Nghị quyết 97/NQ-CP 2024 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 06/2024
- Tóm tắt
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Nghị quyết 97/NQ-CP
Cơ quan ban hành: | Chính phủ | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 97/NQ-CP | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Nghị quyết | Người ký: | Lê Tấn Dũng |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 24/06/2024 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đang cập nhật |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Tư pháp-Hộ tịch |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Cần chấm dứt tình trạng “xin – cho” trong quản lý hoạt động hóa chất
Ngày 24/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 97/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 06 năm 2024. Dưới đây là một số nội dung đáng chú ý như sau:
1. Chấm dứt tình trạng “xin – cho” trong quản lý hoạt động hóa chất. Cụ thể, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về hóa chất và Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng nhằm phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật.
2. Rà soát quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, thành phần hồ sơ, giảm gánh nặng về thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện; quy định rõ trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc danh mục bí mật Nhà nước.
3. Hoàn thiện các quy định về hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Theo đó, quy định rõ các điều kiện, yêu cầu đặc thù của loại hình quảng cáo trên môi trường mạng, quảng cáo xuyên biên giới, các chế tài nhằm ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm pháp luật, chống thất thu thuế, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày ký.
Xem chi tiết Nghị quyết 97/NQ-CP tại đây
tải Nghị quyết 97/NQ-CP
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
CHÍNH PHỦ ________ Số: 97/NQ-CP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ________________________ Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 2024 |
NGHỊ QUYẾT
Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 06 năm 2024
____________
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Trên cơ sở thảo luận của các Thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, tổ chức ngày 13 tháng 06 năm 2024,
QUYẾT NGHỊ:
Chính phủ đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, dành nhiều thời gian, nguồn lực, đổi mới tư duy, thực hiện đột phá chiến lược về thể chế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách; phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tri thức, tuần hoàn, chia sẻ, các ngành công nghiệp mới, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững; Chính phủ đã tổ chức 26 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế vào tháng 9 năm 2021; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với gần 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật; trình Quốc hội xem xét, thông qua hơn 60 luật, nghị quyết; ban hành hơn 350 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 85 quyết định quy phạm. Từ đầu năm 2024 đến nay, Chính phủ đã tổ chức 05 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến, thông qua đối với 26 đề nghị xây dựng luật, nghị quyết, dự án luật. Sự quyết tâm của Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng “hành lang pháp lý” đầy đủ, tạo cơ sở cho việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, anh ninh, trật tự xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của mọi cá nhân, tổ chức.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật; ưu tiên nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật và bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách, nội dung dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới phương thức lấy ý kiến Nhân dân, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, các cơ quan, tổ chức có liên quan; tiếp thu đầy đủ, cầu thị các ý kiến góp ý và công khai, minh bạch việc giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý.
Nội dung dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và sự biến động “khó lường” của bối cảnh, tình hình quốc tế; tháo gỡ các khó khăn, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật; các vấn đề “đã chín, đã rõ”, được thực tiễn kiểm nghiệm, đa số Nhân dân đồng tình, ủng hộ thì quy phạm hóa thành các nội dung của dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; các vấn đề chưa ổn định, cần sự điều chỉnh trong quá trình thực hiện thì giao Chính phủ quy định nhằm bảo đảm sự điều hành linh hoạt của Chính phủ; thực hiện nghiêm chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính đi đôi với bố trí nguồn lực hợp lý để thực hiện; áp dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng cơ chế, công cụ kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quản lý nhà nước, không tạo môi trường nảy sinh các hiện tượng “sách nhiễu”, cơ chế “xin - cho”... nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật. Trường hợp cần thiết phải quy định tại dự thảo luật các cơ chế, chính sách có nội dung khác so với luật hiện hành thì thực hiện việc sửa đổi, bổ sung các luật đó ngay trong dự thảo Luật; quy định rõ nguyên tắc áp dụng luật khi dự thảo luật và luật hiện hành có quy định về cùng một nội dung.
Đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đang được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7: Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, hoàn thiện dự án Luật với chất lượng cao nhất; ưu tiên bố trí đủ nguồn lực về nhân lực và tài chính cho việc này. Đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, sau khi được Chính phủ thông qua, các Bộ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, gửi Quốc hội đúng thời hạn quy định, có thể gửi sớm hồ sơ tới các cơ quan của Quốc hội để có thời gian trao đổi, thống nhất về nội dung chính sách, nội dung dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Các bộ, cơ quan ngang bộ đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bảo đảm tính thống nhất, liên tục, xuyên suốt, không có khoảng trống pháp lý trong áp dụng pháp luật; cần chủ động soạn thảo văn bản quy định chi tiết ngay trong quá trình soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2024 quyết định thành lập Ban chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, một số Bộ trưởng, Trưởng ngành là thành viên để chỉ đạo các bộ, cơ quan khẩn trương xử lý theo thẩm quyền các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ khác được nêu tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Tại Phiên họp chuyên đề xây dựng tháng 6 năm 2024, Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với 03 dự án Luật, 03 Đề nghị xây dựng Luật, bao gồm: dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu, Đề nghị xây dựng Luật Phòng bệnh, Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Chính phủ biểu dương các Bộ: Công an, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế đã tích cực chuẩn bị đầy đủ hồ sơ các dự án Luật, Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chính phủ quyết nghị các nội dung cụ thể như sau:
1. Về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)
Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp hóa chất trở thành ngành công nghiệp nền tảng, đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế1; bảo đảm an toàn hóa chất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; khắc phục các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Hóa chất hiện hành; phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế, các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Chính phủ giao Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) với các yêu cầu cụ thể sau:
- Hoàn thiện Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hóa chất năm 2007; xác định rõ các vấn đề bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, nguyên nhân của các bất cập, vướng mắc để sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật này; tiếp tục tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, các cá nhân, tổ chức có liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật; đẩy mạnh công tác truyền thông về dự án Luật, tạo sự đồng thuận cao của Nhân dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
- Tiếp tục rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Trồng trọt, Luật Phòng thủ dân sự và các luật khác có liên quan; quy định rõ nguyên tắc áp dụng Luật Hóa chất trong trường hợp Luật Hóa chất và Luật khác có quy định về cùng một nội dung. Làm rõ mối quan hệ giữa chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất tại dự thảo Luật với quy định của Luật Quy hoạch và phù hợp với các định hướng của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, trường hợp cần thiết thì đề xuất sửa đổi quy định có liên quan tại Luật Hóa chất; quy định về khu công nghiệp hóa chất tại dự thảo Luật trên nguyên tắc kế thừa, phát triển các quy định của pháp luật hiện hành, có các đặc thù của ngành công nghiệp hóa chất, bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển khu công nghiệp của Chính phủ.
- Hoàn thiện nội dung về quản lý nhà nước trong lĩnh vực hóa chất, bảo đảm nguyên tắc tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý để thực hiện. Rà soát các quy định về thủ tục hành chính trong dự thảo Luật, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, không phát sinh các “khâu trung gian”, phát sinh chi phí tuân thủ thủ tục hành chính không hợp lý, tạo gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp; không hợp thức hóa sai phạm trong quản lý nhà nước (nếu có). Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nhà nước về hóa chất theo nguyên tắc “một cơ quan có thể thực hiện nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan thực hiện”; không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hóa chất; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về hóa chất và Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng nhằm phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, chấm dứt tình trạng “xin - cho” trong quản lý hoạt động hóa chất.
- Rà soát các quy định về hóa chất tại các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật; đối với các vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm, áp dụng ổn định thì pháp điển thành các quy định của Luật. Dự thảo Luật chỉ quy định giao Chính phủ, các Bộ ban hành văn bản quy định chi tiết đúng với tính chất “ủy quyền lập pháp” về các vấn đề chưa có tính ổn định cao, cần tiếp tục điều chỉnh trong quá trình thực hiện hoặc các vấn đề mang tính kỹ thuật chuyên ngành không cần thiết quy định trong luật; đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì không giao quy định chi tiết, Chính phủ ban hành theo thẩm quyền để quản lý hoạt động hóa chất, phát triển công nghiệp hóa chất. Rà soát, hoàn thiện quy định về “điều khoản chuyển tiếp” tại dự thảo Luật, bảo đảm việc áp dụng luật được liên tục, thống nhất khi Luật này có hiệu lực và thay thế Luật Hóa chất năm 2007, không phát sinh nghĩa vụ của các chủ thể về thực hiện thủ tục hành chính trái quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không có khoảng trống pháp lý trong áp dụng pháp luật về hóa chất.
- Hồ sơ dự án Luật phải thuyết minh rõ lý do kế thừa các quy định của Luật hiện hành, những quy định được sửa đổi, bổ sung. Nội dung thuyết minh cần phân tích kỹ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc kế thừa, sửa đổi, bổ sung đối với từng điều, khoản cụ thể tại dự thảo Luật.
- Về các nội dung còn ý kiến khác nhau:
+ Về ưu đãi đầu tư đối với lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm:
Chính phủ thống nhất về nguyên tắc cần có cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt cho lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm. Tuy nhiên, không thể ưu đãi tràn lan, phải tiết kiệm nguồn lực để đạt hiệu quả cao nhất; Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng các quy định chung về điều kiện hưởng chế độ ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án hóa chất trọng điểm, giao Chính phủ quy định các tiêu chí, điều kiện cụ thể phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội từng thời kỳ; đồng thời quy định rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư, cá nhân, tổ chức có liên quan, kết hợp với hoạt động thanh tra, kiểm tra chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả của các dự án đó.
+ Về khai báo hóa chất nhập khẩu:
Chính phủ thống nhất về nguyên tắc việc cần chủ động có thông tin về các hóa chất nguy hiểm, hóa chất mới, lần đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam. Bộ Công Thương thống nhất với Bộ Tài chính để xây dựng cơ chế khai báo, không ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp nhập khẩu; các cơ sở dữ liệu về danh mục hóa chất cấm, hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, hóa chất đã có thông tin về nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh... phải được thường xuyên cập nhật, thống kê, công khai, chia sẻ, bảo đảm sự quản lý thống nhất, từ đó xác định phạm vi các hóa chất phải khai báo, bao gồm các hóa chất nguy hiểm, hóa chất mới, lần đầu tiên nhập khẩu về Việt Nam.
+ Về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước:
Chính phủ cơ bản thống nhất với đề xuất của Bộ Công Thương về vấn đề này. Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, quy định nội dung này theo nguyên tắc tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm tính thống nhất, rõ ràng, rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan, tránh chồng chéo, bất cập, khó thực hiện; phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu phương án xử lý các vấn đề vướng mắc hiện nay, khắc phục lỗ hổng về trách nhiệm quản lý hoạt động hóa chất thời gian vừa qua; xây dựng cơ chế để đồng bộ, chia sẻ dữ liệu về hoạt động hóa chất do các bộ, ngành quản lý nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước được thống nhất và quyền tiếp cận thông tin hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
+ Về xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất cấm:
Việc xuất khẩu, nhập khẩu và kiểm soát sử dụng hóa chất cấm phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống thiên tai hoặc mục tiêu đặc dụng khác, thuộc phạm vi quản lý nhà nước chuyên ngành của các Bộ. Bộ Công Thương nghiên cứu, quy định theo hướng phân cấp cho các Bộ có thẩm quyền xem xét, quyết định việc cho phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất cấm phục vụ các mục tiêu đặc dụng nêu trên; không quy định thủ tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép cấp Giấy phép sản xuất, Giấy phép nhập khẩu hóa chất cấm; quy định rõ nguyên tắc áp dụng Luật Hóa chất (sửa đổi) về nội dung này để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Thành viên Chính phủ, ý kiến của các cơ quan tại Phiên họp hôm nay; chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Hóa chất (sửa đổi); báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trước khi trình Quốc hội dự án Luật này. Giao Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) theo quy định.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo dự án Luật này.
2. Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật
Chính phủ thống nhất về sự cần thiết và mục đích xây dựng dự án Luật nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về hoàn thiện thể chế để phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt các thị trường2, trong đó xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong nước và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật; nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong điều kiện mới.
Giao Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của Thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm các yêu cầu sau:
- Tiếp thu tối đa ý kiến của Thành viên Chính phủ, bảo đảm bao quát hết các đối tượng điều chỉnh, tháo gỡ đồng bộ các vướng mắc, tồn tại của quy định hiện hành, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
- Rà soát quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, thành phần hồ sơ, giảm gánh nặng về thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện; quy định rõ trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc danh mục bí mật nhà nước.
- Rà soát quy định về chủ thể xây dựng, thẩm định, công bố, xuất bản tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), tiêu chuẩn cơ sở (TCCS), quy chuẩn quốc gia (QCVN), quy chuẩn địa phương (QCĐP)... theo hướng: Đối với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành giao thì các Bộ xây dựng, công bố, thẩm định, ban hành, xuất bản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quản lý nhà nước của mình; các Bộ lấy ý kiến Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành nhằm bảo đảm sự quản lý nhà nước thống nhất về các vấn đề mang tính chuyên ngành, tăng cường trách nhiệm của các Bộ, cài cách thủ tục hành chính.
- Rà soát, quy định rõ về cơ chế ưu đãi, cách thức tham gia, tiêu chí, điều kiện, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân, nhà khoa học, chuyên gia... tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhằm xã hội hóa hoạt động này.
- Rà soát các quy định về thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn hợp lý, không khả thi, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; bảo đảm và bảo vệ việc thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân.
- Hoàn thiện các quy định về phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm của các cấp trong quản lý nhà nước, giữa cơ quan trung ương và chính quyền địa phương, giữa các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, gắn với bảo đảm tăng cường nguồn lực, năng lực thực thi pháp luật cho các địa phương, cơ quan, tổ chức; đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, các biểu hiện vi phạm pháp luật khác.
- Tiếp tục tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn; đẩy mạnh công tác truyền thông về các chính sách và nội dung của dự thảo Luật nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội, người dân, tổ chức, cơ quan có liên quan và đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự thảo Luật.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ, bảo đảm chất lượng dự án Luật. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo dự án Luật này.
3. Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo
Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng dự án Luật nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, phát triển hoạt động quảng cáo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của hoạt động này trên môi trường mạng (Internet) và các nền tảng xuyên biên giới (trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng di động như Facebook, TikTok, Youtube ...); đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo; khắc phục những bất cập, khó khăn trong triển khai thi hành Luật Quảng cáo năm 2012, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Chính phủ cơ bản thống nhất các nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của Thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm các yêu cầu sau:
- Hoàn thiện các quy định về hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới: quy định rõ các điều kiện, yêu cầu đặc thù của loại hình quảng cáo trên môi trường mạng, quảng cáo xuyên biên giới, các chế tài nhằm ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm pháp luật, chống thất thu thế, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này để xây dựng các quy định phù hợp với điều kiện của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
- Quy định về diện tích quảng cáo trên báo in và quảng cáo trên báo nói; thời lượng quảng cáo trên truyền hình: Rà soát, nghiên cứu quy định về diện tích quảng cáo trên báo in và quảng cáo trên báo nói, thời lượng quảng cáo trên truyền hình theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân và Nhà nước, có sự linh hoạt về tỷ lệ diện tích, thời lượng quảng cáo và công khai, minh bạch nội dung này để người dân, doanh nghiệp lựa chọn,
- Quy định về cấp giấy phép công trình xây dựng quảng cáo: việc gắn bảng hiệu, biển quảng cáo lên các với công trình xây dựng có sẵn cần bảo đảm sự an toàn của công trình, cũng như của các công trình lân cận và sự an toàn của cộng đồng nói chung. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu quy định về vấn đề này nhằm cắt giảm thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo, bên cạnh đó quy định các chế tài để ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm, bảo đảm sự an toàn của công trình, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, sự an toàn của biển hiệu, bảng quảng cáo; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường, chịu trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật...
- Nội dung sản phẩm quảng cáo phải trung thực, chính xác, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không trái pháp luật, đặc biệt là các sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng như thuốc, thực phẩm...
- Nghiên cứu, xây dựng các quy định về quảng cáo cho người yếu thế, trẻ em, người cao tuổi, người có nhược điểm về thể chất, tinh thần...
- Về cải cách thủ tục hành chính: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giảm tối đa chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; bảo đảm và bảo vệ việc thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục rà soát để cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
- Về phân cấp, phân quyền: Quy định của dự thảo Luật phải thể hiện rõ nguyên tắc, chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước giữa cơ quan trung ương và chính quyền địa phương, đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, các biểu hiện vi phạm pháp luật khác; bảo đảm sự quản lý nhà nước thống nhất về các vấn đề mang tính chuyên môn, chuyên ngành.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục rà soát, quy định rõ trách nhiệm các bộ, cơ quan, địa phương đối với hoạt động quảng cáo, bảo đảm phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước giữa cơ quan trung ương và chính quyền địa phương, tăng tính chủ động cho địa phương.
- Tiếp tục tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn; đẩy mạnh công tác truyền thông về các chính sách và nội dung của dự thảo Luật nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội, người dân, tổ chức, cơ quan có liên quan và đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự thảo Luật.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ, bảo đảm chất lượng dự án Luật. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo dự án Luật này.
4. Về Đề nghị xây dựng Luật Phòng bệnh và Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
Chính phủ thống nhất về sự cần thiết ban hành nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện các quy định hiện hành, góp phần đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về phòng bệnh và bảo hiểm y tế.
Nội dung chính sách trong 02 Đề nghị xây dựng luật đã cơ bản thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng đã được định hướng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới; khắc phục các tồn tại, bất cập của Luật hiện hành.
Chính phủ nhất trí thông qua: 05 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Phòng bệnh, đồng thời, điều chỉnh tên gọi của dự án Luật từ "Luật Phòng bệnh và nâng cao sức khỏe" thành "Luật Phòng bệnh" và 04 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xây dựng luật, Bộ Y tế cần dựa trên kết quả rà soát các bất cập, hạn chế trong quản lý nhà nước để thiết kế các quy định theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế để tăng tính thuyết phục khi thông qua chính sách, bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện khi luật được ban hành; tiếp thu tối đa ý kiến các Thành viên Chính phủ, chỉnh lý Hồ sơ Đề nghị xây dựng luật, bảo đảm các yêu cầu cụ thể sau:
a) Về Đề nghị xây dựng Luật Phòng bệnh
- Tiếp tục tổng kết, nghiên cứu, đánh giá kỹ để làm rõ các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật; chủ động bố trí nguồn lực về tài chính, chuyên gia để soạn thảo luật, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng của dự án Luật khi trình thông qua, đồng thời, tăng cường công tác truyền thông chính sách;
- Cần thiết kế các quy định để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác phòng bệnh theo hướng: lấy chính quyền cấp cơ sở (xã, phường) làm hạt nhân để phát huy tính chủ động, sáng tạo, kịp thời của công tác phòng, chống dịch bệnh; nhân dân vừa là trọng tâm để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, vừa là chủ thể trong công tác phòng bệnh; cần xác định cho được mục tiêu hướng tới cần đạt được trong việc phát triển thể lực người Việt;
- Cần thiết kế các quy định trong luật để đảm bảo chủ động về nguồn lực cho công tác phòng bệnh, theo đó: từ kinh nghiệm trong phòng chống đại dịch Covid-19, thống nhất với đề xuất cần có quỹ Phòng bệnh trên cơ sở sửa đổi, bổ sung quy định của luật hiện hành về Quỹ phòng bệnh, nhằm huy động mọi nguồn lực hợp pháp từ sự đóng góp của nhân dân cũng như từ nguồn từ ngân sách nhà nước hằng năm bổ sung cho Quỹ này để chủ động tổ chức triển khai các hoạt động phòng bệnh;
- Do yêu cầu cấp bách của thực tiễn và tình hình diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ thống nhất đưa dự án Luật Phòng bệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025.
Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng luật. Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
b) Về Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
- Đây là chính sách lớn có tác động đến xã hội, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực nên quá trình soạn thảo cần đánh giá thực tiễn, có sự tham gia của các bên nhằm khắc phục những tồn tại, hướng tới mục tiêu cao nhất nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân;
- Luật cần thể chế hóa Nghị quyết 42 của Trung ương về mở rộng, nâng cao chất lượng bảo hiểm y tế toàn dân, đa dạng các gói dịch vụ bảo hiểm y tế nhằm góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm chi phí người dân chi trả trực tiếp cho dịch vụ y tế;
- Cần có chính sách để bảo đảm tính bền vững của Quỹ, nhất là sử dụng hiệu quả Quỹ khi có kết dư; luật cần quy định cho người dân tham gia bảo hiểm y tế được khám kiểm tra sức khỏe nhằm phát hiện bệnh từ sớm, từ xa với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”; về vấn đề dự toán chi, Chính phủ ủng hộ phương án do Bộ Y tế trình;
- Có cơ chế để thúc đẩy phát triển y tế cơ sở, kiểm soát thanh toán bảo hiểm y tế thông qua phác đồ điều trị chuẩn để đảm bảo công khai, minh bạch; tăng chi cho y tế cơ sở;
- Cần có một chương về chuyển đổi số, kết nối dữ liệu về khám bệnh, chữa bệnh và bảo hiểm y tế;
- Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế trong điều kiện thời gian vật chất dự kiến trình Quốc hội thông qua một kỳ họp nên cần rất khẩn trương, nhưng phải kỹ lưỡng, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ động bố trí nguồn lực về tài chính, chuyên gia, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, đẩy mạnh truyền thông chính sách để soạn thảo luật, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng của dự án Luật khi trình thông qua.
Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng luật. Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp (Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV).
Phó Thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo hoàn thiện 02 Đề nghị xây dựng Luật này.
5. Về Đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu
Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật nhằm quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về dữ liệu; khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế; thực hiện thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; phục vụ công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện theo hướng:
- Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về dữ liệu; kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan như: Hiến pháp, Luật tổ chức Chính phủ, ... và các văn bản về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là các luật liên quan về cơ sở dữ liệu; bảo đảm các chính sách hợp lý, hiệu quả và khả thi. Tích cực tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về quản lý dữ liệu, ứng dụng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ dữ liệu cá nhân, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam; tích cực tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học; đẩy mạnh truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận; phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan liên quan.
- Tiếp tục rà soát, nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; phân cấp, phân quyền tối đa gắn với phân bổ nguồn lực và trách nhiệm; không quy định về tổ chức bộ máy trong luật.
- Về Chính sách 1: Thống nhất với mục tiêu, nội dung của chính sách. Tuy nhiên, để tránh gây xung đột trong hệ thống pháp luật, trong quá trình soạn thảo Luật cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng bảo đảm không chồng chéo với các luật liên quan như Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông, ... nhất là dự án Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ có phạm vi điều chỉnh về dữ liệu, bảo vệ dữ liệu, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương, cơ sở dữ liệu dùng chung...3. Tiếp tục làm rõ về khái niệm dữ liệu, đối tượng, phạm vi quản lý.
Về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia, cần tiếp tục rà soát để tránh trùng lặp; bảo đảm linh hoạt, hiệu quả trong huy động nguồn lực.
Về Chiến lược dữ liệu, cần quy định ban hành Chiến lược quốc gia, các bộ, ngành ban hành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược; tiếp tục rà soát thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm phù hợp với Luật tổ chức Chính phủ, trong đó rà soát thẩm quyền ban hành Chiến lược dữ liệu quốc gia cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.
- Về Chính sách 2: Cơ bản thống nhất với mục tiêu, nội dung của chính sách. Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát để làm rõ việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các ngành, lĩnh vực bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp, gây lãng phí; đồng thời bảo đảm bí mật thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm các cơ quan quản lý nhà nước cùng khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên cơ sở dữ liệu chung cho mục đích quản lý nhà nước, phát triển kinh tế số, xã hội số.
- Về Chính sách 3: Cơ bản thống nhất với mục tiêu, nội dung của chính sách. Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hoàn thiện theo hướng, quy định nguyên tắc chung trong xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, Trung tâm dữ liệu quốc gia; giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng quy định cụ thể để bảo đảm sự linh hoạt khi triển khai trên thực tế, phù hợp về thẩm quyền; không quy định về tổ chức của Trung tâm dữ liệu quốc gia trong Luật.
- Về Chính sách 4: Cơ bản thống nhất với mục tiêu, nội dung của chính sách. Cần tiếp tục rà soát bảo đảm thống nhất về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan4; làm rõ quy định dữ liệu là tài sản; mua, bán dữ liệu, quản lý tài sản dữ liệu, quản lý dịch vụ dữ liệu bảo đảm các quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành sở hữu cơ sở dữ liệu, phù hợp với pháp luật về ngân sách nhà nước, quản lý tài sản công, đầu tư, giá, phí,.... trong khai thác, vận hành các cơ sở dữ liệu.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
6. Thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ, tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2024 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã báo cáo việc tiếp thu, giải trình một số vấn đề về bổ sung dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã báo cáo về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)./
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Văn phòng TW và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Ngân hàng Chính sách Xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý, Thư ký TTg, các PTTg; các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, TGĐ Cổng TTĐTCP; - Lưu: VT, PL (3b). |
TM. CHÍNH PHỦ KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG
Lê Thành Long |
_____________________
1 Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII); Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 BCHTW Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2 Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN.
3 Khoảng 69 luật có quy định về cơ sở dữ liệu. Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
4 Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghê, …