Tại bài viết này, LuatVietnam sẽ trình bày chi tiết về vấn đề tập quán trở thành pháp luật khi nào?
1. Tập quán là gì? Pháp luật là gì?
Tập quán là quy tắc xử sự được hình thành, lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc lĩnh vực dân sự cụ thể (căn cứ khoản 1 Điều 5 Bộ luật Dân sự).
Nghị quyết 04 năm 2012 của Hội đồng Thẩm phán cũng định nghĩa về tập quán như sau:
Tập quán là thói quen đã thành nếp trong đời sống xã hội, trong sản xuất và sinh hoạt thường ngày, được cộng đồng nơi có tập quán đó thừa nhận và làm theo như một quy ước chung của cộng đồng.
Đồng thời, không phải mọi tập quán đều được chấp nhận và áp dụng mà chỉ được chấp nhận khi không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Đây cũng là nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 5 Bộ luật Dân sự năm 2015:
2. Trường hợp các bên không có thoả thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.
Theo đó, Điều 3 Bộ luật Dân sự quy định các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự gồm:
Điều 3. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự
1. Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
3. Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
4. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
5. Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
Đặc biệt, nếu cả tập quán và quy định pháp luật đều quy định về một vấn đề thì Toà án sẽ sử dụng văn bản quy phạp pháp luật để giải quyết mà không áp dụng tập quán.
Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung được đặt ra bởi Nhà nước, mang tính bắt buộc thực hiện và thể hiện ý chí cũng như bản chất của giai cấp thống trị.
Theo đó, về bản chất, tập quán và pháp luật khác nhau cơ bản ở chỗ tập quán không có tính bắt buộc và hệ thống còn pháp luật thì được thống nhất thực hiện trong quy mô rộng.
2. Khi nào tập quán trở thành pháp luật?
Tập quán trở thành pháp luật khi được Nhà nước thừa nhận và nâng lên làm pháp luật. Và đây được gọi là tập quán pháp. Khi Nhà nước thừa nhận một tập quán và đưa tập quán đó trở thành pháp luật có ý nghĩa thể hiện sự chấp thuận của nhà nước với thói quen ứng xử của cộng đồng.
Theo đó, việc thừa nhận tập quán pháp được thực hiện thông qua các cách thức như liệt kê danh mục tập quán; áp dụng tập quán để giải quyết các vụ việc trong thực tiễn…
3. Trường hợp nào áp dụng tập quán?
Hiện nay, theo quy định của luật, một số trường hợp được áp dụng tập quán gồm:
- Xác định họ: Nếu không có thoả thuận của cha mẹ về việc xác định họ cho con thì xác định theo tập quán (căn cứ khoản 2 Điều 26 Bộ luật Dân sự).
- Xác định dân tộc: Cha mẹ không có thoả thuận thì xác định dân tộc cho con theo tập quán và áp dụng tập quán của dân tộc ít người hơn nếu tập quán của cha và mẹ khác nhau (căn cứ khoản 2 Điều 29 Bộ luật Dân sự năm 2015)…
Sau bài viết này, chắc hẳn độc giả đã biết tập quán trở thành pháp luật khi nào? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.