông Hà Văn Hiền cho rằng, Luật BTNN sẽ làm tăng thêm trách nhiệm của người thi hành công vụ, làm lành mạnh hóa nền hành chính và khẳng định rõ thêm chủ trương chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.
Kết luận phiên thảo luận về Luật BTNN, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc xây dựng, thảo luận và cho ý kiến về Luật này xuất phát từ bản chất Nhà nước ta là Nhà nước của dân. Đồng thời, từ thực tiễn thời gian qua nhiều trường hợp oan sai nếu không giải quyết kịp thời sẽ tích đọng trong dân những tâm tư và suy nghĩ không đúng.
Qua thảo luận, đa số đại biểu tán thành ban hành Luật này, tuy nhiên còn có một số ý kiến khác nhau. Theo Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, vì thực tiễn vấn đề này chưa tổng kết được nhiều và còn liên quan đến nhiều lĩnh vực. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu và cho ý kiến sâu hơn.
Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu sẽ chủ trì để rà soát lại từng điều khoản của Luật và báo cáo lại UBTVQH trước khi trình QH vào tháng 5/2009.
Xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong quản lý nợ công
Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của QH về một số vấn đề lớn của Dự thảo Luật Quản lý nợ công, trong đó về trách nhiệm trong quản lý nợ công, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của QH cho rằng, người quyết định cho vay, người thẩm định cho vay phải chịu trách nhiệm pháp lý về quyết định và kết quả thẩm định cho vay vốn, nhất là trong trường hợp tổ chức được vay vốn không đủ năng lực tài chính, sử dụng đồng vốn không hiệu quả.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên yêu cầu, cơ quan soạn thảo phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức. Quốc hội quan tâm đến việc quy định trách nhiệm của người đi vay; cá nhân, tổ chức cho vay lại và người đi vay lại… Về phạm vi điều chỉnh của Luật, đa số đại biểu nhất trí như trong Dự thảo Luật. Song cho rằng không nên đưa nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp Nhà nước vào Luật này.
Về vay nước ngoài của chính quyền địa phương, có đại biểu QH đề nghị, để bảo đảm tính thống nhất, tập trung trong công tác quản lý, không nên quy định UBND cấp tỉnh xây dựng phương án, chủ động tìm nguồn vốn vay nước ngoài. Chính phủ nên quản lý thống nhất và giao Bộ Tài chính thực hiện chức năng này.
Kết luận vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng, Nhà nước ta thống nhất, ngân sách Nhà nước cũng thống nhất. Vì vậy, không đặt vấn đề địa phương được quyền trực tiếp vay nước ngoài. Những địa phương có nhu cầu cần đầu tư thì trên cơ sở Chính phủ vay về, sẽ cho vay lại.
Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên đề nghị Luật Quản lý nợ công cần tiếp tục rà soát lại để hoàn chỉnh.
.