Không tăng lương khu vực công năm 2025, khu vực tư có được tăng?

Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 được Quốc hội biểu quyết thông qua đã “chốt” không tăng lương khu vực công. Nhiều người băn khoăn còn khu vực tư thì thế nào? Theo dõi bài viết sau để biết thêm thông tin.

Không tăng lương khu vực công năm 2025 khu vực tư có được tăng?

Đầu tiên, có thể khẳng định, năm 2025, người lao động khu vực tư hoàn toàn có thể được tăng lương trong 02 trường hợp:

(1) Mức lương tối thiểu vùng tăng: người lao động đang nhận lương bằng với mức tối thiểu cũng sẽ được tăng lương.

(2) Người sử dụng lao động thỏa thuận trong hợp đồng lao động sẽ tăng lương định kỳ hằng năm cho người lao động.

Cơ sở để lý giải cho điều này cụ thể như sau:

Tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 đề ra mục tiêu cụ thể trong việc cải cách tiền lương từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 như sau:

Đối với khu vực doanh nghiệp, từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

Như vậy, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

Ngoài ra, tại khoản 6 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH có hướng dẫn về nội dung hợp đồng lao động, trong đó có quy định như sau:

6. Chế độ nâng bậc, nâng lương: theo thỏa thuận của hai bên về điều kiện, thời gian, mức lương sau khi nâng bậc, nâng lương hoặc thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể, quy định của người sử dụng lao động.

Theo đó, quy định về chế độ nâng lương là một trong những nội dung chủ yếu mà hợp đồng lao động phải có. Và công ty phải có quy định về chế độ nâng lương khi ký kết hợp đồng lao động với người lao động. Về thời gian và mức lương sau khi nâng sẽ do hai bên thoả thuận hoặc thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể, quy định của công ty.

Như vậy, nếu công ty có thỏa thuận tăng lương hằng năm cho người lao động thì năm 2025, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp vẫn có thể được tăng lương.

Khoản 2 Điều 90 Bộ Luật Lao động 2019 quy định trường hợp công ty bắt buộc phải tăng lương cho người lao động theo  có quy định như sau:

2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

Theo đó, tiền lương theo công việc hoặc chức danh trả cho người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố dựa trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia. Mức lương này thường sẽ được tăng dần theo từng năm.

Do đó, nếu mức lương tối thiểu vùng tăng, những người lao động đang nhận lương bằng với mức tối thiểu cũng sẽ được tăng lương.

Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ra Quyết định 1225/QĐ-BLĐTBXH điều tra tình hình lao động, tiền lương trong doanh nghiệp trong năm 2024 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, việc điều tra sẽ được tiến hành trên phạm vi 3.400 doanh nghiệp của 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước, có số lượng doanh nghiệp lớn, thị trường lao động phát triển.

Trong đó, những địa phương có số lượng doanh nghiệp được khảo sát nhiều là TP. Hà Nội với 700 doanh nghiệp và 1.400 lao động; TP.HCM với 800 doanh nghiệp, 1.600 lao động; tỉnh Đồng Nai với 200 doanh nghiệp và 400 lao động; các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Thanh Hóa, TP. Đà Nẵng, tỉnh Bình Dương mỗi địa phương 150 doanh nghiệp và 300 lao động…

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết việc điều tra này nhằm thu thập các thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh, lao động, tiền lương trong doanh nghiệp. Từ đó, cung cấp cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong năm 2025 theo hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.

Việc điều tra cũng đồng thời, phục vụ công tác quản lý, công bố định kỳ mức tiền lương bình quân trên thị trường lao động, để doanh nghiệp, người lao động tham khảo, làm cơ sở thương lượng tiền lương.

Như vậy, mức lương tối thiểu vùng trong năm 2025 có thể được điều chỉnh theo hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia dựa trên kết quả điều tra tình hình lao động, tiền lương trong doanh nghiệp trong năm 2024. Và khi mức lương tối thiểu vùng tăng, người lao động đang nhận lương bằng với mức tối thiểu cũng sẽ được tăng lương.

Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng được thực hiện theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP. Theo đó, lương tối thiểu vùng 1 là 4,96 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 4,41 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 3,86 triệu đồng/tháng, vùng 4 là 3,45 triệu đồng/tháng.

Lương tối thiểu giờ vùng 1 là 23.800 đồng; vùng 2: 21.200 đồng; vùng 3: 18.600 đồng; vùng 4: 16.600 đồng.

Không tăng lương khu vực công năm 2025 khu vực tư có được tăng
Không tăng lương khu vực công năm 2025 khu vực tư có được tăng? (Ảnh minh họa)

Quốc hội “chốt” không tăng lương khu vực công

Sáng 22/10, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc báo cáo về thực hiện ngân sách 2024, dự toán năm 2025. Trong đó, Chính phủ kiến nghị chưa tăng lương hưu lương công chức vào năm 2025 tại báo cáo về thực hiện ngân sách 2024, dự toán năm 2025.

Cụ thể, Chính phủ lập dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 hơn 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 15,6% so với 2024. Trong đó, thu nội địa dự kiến khoảng 1,67 triệu tỷ, tăng hơn 6% thực hiện năm trước đó.

Kế hoạch phân bổ ngân sách theo đó sẽ ưu tiên cho chi đầu tư phát triển, cũng như bố trí đủ nguồn chi lương cho khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và các chính sách an sinh xã hội khác.

Tuy vậy, theo Phó thủ tướng, dự toán thu ngân sách còn rủi ro trong bối cảnh thu khó khăn, thị trường bất động sản chưa phục hồi rõ rệt, cổ phần hóa chậm.

Để đảm bảo cân đối ngân sách, Chính phủ kiến nghị năm 2025 chưa xem xét tăng lương hưu, lương khu vực công, trợ cấp ưu đãi người có công. Trong điều hành, Chính phủ sẽ rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý bất hợp lý của một số đối tượng, ngành nghề như y tế, giáo dục.

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 25, thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Chính phủ cũng có kiến nghị chưa xem xét việc tiếp tục điều chỉnh tăng tiền lương khu vực công, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp người có công trong năm 2025.

Tại Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 được Quốc hội biểu quyết thông qua tại chương trình kỳ họp thứ 8, diễn ra sáng 13/11/2024, đối với thực hiện chính sách tiền lương, một số chính sách xã hội, dự thảo Nghị quyết nêu rõ chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025.

Như vậy, năm 2025 vẫn thực hiện mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP). Bên cạnh đó, chưa tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công.

Trên đây là thông tin về vấn đề không tăng lương khu vực công năm 2025 khu vực tư có được tăng?

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Bộ văn bản pháp luật liên quan đến HR [Cập nhật mới nhất]

Bộ văn bản pháp luật liên quan đến HR [Cập nhật mới nhất]

Bộ văn bản pháp luật liên quan đến HR [Cập nhật mới nhất]

Quản trị nhân sự (HR) là lĩnh vực đòi hỏi người phụ trách phải liên tục cập nhật các quy định pháp luật nhằm đảm bảo hài hòa quyền lợi của người lao động và doanh nghiệp. Cùng LuatVietnam cập nhật Bộ văn bản pháp luật liên quan đến HR mới nhất (tính tới ngày 11/12/2024) tại bài viết dưới đây.