Nhiều người muốn thành lập công ty nhưng do thuộc các trường hợp bị cấm nên họ phải nhờ người khác đứng tên công ty hộ. Đây là một giải pháp khá linh hoạt nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi cho cả hai bên.
Trường hợp nào phải nhờ người khác đứng tên công ty?
1. Các đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp
Theo khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020, những đối tượng sau không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp:
2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;
g) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Như vậy, những trường hợp được liệt kê trên đây không có quyền đứng ra để thành lập và quản lý công ty, cụ thể:
- Thành lập công ty: tức là nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp để trở thành cổ đông sáng lập công ty cổ phần, thành viên góp vốn của công ty TNHH, thành viên công ty hợp danh.
- Giữ các chức danh quản lý trong doanh nghiệp: Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị…
2. Một số trường hợp khác
- Thành viên hợp danh muốn thành lập doanh nghiệp tư nhân, thành lập công ty hợp danh khác.;
- Chủ doanh nghiệp tư nhân muốn thành lập doanh nghiệp tư nhân khác hoặc công ty hợp danh, hộ kinh doanh;
- Nhà đầu tư nước ngoài không đủ điều kiện thành lập tổ chức kinh tế theo pháp luật đầu tư.
Xem chi tiết: Thủ tục thành lập công ty cổ phần chỉ với 3 bước (mới nhất)
Có nên nhờ người khác đứng tên công ty (Ảnh minh hoạ)
Rủi ro khi nhờ người khác đứng tên công ty
Khi đã quyết định nhờ người khác đứng tên công ty, cá nhân, tổ chức dường như cũng đã chấp nhận những rủi ro. Đây là những rủi ro không thế tránh khỏi, bởi vì bản chất những đối tượng này bị cấm thành lập doanh nghiệp, nhưng họ lại “lách luật” bằng cách nhờ người khác đứng tên.
Dưới đây là những rủi ro mà cá nhân, tổ chức có thể gặp phải khi nhờ người khác đứng tên công ty:
1. Người nhờ đứng tên không có tư cách pháp lý trong công ty
Khi nhờ người khác đứng tên công ty, quyền và nghĩa vụ đối với 1 thành viên, cổ đông trong công ty hoàn toàn thuộc về người được nhờ đứng tên công ty.
Đặc biệt, khi người nhờ đứng tên lại tiến hành các hoạt động giao dịch, đàm phán với khách hàng và đối tác, về mặt pháp lý, người này không có tư cách gì trong công ty. Điều này sẽ dẫn đến sự mất tin tưởng, gây ra sự nghi ngờ khi giao dịch cho đối tác, từ đó ảnh hưởng đến uy tín khi kinh doanh.
Một số quyền lợi khác về mặt pháp lý như: tuyển dụng lao động, quyết định cơ cấu tổ chức công ty, triệu tập họp công ty…người nhờ đứng tên cũng không được trao quyền.
2. Bị phạt về hành vi kê khai thông tin doanh nghiệp không trung thực
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền có căn cứ chứng minh việc cá nhân nhờ người khác đứng tên hộ thì có thể bị xử phạt hành chính
Theo khoản 3 Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp có nghĩa vụ chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.
Khoản 1 Điều 24 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Tuy nhiên, rủi ro này rất ít khi xảy ra.
3. Dễ xảy ra tranh chấp giữa các bên
Trong quá trình hoạt động, công ty sẽ có những sai phạm khó tránh khỏi liên quan đến thuế, hay là các vấn đề với các đối tác mà phải giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền như: Toà án, trọng tài…Trường hợp này, người được nhờ đứng tên là người có tư cách pháp lý để giải quyết.
Tuy nhiên, nếu không thoả thuận rõ từ ban đầu, một số trường hợp người được nhờ đứng tên không thực hiện đúng nghĩa vụ của một thành viên công ty, của một người đại diện theo pháp luật trong các quan hệ pháp luật với đối tác, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dẫn đến một số hậu quả như tình hình công ty kinh doanh bị thua lỗ…Lúc này, sẽ có tranh chấp giữa người nhờ đứng tên và người được nhờ đứng tên.
Vì vây, nếu nhờ người khác đứng tên hộ công ty, các bên thường lập một hợp đồng uỷ quyền. Nội dung của hợp đồng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên, những công việc cụ thể mà người được nhờ đứng tên phải làm khi đứng tên hộ công ty…để tránh phát sinh các tranh chấp giữa hai chủ thể này.
Như vậy, trường hợp bắt buộc phải nhờ người khác đứng tên công ty, các bên nên lập hợp đồng uỷ quyền về vấn đề này để quy định chi tiết quyền và nghĩa vụ, nội dung công việc nhờ đứng tên công ty.
Nếu có thắc mắc liên quan đến vấn đề này, độc giả vui lòng gọi đến tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.