Thông tư liên tịch 02/2000/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Công an về việc hướng dẫn thi hành Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Mục 2 Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21/12/1999 của Quốc hội
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Thông tư liên tịch 02/2000/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA
Cơ quan ban hành: | Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 02/2000/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông tư liên tịch | Người ký: | Lê Thế Tiệm; Nguyễn Đình Lộc; Phạm Sĩ Chiến; Trịnh Hồng Dương |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 05/07/2000 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Tư pháp-Hộ tịch |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Thông tư liên tịch 02/2000/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ CÔNG AN-BỘ TƯ PHÁP-TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO Số: 02/2000/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội , ngày 05 tháng 7 năm 2000 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO-BỘ TƯ PHÁP-BỘ CÔNG AN SỐ 02/2000/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA NGÀY 5 THÁNG 7 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU 7 BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999 VÀ MỤC 2 NGHỊ QUYẾT SỐ 32/1999/QH10 NGÀY 21 THÁNG 12 NĂM 1999 CỦA QUỐC HỘI
Ngày 21-12-1999, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X đã thông qua Bộ luật hình sự mới của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (gọi tắt là Bộ luật hình sự năm 1999). Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết số 32/1999/QH10 “về việc thi hành Bộ luật hình sự” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 32).
Để thi hành đúng các quy định tại Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999 “Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian” và các quy định tại Mục 2 Nghị quyết số 32 của Quốc hội về việc áp dụng Bộ luật hình sự kể từ ngày 01-7-2000, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an thống nhất hướng dẫn một số điểm sau đây:
1. Khoản 1 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện”. Việc thi hành khoản 1 này đã được quy định tại điểm a Mục 2 Nghị quyết số 32 của Quốc hội; cụ thể là: “tất cả các điều khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng để điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 ngày 01-7-2000”.
2. Khoản 2 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xoá án tích và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã được thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”; cụ thể là theo điểm c Mục 2 Nghị quyết số 32 của Quốc hội, thì các quy định này “không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xoá án tích; trong trường hợp này, vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản pháp luật hình sự trước đây để giải quyết”. Khi thi hành các quy định này cần chú ý một số điểm sau đây:
a- Được coi là tội phạm mới nếu theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 thì đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội và người thực hiện hành vi đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1985 thì hành vi đó không phải là tội phạm và người thực hiện hành vi đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; cụ thể khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a.1. Hành vi chưa được quy định thành một tội cụ thể trong một điều luật cụ thể của Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng nay đã được quy định thành một tội cụ thể trong một điều luật cụ thể của Bộ luật hình sự năm 1999.
Ví dụ: Hành vi sử dụng lao động trẻ em làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm chưa được quy định thành một tội cụ thể trong một điều luật cụ thể của Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng này đã được quy định thành tội “Vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em” tại Điều 228 Bộ luật hình sự năm 1999; do đó, nếu hành vi này được thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 thì người thực hiện hành vi đó không phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử lý hành chính; nếu hành vi này được thực hiện kể từ 0 giờ 00 ngày 01-7-2000, thì người thực hiện hành vi đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 228 Bộ luật hình sự năm 1999 về tội “Vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em”.
a.2. Hành vi chưa được quy định trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985 về một tội cụ thể, nay mới được bổ sung vào điều luật tương ứng của Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tội cụ thể đó.
Ví dụ: Hành vi xâm phạm quyền ứng cử của công dân chưa được quy định trong Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1985, nay đã được quy định bổ sung vào Điều 126 Bộ luật hình sự năm 1999; do đó, hành vi xâm phạm quyền ứng cử của công dân nếu được thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 thì người thực hiện hành vi đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử lý hành chính; nếu hành vi đó được thực hiện kể từ 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 thì người thực hiện hành vi đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 126 Bộ luật hình sự năm 1999 về tội “Xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân”.
* Cần chú ý rằng không coi là tội phạm mới, nếu hành vi vi phạm chưa được quy định thành một tội cụ thể trong một điều luật cụ thể của Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cho thấy người thực hiện hành vi này vẫn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật này, mặc dù nay mới được Bộ luật hình sự năm 1999 quy định thành một tội cụ thể trong một điều luật cụ thể (thường là các trường hợp tách tội hoặc cụ thể hoá một tội trong Bộ luật hình sự năm 1985 thành nhiều tội trong Bộ luật hình sự năm 1999).
Ví dụ: Hành vi đua xe trái phép chưa được quy định thành tội “Đua xe trái phép” trong Bộ luật hình sự năm 1985, nay mới được quy định thành tội “Đua xe trái phép” (Điều 207) trong Bộ luật hình sự năm 1999, song căn cứ vào quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự năm 1985, thì người đua xe trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
b- “Hình phạt nặng hơn” mà điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 quy định so với điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985 quy định được xác định như sau:
b.1. Nếu về cùng một tội phạm mà điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 có quy định loại hình phạt nặng hơn so với loại hình phạt nặng nhất được quy định trong điều luật tương ứng của Bộ luật hình sự năm 1985.
Ví dụ: Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 có quy định loại hình phạt “tù chung thân” là loại hình phạt nặng hơn hình phạt tù có thời hạn (Điều 109 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định hình phạt tù có thời hạn với mức cao nhất là 20 năm tù); do đó, đối với tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”, thì điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hình phạt nặng hơn; cho nêu đối với người phạm tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì vẫn áp dụng Điều 109 Bộ luật hình sự năm 1985.
b.2. Nếu về cùng một tội phạm mà điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 có quy định cùng loại hình phạt như đã được quy định trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng mức hình phạt tối đa của khung hình phạt nặng nhất được quy định trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 cao hơn mức tối đa của khung hình phạt nặng nhất được quy định trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985.
Ví dụ: Về tội “Xâm phạm quyền tác giả” thì Điều 131 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hình phạt nặng hơn so với Điều 126 Bộ luật hình sự năm 1985, bởi vì trong cả hai điều luật này đều quy định hình phạt tù có thời hạn, nhưng mức tối đa của khung hình phạt nặng nhất được quy định trong Điều 131 Bộ luật hình sự năm 1999 là 3 (ba) năm tù, còn trong Điều 126 Bộ luật hình sự năm 1985 là 1 (một) năm tù, do đó, đối với người phạm tội “xâm phạm quyền tác giả” trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì vẫn áp dụng Điều 126 Bộ luật hình sự năm 1985.
b.3. Nếu về cùng một tội phạm mà điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 có quy định cùng loại hình phạt như đã quy định trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985 và mức hình phạt tối đa của khung hình phạt nặng nhất được quy định trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 bằng mức tối đa của khung hình phạt nặng nhất được quy định trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng mức tối thiểu của khung hình phạt nhẹ nhất được quy định trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 cao hơn mức tối thiểu của khung hình phạt nhẹ nhất được quy định trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985.
Ví dụ: Về tội “Hành nghề mê tín, dị đoan” thì Điều 247 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hình phạt nặng hơn so với Điều 199 Bộ luật hình sự năm 1985, bởi vì trong cả hai điều luật này đều quy định hình phạt tù có thời hạn và mức tối đa của khung hình phạt nặng nhất quy định tại hai điều luật này bằng nhau (đều 10 (mười) năm tù), nhưng mức tối thiểu của khoản 1 Điều 247 Bộ luật hình sự năm 1999 là 6 (sáu) tháng tù, còn của khoản 1 Điều 199 Bộ luật hình sự năm 1985 là 3 (ba) tháng tù; do đó, đối với người phạm tội “Hành nghề mê tín, dị đoan” trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì vẫn áp dụng Điều 199 Bộ luật hình sự năm 1985.
b.4. Nếu về cùng một tội phạm mà điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 và điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985 đều quy định loại hình phạt chính nặng nhất như nhau (về mức tối đa và mức tối thiểu), nhưng trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985 có quy định loại hình phạt chính khác nhẹ hơn để Toà án có thể lựa chọn, nay trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 đã bỏ loại hình phạt chính nhẹ hơn này.
Ví dụ: Về tội “Tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý”, thì Điều 195 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hình phạt nặng hơn so với Điều 185g Bộ luật hình sự năm 1985, bởi vì trong cả hai điều luật này đều quy định hình phạt tù chung thân, tù có thời hạn từ một năm đến 20 năm, nhưng trong Điều 195 Bộ luật hình sự năm 1999 đã bỏ loại hình phạt nhẹ hơn mà trong Điều 185g Bộ luật hình sự năm 1985 có quy định; đó là hình phạt tiền.
b.5. Nếu về cùng một tội phạm mà điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 ngoài việc quy định các loại hình phạt chính và mức hình phạt như trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985, còn quy định thêm hình phạt bổ sung.
Ví dụ: Về tội “Vu khống”, thì Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hình phạt nặng hơn so với Điều 117 Bộ luật hình sự năm 1985 bởi vì tuy trong cả hai điều luật này đều quy định các loại hình phạt chính là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn như nhau và các mức tối đa của khung hình phạt nặng nhất cũng như các mức tối thiểu của khung hình phạt nhẹ nhất bằng nhau (mức tối đa đều là 7 năm tù và mức tối thiểu là hình phạt cảnh cáo), nhưng Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1999 còn quy định thêm hình phạt bổ sung: “có thể bị phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”; do đó, đối với người phạm tội “Vu khống” trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì vẫn áp dụng Điều 117 Bộ luật hình sự năm 1985.
b.6. Đối với tội phạm được quy định trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999, nhưng tội phạm đó được tách ra từ một khoản của điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985, thì hình phạt nặng hơn được xác định bằng cách so sánh hình phạt đối với tội phạm được quy định trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 với hình phạt đối với tội phạm được quy định trong khoản tương ứng của điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985 theo hướng dẫn tại các điểm b1, b2, b3, b4 và b5 trên đây.
Ví dụ: Đối với tội “giết con mới đẻ”, thì việc xác định hình phạt nặng hơn hay nhẹ hơn bằng cách so sánh Điều 94 Bộ luật hình sự năm 1999 với khoản 4 Điều 101 Bộ luật hình sự năm 1985.
b.7. Trong trường hợp theo cách xác định được hướng dẫn tại các điểm từ điểm b1 đến điểm b6 trên đây thì thấy hình phạt mà điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 quy định là nặng hơn so với hình phạt mà điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985 quy định, nhưng điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 lại có “quy định khác có lợi” cho người phạm tội, thì tuy vẫn áp dụng điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985 để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2000, nhưng cũng phải áp dụng tinh thần “quy định khác có lợi” cho người phạm tội trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
Ví dụ: Về tội “Bức tử”, thì Điều 100 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hình phạt nặng hơn so với Điều 105 Bộ luật hình sự năm 1985, bởi vì trong cả hai điều luật này đều quy định hình phạt tù có thời hạn, nhưng mức tối đa của khung hình phạt nặng nhất và mức tối thiểu của khung hình phạt nhẹ nhất được quy định trong Điều 100 Bộ luật hình sự năm 1999 là 12 năm tù và 2 năm tù, còn trong Điều 105 Bộ luật hình sự năm 1985 là 7 năm tù và 1 năm tù. Tuy nhiên, Điều 105 Bộ luật hình sự năm 1985 có quy định hình phạt bổ sung: có thể bị cấm đảm nhiệm những chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định từ 2 năm đến 5 năm”, còn Điều 100 Bộ luật hình sự năm 1999 không quy định hình phạt bổ sung này; do đó, đối với người phạm tội “Bức tử” trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì áp dụng Điều 105 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng cần áp dụng tinh thần quy định tại Điều 100 Bộ luật hình sự năm 1999 là cho dù trong bất kỳ trường hợp nào cũng không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội.
c- “Tình tiết tăng nặng mới” là tình tiết chưa được quy định tại Điều 39 hoặc chưa được quy định là một tình tiết tăng nặng định khung hình phạt trong một điều luật cụ thể quy định về một tội phạm cụ thể của Bộ luật hình sự năm 1985, nay đã được quy định tại Điều 48 hoặc đã được quy định là một tình tiết tăng nặng định khung hình phạt trong một điều luật cụ thể quy định về một tội phạm cụ thể của Bộ luật hình sự năm 1999. Như vậy cần chú ý là không được áp dụng tình tiết tăng nặng mới này đối với người thực hiện hành vi phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
d- “Quy định khác không có lợi cho người phạm tội” là quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật hình sự năm 1999 và nếu áp dụng quy định mới này thì hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, xoá án tích hoặc gây bất lợi khác cho người phạm tội so với việc vẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1985.
Ví dụ 1: Quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội tại điểm a khoản 1 Điều 50 Bộ luật hình sự năm 1999 là không có lợi cho người phạm tội so với quy định tại Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1985, bởi vì theo quy định tại Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1985 thì việc tổng hợp hình phạt cải tạo không giam giữ phải bảo đảm hình phạt chung không được vượt quá hai năm và việc tổng hợp hình phạt tù có thời hạn phải bảo đảm hình phạt chung không được vượt quá hai mươi năm; nay theo quy định tại Điều 50 Bộ luật hình sự năm 1999 thì hình phạt chung không được vượt quá ba năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, ba mươi năm đối với hình phạt tù có thời hạn; do đó, đối với người phạm nhiều tội trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 mới bị xét xử thì việc tổng hợp hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn thì vẫn áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1985.
Ví dụ 2: Quy định về phạt tiền tại Điều 72 Bộ luật hình sự năm 1999 là không có lợi cho người phạm tội vì mới được bổ sung vào Bộ luật này; do đó, đối với người phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 mà từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mặc dù có thu nhập hoặc có tài sản riêng, nếu sau 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 mới bị xét xử, thì Toà án không được áp dụng hình phạt tiền.
3. Khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “Điều luật xoá bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xoá án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”.
a- Về quy định “điều luật xoá bỏ một tội phạm” có nghĩa là hành vi mà Bộ luật hình sự năm 1985 quy định là tội phạm, nhưng Bộ luật hình sự năm 1999 không quy định là tội phạm, thì theo quy định tại Mục 3 Nghị định số 32 của Quốc hội được áp dụng kể từ ngày Bộ luật hình sự năm 1999 được công bố (ngày 4-1-2000) và đã được hướng dẫn tại Mục 3 Thông tư liên tịch số 01/2000/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA ngày 12 tháng 6 năm 2000 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an “Hướng dẫn thi hành mục 3 Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21-12-1999 của Quốc hội và Nghị quyết số 229/2000/NQ-UBTVQH10 ngày 28-1-2000 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội”.
b- “Xoá bỏ một hình phạt” là hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1985 nay không được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999 cụ thể là hình phạt “cải tạo ở đơn vị kỷ luật quân đội” (hình phạt chính) và hình phạt “tước danh hiệu quân nhân” (hình phạt bổ sung). Như vậy, cần chú ý là Toà án không được áp dụng hình phạt “cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội” là hình phạt chính và hình phạt “tước danh hiệu quân nhân” là hình phạt bổ sung đối với quân nhân thực hiện hành vi phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 mới bị xét xử. Trong trường hợp này, nếu theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1985 có thể áp dụng hình phạt “Cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội”, thì nay cần áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ quy định tại Điều 24 Bộ luật hình sự năm 1985 (hình phạt cải tạo không giam giữ quy định tại Điều 24 Bộ luật hình sự năm 1985 nhẹ hơn so với quy định tại Điều 31 Bộ luật hình sự năm 1999).
c- “Xoá bỏ một tình tiết tăng nặng” là tình tiết đã được quy định tại Điều 39 hoặc đã được quy định là một tình tiết tăng nặng định khung hình phạt trong một điều luật cụ thể quy định về một tội phạm cụ thể của Bộ luật hình sự năm 1985, nay không được quy định tại Điều 48 hoặc không được quy định là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt trong một điều luật cụ thể quy định về một tội phạm cụ thể của Bộ luật hình sự năm 1999.
Ví dụ: Tình tiết tăng nặng định khung hình phạt “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 (hoặc khoản 3) điều này” được quy định trong một số điều luật (Điều 185b, Điều 185c....) của Bộ luật hình sự năm 1985, nay không được quy định trong bất kỳ một điều luật nào của Bộ luật hình sự năm 1999; vì vậy, kể từ 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 không được áp dụng tình tiết này trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
d- Hình phạt nhẹ hơn mà điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 quy định so với điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985 quy định được xác định như sau:
d1. Nếu về cùng một tội phạm mà điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 đã bỏ loại hình phạt nặng nhất được quy định trong điều luật tương ứng của Bộ luật hình sự năm 1985.
Ví dụ: Đối với tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới thì Điều 154 Bộ luật hình sự năm 1999 đã bỏ hình phạt tử hình và hình phạt chung thân mà Điều 97 Bộ luật hình sự năm 1985 có quy định hai loại hình phạt này; do đó, đối với người phạm tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì áp dụng Điều 154 Bộ luật hình sự năm 1999.
d2. Nếu về cùng một tội phạm mà điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 có quy định cùng loại hình phạt như đã được quy định trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985 và mức hình phạt tối đa của khung hình phạt nặng nhất được quy định trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 thấp hơn mức tối đa của khung hình phạt nặng nhất được quy định trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985.
Ví dụ: Về tội “Đầu cơ”, thì Điều 160 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hình phạt nhẹ hơn so với Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1985, bởi vì mức tối đa của khung hình phạt nặng nhất được quy định trong Điều 160 Bộ luật hình sự năm 1999 là 15 (mười lăm) năm tù, còn trong Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1985 là tù chung thân; do đó đối với người nào phạm tội đầu cơ trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì áp dụng Điều 160 Bộ luật hình sự năm 1999.
d3. Nếu về cùng một tội phạm mà điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 có quy định cùng loại hình phạt như đã quy định trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985 mà mức hình phạt tối đa của khung hình phạt nặng nhất được quy định trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 bằng mức tối đa của khung hình phạt nặng nhất được quy định trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng mức tối thiểu của khung hình phạt nhẹ nhất được quy định trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 thấp hơn mức tối thiểu của khung hình phạt nhẹ nhất được quy định trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985.
Ví dụ: Về tội “Buôn lậu”, thì Điều 153 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hình phạt nhẹ hơn so với Điều 97 Bộ luật hình sự năm 1985, bởi vì mức tối đa của khung hình phạt nặng nhất quy định tại hai điều luật này bằng nhau (đều tử hình), nhưng mức tối thiểu của khoản 1 Điều 153 của Bộ luật hình sự năm 1999 là phạt tiền 10 triệu đồng hoặc phạt tù 6 (sáu) tháng, còn của khoản 1 Điều 97 Bộ luật hình sự năm 1985 là phạt tù 2 (hai) năm; do đó, đối với người phạm tội buôn lậu trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì áp dụng Điều 153 Bộ luật hình sự năm 1999.
d4. Nếu về cùng một tội phạm mà điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 và điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985 đều quy định loại hình phạt chính nặng nhất như nhau (về mức tối đa và mức tối thiểu), nhưng trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 có quy định loại hình phạt chính khác nhẹ hơn để Toà án có thể lựa chọn, nhưng trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định loại hình phạt chính nhẹ hơn này.
d5. Nếu về cùng một tội phạm mà điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định các loại hình phạt chính, mức hình phạt như trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985 và đã bỏ hình phạt bổ sung mà trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985 có quy định.
d6. Đối với tội phạm được quy định trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999, nhưng tội phạm đó được tách ra từ một khoản của điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985, thì hình phạt nhẹ hơn được xác định bằng cách so sánh hình phạt đối với tội phạm được quy định trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 với hình phạt đối với tội phạm được quy định trong khoản tương ứng của điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985 theo hướng dẫn tại các điểm d1, d2, d3, d4 và d5 trên đây.
d7. Trong trường hợp theo cách xác định được hướng dẫn tại các điểm, từ điểm d1 đến điểm d6 trên đây cho thấy hình phạt mà điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 quy định là nhẹ hơn so với hình phạt mà điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985 quy định, nhưng điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 lại có “quy định khác không có lợi” cho người phạm tội, thì tuy áp dụng điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2000, nhưng không được áp dụng “quy định khác không có lợi” cho người phạm tội trong điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Trong trường hợp này vẫn áp dụng theo tinh thần quy định trong điều luật tương ứng của Bộ luật hình sự năm 1985 có lợi hơn cho người phạm tội.
đ- “Quy định khác có lợi cho người phạm tội” là quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật hình sự năm 1999 và nếu áp dụng quy định mới này thì mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xoá án tích hoặc có lợi khác cho người phạm tội so với việc vẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1985.
Ví dụ 1: Quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội tại điểm b khoản 1 Điều 50 Bộ luật hình sự năm 1999 là có lợi cho người phạm tội so với quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 43 Bộ luật hình sự năm 1985, bởi vì theo quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 43 Bộ luật hình sự năm 1985 thì khi tổng hợp hình phạt cải tạo không giam giữ với hình phạt tù có thời hạn, thì chuyển hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù để quyết định hình phạt chung. Cứ một ngày cải tạo không giam giữ thành một ngày tù. Nay theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 50 Bộ luật hình sự năm 1999, thì việc chuyển hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ ba ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành một ngày tù để tổng hợp hình phạt chung; do đó, đối với người phạm nhiều tội trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7- 2000 mới bị xét xử thì việc tổng hợp hình phạt cải tạo không giam giữ với hình phạt tù có thời hạn được thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 50 Bộ luật hình sự năm 1999.
Ví dụ 2: Quy định có thể áp dụng hình phạt bổ sung trong một số điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 là có lợi hơn cho người phạm tội so với quy định việc áp dụng hình phạt bổ sung là bắt buộc trong một số điều luật tương ứng của Bộ luật hình sự năm 1985.
4. Đối với những tội phạm đã được quy định trong một điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985, nay theo cách so sánh tại các điểm từ điểm b1 đến điểm b6 Mục 2 và tại các điểm từ d1 đến điểm d6 Mục 3 Thông tư này mà vẫn giữ nguyên trong điều luật tương ứng của Bộ luật hình sự năm 1999, thì áp dụng điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cần chú ý là nếu so sánh mức hình phạt trong các khung hình phạt tăng nặng tương ứng cho thấy điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 quy định mức hình phạt tối thiểu cao hơn hoặc mức hình phạt tối đa cao hơn, thì tuy vẫn áp dụng điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2000, nhưng chỉ được xử phạt họ với mức hình phạt trong khung hình phạt tăng nặng tương ứng mà Bộ luật hình sự năm 1985 quy định.
5. Trong trường hợp một người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội nào đó với nhiều hành vi trong đó có hành vi được thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2000, có hành vi được thực hiện kể từ 0 giờ 00 ngày 01-7-2000, mà điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hình phạt nặng hơn, thì vẫn áp dụng điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 để truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng khi quyết định hình phạt cần cân nhắc số lượng và tính chất của các hành vi được thực hiện trước cũng như các hành vi được thực hiện kể từ 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 để quyết định một mức hình phạt cho thoả đáng đối với tất cả các hành vi đó.
6. Trong trường hợp một người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội, trong đó có tội được thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2000, có tội được thực hiện kể từ 0 giờ 00 ngày 01-7-2000, thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự được thực hiện theo các hướng dẫn tại các mục 1, 2, 3, 4 và 5 Thông tư này và việc tổng hợp hình phạt được thực hiện theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999; tuy nhiên cần chú ý:
a- Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ mà cộng các hình phạt đã tuyên đối với các tội được thực hiện kể từ 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 trở đi trên hai năm, thì hình phạt chung đối với tất cả các tội bằng mức cộng các hình phạt đã tuyên đối với các tội được thực hiện kể từ 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 trở đi (nhưng không được vượt quá ba năm); nếu cộng các hình phạt đã tuyên đối với các tội được thực hiện kể từ 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 trở đi không quá hai năm, thì hình phạt chung đối với tất cả các tội không được vượt quá hai năm.
b- Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là hình phạt tù, mà cộng các hình phạt đã tuyên đối các tội được thực hiện kể từ 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 trở đi trên hai mươi năm, thì hình phạt chung đối với tất cả các tội bằng mức cộng các hình phạt đã tuyên đối với các tội được thực hiện kể từ 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 trở đi (nhưng không được vượt quá ba mươi năm); nếu cộng các hình phạt đã tuyên đối với các tội được thực hiện kể từ 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 trở đi không quá hai mươi năm, thì hình phạt chung đối với tất cả các tội không được vượt quá hai mươi năm.
c- Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn mà cộng các hình phạt đã tuyên đối với các tội được thực hiện kể từ 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 trở đi (theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 50 Bộ luật hình sự năm 1999) trên hai mươi năm, thì hình phạt chung đối với tất cả các tội bằng mức cộng các hình phạt đã tuyên đối với các tội được thực hiện kể từ 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 trở đi (nhưng không được vượt quá ba mươi năm); nếu cộng các hình phạt đã tuyên đối với các tội được thực hiện kể từ 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 trở đi không quá hai mươi năm, thì hình phạt chung đối với tất cả các tội không được vượt quá hai mươi năm.
7. Đối với những hành vi phạm tội được thực hiện và bị xét xử trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 mà bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật thì không được căn cứ vào những quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 có nội dung khác so với các điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985 đã được áp dụng khi tuyên án để kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm; trong trường hợp kháng nghị dựa vào căn cứ khác hoặc đã kháng nghị trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2000, thì việc xét xử giám đốc thẩm phải tuân theo quy định tại Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999, tại các điểm b và c Mục 2 Nghị quyết số 32 của Quốc hội và các hướng dẫn tại Thông tư này.
8. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 7 năm 2000 và thay thế các văn bản trước đây của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an hướng dẫn thi hành quy định của các văn bản pháp luật hình sự trước đây về hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian.
Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc hoặc chưa được hướng dẫn, cần phải giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung, thì đề nghị phản ánh cho Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an để có sự giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp thời.
Lê Thế Tiệm (Đã ký)
|
Nguyễn Đình Lộc |
Phạm Sĩ Chiến (Đã ký)
|
Trịnh Hồng Dương (Đã ký) |