Tiêu chuẩn TCVN 9547:2013 Mức độ thấm thuốc trừ sâu của vật liệu làm trang phục bảo vệ

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiêu chuẩn liên quan
  • Lược đồ
  • Tải về
Mục lục Đặt mua toàn văn TCVN
Tìm từ trong trang
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9547:2013

Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9547:2013 ISO 22608:2004 Trang phục bảo vệ-Bảo vệ chống hóa chất lỏng-Phép đo mức độ không thấm, mức độ lưu lại, và mức độ thấm qua của các chế phẩm thuốc trừ sâu lỏng qua vật liệu làm trang phục bảo vệ
Số hiệu:TCVN 9547:2013Loại văn bản:Tiêu chuẩn Việt Nam
Cơ quan ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệLĩnh vực: Lao động-Tiền lương, Công nghiệp
Năm ban hành:2013Hiệu lực:
Người ký:Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 9547 : 2013

ISO 22608 : 2004

TRANG PHỤC BẢO VỆ - BẢO VỆ CHỐNG HÓA CHẤT LỎNG – PHÉP ĐO MỨC ĐỘ KHÔNG THẤM, MỨC ĐỘ LƯU LẠI, VÀ MỨC ĐỘ THẤM QUA CỦA CÁC CHẾ PHẨM THUỐC TRỪ SÂU LỎNG QUA VẬT LIỆU LÀM TRANG PHỤC BẢO VỆ

Protective clothing – Protection against liqid chemicals – Measurement of repellency, retention, and penetration of liqid pesticide formulations through protective clothing materials.

Lời nói đầu

TCVN 9547:2013 hoàn toàn tương đương với ISO 22608:2004.

TCVN 9547:2013 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 94 Phương tiện bảo vệ cá nhân biên soạn;Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Lời giới thiệu

Trong quá trình pha trộn, nạp và sử dụng các chế phẩm thuốc trừ sâu lỏng, sức khỏe và an toàn của người lao động có thể bị ảnh hưởng do tiếp xúc với các chế phẩm thước trừ sâu lỏng. Sử dụng trang phục bảo vệ có thể giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với các thuốc trừ sâu có nguy hiểm tiềm ẩn. Các vật liệu không xốp tạo ra sự bảo vệ rất tốt cho người sử dụng thường không phù hợp trong nhiều môi trường có tiềm ẩn ứng suất nhiệt. Bởi vậy, quần áo làm từ vật liệu xốp có thể tạo ra một sự cân bằng giữa rủi ro từ việc tiếp xúc với thuốc trừ sâu và sự thoải mái của người sử dụng, được dùng như phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) cho người lao động.

Các thuốc trừ sâu lỏng di chuyển qua các vật liệu này chủ yếu là do sự thấm qua các khoảng trống giữa các xơ và khe hở giữa các sợi. Khi các vật liệu này tạo ra được sự bảo vệ bằng cách không thấm hoặc lưu lại thuốc trừ sâu thì phép đo các tính chất này cũng quan trọng. Phương pháp thử trong tiêu chuẩn này được sử dụng để đo mức độ không thấm, mức độ lưu lại và mức độ thấm qua của các thuốc trừ sâu lỏng qua vật liệu làm trang phục bảo vệ.

TRANG PHỤC BẢO VỆ - BẢO VỆ CHỐNG HÓA CHẤT LỎNG – PHÉP ĐO MỨC ĐỘ KHÔNG THẤM, MỨC ĐỘ LƯU LẠI, VÀ MỨC ĐỘ THẤM QUA CỦA CÁC CHẾ PHẨM THUỐC TRỪ SÂU LỎNG QUA VẬT LIỆU LÀM TRANG PHỤC BẢO VỆ

Protective clothing – Protection against liqid chemicals – Measurement of repellency, retention, and penetration of liqid pesticide formulations through protective clothing materials.

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này qui định phương pháp thử để đo mức độ không thấm, mức độ lưu lại và mức độ thấm qua của một thể tích thuốc trừ sâu đã biết khi tác dụng lên vật liệu làm trang phục bảo vệ. Không có áp suất cơ học hay áp suất thủy tĩnh từ bên ngoài tác dụng lên mẫu thử trong hoặc sau khi cho tiếp xúc với thuốc trừ sâu lỏng.

Mức độ nhiễm phụ thuộc vào các yếu tố như loại tiếp xúc, kỹ thuật áp dụng, và chế phẩm thuốc trừ sâu. Do mức độ tiếp xúc có thể thay đổi đáng kể, phương pháp thử này được dùng để đánh giá tính năng có liên quan của vật liệu làm phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) tại hai mức độ nhiễm. Mức độ nhiễm thấp đạt được bằng cách cho tác dụng với 0,1 ml chế phẩm lỏng và mức độ nhiễm cao đạt được bằng cách cho tác dụng với 0,2 ml.

Phương pháp thử này không dùng để đo độ bền thẩm thấu hoặc độ bền lão hóa.

Phương pháp thử này thích hợp đối với các chế phẩm thuốc trừ sâu có nồng độ sử dụng và các chế phẩm thuốc trừ sâu đậm đặc. Phương pháp thử này có thể không thích hợp để thử vật liệu làm trang phục bảo vệ chống các chế phẩm thuốc trừ sâu dễ bay hơi.

Tiêu chuẩn này có thể áp dụng để đánh giá vật liệu vẫn còn mới hoặc vật liệu đã qua xử lý như giặt là hoặc mài mòn mô phỏng. Chi tiết của việc xử lý phải được ghi lại. Phương pháp thử này cũng có thể sử dụng để xác định độ bền chống thấm của vật liệu làm trang phục bảo vệ đối với các chế phẩm thuốc trừ sâu mới.

2. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).

TCVN 7790-1:2007 (ISO 2859-1:1999), Quy trình lấy mẫu để kiểm tra định tính – Phần 1: Chương trình lấy mẫu được xác định theo giới hạn chất lượng chấp nhận (AQL) để kiểm tra từng lô.

3. Thuật ngữ và định nghĩa

Trong tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:

3.1. Kỹ thuật phân tích (analytical technique)

Quy trình xác định định lượng nồng độ của hóa chất thử trong môi trường thu gom.

CHÚ THÍCH Quy trình được lựa chọn trên chất lỏng cần phân tích. Các kỹ thuật có thể áp dụng bao gồm, nhưng không giới hạn, phương pháp sắc ký khí, phương pháp sắc ký lỏng áp suất cao, phương pháp phân tích trọng lượng, và phương pháp đếm nuclit phóng xạ.

3.2. Vải tráng phủ (coated fabric)

Vật liệu mềm dẻo gồm một lớp vải dệt được tráng phủ bởi lớp vật liệu polyme hoặc vật liệu khác lên một hoặc cả hai mặt.

3.3. Chất lỏng thử (test liquid)

Hỗn hợp từ nhiều chất như: các hoạt chất, chất trơ và dung môi được sử dụng trong chế phẩm thuốc trừ sâu.

CHÚ THÍCH Các thành phần thêm vào có thể bao gồm các chất nhũ hóa và các chất hoạt động bề mặt. Các dung môi được sử dụng trong chế phẩm có thể là nước, rượu isopropyl, hoặc phân đoạn dầu mỏ. Vật liệu rắn (các dạng bột, hạt nhỏ,v.v…) có thể được hòa tan hoặc được nhũ hóa để tạo thành một chất lỏng hoặc chất huyền phù. Các chế phẩm có thể sử dụng luôn hoặc các chế phẩm ở dạng cần pha loãng đến nồng độ sử dụng.

3.4. Sự thấm qua (penetration)

Lượng hóa chất thấm qua các chỗ kín, vật liệu xốp, đường may, và lỗ hoặc chỗ không hoàn thiện khác trên vật liệu làm trang phục bảo vệ ở mức không phân tử.

3.5. Sự thẩm thấu (permeation)

Quá trình một hóa chất đi qua vật liệu làm trang phục bảo vệ ở mức phân tử.

CHÚ THÍCH thẩm thấu bao gồm
a) Sự hấp thụ các phân tử hóa học và bề mặt tiếp xúc (mặt ngoài) của vật liệu,

b) Sự khuếch tán các phân tử hấp thụ vào trong vật liệu, và

c) Sự giải hấp các phân tử từ bề mặt đối diện (mặt trong) của vật liệu.

3.6. Sự lưu lại chất lỏng (liquid retention)

Chất lỏng được giữ lại trong vật liệu làm trang phục bảo vệ dưới các điều kiện của phép thử này.

3.7. Vật liệu làm trang phục bảo vệ (protective clothing material)

Vật liệu bất kỳ hoặc sự kết hợp các vật liệu được sử dụng trong một bộ phận của trang phục với mục đích cách ly các phần của cơ thể với mối nguy hiểm tiềm ẩn.

CHÚ THÍCH với mục đích của tiêu chuẩn này, vật liệu làm trang phục bảo vệ bao gồm các vật liệu được sử dụng trong cấu tạo của quần áo hoặc trang phục để tạo ra lớp bảo vệ đầu tiên cho người mặc. Vật liệu làm trang phục bảo vệ không bao gồm các vật liệu được sử dụng trong cấu tạo của tấm che toàn bộ mặt, găng tay, và giầy ủng.

3.8. Sự không thấm chất lỏng (liquid repellency)

Đặc tính chống ướt và thấm qua bởi chất lỏng.

4. Nguyên tắc

Sử dụng một pipettor để nhỏ chất lỏng thử lên bề mặt tổ hợp thử, tổ hợp này gồm vật liệu làm trang phục bảo vệ một hoặc nhiều lớp (mẫu thử) và một tờ giấy thấm có màng polyetylen lót ở phía sau (lớp thu gom)

Sau khi một khoảng thời gian quy định,dùng tờ giấy thấm khác có màng polyetylen lót ở phía sau (lớp thu gom) đặt trên bề mặt thử để lấy chất lỏng còn lại.

Lớp trên cùng, mẫu thử đã nhiễm thuốc trừ sâu và lớp thu gom phải để tách rời nhau.

Lượng chất lỏng thử trên mỗi lớp được đo hoặc bằng cách phân tích trọng lượng (cân) hoặc bằng các kỹ thuật phân tích phù hợp khác.

Phương pháp A là phương pháp trọng lượng để đo khối lượng của chất lỏng thử ở từng lớp, trong khi đó phương pháp B là phương pháp phân tích yêu cầu chiết chất lỏng thử và đo khối lượng của hoạt chất.

Các dữ liệu thu được dùng để tính toán phần trăm không thấm, phần trăm lưu lại thuốc trừ sâu, và phần trăm thấm qua.

5. Thiết bị, dụng cụ

5.1. Thiết bị, dụng cụ và vật liệu dùng để thử mức độ nhiễm của mẫu thử.

5.1.1. Chất lỏng thử, để làm nhiễm bẩn mẫu thử

Sử dụng máy khuấy từ hoặc máy khuấy khác khuấy các chất lỏng có thể lắng trong quá trình thực hiện.

5.1.2. Pipettor, có đầu pipet dùng một lần, được gắn vào khung đỡ, để nhỏ giọt (0,1 ± 0,002) ml chất lỏng đối với mức độ nhiễm thấp và (0,2 ± 0,004) ml đối với mức độ nhiễm cao (xem Hình1).

Việc định lượng nhiều lần không được sử dụng cho các chất lỏng thử vì có thể lắng trong quá trình thực hiện.

CHÚ THÍCH: Độ nhớt của chất lỏng, kinh nghiệm của người sử dụng và nhiệt độ có thể ảnh hưởng đến độ chính xác và độ chụm. Thông tin bổ sung về việc lựa chọn pipettor có thể được nhà sản xuất cung cấp.

5.1.3. Dụng cụ giữ mẫu thử, bao gồm một tấm đế 100 mm x 100 mm (xem Hình 2) và một tấm đậy 100 mm x 100 mm có một khoảng hở 60 mm x 60 mm ở tâm (xem Hình 3).

Dụng cụ giữ mẫu thử làm bằng polymetyl metacrylat (dày 4mm) hoặc bằng vật  liệu phù hợp khác. Khối lượng của tấm đậy phải từ 30g đến 35 g.

5.1.4. Đồng hồ đo, có độ chính xác đến 1 s

5.1.5. Giấy thấm, hai tờ hình vuông 80 mm x 80 mm có màng polyetylen lót ở phía sau, một tờ được dùng để đo mức độ thấm qua, và tờ còn lại để đo mức độ không thấm, cả hai tờ có các đặc tính sau:[1]

- Định lượng: 160g/m2

- Chiều dày: 590 µm ở 53 kPa và 710 µm ở 10 kPa.

- Giá trị hấp thụ nước điển hình: 75 mg/cm2

Không nên thay thế các giấy thấm, bởi vì sự khác nhau về tính chất hấp thụ; việc sử dụng các giấy thấm khác với giấy được quy định có thể ảnh hưởng đến kết quả thử nghiệm.

5.1.6. Dụng cụ chứa, để loại bỏ các vật liệu bị nhiễm.

5.2. Thiết bị, dụng cụ để phân tích dùng trong Phương pháp A

5.2.1. Cân, có độ chính xác đến 0,001 g.

5.2.2. Kẹp gắp

5.3. Thiết bị, dụng cụ và vật liệu dùng trong Phương pháp B

5.3.1. Dung môi, phù hợp để chiết xuất thuốc trừ sâu

CHÚ THÍCH: Việc lựa chọn dung môi tùy thuộc vào chất lỏng thử và phương pháp phân tích sử dụng. Yêu cầu hiệu suất chiết tối thiểu là 95%. Quy trình để tính toán hiệu suất chiết được đưa trong 10.2. Dung môi có tính bay hơi cao có thể không phù hợp, bởi vì có thể thất thoát do bay hơi trong khi thực hiện các thao tác bằng tay.

5.3.2. Chai, bình hoặc chai bền với hóa chất, kín khí phù hợp để chiết thuốc trừ sâu. Chai bền với hóa chất, kín khí cũng được dùng để lưu trữ.

5.3.3. Kẹp gắp

5.3.4. Đồng hồ đo, có độ chính xác đến 1s

5.3.5. Ống đong chia độ, có dung tích (50 ± 0,2) ml, ống định lượng hoặc dụng cụ khác dùng để đo chính xác dung môi

5.3.6. Máy lắc tròn, có khả năng lắc (200 ± 20) r/min

CHÚ DẪN

1

Kẹp để giữ đứng yên

2

Pipettor

3

Đầu pipet dùng một lần

4

Khoảng cách giữa đầu pipet và tâm của mẫu thử

5

Mẫu thử

6

Tấm đậy 100 m x 100 mm có khoảng hở 60 mm x 60 mm

7

Tấm đế 100 mm x 100 mm

Hình 1 – Hình vẽ mô phỏng cách bố trí pipettor và tổ hợp thử

Kích thước tính bằng milimét

Các đặc tính

Tấm 100 mm x 100 mm

Đường đánh dấu khắc trên tấm 80 mm x 80 mm

Chiều dày 4 mm

Hình 2 – Tấm đế mica

Kích thước tính bằng milimét

Chú dẫn

1

Dấu định tâm

Các đặc tính

100 mm x 100 mm có một khoảng hở 60 mm x 60 mm ở tâm

Chiều dày 4mm

Khối lượng 30 đến 35 g

Các dấu định tâm tại khoảng hở 60 mm x 60 mm

Hình 3 – Tấm đậy mica

6. Mẫu thử

Các mẫu thử lấy từ vật liệu làm trang phục bảo vệ có thể gồm một lớp đơn hoặc sự kết hợp của các lớp phức đại diện cho quần áo bảo vệ trên thực tế. Các mẫu thử cũng có thể bao gồm đường may, những chỗ đóng kín, hoặc những liên kết khác sử dụng trong cấu tạo của quần áo. Trong mỗi phép thử, mặt ngoài phải tiếp xúc với chế phẩm thuốc trừ sâu.

Mỗi mẫu thử lấy từ vật liệu làm trang phục bảo vệ phải có kích thước 80 mm x 80 mm. Đối với Phương pháp A, kiểm tra cẩn thận mẫu và loại bỏ bất kỳ các sợi hoặc xơ rời nào có thể nhô ra khỏi mép hoặc bám dính vào bề mặt vải.

Thử tối thiểu ba mẫu thử cho mỗi vật liệu thử. Phải sử dụng quy trình lấy mẫu ngẫu nhiên được mô tả trong TCVN 7790 – 1 (ISO 2859-1) để lựa chọn các mẫu thử.

7. Lựa chọn kỹ thuật phân tích

Quy trình sử dụng để định lượng khối lượng hóa chất/chất lỏng thử trên các mẫu thử và giấy thấm phải được xác định trước khi thực hiện phép thử. Việc lựa chọn quy trình phân tích dựa trên chất lỏng thử đã chọn.

Có thể sử dụng kỹ thuật phân tích trọng lượng nếu chất lỏng thử có

a) Tỉ lệ bay hơi thấp, và

b) Không lọc hoặc lưu lại một cách có chọn lọc các thành phần.

Điển hình, chế phẩm thuốc trừ sâu dưới dạng nhũ tương đậm đặc (kích cỡ phần tử tương đối nhỏ) và phần cô đặc lỏng (dung dịch nền là nước không có thành phần khác) đáp ứng tiêu chuẩn.

Các kỹ thuật phân tích như phương pháp sắc ký khí hoặc phương pháp sắc ký lỏng áp suất cao có thể sử dụng đối với các chế phẩm có hoạt chất. Điều này yêu cầu chiết (trong hầu hết các trường hợp) và phân tích hoạt chất.

Sử dụng Phương pháp A nếu dùng phương pháp trọng lượng để phân tích. Sử dụng Phương pháp B nếu quy trình yêu cầu và phân tích hoạt chất.

8. Chuẩn bị thiết bị, dụng cụ và vật liệu thử

8.1. Hiệu chuẩn pipettor

8.1.1. Hiệu chuẩn bằng nước cất

Hiệu chuẩn pipettor bằng cách cân 0,1 ml nước cất (0,2 ml đối với mức độ nhiễm cao hơn). Thực hiện mười lần đọc. Các giá trị đọc phải nằm trong phạm vi 2% giới hạn dung sai.

8.1.2. Hiệu chuẩn bằng chất lỏng thử

Người thực hiện phải hiệu chuẩn pipettor trước khi thực hiện phép thử. Sử dụng cùng một đầu pipet để pha chế phần thử (0,1 ml hoặc 0,2 ml) và ghi lại khối lượng chính xác đến 0,001g. Thực hiện mười lần đọc. Mỗi giá trị đọc phải nằm trong phạm vi 2% giới hạn dung sai. Tính giá trị trung bình của mười giá trị đọc.  Giá trị trung bình được sử dụng là giá trị biểu thị tổng lượng chất lỏng thử, mt, tính bằng miligam, áp dụng Phương pháp A trong 9.2.

Kinh nghiệm của người thao tác trong việc nhỏ giọt chất lỏng thử theo quy trình do nhà sản xuất cung cấp mang tính chất quyết định. Không có kinh nghiệm trong việc hút và pha chế chất lỏng thử có thể dẫn đến kết quả sai. Pipettor điện tử có thể giảm được sai số do kinh nghiệm của người thao tác.

Độ nhớt của các chất lỏng thử có thể ảnh hưởng đến lượng pha chế. Chất lỏng nhớt có thể tích tụ ở đầu pipet. Trong trường hợp tích tụ chất lỏng, sử dụng một đầu pipet mới cho mỗi lần thực hiện hoặc thay đầu pipet khi có yêu cầu, dựa trên kết quả của 10 giá trị đọc liên tiếp đã thực hiện ở trên.

8.2. Chuẩn bị tổ hợp thử

Chuẩn bị tổ hợp thử sau:

a) Gắn pipettor vào giá đỡ. Đặt vào trong tủ hút, nếu chất lỏng thử là nguy hiểm. Nếu chiều cao của dụng cụ chứa chất lỏng thử lớn hơn 2,5 cm, đặt dụng cụ giữ mẫu thử trên một giá đỡ hoặc bệ nâng sao cho chất lỏng có thể được hút dễ dàng.

b) Chuẩn bị tổ hợp thử bằng cách đặt lớp thu gom lên trên tấm đế của dụng cụ giữ mẫu sao cho mặt thấm của lớp thu gom quay lên phía trên. Sau đó đặt mẫu thử có mặt ngoài quay lên trên, cuối cùng là tấm đậy.

c) Đặt tổ hợp thử phía dưới pipettor. Trọng tâm của tổ hợp này ở phía dưới đầu pipet và điều chỉnh chiều cao của pipettor đến khoảng cách (30 ± 5) mm phía trên mẫu thử (xem Hình 1)

d) Đánh dấu vị trí của dụng cụ giữ mẫu thử trên bệ đỡ hoặc bệ nâng.

8.3. Điều hòa mẫu thử

Trừ khi có quy định khác, điều hòa mẫu thử ở (25 ± 5) 0C và độ ẩm tương đối (60 ± 10) % trong 24h trước khi thử. Phép thử phải bắt đầu trong vòng 10 min từ khi lấy mẫu thử ra khỏi môi trường điều hòa.

8.4. Nhiệt độ thử

Trừ khi có quy định khác, tất cả các phép thử phải được thực hiện ở các điều kiện tương tự như môi trường điều hòa, (25 ± 5) 0C và độ ẩm tương đối (60 ± 10) %.

9. Phương pháp A

9.1. Làm nhiễm hóa chất vào mẫu thử

Làm nhiễm hóa chất vào mẫu thử như sau:

a) Cân mẫu thử và hai tờ giấy thấm và ghi lại các giá trị đọc, chính xác đến 0,001g. Để ngăn ngừa sự nhiễm hóa chất, đặt mẫu thử đã được cân trước và giấy thấm tương ứng lên lá nhôm.

b) Chuẩn bị tổ hợp thử như trong Điều 8. Các góc của các mẫu thử có xu hướng uốn quăn phải được tính vào tấm đế. Sử dụng các miếng băng dính nhỏ sao cho sự tiếp xúc giữ mẫu thử và lớp thu gom ở phía dưới mẫu thử không thay đổi.

c) Đặt tổ hợp thử và lớp thấm trên cùng đã được cân từ trước tương ứng cạnh pipettor. Nếu thử nhiều hơn một mẫu thử tại cùng một lần, để cho hiệu quả, bố trí các tổ hợp thử và lớp thấm trên cùng tương ứng cạnh pipettor.

d) Lắc chất lỏng thử và hút cẩn thận một phần chất lỏng thử. Nên sử dụng que khuấy có từ tính để khuấy chất lỏng thử do có thể bị lắng trong khi thực hiện.

e) Định vị bệ nâng có tổ hợp thử phía dưới pipettor như đã đánh dấu theo 8.2 d). Nhỏ giọt cẩn thận chất lỏng thử xuống tấm của mẫu thử và đồng thời bắt đầu tính thời gian. Thời gian nhỏ chất lỏng thử phải trong vòng 5s. Sử dụng (0,1 ± 0,002) ml chất lỏng thư đối với mức độ nhiễm thấp hơn và (0,2 ± 0,004) ml chất lỏng đối với mức độ nhiễm cao hơn. Có thể sử dụng một màng trong suốt (100 mm x 100 mm) đậy lên khoảng hở để giảm sự mất mát do bay hơi.

f) Sau 10 min, lấy tấm đậy ra khỏi dụng cụ giữ mẫu thử. Dùng kẹp gắp để đặt giấy thấm 80 mm x 80 mm có mặt sau sau là polyetylen lên bề mặt của mẫu thử với mặt thấm tiếp xúc với mẫu thử. Để lại tấm đậy lên tổ hợp thử.

g) Sau hơn 2 min, dùng kẹp gắp để tách rời ba lớp. Lấy các mẫu thử và giấy thấm ra khỏi mép.

h) Cân từng lớp và ghi lại cá giá trị đọc chính xác đến từng 0,001 g.

9.2. Tính toán

9.2.1. Xác định khối lượng chất lỏng thử trong từng lớp

Lấy khối lượng tương ứng ghi được trong 9.1 h) trừ đi khối lượng của từng hợp ghi được trong 9.1 a) để tính toán khối lượng chất lỏng thử từng lớp, map, mpc, mcl,

Trong đó

map là khối lượng của chất lỏng thử trong giấy thấm 80 mm x 80 mm được dùng để lấy thuốc trừ sâu lỏng dư ra sau 10 min, tính bằng miligam.

mpc là khối lượng của chất lỏng thử trong mẫu thử lấy từ vật liệu làm bằng trang phục bảo vệ, tính bằng miligam.

mcl là khối lượng của chất lỏng thử trên lớp thu gom, tính bằng miligam.

9.2.2. Cân bằng khối lượng

Tính toán cân bằng khối lượng cho từng phép thử bằng cách cộng thêm map, mpc, mcl tương ứng. Đối với mỗi mẫu thử, giá trị cân bằng khối lượng phải trong khoảng từ 95% đến 105% của mt, trong đó mt là tổng lượng chất lỏng thử sử dụng được xác định theo 8.1.2. Lặp lại phép thử nếu cân bằng khối lượng không nằm trong khoảng nêu trên.

9.2.3. Tính toán mức độ không thấm, mức độ lưu lại, và mức độ thấm qua

Đối với từng mẫu thử, tính toán phần trăm không thấm (PR), phần trăm lưu lại (PLR) và phần trăm thấm qua (PP) của chất lỏng thử bằng cách sử dụng  các công thức từ (1) đến (3) tương ứng:

PR = map / mt x 100 (1)

PLR = mpc / mt x 100 (2)

PP = mcl / mt x 100 (3)

Tính toán mức độ mất mát do bay hơi (EL) cho mỗi mẫu thử bằng cách sử dụng công thức (4)

EL = 100 – (PR + PLR + PP) (4)

10. Phương pháp

10.1. Kiểm tra lượng hoạt chất trong chất lỏng thử dụng

Để kiểm tra lượng hoạt chất trong chất lỏng thử, dùng pipet lấy phần chất lỏng thử (ba lần lấy mỗi lần 0,1 ml hoặc 0,2 ml) vào 100ml dung môi. Lắc đều và phân tích chất lỏng bằng cách sử dụng kỹ thuật phân tích được lựa chọn trong Điều 7. Giá trị trung bình sẽ được sử dụng như tổng lượng hoạt chất, mt, áp dụng trong 10.6.

10.2. Xác định hiệu suất chiết

Tính toán hiệu suất chiết bằng cách sử dụng dung môi đã lựa chọn trước khi thử mẫu thử. Để đo hiệu suất chiết, làm nhiễm và chiết ba mẫu thử bằng cách sử dụng các quy trình trong 10.4 và 10.5. Phân tích các phần chiết bằng cách sử dụng kỹ thuật phân tích lựa chọn trong Điều 7. Tính toán hiệu suất chiết bằng cách sử dụng công thức cho trong 10.6.2. Hiệu suất chiết tối thiểu yêu cầu là 95%. Lặp lại quy trình này để xác định hiệu suất chiết với dung môi khác nếu hiệu suất chiết nhỏ hơn 95%.

10.3. Thử mẫu trắng

Để đảm bảo không có trở ngại nào do các hóa chất có thể xuất hiện trong vật liệu thử và giấy thấm, chiết và phân tích ba mẫu thử khác 80 mm x 80 mm chưa bị nhiễm (mẫu trắng). Chiết các mẫu trắng bằng cách sử dụng công thức cho trong 10.5. Phân tích các phần chiết bằng cách sử dụng kỹ thuật phân tích lựa chọn trong Điều 7. Phải thử các mẫu trắng trước khi thử các mẫu đã nhiễm.

10.4. Làm nhiễm hóa chất vào mẫu thử

Làm nhiễm hóa chất vào mẫu thử như sau:

a) Lắc chất lỏng thử và hút cẩn thận một phần chất lỏng thử. Nên sử dụng que khuấy có từ tính để khuấy chất lỏng thử do có thể bị lắng trong khi thực hiện.

b) Định vị bệ nâng có tổ hợp thử phía dưới pipettor như đã đánh dấu theo 8.2 d). Nhỏ giọt cẩn thận chất lỏng thử xuống tâm của mẫu thử và đồng thời bắt đầu tính thời gian. Thời gian nhỏ chất lỏng thử phải trong vòng 5 s. Sử dụng (0,1 ± 0,002) ml chất lỏng thử đối với mức độ nhiễm thấp hơn và (0,2 ± 0,004) ml đối với mức độ nhiễm cao hơn.

c) Sau 10 min, lấy tấm đậy ra khỏi dụng cụ giữ mẫu thử. Sử dụng kẹp gắp để đặt giấy thấm 80 mm x 80 mm có mặt sau là polyetylen lên bề mặt của mẫu thử với mặt thấm tiếp xúc với mẫu thử. Để lại tấm đậy lên tổ hợp thử.

d) Sau hơn 2 min, dùng kẹp gắp để tách rời ba lớp. Lấy các mẫu thử và giấy thấm ra khỏi các mép. Để ba lớp vào các bình/chai riêng rẽ.

10.5. Chiết chất lỏng thử.

Sử dụng quy trình sau để chiết chất lỏng thử từ mẫu thử và các giấy thấm tương ứng.

a) Thêm (50 ± 0,2) ml dung môi được lựa chọn vào bình/chai bằng cách sử dụng một ống đong chia độ, ống định lượng, hoặc dụng cụ phù hợp khác. Bảo đảm mẫu thử tiếp xúc với dung môi và bình/chai được đậy chặt.

b) Đặt máy lắc tròn ở vận tốc (200 ± 20) r/min.

c) Để chai/bình lên máy lắc tròn và đặt đồng hồ trong (30 ± 1) min.

d) Bắt đầu chạy máy lắc, đồng hồ và chiết trong (30 ± 1) min.

e) Sau 30 min, chuyển phần chiết từ bình/chai vào các chai lưu giữ. Đậy chặt nắp chai lưu giữ.

f) Chiết vật liệu đã nhiễm hóa chất trong 50 ml dung môi nữa theo các bước từ a) đến e).

g) Kết hợp hai phần chiết.

h) Phân tích các phần chiết bằng cách sử dụng quy trình phân tích được lựa chọn trong Điều 7. Nếu thực hiện phép phân tích sau đó, cất giữ các phần chiết trong buồn lạnh để phân tích.

Thể tích tổng trong chai lưu giữ sẽ không chính xác là 100ml, do dung môi lưu lại trên vật liệu. Sử dụng các kỹ thuật tốt để loại bỏ các chất độc và làm sạch thiết bị/ dụng cụ thí nghiệm bằng thủy tinh.

10.6. Tính toán

10.6.1. Xác định khối lượng hoạt chất trong từng lớp

Nhân lượng hoạt chất ( tính bằng mg/ml) với 100 (tổng thể tích của dung môi trong từng phép phân tích) để xác định map, mpc, mcl.

Trong đó

map là khối lượng hoạt chất trong giấy thấm 80 mm x 80 mm được dùng để lấy thuốc trừ sâu lỏng dư ra sau 10 min, tính bằng miligam;

mpc là khối lượng hoạt chất trong mẫu thử lấy từ vật liệu làm trang phục bảo vệ, tính bằng miligam.

mcl là khối lượng hoạt chất trên lớp thu gom, tính bằng miligam.

10.6.2. Tính toán hiệu suất chiết

Xác định phần trăm hiệu suất chiết (EE) bằng cách sử dụng công thức (5):

EE = ë(map + mpc + mcl)/ mt û x 100 (5)

Trong đó mt là tổng lượng hoạt chất sử dụng được xác định trong 10.1.

10.6.3. Tính toán mức độ không thấm, mức độ lưu lại và mức độ thấm qua

Đối với mỗi mẫu thử, tính toán phần trăm không thấm (PR), phần trăm lưu lại (PLR) và phần trăm thấm qua (PP) của chất lỏng bằng cách sử dụng công thức từ (6) đến (8) tương ứng:

PR = map / mt x 100 (6)

PLR = mpc / mt x 100 (7)

PP = mcl / mt x 100 (8)

11. Độ chụm và độ chệch

Độ chụm và độ chệch đối với các phương pháp thử này hiện nay đang được thiết lập.

12. Báo cáo thử nghiệm

Báo cáo thử nghiệm phải bao gồm các thông tin sau cho từng phép thử.

a) Viện dẫn tiêu chuẩn này;

b) Cách nhận biết vật liệu thử, bao gồm nhà cung cấp, tên thương mại và thành phần cấu tạo;

c) Tất cả các chi tiết về cách xử lý (như giặt là và sự mài mòn mô phỏng) của mẫu thử (chỉ yêu cầu nếu mẫu thử đã qua xử lý trước khi thử);

d) Thông tin mô tả chất lỏng thử và dung môi (nếu sử dụng quy trình chiết trước khi phân tích và nếu sử dụng sản phẩm thương mại), bao gồm tên thương mại,, hoạt chất phần cô đặc được sử dụng để thử;

e) Mức độ nhiễm hóa chất được sử dụng trong phép thử (0,1 ml hoặc 0,2 ml);

f) Phương pháp thử (A hoặc B) được sử dụng [bao gồm mức độ mất mát do bay hơi trung bình (EL) nếu sử dụng Phương pháp A];

g) Kỹ thuật phân tích nếu sử dụng Phương pháp B;

h) Giá trị trung bình và sai lệch chuẩn về phần trăm không thấm (PR), phần trăm lưu lại (PLR) và phần trăm thấm qua (PP);

i) Điều hòa các mẫu thử và chất lỏng thử.

MỤC LỤC

Lời nói đầu

Lời giới thiệu

1. Phạm vi áp dụng

2. Tài liệu viện dẫn

3. Thuật ngữ và định nghĩa

4. Nguyên tắc

5. Thiết bị, dụng cụ

5.1. Thiết bị, dụng cụ và vật liệu dùng để thử mức độ nhiễm của mẫu thử.

5.2. Thiết bị, dụng cụ để phân tích dùng trong Phương pháp A

5.3. Thiết bị, dụng cụ và vật liệu để phân tích dùng trong Phương pháp B

6. Mẫu thử

7. Lựa chọn kỹ thuật phân tích

8. Chuẩn bị thiết bị, dụng cụ và vật liệu thử

8.1. Hiệu chuẩn pipettor

8.2. Chuẩn bị tổ hợp thử

8.3. Điều hòa mẫu thử

8.4. Nhiệt độ thử

9. Phương pháp A

9.1. Làm nhiễm hóa chất vào mẫu thử

9.2. Tính toán

10. Phương pháp B

10.1. Kiểm tra lượng hoạt chất trong chất lỏng thử sử dụng

10.2. Xác định hiệu suất chiết

10.3. Thử mẫu trắng

10.4. Làm nhiễm hóa chất vào mẫu thử

10.5. Chiết chất lỏng thử

10.6. Tính toán

11. Độ chụm và độ chệch

12. Báo cáo thử nghiệm


[1] Benchkote là tên thương mại của giấy thấm có mặt sau là polyetylen được sản xuất bởi Whatman, có thể mua qua nhà cung cấp sản phẩm khoa học hoặc trực tiếp từ Whatman. Thông tin đưa ra nhằm tạo thuận lợi cho người sử dụng tiêu chuẩn này và không phải là chỉ định của ISO về sản phẩm. Có thể sử dụng các sản phẩm tương đương nếu cho thấy kết quả tương tự.

Click Tải về để xem toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam nói trên.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản mới nhất

×
Vui lòng đợi