Có được đăng ký tên công ty trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ?

Việc đặt tên cho công ty có vẻ khá đơn giản nhưng lại có thể gặp rắc rối nếu cá nhân, tổ chức không tham khảo kỹ. Tên công ty có thể đặt trùng với nhãn hiệu được không? Bởi lẽ tên công ty không phải đối tượng sở hữu công nghiệp giống như nhãn hiệu.


Tên công ty có được trùng với nhãn hiệu được bảo hộ?

Khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009 quy định như sau:

“1. Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:

a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;

b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.”

Theo đó, việc sử nhãn hiệu trùng/tương tự được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ/hàng hoá dịch vụ tương tự mà không được sự cho phép của chủ sở hữu được coi là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, việc đặt tên công ty có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đã được đăng ký là hành vi vi phạm pháp luật.

Cũng theo khoản 1 Điều 19 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định rõ hơn như sau:

1. Không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu đó. Trước khi đăng ký đặt tên doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp.

Tuy nhiên, việc đăng ký tên doanh nghiệp và đăng ký nhãn hiệu là hai thủ tục hành chính khác nhau. Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính có thẩm quyền xét duyệt việc đăng ký và thay đổi tên doanh nghiệp. Còn Cục Sở hữu trí tuệ xét duyệt hồ sơ và cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.

Trường hợp cá nhân, tổ chức đăng ký tên công ty trùng hoặc tương tự với tên nhãn hiệu đã được cấp văn bằng thì vẫn được Phòng Đăng ký kinh doanh chấp nhận bình thường. Bởi lẻ Phòng Đăng ký kinh doanh không quản lý và không có thông tin về nhãn hiệu đã được cấp văn bằng, vì vậy sẽ không có sự đối chiếu và phát hiện ra hành vi vi phạm.

dang ky ten cong ty trung voi nhan hieuTên công ty có được trùng với nhãn hiệu (Ảnh minh hoạ)
 

Làm cách nào để ngăn chặn công ty không đăng ký tên trùng với nhãn hiệu

Việc sử dụng tên công ty trùng/tương tự với tên nhãn hiệu đã được đăng ký sẽ gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đã đăng ký nhãn hiệu đó. Để khắc phục tình trạng này, khoản 3 Điều 19 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có quy định quyền của chủ thể đã được cấp văn bằng bảo hộ như sau:

Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có quyền gửi văn bản đề nghị đến Phòng Đăng ký kinh doanh để yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên doanh nghiệp cho phù hợp. Kèm theo văn bản đề nghị của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp phải có bản sao các giấy tờ sau đây:

- Văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng tên doanh nghiệp là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;

- Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý; bản trích lục sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp; Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp; hợp đồng sử dụng đối tượng quyền sở hữu công nghiệp trong trường hợp người yêu cầu là người được chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó.

Hiện nay, thay vì phát hiện hành vi vi phạm rồi mới gửi thông báo yêu cầu giải quyết, chủ thể có quyền đối với nhãn hiệu thường gửi văn bản đến Phòng Đăng ký kinh doanh sau khi đã được cấp văn bằng bảo hộ. Nội dung là yêu cầu Phòng Đăng ký kinh doanh không chấp nhận những hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có tên trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của họ.

Trường hợp Phòng Đăng ký kinh doanh xác nhận doanh nghiệp có hành vi vi phạm, doanh nghiệp phải tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo.

Như vậy, doanh nghiệp nên chủ động tham khảo tên nhãn hiệu đã được bảo hộ trước khi đặt tên doanh nghiệp để không bị trùng. Nếu có thắc mắc liên quan đến vấn đề này, độc giả vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> Sau khi đổi tên, công ty cần làm ngay những điều này

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Có phải cập nhật mã ngành, nghề mới khi thay đổi đăng ký kinh doanh?

Có phải cập nhật mã ngành, nghề mới khi thay đổi đăng ký kinh doanh?

Có phải cập nhật mã ngành, nghề mới khi thay đổi đăng ký kinh doanh?

Mã ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay được sử dụng theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg. Những doanh nghiệp đăng ký thành lập trước thời điểm văn bản này có hiệu đang sử dụng các mã ngành, nghề cũ. Vậy doanh nghiệp có phải chủ động cập nhật mã ngành, nghề mới không?

"Bết bát" vì Covid 19: Doanh nghiệp nên tạm ngừng kinh doanh hay giải thể?

"Bết bát" vì Covid 19: Doanh nghiệp nên tạm ngừng kinh doanh hay giải thể?

Theo Chỉ thị 16/CT-TTg, những doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu vẫn được hoạt động. Còn những doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề không thiết yếu không được phép hoạt động, tình hình kinh doanh trở nên “bết bát”. Đứng trước bờ vực thua lỗ, những doanh nghiệp này đang phải cân nhắc nên tạm ngừng kinh doanh hay giải thể.