Trang /
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8927:2023 Phòng, chống sâu hại cây rừng - Hướng dẫn chung
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tiêu chuẩn liên quan
- Lược đồ
- Tải về
Lưu
Theo dõi văn bản
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Báo lỗi
Đang tải dữ liệu...
Đang tải dữ liệu...
Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 8927:2023
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8927:2023 Phòng, chống sâu hại cây rừng - Hướng dẫn chung
Số hiệu: | TCVN 8927:2023 | Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Cơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ | Lĩnh vực: | Nông nghiệp-Lâm nghiệp |
Ngày ban hành: | 05/09/2023 | Hiệu lực: | |
Người ký: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 8927:2023
PHÒNG, CHỐNG SÂU HẠI CÂY RỪNG - HƯỚNG DẪN CHUNG
Prevention and control of forest insect pests - General guidance
Lời nói đầu
TCVN 8927:2023 thay thế TCVN 8927:2013
TCVN 8927:2023 do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
PHÒNG, CHỐNG SÂU HẠI CÂY RỪNG - HƯỚNG DẪN CHUNG
Prevention and control of forest insect pests - General guidance
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này đưa ra các hướng dẫn chung về công tác phòng, chống sâu hại cây rừng.
2 Tài liệu viện dẫn
Tài liệu viện dẫn dưới đây được viện dẫn đều rất cần thiết đối với tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả sửa đổi, bổ sung (nếu có):
TCVN 12561:2018, Thuốc bảo vệ thực vật - Khảo nghiệm hiệu lực sinh học của thuốc trên đồng ruộng;
TCVN 13268-7:2022, Bảo vệ thực vật - Phương pháp điều tra sinh vật gây hại - Phần 7: Nhóm cây lâm nghiệp.
3 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
3.1
Sâu hại cây rừng (forest insect pest)
Nhóm các loài côn trùng ăn thực vật, sử dụng cây rừng làm thức ăn có thể gây ra biến đổi về hình thái và làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây hoặc có thể làm cho cây chết.
3.2
Sâu hại chính (major insect)
Những loài thường xuyên xuất hiện và gây hại nặng trên cây rừng làm giảm sút phẩm chất, năng suất cây rừng trong từng thời gian nhất định.
3.3
Yếu tố điều tra chính (key elements for survey)
Các yếu tố đại diện tại khu vực điều tra (giống, loài cây, địa hình và loại đất) được lựa chọn để theo dõi tình hình phát sinh và phát triển của sâu hại.
3.4
Khu vực điều tra (survey area)
Khu vực rừng trồng đại diện cho các yếu tố điều tra được chọn để theo dõi tình hình phát sinh, phát triển của sâu hại chính ngay từ đầu chu kỳ sinh trưởng.
3.5
Điều tra sơ bộ (preliminary survey)
Hoạt động tại thực địa để thu thập thông tin khái quát về tình hình sâu hại chính của khu vực điều tra. Kết quả điều tra xác định ra các nhóm sâu hại chính và các loài cây bị hại ở khu vực điều tra.
3.6
Điều tra tỉ mỉ (specific survey)
Hoạt động tại thực địa để điều tra chi tiết trên các ô tiêu chuẩn hay một lô mẫu nhằm đánh giá chính xác thành phần loài sâu hại chính, đặc điểm phân bố, tỷ lệ hại và chỉ số hại trên cây rừng. Cung cấp thông tin phục vụ dự tính, dự báo của loài sâu hại; đánh giá mức độ hại và tổn thất do sâu gây ra để tiến hành các biện pháp phòng, chống thích hợp.
3.7
Mật độ sâu hại (insect pest density)
Số lượng cá thể của 1 loài sâu hại chính trên một đơn vị điều tra (1 cây, 1 cành, 1 lá, 1 quả, 1 thân, v.v...)
3.8
Cấp hại của sâu (insect rating scale)
Sự quy ước bằng thang điểm về mức độ biểu hiện quần thể sâu hại trên các bộ phận của cây rừng, cấp hại của sâu được chia làm 5 cấp (đánh số từ 0 đến 4).
3.9
Tỷ lệ hại (damage rate)
Đại lượng đặc trưng cho mức độ phổ biến về số lượng triệu chứng hại do sâu gây ra tại khu vực điều tra, được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%).
3.10
Chỉ số hại (damage index)
Đại lượng đặc trưng cho mức độ gây hại do sâu gây ra tại khu vực điều tra, được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm (%), phụ thuộc vào mức độ phổ biến của sâu và tần suất xuất hiện của mỗi cấp sâu hại theo quy định.
3.11
Điều tra bổ sung (additional survey)
Hoạt động điều tra bổ sung được thực hiện vào các thời kỳ sâu hại bùng phát với mật độ cao nhằm thu thập và bổ sung về tình hình phát sinh, phát triển, tỷ lệ hại, chỉ số hại của sâu hại, diện tích bị hại tại khu vực điều tra.
3.12
Dự tính, dự báo (forecasting)
Hoạt động phỏng đoán khả năng phát sinh, phát triển của các loài sâu hại chính để chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống.
3.13
Khả năng bùng phát số lượng (outbreak probability)
Được xác định bằng tỷ lệ giữa khả năng phát triển của lứa sâu hiện tại với khả năng bùng phát số lượng của lứa sâu ở lần kế trước.
3.14
Mức hại kinh tế (economic injury level)
Mức độ gây hại do sâu gây ra (chỉ số hại) tại đó nếu tiến hành các biện pháp phòng, chống thì giá trị của phần năng suất tăng (do phòng, chống) chỉ bằng chi phí áp dụng các biện pháp phòng, chống.
3.15
Ngưỡng kinh tế (economic threshold)
Mật độ quần thể của sâu hại tại đó cần phải tiến hành các biện pháp phòng, chống mạnh để ngăn ngừa sâu hại đạt tới mức gây kinh tế.
3.16
Diện tích bị sâu hại (infested area by insect pest)
Diện tích rừng bị thiệt hại do sâu gây ra.
3.17
Quản lý sâu hại tổng hợp (integrated pest management)
Hệ thống các biện pháp kiểm soát sâu hại được thực hiện trong một khung cảnh cụ thể của một môi trường liên quan cùng với những biến động quần thể của loài sâu hại, trong đó áp dụng tất cả các biện pháp kỹ thuật sẵn có một cách hợp lý nhằm duy trì mật độ các quần thể sâu hại ở dưới mức gây hại kinh tế.
4 Nguyên tắc phòng, chống sâu hại
Phát hiện sớm những loài sâu hại chính có khả năng gây thiệt hại nặng đối với cây rừng.
Xác định chính xác diện tích nhiễm sâu, mức độ sâu hại, xu hướng phát triển và và các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ phát triển của sâu hại chính.
Xác định đúng thời điểm áp dụng các biện pháp để phòng, chống sâu hại hiệu quả, không để sâu hại lây lan gây ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng cây rừng, coi trọng biện pháp kỹ thuật lâm sinh, vật lý, cơ giới, sinh học và kinh nghiệm của người dân.
Ưu tiên thực hiện các biện pháp quản lý sâu hại tổng hợp bao gồm sử dụng giống cây trồng có khả năng chống chịu sâu, trồng và chăm sóc đúng thời vụ, chăm sóc rừng thường xuyên, chế độ phân bón phù hợp, biện pháp sinh học thân thiện môi trường tạo điều kiện cho cây rừng sinh trưởng, phát triển, tăng sức đề kháng sâu hại của cây, bảo vệ sinh vật có ích làm hạn chế sự phát sinh, phát triển của sâu hại.
Chỉ sử dụng biện pháp hóa học khi đã áp dụng các biện pháp khác nhưng không hiệu quả, không hạn chế được sâu hại ở dưới mức gây hại kinh tế và dịch sâu hại có nguy cơ ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất, chất lượng của cây rừng, cần bảo đảm an toàn về môi trường và sức khỏe cho con người, vật nuôi.
Xác định chính xác biện pháp phòng, chống, xử lý triệt để nhằm ngăn chặn sự lây lan của sâu hại ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển, năng suất, chất lượng của cây rừng.
5 Phương pháp điều tra phục vụ phòng, chống sâu hại
5.1 Phương pháp điều tra phát hiện sâu hại chính
5.1.1 Thời điểm điều tra
Tiến hành điều tra vào thời điểm đầu năm hoặc đầu chu kì sinh trưởng của sâu hại chính.
5.1.2 Hình thức điều tra
Điều tra sơ bộ: Thu thập thông tin khái quát về tình hình sâu hại của khu vực điều tra. Kết quả điều tra xác định được các nhóm sâu hại chính và các loài cây bị hại ở khu vực điều tra.
5.1.3 Xác định ô tiêu chuẩn điều tra
Ô tiêu chuẩn có diện tích từ 500 m2 đến 2 500 m2 và phải đảm bảo số cây trong khu vực điều tra tối thiểu 30 cây hoặc 30 khóm cây (với nhóm tre, luồng). Ô tiêu chuẩn điều tra phải đại diện cho lâm phần, diện tích ô tiêu chuẩn được lập để điều tra dao động từ 1 đến 3 % tổng diện tích khu vực cần điều tra theo B.1 phụ lục B. Các ô tiêu chuẩn phải được lập ở nơi thường xuyên xuất hiện loài sâu hại chính.
5.1.4 Chỉ tiêu điều tra
Xác định thời điểm và mức độ xuất hiện của loài sâu hại chính.
5.2 Phương pháp điều tra theo dõi xu hướng phát triển của sâu hại chính
5.2.1 Thời điểm điều tra
Tiến hành sau khi xác định được sâu hại chính đã xuất hiện (kết quả điều tra sơ bộ).
5.2.2 Hình thức điều tra
Điều tra tỉ mỉ: Đánh giá chính xác thành phần loài sâu hại chính, đặc điểm phân bố, tỷ lệ hại và chỉ số hại trên cây rừng. Cung cấp thông tin phục vụ cho dự tính, dự báo loài sâu hại; đánh giá mức độ gây hại và tổn thất do sâu gây ra để xác định và tiến hành các biện pháp phòng, chống thích hợp.
5.2.3 Xác định ô tiêu chuẩn điều tra
Cách xác định ô tiêu chuẩn theo mục 5.1.3. Diện tích ô tiêu chuẩn được lập để điều tra dao động từ 0,2 đến 1,0 % tổng diện tích khu vực cần điều tra.
5.2.4 Chỉ tiêu điều tra
Xác định tỷ lệ hại và chỉ số hại của loài sâu hại chính.
5.2.5 Điều tra xác định cấp hại của sâu
5.2.5.1 Điều tra sâu chính hại lá
Trong ô tiêu chuẩn đã lập, chọn cây để điều tra theo phương pháp hệ thống, điều tra theo hàng và theo từng cây trong hàng. Đối với rừng có mật độ thấp, điều tra toàn bộ cây trong ô tiêu chuẩn để đảm bảo số cây được điều tra tối thiểu là 30 cây. Nếu cây rừng có chiều cao dưới 2 m thì điều tra toàn bộ cây. Nếu cây rừng cao hơn 2 m có thể chia thành dưới, giữa, trên tán cây theo các hướng khác nhau để điều tra. Đối với các loài cây lá rộng, phân cấp cấp hại của sâu dựa trên diện tích tán lá bị sâu hại. Đối với các loài cây lá kim phân cấp hại của sâu dựa trên số cụm lá kim bị sâu hại. Cấp hại của sâu được xác định theo bảng A.1 Phụ lục A.
5.2.5.2 Điều tra sâu chính hại quả, hạt
Trong ô tiêu chuẩn đã lập, chọn cây để điều tra theo phương pháp hệ thống, điều tra theo hàng và theo từng cây trong hàng. Đối với rừng có mật độ thấp, điều tra toàn bộ cây trong ô tiêu chuẩn để đảm bảo số cây được điều tra tối thiểu là 30 cây. Mỗi cây chia ra trên, giữa, dưới tán, láy mẫu quả, hạt, kiểm tra sâu hại. Cấp hại của sâu được xác định theo bảng A.2 Phụ lục A.
5.2.5.3 Điều tra sâu chính hại thân, cành
Trong ô tiêu chuẩn đã lập, chọn cây để điều tra theo phương pháp hệ thống, điều tra theo hàng và theo cây trong hàng. Đối với rừng có mật độ thấp, điều tra toàn bộ cây trong ô tiêu chuẩn để đảm bảo số cây được điều tra tối thiểu là 30 cây. Cấp hại của sâu được xác định theo A.3 Phụ lục A.
- Đối với sâu đục thân: Tiến hành điều tra từ gốc cây lên đến hết thân chính thông qua triệu chứng bị hại như các vết đục hay các lỗ chứa phân đùn ra của các loài sâu hại. Tại mỗi ô tiêu chuẩn, giải phẫu tối thiểu 3 cây từ gốc đến ngọn để đo chiều dài vết sâu đục, thống kê mật độ sâu đục trong thân.
- Đối với sâu đục cành: Mỗi cây tiến hành điều tra 4 cành (2 cành dưới, 2 cành giữa của tán), 2 cành điều tra dưới được chọn theo đường đồng mức, 2 cành giữa được chọn vuông góc với 2 cành dưới, thông qua triệu chứng hại như các vết đục hay lỗ chứa phân đùn ra loài sâu hại. Tại mỗi ô tiêu chuẩn, giải phẫu tối thiểu 3 cành để xác định mật độ sâu và chiều dài vết đục.
5.2.5.4 Điều tra sâu chính hại chồi, ngọn
Trong ô tiêu chuẩn đã lập, chọn cây để điều tra theo phương pháp hệ thống, điều tra theo hàng và theo cây trong hàng. Đối với rừng có mật độ thấp, điều tra toàn bộ cây trong ô tiêu chuẩn để đảm bảo số cây được lựa chọn tối thiểu là 30 cây. Cấp hại của sâu được xác định theo bảng A.4 Phụ lục A.
5.2.5.5 Điều tra sâu chính hại rễ
Trong ô tiêu chuẩn đã lập, chọn cây để điều tra theo phương pháp hệ thống, điều tra theo hàng và theo cây trong hàng hoặc theo phương pháp rút thăm ngẫu nhiên. Đối với rừng có mật độ thấp, điều tra toàn bộ cây trong ô tiêu chuẩn để đảm bảo số cây được điều tra tối thiểu là 30 cây. Các loài sâu hại rễ sẽ có biểu hiện khá rõ thông qua tán lá do rễ cây bị sâu hại làm mất khả năng cung cấp nước.
Do đó dựa vào các mức độ biểu hiện của tán lá bị khô héo để đánh giá mức độ bị sâu hại. Để đánh giá mức độ tổn thương của rễ do sâu hại tiến hành đào tối thiểu 3 gốc trong mỗi ô tiêu chuẩn. Cấp hại của sâu được xác định theo bảng A.5 Phụ lục A.
5.3 Phương pháp điều tra, xác định thời điểm áp dụng biện pháp phòng, chống
5.3.1 Thời điểm điều tra
Tiến hành sau khi điều tra tỉ mỉ, loài sâu hại chính đang có xu hướng phát triển mạnh.
5.3.2 Hình thức điều tra
- Điều tra tỉ mỉ: Đánh giá chính xác thành phần loài sâu hại chính, đặc điểm phân bố, tỷ lệ hại và chỉ số hại trên cây rừng. Cung cấp thông tin phục vụ dự tính, dự báo của loài sâu hại; đánh giá tác hại và tổn thất do sâu gây ra để tiến hành các biện pháp phòng, chống thích hợp.
- Điều tra bổ sung: thực hiện vào các thời kỳ sâu hại bùng phát với mật độ cao nhằm thu thập và bổ sung về tình hình phát sinh, phát triển, tỷ lệ hại, chỉ số hại của sâu hại, diện tích bị hại tại khu vực cần điều tra.
5.3.3 Xác định ô tiêu chuẩn điều tra
Cách xác định ô tiêu chuẩn theo mục 5.2.3. Tổng diện tích ô tiêu chuẩn được lập để điều tra dao động từ 0,2 đến 1,0 % tổng diện tích cần điều tra.
5.3.4 Chỉ tiêu điều tra
Xác định tỷ lệ cây bị sâu hại và thời điểm áp dụng các biện pháp phòng, chống.
5.4 Phương pháp dự tính, dự báo sâu hại
* Dự báo thời gian phát triển và sự xuất hiện sâu hại
- Sử dụng tiêu chí về nhiệt độ khởi điểm phát dục và tích ôn hữu hiệu để dự báo:
K = N(T - C) | (1) |
trong đó:
K: là tích ôn hữu hiệu
N: thời gian sống của sâu dưới điều kiện nhiệt độ T
T: là nhiệt độ trung bình trong thời gian N
C là nhiệt độ khởi điểm phát dục, được tính như sau:
(2) |
trong đó:
N1: số ngày cần thiết cho sự phát dục trong điều kiện 1,
N2: số ngày cần thiết cho sự phát dục trong điều kiện 2,
T1: nhiệt độ điều kiện 1,
T2: là nhiệt độ điều kiện 2.
- Dự báo số lứa có thể phát sinh
Số thế hệ sâu hại trong một năm là:
(3) |
trong đó:
V: số vòng đời của sâu trong năm
Kv: tổng nhiệt độ hữu hiệu bình quân của vùng
K: tổng nhiệt độ hữu hiệu của 1 thế hệ đối với loài sâu dự báo
* Dự báo mật độ sâu hại lứa kế tiếp
Công thức tính số lượng sâu:
F = pab(1-M) | (4) |
trong đó:
F: số lượng sâu cần tính
P: mật độ sâu hiện tại
A: tỷ lệ cá thể cái
B: số trứng của một cá thể cái
M: tỷ lệ chết cho đến pha sâu cần tính
* Dự tính diện tích bị sâu hại
Công thức tính diện tích có sâu:
Ssâu = P(%) x Skv | (5) |
trong đó:
Ssâu: diện tích dự tính có sâu
P(%): tỷ lệ cây có sâu trung bình ở khu vực điều tra
Skv: diện tích của khu vực điều tra
* Dự báo khả năng phát dịch dựa vào chỉ số kinh nghiệm
Chỉ số kinh nghiệm bao gồm: hệ số sinh sản (HSSS) hay chiều hướng phát triển của sâu hại, hệ số phân bố (HSPB), khả năng phát triển (KNPT).
Hệ số sinh sản (HSSS) = Mật độ tuyệt đối của lứa sâu hiện tại/Mật độ tuyệt đối lứa sâu trước
Nếu HSSS > 1: mật độ sâu tăng lên
Nếu HSSS < 1: mật độ sâu giảm
Nếu HSSS = 1: rừng ổn định, sâu hại không có chiều hướng phát triển.
Hệ số phân bố (HSPB) = Mật độ tương đối lứa sâu/Mật độ tương đối lứa trước
(Mật độ tương đối sâu hại được xác định bằng tỷ lệ % điểm có sâu trên tổng số điểm điều tra)
Nếu HSPB = 1 tức là diện tích bị sâu hại vẫn như trước
Nếu HSPB > 1 tức là diện tích sâu hại tăng lên
Nếu HSPB < 1 tức là diện tích sâu hại thu hẹp
Khả năng phát triển (KNPT) được tính như sau:
KNPT = HSSS x HSPB | (6) |
Hệ số phát dịch được tính như sau:
HSPD = Khả năng phát triển sâu hiện tại/Khả năng phát triển sâu lần dịch trước
Hệ số phát dịch là số liệu quan trọng nhất để dự báo khả năng phát dịch của sâu hại. Nếu hệ số phát dịch lớn hơn 1 tức là sâu hại đang phát triển mạnh và đang lan tràn trong lâm phần, cần có biện pháp ngăn ngừa.
6 Phương pháp phòng, chống sâu hại
6.1 Biện pháp kỹ thuật lâm sinh
- Điều kiện áp dụng: Tất cả các diện tích rừng.
- Yêu cầu: Tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trồng rừng đã quy định đảm bảo đúng mật độ cây, đúng lập địa. Định kỳ 2 lần/năm (vào đầu tháng 2 và đầu tháng 7), tỉa bớt những cây sinh trưởng kém, lệch tán, còi cọc, cong queo, cụt ngọn, bị sâu hại; tỉa những cành nhánh khô và đưa tất cả những vật liệu này ra khỏi rừng hoặc có biện pháp xử lý phù hợp nhằm ngăn chặn nơi trú ngụ của sâu hại.
Trồng hỗn giao giữa các loài cây hoặc giống khác nhau theo lô hoặc theo băng, mỗi lô hoặc băng với diện tích trồng nhỏ hơn 10 ha. Thực hiện luân canh, thay đổi loài cây trồng rừng khác phù hợp sau tối đa 3 chu kỳ kinh doanh.
6.2 Biện pháp thủ công
- Điều kiện áp dụng: Sâu hại chính gây hại ở mức hại nhẹ theo B.4 Phụ lục B và có xu hướng phát triển.
VÍ DỤ: Đối với loài Sâu róm thông và Sâu róm 4 túm lông áp dụng khi chỉ số hại ở ngưỡng dưới 25 %.
- Yêu cầu: Tùy từng điều kiện cụ thể có thể sử dụng một hoặc kết hợp sử dụng đồng thời các phương pháp sau đây:
+ Ở những nơi có điều kiện về nhân lực, cây có chiều cao thấp có thể sử dụng biện pháp bắt thủ công để diệt nhộng, trứng, sâu non. Thu dọn tàn dư thực vật, thu gom và tiêu hủy những cây đang bị sâu gây hại. Quản lý, bảo vệ các rừng trồng khỏi tác động của gia súc phá hoại.
+ Sử dụng bẫy đèn ánh sáng màu vàng nhạt cường độ sáng cao, ánh sáng tím. Thời gian đặt bẫy đèn thích hợp nhất và có hiệu quả phòng, chống cao nhất là thời điểm khi trưởng thành bắt đầu xuất hiện. Đặt bẫy đèn vào lúc từ 18 h đến 22 h giờ và thu sâu trưởng thành vào buổi sáng ngày hôm sau. Tùy từng mật độ và độ kín của cây rừng, các bẫy được đặt cách nhau khoảng 100 m.
+ Sử dụng bẫy dính, bẫy mồi pheromone, ethanol, v.v... Thời gian đặt bẫy thích hợp nhất và có hiệu quả phòng, chống cao nhất là khi trưởng thành bắt đầu xuất hiện. Đặt bẫy vào buổi sáng, mỗi héc ta rừng đặt từ 2 bẫy đến 3 bẫy.
6.3 Biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học
- Điều kiện áp dụng: Sâu hại chính gây hại ở mức hại trung bình theo B.4 Phụ lục B và có xu hướng phát triển.
VÍ DỤ: Đối với loài Sâu róm thông và Sâu róm 4 túm lông áp dụng khi chỉ số hại ở ngưỡng từ 25 % trở lên hoặc đối với loài Sâu đục ngọn lát hoa áp dụng khi chỉ số hại ở ngưỡng 5 % đến 10 %.
- Yêu cầu: Khi sử dụng thuộc bảo vệ thực vật sinh học cần tuân thủ các yêu cầu sau:
+ Bảo vệ thiên địch: Bảo vệ quần thể các loài thiên địch của các loài sâu hại ở rừng nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và khai thác giá trị kinh tế của các loài thiên địch. Hạn chế sử dụng thuốc hóa học, bảo vệ thực bì đa dạng loài cây, hoa của cây có mật, cây bụi, thảm tươi dưới tán rừng trồng, tạo điều kiện cho các côn trùng có ích, thiên địch có môi trường sống và phát triển; Không phá các tổ ong, tổ kiến.
+ Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học: Liều lượng và cách sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất, phun thuốc ở giai đoạn sâu non và phun vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát sau mưa, điều kiện thích hợp cho vi khuẩn phát triển tốt ở nhiệt độ từ 27 °C đến 32 °C và độ ẩm từ 80 % đến 90 %. Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học cần tuân thủ nguyên tắc đúng loại thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng và nồng độ, đúng phương pháp.
6.4 Biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học
- Điều kiện áp dụng: Chỉ tiến hành khi tỷ lệ hại và chỉ số hại ở mức tại đó phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để ngăn chặn sự phát triển của loài sâu hại chính đạt đến mức hại kinh tế hoặc từ mức hại nặng trở lên theo B.4 Phụ lục B.
VÍ DỤ: Đối với loài Sâu róm 4 túm lông, Sâu róm thông áp dụng biện pháp hóa học khi chỉ số hại từ 50 % trở lên; đối với loài Sâu đục ngọn Lát hoa áp dụng biện pháp hóa học khi chỉ số hại trên 10 %.
- Yêu cầu: Thuốc phải nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và áp dụng nguyên tắc đúng loại thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng và nồng độ, đúng phương pháp theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để trừ ở giai đoạn sâu non, phun thuốc vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối (nếu trời không mưa). Phun thuốc đều cho toàn bộ cây và số lượng cây cần phun, phun từ chân đồi lên đỉnh đồi, phun xuôi theo hướng gió.
7. Báo cáo kết quả phòng, chống sâu hại cây rừng
Báo cáo kết quả phòng, chống sâu hại cây rừng bao gồm các nội dung sau:
- Phần mở đầu: Thông tin chung liên quan đến đối tượng cần thiết tiến hành phòng, chống như loài cây rừng, diện tích, đặc điểm khu vực tiến hành phòng, chống sâu hại chính.
- Phần nội dung và phương pháp: Trình bày những nội dung và phương pháp chính đã thực hiện.
- Phần kết quả: Trình bày toàn bộ kết quả phòng, chống sâu hại cây rừng, bao gồm:
+ Tên loại sâu hại; tỷ lệ hại và chỉ số hại trước khi thực hiện biện pháp phòng, chống.
+ Thời gian thực hiện phòng, chống sâu hại chính.
+ Kết quả thực hiện phòng, chống sâu hại chính; tỷ lệ hại và chỉ số hại sau khi thực hiện biện pháp phòng, chống sâu hại. Hiệu lực phòng, chống bệnh hại được được viện dẫn theo TCVN 12561:2018, Thuốc bảo vệ thực vật - Khảo nghiệm hiệu lực sinh học của thuốc trên đồng ruộng tại B.5, Phụ lục B.
- Kết luận và kiến nghị: nêu những kết luận chính được rút ra và những kiến nghị để thực hiện những công việc tiếp theo.
Phụ lục A
(quy định)
Các chỉ tiêu xác định cấp hại của sâu cho một số đối tượng sâu hại chủ yếu
Bảng A1 Nhóm sâu hại lá
Cấp hại của sâu | Mức độ biểu hiện |
0 | Tán lá không bị sâu hại |
1 | Diện tích tán lá bị sâu hại dưới 15 % |
2 | Diện tích tán lá bị sâu hại hại từ 15 % đến dưới 30 % |
3 | Diện tích tán lá bị sâu hại từ 30 % đến dưới 50 % |
4 | Diện tích tán lá bị sâu hại bằng hoặc lớn hơn 50 % |
Bảng A2 Nhóm sâu hại quả, hạt
Cấp hại của sâu | Mức độ biểu hiện |
0 | Không có quả, hạt bị sâu |
1 | Tỷ lệ quả, hạt bị sâu hại dưới 10 % |
2 | Tỷ lệ quả, hạt bị sâu hại từ 10 % đến dưới 25 % |
3 | Tỷ lệ quả, hạt bị sâu hại từ 25 % đến dưới 50 % |
4 | Tỷ lệ quả, hạt bị sâu hại bằng hoặc lớn hơn 50 % |
A3 Nhóm sâu hại thân, cành
Bảng A3.1 Đối với nhóm sâu hại vỏ
Cấp hại của sâu | Mức độ biểu hiện |
0 | Thân cây không bị sâu hại. |
1 | Thân cây bị sâu hại dưới 1/6 chiều dài |
2 | Thân cây bị sâu hại từ 1/6 đến dưới 1/3 chiều dài |
3 | Thân cây bị sâu hại từ 1/3 đến 1/2 chiều dài |
4 | Thân cây bị sâu hại trên 1/2 chiều dài |
Bảng A.3.2 Đối với nhóm xén tóc đục thân, cành
Cấp hại của sâu | Mức độ biểu hiện |
0 | Cây khỏe, không có lỗ phân đùn trên thân, cành |
1 | Thân, cành cây bị hại nhẹ từ 1 đến 5 lỗ đục |
2 | Thân, cành cây bị hại trung bình từ trên 6 đến 10 lỗ đục |
3 | Thân, cành cây bị hại nặng từ 10 đến 15 lỗ đục |
4 | Thân cây bị hại trên 15 lỗ đục |
Bảng A.3.3 Đối với nhóm mọt đục thân, cành
Cấp hại của sâu | Mức độ biểu hiện |
0 | Cây khỏe, không có lỗ mọt trên thân, cành |
1 | Gây hại nhẹ, 1 - 10 lỗ/1000 cm2 |
2 | Gây hại trung bình, 11 - 30 lỗ/1000 cm2 |
3 | Gây hại nặng, 31 - 50 lỗ/1000 cm2 |
4 | Gây hại rất nặng, trên 50 lỗ/1000 cm2 |
Bảng A.4 Nhóm sâu hại chồi, ngọn
Cấp hại của sâu | Mức độ biểu hiện |
0 | Chồi, ngọn không bị sâu hại, cây không phân cành hoặc cây bị sâu hại nhưng ngọn, chồi đã phục hồi hoàn toàn |
1 | Chồi, ngọn bị sâu hại dưới 15 %, cây không phân cành, ngọn chồi bị hại nhưng đã mọc 1 chồi thay thế |
2 | Chồi, ngọn bị sâu hại từ 15 đến dưới 30 %, cây không phân cành; ngọn chồi bị hại đang phục hồi với 3 chồi mới trở lên |
3 | Chồi, ngọn bị sâu hại từ 30 đến 50 %, cây phân 2-3 cành, các ngọn, chồi thứ cấp bị sâu hại; ngọn chồi bị héo |
4 | Chồi, ngọn bị sâu hại trên 50 %, cây phân cành sớm, các ngọn, chồi thứ cấp bị sâu hại; ngọn, chồi bị chết, cây thấp với tán xòa rộng |
Bảng A.5 Nhóm sâu hại rễ
Xác định cấp hại do sâu thông qua mức độ biểu hiện triệu chứng của tán lá
Cấp hại của sâu | Mức độ biểu hiện |
0 | Tán lá bình thường, cây khỏe mạnh |
1 | Tán lá thưa, có biểu hiện hơi úa vàng |
2 | Tán lá bắt đầu chuyển màu vàng |
3 | Toàn bộ tán lá chuyển màu vàng |
4 | Toàn bộ tán lá bị héo, khô và rụng, cây chết |
Phụ lục B
(quy định)
Phương pháp xác định các chỉ tiêu theo dõi và công thức tính
B.1 Xác định số lượng ô tiêu chuẩn điều tra
(B.1) |
Trong đó:
N là số lượng ô tiêu chuẩn điều tra.
S là số diện tích cần điều tra (từ 0,2 đến 3,0 % tổng diện tích điều tra).
h là tỷ lệ phần trăm diện tích điều tra.
s là diện tích ô tiêu chuẩn điều tra.
B.2 Xác định diện tích bị sâu hại
Được tính toán trực tiếp thông qua đo diện tích trên bản đồ phân bố bằng các dụng cụ đo đạc như máy định vị tọa độ GPS hoặc sử dụng công thức sau:
(B.2) |
Trong đó:
Xi (ha): Diện tích bị sâu hại ở mức i
Nn: Số điểm bị sâu hại của yếu tố thứ n
Sn: Diện tích cây trồng của yếu tố thứ n
10: Số điểm điều tra của 1 yếu tố
Mức i: Bị sâu hại nhẹ, trung bình, nặng
B.3 Tỷ lệ hại (P): Được tính riêng cho từng loại sâu hại hoặc tính chung cho các loại sâu trên cùng một cây tùy mục đích của công tác điều tra
(B.3) |
Trong đó: P%: Tỷ lệ hại.
n: là số cây bị sâu hại.
N: là tổng số cây điều tra.
B.4 Chỉ số hại (R): được tính theo công thức:
(B.4) |
Trong đó: R là chỉ số hại
ni là số cây bị sâu hại ở cấp hại i
vi là trị số của cấp hại i
N là tổng số cây điều tra
V là cấp hại cao nhất của thang phân cấp được sử dụng (V=4)
Mức độ hại: Dựa trên trị số của chỉ số hại (R) được chia làm 5 mức độ:
Không bị hại: R (%) = 0 %
Mức hại nhẹ: R (%) < 25 %
Mức hại vừa: 25 % ≤ R (%) < 50 %
Mức hại nặng: 50 % ≤ R (%) < 75 %
Mức hại rất nặng: 75 % ≤ R (%)
B.5 Hiệu quả phòng, chống:
Được tính dựa theo chỉ số hại trước và sau khi tiến hành phòng, chống theo công thức Henderson - Tilton đã được quy định trong TCVN 12561:2018 Thuốc bảo vệ thực vật - Khảo nghiệm hiệu lực sinh học của thuốc trên đồng ruộng:
(B.5) |
Trong đó: E là hiệu quả phòng, chống (%)
Rcb là chỉ số hại ở ô đối chứng tại thời điểm trước xử lý
Rca là chỉ số hại ở ô đối chứng tại thời điểm sau xử lý.
Rtb là chỉ số hại ở ô xử lý thuốc tại thời điểm trước xử lý
Rta là chỉ số hại ở ô xử lý thuốc tại thời điểm sau xử lý.
Thư mục tài liệu tham khảo
[1]. Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13.
[2]. QCVN 01-38: 2010/BNNPTNT, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về phương pháp điều tra phát hiện dịch hại cây trồng ban hành kèm theo Thông tư 71/2010/TTBNNPTNT ngày 10/12/2010.
[3]. TCVN 8927:2013, Tiêu chuẩn phòng trừ sâu hại cây rừng - Hướng dẫn chung ban hành theo Quyết định 4201/QĐ-BKHCN ngày 31/12/2013.
[4]. Phạm Quang Thu. Kết quả điều tra thành phần sinh vật gây hại cây lâm nghiệp ở Việt Nam, Nhà Xuất bản Nông nghiệp, 2015.
[5]. Phạm Quang Thu. Sâu bệnh hại rừng trồng. Nhà Xuất bản Nông nghiệp, 2012.
Click Tải về để xem toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam nói trên.