BỘ TƯ PHÁP ----------- Số: 1227/QĐ-BTP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ----------------- Hà Nội, ngày 02 tháng 8 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành Kế hoạch tổ chức
Lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp Trợ giúp viên pháp lý hạng II
------------------
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Luật trợ giúp pháp lý số 69/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Xét đề nghị của Giám đốc Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổ chức Lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp Trợ giúp viên pháp lý hạng II.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Giám đốc Học viện Tư pháp và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như Điều 3 (để thi hành); - Bộ trưởng (để b/c); - Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp; - Lưu: VT, HVTP. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG (Đã ký) Lê Tiến Châu |
BỘ TƯ PHÁP ---------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tư do - Hạnh phúc -------------------- |
KẾ HOẠCH
Tổ chức Lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp Trợ giúp viên pháp lý hạng II
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1227/QĐ-BTP ngày 02 tháng 8 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
Lớp học được tổ chức nhằm mục đích bồi dưỡng kiến thức về chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong công tác trợ giúp pháp lý; các kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý chuyên sâu và phương pháp thực hiện nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu về năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của ngạch Trợ giúp viên pháp lý hạng II theo đúng quy định của pháp luật.
Nội dung chương trình bồi dưỡng phải đảm bảo người tham gia bồi dưỡng lĩnh hội được các kiến thức, kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ; trao đổi kinh nghiệm, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động nghề nghiệp cho các trợ giúp viên pháp lý hạng II.
II. NỘI DUNG
1. Nội dung chương trình, tài liệu bồi dưỡng
Chương trình bồi dưỡng: Theo Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch Trợ giúp viên pháp lý chính được ban hành kèm theo Quyết định số 3953/QĐ-BTP ngày 27/12/2012 nhưng có bổ sung thêm một số nội dung để cập nhật Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 và phù hợp với yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Trợ giúp viên pháp lý hạng II theo quy định của Thông tư liên tịch số 08/2016/TTLT-BTP-BNV ngày 23/6/2016 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức Trợ giúp viên pháp lý. Các nội dung bổ sung thêm gồm:
- Giới thiệu về những nội dung mới của Luật trợ giúp pháp lý năm 2017;
- Kỹ năng xây dựng và thực hiện văn bản, đề án, chương trình, kế hoạch;
- Kỹ năng hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng trợ giúp pháp lý;
- Kỹ năng biên soạn chương trình, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ;
- Kỹ năng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và đề xuất, kiến nghị về thực hiện trợ giúp pháp lý.
Tài liệu bồi dưỡng: Theo Tài liệu bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp Trợ giúp viên pháp lý hạng II đã được Học viện Tư pháp xây dựng theo Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch Trợ giúp viên pháp lý chính được ban hành kèm theo Quyết định số 3953/QĐ-BTP ngày 27/12/2012.
2. Đối tượng tham gia bồi dưỡng: Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm hoặc Phó Giám đốc của các Trung tâm không có Giám đốc tham gia.
3. Số lượng bồi dưỡng: khoảng 70 người/1 lớp.
4. Chiêu sinh
Học viện Tư pháp sẽ gửi Công văn chiêu sinh tới các Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị cử viên chức tham gia lớp học.
5. Cấp Chứng chỉ bồi dưỡng
Để nâng cao chất lượng tổ chức lớp học, Học viện Tư pháp sẽ cấp Chứng chỉ bồi dưỡng cho những học viên hoàn thành chương trình bồi dưỡng. Điều kiện để được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng là:
(i) Tham gia học tập đầy đủ các nội dung theo đúng quy định của chương trình bồi dưỡng.
(ii) Các bài kiểm tra, bài thu hoạch cuối khóa đạt điểm 5 trở lên.
(iii) Thực hiện đúng nội quy và quy chế lớp học.
6. Thời lượng, thời gian, địa điểm tổ chức
- Thời lượng bồi dưỡng: 8 tuần/lớp; học liên tục vào các ngày trong tuần.
- Thời gian tổ chức lớp học: Dự kiến khai giảng vào tháng 9 năm 2017.
- Địa điểm tổ chức lớp học: Tại thành phố Hà Nội.
III. PHÂN CÔNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Học viện Tư pháp
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan chỉnh sửa, biên tập lại chương trình, tài liệu bồi dưỡng, điều phối giảng viên tham gia giảng dạy, tổ chức và quản lý lớp học;
- Chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Trợ giúp pháp lý trong công tác chiêu sinh, tổ chức quản lý lớp học và cấp Chứng chỉ bồi dưỡng cho học viên hoàn thành khóa học.
2. Cục Trợ giúp pháp lý
Chịu trách nhiệm phối hợp với Học viện Tư pháp, các đơn vị khác có liên quan trong công tác chỉnh sửa, biên tập lại nội dung chương trình, tài liệu bồi dưỡng; cử, giới thiệu giảng viên tham gia giảng dạy, tổ chức quản lý lớp học, cấp Chứng chỉ bồi dưỡng cho học viên hoàn thành khóa học.
3. Vụ Tổ chức cán bộ
Chịu trách nhiệm phối hợp với Học viện Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý và các đơn vị khác có liên quan trong công tác chỉnh sửa, biên tập lại nội dung chương trình, tài liệu bồi dưỡng; tổ chức quản lý lớp học và cấp Chứng chỉ bồi dưỡng cho học viên tham gia lớp học.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
- Kinh phí tổ chức lớp học: từ nguồn thu học viên theo nguyên tắc lấy thu bù chi.
- Kinh phí đi lại, lưu trú và chi phí khác cho học viên do cơ quan, đơn vị cử viên chức tham gia lớp học thanh toán.
- Việc thanh, quyết toán thực hiện theo chế độ hiện hành.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
(Đã ký)
Lê Tiến Châu