Thời gian gần đây, dư luận xôn xao bày tỏ nhiều ý kiến trái chiều khi một số nghệ sĩ bị yêu cầu thu hồi danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT). Những ý kiến này xoay quanh việc hành vi của nghệ sĩ có hay không thể bị tước danh hiệu NSƯT. Vậy, khi nào bị tước danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú?
Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”
Theo Điều 9 Nghị định 89/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 40/2021/NĐ-CP, danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú dành cho những cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật khi đạt các tiêu chuẩn sau:
1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương.
2. Có phẩm chất đạo đức, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ.
3. Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên; riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 10 năm trở lên.
4. Đạt một trong các tiêu chí sau:
- Có ít nhất 02 giải Vàng quốc gia (trong đó có 01 giải Vàng là của cá nhân).
- Có ít nhất 01 giải Vàng quốc gia và 02 giải Bạc quốc gia (trong đó có 01 giải Vàng là của cá nhân).
- Có ít nhất 03 giải Vàng quốc gia (nếu không có 01 giải Vàng là của cá nhân).
- Có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc, thiếu một trong các giải thường trên nhưng được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong trường hợp cụ thể sau:
+ Nghệ sĩ là người cao tuổi có nhiều cống hiến, đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật;
+ Nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương và đất nước;
+ Nghệ sĩ là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế.
Có thể thấy, danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú là danh hiệu cao quý mà Nhà nước trao tặng cho những cá nhân, tổ chức và phụ thuộc rất nhiều vào phẩm chất, đạo đức cũng như những cống hiến, đóng góp của họ.
Khi nào bị tước danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”?
Điều 97 Luật Thi đua khen thưởng năm 2003 đã quy định tương đối rõ như sau:
“1. Cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà vi phạm pháp luật thì có thể bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước đó theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.
2. Việc tước danh hiệu vinh dự nhà nước do Chủ tịch nước quyết định.”
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 91/2017/NĐ-CP cũng quy định về thủ tục, hồ sơ tước hoặc phục hồi danh hiệu, cụ thể:
1. Cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà vi phạm pháp luật hình sự, bị tòa án xét xử bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật và bị tuyên án từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước.
Theo đó:
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, cơ quan trình khen thưởng có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định việc tước danh hiệu vinh dự nhà nước;
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của Chủ tịch nước, cơ quan trình khen thưởng có trách nhiệm thu hồi hiện vật khen thưởng để giao nộp cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng cùng cấp; thu hồi tiền thưởng và nộp vào ngân sách nhà nước hoặc quỹ thi đua, khen thưởng theo quy định.
Như vậy, mặc dù trước đó nghệ sĩ là người có nhiều đóng góp, cống hiến nổi bật và được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, thế nhưng vẫn có thể bị tước danh hiệu nếu:
- Vi phạm pháp luật hình sự;
- Bị tòa án xét xử bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật;
- Bị tuyên án từ hình phạt tù có thời hạn trở lên.
Trên đây là một số thông tin về Khi nào bị tước danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú? Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.
Xem thêm: Điểm khác nhau gữa Nghệ sĩ nhân dân và Nghệ sĩ ưu tú