Công ước về các dân tộc và bộ lạc bản địa ở các quốc gia độc lập, 1989

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải văn bản
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
In
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Công ước

Công ước về các dân tộc và bộ lạc bản địa ở các quốc gia độc lập, 1989
Cơ quan ban hành: Đang cập nhậtSố công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:Không sốNgày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Công ướcNgười ký:Đang cập nhật
Ngày ban hành:27/06/1989Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Tư pháp-Hộ tịch

TÓM TẮT VĂN BẢN

Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

tải Công ước Không số

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CÔNG ƯỚC VỀ CÁC DÂN TỘC VÀ BỘ LẠC BẢN ĐỊA Ở CÁC QUỐC GIA ĐỘC LẬP, 1989

(Công ước số 169, được Đại Hội đồng của Tổ chức Lao động quốc tế thông qua trong kỳ họp lần thứ 76, ngày 27/6/1989. Có hiệu lực từ ngày 05/9/1991).

 

Đại Hội đồng của Tổ chức Lao động quốc tế, được Hội đồng Quản trị Văn phòng Lao động quốc tế triệu tập trong kỳ họp lần thứ 76, ngày 7/6/1989.

Ghi nhớ những chuẩn mực quốc tế đã được thiết lập trong Công ước và Khuyến nghị của ILO về nhân dân bản địa và bộ lạc năm 1957,

Nhắc lại những chuẩn mực được ghi nhận trong Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; Công ước quốc tế về các quyền dân sự. chính trị và nhiều văn kiện quốc tế khác về ngăn chặn sự phân biệt đối xử, và

Nhận thức rằng, sự phát triển trong luật quốc tế từ năm 1957 cũng như sự phát triển về tình hình của nhân dân bản địa và bộ lạc ở tất cả các khu vực trên thế giới đã cho thấy sự cần thiết phải thông qua những chuẩn mực quốc tế mới về chủ đề người bản địa, với mục đích xóa bỏ xu hướng đồng hóa trong các chuẩn mực trước đó, và

Thừa nhận những nguyện vọng khát khao của các dân tộc bản địa trong việc thiết lập và điều hành những thiết chế riêng của họ; trong việc xác lập cách sống, sự phát triển kinh tế và việc duy trì, phát triển những bản sắc, ngôn ngữ, tôn giáo của họ, trong khuôn khổ của các quốc gia mà họ sống, và

Ghi nhớ rằng, ở nhiều khu vực trên thế giới, những dân tộc bản địa vẫn chưa được hưởng thụ những quyền con người cơ bản của họ giống như những cộng đồng khác trong cùng một quốc gia mà họ đang sống, và rằng, luật pháp, các giá trị, tập quán và tiền đồ của họ vẫn bị hao mòn, và

Kêu gọi quan tâm tới sự đóng góp đặc biệt của các dân tộc và bộ tộc bản địa vào tính đa dạng và hài hòa về văn hóa, xã hội, sinh thái của nhân loại và sự hợp tác và hiểu biết quốc tế, và

Ghi nhớ rằng, những quy định sau đây đã được soạn thảo với sự hợp tác của Liên Hợp Quốc; Tổ chức Nông - Lương của Liên Hợp Quốc; Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế thế giới cũng như của Viện người da đỏ Liên Mỹ, ở tất cả các cấp độ và lĩnh vực tương ứng, và rằng, cần tiếp tục sự hợp tác trong việc thúc đẩy và bảo đảm sự áp dụng các quy định này, và

Quyết định chấp nhận những đề xuất cụ thể liên quan đến sự sửa đổi từng phần của Công ước về nhân dân bản địa và bộ lạc năm 1957 (Công ước số 107 của ILO) thể hiện trong bốn mục trong chương trình nghị sự của kỳ họp, và

Đã quyết định rằng, những đề xuất này cần được thể hiện dưới hình thức của một điều ước quốc tế sửa đổi Công ước về nhân dân bản địa và bộ lạc năm 1957,

Thông qua Công ước này vào ngày 27/6-1989, gọi là Công ước về các dân tộc và bộ lạc bản địa năm 1989.

PHẦN I: CHÍNH SÁCH CHUNG

Điều 1.

1. Công ước này áp dụng cho:

a. Các bộ tộc trong các quốc gia độc lập mà tình trạng kinh tế, xã hội, văn hóa của họ khác biệt so với các bộ phận dân cư khác trong quốc gia đó, và một phần hay toàn bộ vị thế của họ được quy định bởi các tập tục truyền thống hay các luật lệ, quy định đặc biệt của riêng họ.

b. Các dân tộc trong các quốc gia độc lập mà được đề cập như là những người bản địa, trên cơ sở xem xét nguồn gốc của các cộng đồng dân cư định cư ở quốc gia đó, hoặc trên cơ sở khu vực địa lý mà quốc gia đó thuộc vào, mà ở thời điểm sự xâm chiếm, thuộc địa hóa hay việc thiết lập đường biên giới hiện tại của quốc gia đó thì họ là những người, bất kể vị thế pháp lý của họ, đã duy trì được một số hoặc tất cả các thể chế về chính trị, văn hóa, kinh tế và xã hội của riêng cộng đồng mình.

2. Sự tự đồng nhất với phạm trù người bản địa hay bộ tộc sẽ được coi như là một tiêu chuẩn cơ bản cho việc xác định các nhóm là chủ thể được áp dụng các quy định trong Công ước này.

3. Việc sử dụng thuật ngữ "các dân tộc" trong Công ước này không có nghĩa là gắn với việc áp dụng tất cả các quyền liên quan đến khái niệm này trong luật quốc tế.

Điều 2.

1. Các chính phủ phải có trách nhiệm phát triển, với sự tham gia của các dân tộc được đề cập trong Công ước này, các hành động mang tính hệ thống và phối hợp, để bảo vệ các quyền của các dân tộc và bảo đảm sự tôn trọng tính toàn vẹn của họ.

2. Những hành động như vậy cần phải bao gồm các biện pháp:

a. Bảo đảm rằng các thành viên của các dân tộc được hưởng thụ trên cơ sở bình đẳng, các quyền và cơ hội mà pháp luật và quy định của quốc gia trao cho các thành viên của các cộng đồng khác.

b. Thúc đẩy sự thừa nhận đầy đủ các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa của các dân tộc này đồng thời với việc bảo đảm sự tôn trọng tính toàn vẹn về văn hóa, xã hội của họ, các tập quán, truyền thống và các thể chế của họ.

c. Trợ giúp các thành viên của các dân tộc được đề cập trong Công ước này xóa bỏ những khoảng cách về văn hóa - xã hội mà có thể đang hiện hữu giữa những người bản địa và những thành viên khác của cộng đồng quốc gia, theo tinh thần phù hợp với những nguyện vọng về cách sống của họ.

Điều 3.

1 . Các dân tộc và bộ tộc bản địa phải được hưởng thụ đầy đủ các quyền và tự do cơ bản mà không bị cản trở hoặc phân biệt đối xử. Các quy định của Công ước này phải được áp dụng không có sự phân biệt đối xử giữa các thành viên nam hay nữ trong các dân tộc này.

2. Không được sử dụng các thủ tục, quyền lực hoặc sự ép buộc nào để vi phạm các quyền con người và tự do cơ bản của các dân tộc bản địa, bao gồm các quyền được ghi nhận trong Công ước này.

Điều 4.

1. Khi cần thiết, cần ban hành các biện pháp đặc biệt để bảo vệ những cá nhân, thể chế, tài sản, công việc, văn hóa và môi trường của các dân tộc được đề cập trong Công ước này.

2. Các biện pháp đặc biệt này sẽ không được trái với những ước nguyện thực sự của các dân tộc được đề cập trong Công ước này.

3. Việc hưởng thụ các quyền cơ bản của công dân không có sự phân biệt đối xử, theo bất kỳ cách thức nào, phải không được làm tổn hại đến các biện pháp đặc biệt như vậy.

Điều 5.

Trong việc áp dụng các quy định của Công ước:

1. Các giá trị tư tưởng, tín ngưỡng, văn hóa, xã hội và các thói quen của các dân tộc này phải được thừa nhận và bảo vệ, và cần phải lưu ý đến bản chất của các vấn đề khó khăn mà cả các cá nhân cũng như các nhóm này phải đối mặt.

2. Tính toàn vẹn của các giá trị, thói quen và thể chế của các dân tộc này phải được tôn trọng.

3. Cần ban hành những chính sách hướng vào việc giảm nhẹ những khó khăn mà các dân tộc này phải gánh chịu trong những hoàn cảnh mới của cuộc sống, với sự tham gia và hợp tác của các dân tộc được đề cập trong Công ước này.

Điều 6.

1. Trong việc áp dụng các quy định của Công ước này, các chính phủ phải:

a. Lấy ý kiến tư vấn của các dân tộc được đề cập trong Công ước này, thông qua các thủ tục phù hợp và các thể chế đại diện cụ thể của họ vào bất cứ khi nào có sự cân nhắc đưa các biện pháp pháp lý và hành chính có liên quan trực tiếp đến họ.

b. Thiết lập các biện pháp để cho các dân tộc này có thể tham gia một cách tự do, ít nhất là với mức độ rộng rãi như các bộ phận dân cư khác, vào tất cả các cấp độ của quá trình ra quyết định trong các thể chế dân cử, hành chính và các cơ quan có trách nhiệm thiết lập các chính sách. chương trình liên quan đến họ.

2. Cần lấy ý kiến tư vấn của các dân tộc này trong quá trình áp dụng Công ước, với niềm tin và bằng hình thức thích hợp, với mục đích nhằm đạt được sự nhất trí hoặc đồng ý của họ về các biện pháp đưa ra.

Điều 7.

1. Các dân tộc được đề cập trong Công ước này có quyền được quyết định những ưu tiên của riêng họ trong các tiến trình phát triển mà tác động đến cuộc sống, tín ngưỡng, các thể chế và sự hài hòa về tinh thần của họ, cũng như liên quan đến đất đai mà họ đang chiếm hữu hay sử dụng; và phải mở rộng sự tham gia quản lý của họ ở mức rộng rãi có thể vào sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của riêng họ.

2. Việc thúc đẩy điều kiện sống, việc làm, các cấp độ về chăm sóc y tế và sức khỏe cho các dân tộc được đề cập trong Công ước này, với sự tham gia và hợp tác của họ, cần phải coi là một vấn đề ưu tiên trong kế hoạch phát triển toàn diện về kinh tế ở các vùng họ cư trú. Cũng cần thiết phải xây dựng các dự án đặc biệt về phát triển các khu vực như vậy để thúc đẩy tiến trình này.

3. Các chính phủ phải bảo đảm rằng, ở bất cứ nơi nào thích hợp, tiến hành các nghiên cứu, với sự tham gia của các dân tộc được đề cập trong Công ước này, về những tác động tới họ trong các hoạt động phát triển đã được xác định, trên các lĩnh vực về môi trường, văn hóa, tinh thần và xã hội của họ.

4. Các chính phủ phải tiến hành các biện pháp, với sự hợp tác của các dân tộc được đề cập trong Công ước này, để bảo vệ và bảo tồn môi trường tự nhiên ở các khu vực mà họ đang cư trú.

Điều 8.

1. Trong việc áp dụng các luật lệ và quy định với các dân tộc được đề cập trong Công ước này, cần chú ý thích đáng đến các tập quán và luật tục của họ.

2. Những dân tộc được đề cập trong Công ước này phải có quyền được duy trì những tập quán và thể chế của riêng họ, nếu như chúng không trái với những quyền cơ bản được ghi nhận trong hệ thống pháp luật quốc gia và với những quyền con người đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi. Các thủ tục phải được thiết lập ở những nơi cần thiết, để giải quyết những xung đột có thể phát sinh trong việc áp dụng nguyên tắc này.

3. Việc áp dụng quy định trong đoạn 1 và 2 của điều này không ngăn cản các thành viên của các dân tộc được đề cập trong Công ước này được hưởng thụ các quyền và phải gánh vác những trách nhiệm pháp lý mà được quy định với tất cả các công dân của quốc gia đó.

Điều 9.

1. Để mở rộng sự phù hợp với hệ thống pháp luật quốc gia và những quyền con người đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi, cần tôn trọng các biện pháp xử lý những người vi phạm các luật lệ trong nội bộ dân tộc theo truyền thống của các dân tộc được đề cập trong Công ước này.

2. Các tập quán của các dân tộc được đề cập trong Công ước này liên quan tới vấn đề hình sự sẽ được xét xử bởi các nhà chức trách và tòa án có thẩm quyền trong các vụ việc đó.

Điều 10.

1. Trong việc quyết định các hình phạt được quy định trong pháp luật chung với những thành viên của các dân tộc được đề cập trong Công ước này cần tính đến những đặc thù về kinh tế, xã hội và văn hóa của họ.

2. Trong việc xử lý hình sự những thành viên của các dân tộc được đề cập trong Công ước này cần lựa chọn các biện pháp trừng phạt khác, hơn là biện pháp bỏ tù.

Điều 11.

Việc đòi hỏi các thành viên của các dân tộc được đề cập trong Công ước này phải thực hiện những công việc cưỡng bức dưới bất kỳ hình thức nào, dù có được trả công hay không, đều phải bị cấm và bị pháp luật trừng trị, trừ khi những công việc đó được pháp luật quy định với tất cả công dân của quốc gia.

Điều 12.

Những dân tộc được đề cập trong Công ước này phải được bảo vệ chống lại những vi phạm các quyền của họ và phải có khả năng tiếp cận với các thủ tục pháp lý, với tư cách cá nhân hay thông qua các cơ quan đại diện của họ, để có sự bảo vệ có hiệu quả với các quyền này. Phải tiến hành các biện pháp nhằm bảo đảm rằng các thành viên của các dân tộc được đề cập trong Công ước này có thể hiểu và được hiểu những diễn biến trong các tiến trình tố tụng pháp lý có liên quan tới họ ở những nơi cần thiết, thông qua việc quy định về phiên dịch hoặc các biện pháp có hiệu quả khác.

PHẦN II: ĐẤT ĐAI

Điều 13.

1. Trong khi áp dụng các quy định trong phần này của Công ước, các Quốc gia thành viên phải tôn trọng tầm quan trọng của các giá trị tinh thần và văn hóa mà liên quan đến các vùng đất đai hoặc lãnh thổ của các dân tộc được đề cập trong Công ước này, hoặc khi có thể với cả các vùng đất đai hoặc lãnh thổ, mà họ đang sinh sống hoặc sử dụng, và đặc biệt là các khía cạnh tập thể của quan hệ đó.

2. Việc sử dụng thuật ngữ "đất đai" trong Điều 15 và 16 của Công ước sẽ bao gồm cả các lãnh thổ bao chứa các khu vực môi trường toàn vẹn mà trên đó các dân tộc được đề cập trong Công ước này đang cư trú hoặc sử dụng.

Điều 14.

1. Quyền sở hữu và quyền chiếm hữu các vùng đất đai mà họ đã cư trú một cách truyền thống của các dân tộc được đề cập trong Công ước này phải được thừa nhận. Thêm vào đó: cần phải đưa ra các biện pháp, trong những trường hợp thích hợp, để bảo vệ quyền của các dân tộc được đề cập trong Công ước này được sử dụng các vùng đất đai mà họ cùng cư trú với các cộng đồng khác, nhưng xét về mặt truyền thống, họ đã cư trú trên và khai thác các vùng đất đó từ trước tới nay. Cần phải đặt sự quan tâm đặc biệt với hoàn cảnh của các dân tộc du cư và làm nông nghiệp.

2. Các chính phủ phải tiến hành những biện pháp cần thiết để xác định các vùng đất đai mà các dân tộc được đề cập trong Công ước này cư trú trong truyền thống, và để bảo đảm sự bảo vệ có hiệu quả các quyền sở hữu và chiếm hữu của họ.

Điều 15.

1. Các quyền với các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên các vùng đất đai của các dân tộc được đề cập trong Công ước này phải được bảo vệ đặc biệt. Những quyền này bao gồm quyền của những dân tộc đó được tham gia vào việc sử dụng, quản lý và bảo tồn những nguồn tài nguyên đó.

2. Trong trường hợp mà các quốc gia duy trì quyền sở hữu công cộng với các khoáng sản hoặc các nguồn tài nguyên dưới lòng đất hoặc các quyền với các nguồn tài nguyên khác ở một vùng đất, các chính phủ phải thiết lập và duy trì những thủ tục lấy ý kiến tư vấn của các dân tộc được đề cập trong Công ước này, nhằm xác định là các quyền lợi của các dân tộc được đề cập trong Công ước này có bị ảnh hướng hay không và ảnh hưởng như thế nào, trước khi quyết định hoặc cho phép tiến hành bất kỳ một chương trình khảo sát hoặc khai thác những nguồn tài nguyên như vậy ở trên các vùng đất đó. Các dân tộc được đề cập trong Công ước này phải được hưởng lợi từ các hoạt động khai thác đó ở bất cứ nơi nào, và phải được nhận sự đền bù cho bất kỳ sự thiệt hại nào mà họ phải gánh chịu do hậu quả từ những hành động khảo sát, khai thác đó.

Điều 16.

1. Các dân tộc được đề cập trong Công ước này sẽ không bị di dời khỏi các vùng đất đai mà họ đang sinh sống trong các bối cảnh nêu ở các đoạn dưới đây.

2. Việc tái định cư các dân tộc được đề cập trong Công ước này cần thiết phải được xem như là một biện pháp ngoại lệ, việc tái định cư như vậy chỉ được thực hiện với sự đồng ý một cách tự do và có nhận thức của họ. Tại những nơi mà không thể đạt được sự tự nguyện đồng ý của họ, việc tái định cư như vậy chỉ được thực hiện theo những thủ tục thích hợp mà được quy định trong pháp luật và các quy định của quốc gia, bao gồm những hướng dẫn chung ở những nơi thích hợp mà cho phép các dân tộc được đề cập trong Công ước này có cơ hội đại diện có hiệu quả trong quá trình đó.

3. Tại bất kỳ nơi nào có thể, các dân tộc được đề cập trong Công ước này phải có quyền được trở lại những vùng đất truyền thống của họ ngay khi những cơ sở cho việc tái định cư họ ở vùng đất khác không còn nữa.

4. Khi việc trở về như vậy là không thể được, theo quyết định trong một thỏa thuận, hoặc nếu như không có một thỏa thuận như vậy, thì thông qua những thủ tục thích hợp, các dân tộc được đề cập trong Công ước này phải được cung cấp tất cả những khả năng có thể được định cư ở những vùng đất có chất lượng và với vị thế pháp lý ít nhất là ngang bằng với những vùng đất mà họ đã sinh sống trước đó, các vùng đất mới đó phải phù hợp với những nhu cầu hiện tại và sự phát triển trong tương lai của họ. Tại những nơi mà các dân tộc được đề cập trong Công ước này bày tỏ yêu cầu về sự bồi thường bằng tiền hoặc về những thứ khác, họ phải được bảo đảm sự bồi thường như vậy.

5. Những người mà đã tái định cư phải được đền bù đầy đủ cho tất cả những thiệt hại và mất mát mà họ phải gánh chịu.

Điều 17.

1. Các thủ tục do các dân tộc được đề cập trong Công ước này đã thiết lập liên quan đến việc chuyển các quyền về đất đai giữa các thành viên trong cộng đồng của họ với nhau phải được tôn trọng.

2. Các dân tộc được đề cập trong Công ước này phải được trưng cầu ý kiến bất cứ khi nào đặt ra việc xem xét việc chuyển nhượng các vùng đất của họ hoặc các hình thức chuyển giao khác về các quyền của họ diễn ra bên ngoài cộng đồng của họ.

3. Cần phải ngăn chặn việc những người không thuộc các dân tộc này kiếm lợi từ việc khai thác các tập tục của họ hoặc từ việc thiếu hiểu biết về pháp luật của một số thành viên trong các cộng đồng của họ, liên quan tới các quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc sử dụng các vùng đất đai của họ.

Điều 18.

Cần quy định các hình phạt thích đáng trong pháp luật với các hành vi xâm lấn, sử dụng trái phép đất đai của các dân tộc được đề cập trong Công ước này, và các chính phủ phải đưa ra các biện pháp để ngăn ngừa những hành động như vậy.

Điều 19.

Các chương trình đất đai quốc gia phải bảo đảm cho các dân tộc được đề cập trong Công ước này sự đối xử tương tự mà các cộng đồng khác trong quốc gia được hưởng, liên quan tới:

1. Quy định về đất đai thêm cho các dân tộc được đề cập trong Công ước này khi họ không có các khu vực cần thiết mà có thể cung cấp những thứ thiết yếu cho cuộc sống bình thường, hoặc cho bất kỳ sự tăng trưởng dân số nào của họ.

2. Quy định về các biện pháp cần thiết cho việc thúc đẩy sự phát triển ở các vùng đất mà họ đã chiếm hữu.

PHẦN III: TUYỂN DỤNG VÀ CÁC ĐIỀU KIỆN LÀM VIỆC

Điều 20.

1 . Trong phạm vi luật pháp và quy định của quốc gia và trong việc hợp tác với các dân tộc được đề cập trong Công ước này, các chính phủ phải thông qua những biện pháp đặc biệt để bảo đảm sự bảo vệ có hiệu quả về việc tuyển dụng và các điều kiện làm việc cho những người lao động thuộc các dân tộc được đề cập trong Công ước này, trong chừng mực mà họ không được bảo vệ một cách có hiệu quả bằng pháp luật áp dụng cho những người lao động nói chung.

2. Các chính phủ phải làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn bất kỳ sự phân biệt đối xử nào giữa những người lao động thuộc các dân tộc được đề cập trong Công ước này và những người lao động khác cụ thể liên quan tới:

a. Việc thu nhận vào làm việc, bao gồm cả các việc làm đòi hỏi kỹ năng cũng như trong việc thăng chức và đề bạt.

b. Việc trả lương bình đẳng cho các công việc như nhau.

c. Sự trợ giúp xã hội và y tế, an toàn và vệ sinh lao động, tất cả các lợi ích về bảo trợ xã hội và bất kỳ lợi ích nào khác liên quan đến việc làm, và nơi ở;

d. Quyền được lập hội và tự do hoạt động công đoàn theo pháp luật và quyền được thỏa ước tập thể với những người sử dụng lao động hoặc với các tổ chức của những người sử dụng lao động.

3. Các biện pháp đó cần bảo đảm rằng:

a. Những người lao động thuộc các dân tộc được đề cập trong Công ước này, bao gồm lao động di trú, lao động theo mùa, lao động theo vụ việc trong nông nghiệp và trong các nghề nghiệp khác, cũng như lao động theo hợp đồng, đều được hưởng sự bảo vệ của luật pháp quốc gia như những người lao động thuộc các cộng đồng khác trong cùng các bối cảnh như vậy.

b. Những người lao động thuộc các dân tộc dược đề cập trong Công ước này không phải làm việc trong các điều kiện có hại cho cho sức khỏe của họ, đặc biệt là các công việc phải tiếp xúc với thuốc trừ sâu và các hóa chất độc hại khác.

c. Những người lao động nam và nữ thuộc các dân tộc được đề cập trong Công ước này được hưởng các cơ hội bình đẳng và được đối xử bình đẳng trong lao động, và được bảo vệ khỏi sự quấy rối tình dục.

4. Phải có sự quan tâm đặc biệt tới việc thiết lập các cơ quan thanh tra lao động thích hợp ở những vùng mà những người lao động thuộc các dân tộc được đề cập trong Công ước này đang làm việc để bảo đảm sự tuân thủ các quy định trong Phần này của Công ước.

PHẦN IV: ĐÀO TẠO NGHỀ, THỦ CÔNG VÀ CÁC NGHỀ NGHIỆP NÔNG THÔN

Điều 21.

Các thành viên của các dân tộc được đề cập trong Công ước này phải được hưởng các cơ hội ít nhất là ngang bằng với những công dân thuộc các cộng đồng khác về vấn đề đào tạo nghề nghiệp.

Điều 22.

1 . Cần tiến hành các biện pháp nhằm thúc đẩy sự tham gia tự nguyện của các thành viên của các dân tộc được đề cập trong Công ước này vào các chương trình đào tạo nghề nghiệp được áp dụng chung.

2. Bất cứ khi nào có các chương trình đào tạo nghề nghiệp được áp dụng chung mà không đáp ứng những nhu cầu đặc biệt của các dân tộc được đề cập trong Công ước này, các chính phủ phải bảo đảm cung cấp cho các dân tộc đó những chương trình đào tạo và trợ giúp đặc biệt, với sự tham gia của các dân tộc đó.

3. Bất kỳ chương trình đào tạo đặc biệt nào cũng phải dựa trên các điều kiện về văn hóa, xã hội, kinh tế, môi trường và các nhu cầu thực tế của các dân tộc được đề cập trong Công ước này. Bất kỳ nghiên cứu nào về vấn đề này cần được thực hiện với sự cộng tác của các dân tộc được đề cập trong Công ước này đều phải lấy ý kiến tư vấn của họ về việc tổ chức và điều hành các chương trình như vậy. Tại những nơi có thể thực hiện được, các dân tộc được đề cập trong Công ước này phải từng bước được giao gánh vác trách nhiệm trong việc tổ chức và điều hành các chương trình đào tạo đặc biệt như vậy, nếu họ muốn.

Điều 23.

1. Những nghề thủ công, các nghề nghiệp có tính cộng đồng và ở nông thôn, nền kinh tế hiện hữu và các hoạt động sinh kế truyền thống của các dân tộc được đề cập trong Công ước này như săn bắn, đánh cá, đánh bẫy và hái lượm, phải được thừa nhận như là những yếu tố quan trọng trong việc duy trì các nền văn hóa của họ và trong sự tự lực về kinh tế và phát triển của họ. Các chính phủ phải bảo đảm rằng những hoạt động này được tăng cường và phát triển, với sự tham gia của những dân tộc được đề cập trong Công ước này vào bất cứ khi nào thích hợp.

2. Trên cơ sở những yêu cầu của các dân tộc được đề cập trong Công ước này, phải cung cấp cho họ sự trợ giúp về tài chính và kỹ thuật ở bất cứ nơi nào có thể, có tính đến những kỹ thuật truyền thống và các đặc trưng văn hóa của họ cũng như với tầm quan trọng của sự phát triển thỏa đáng và hợp lý của họ.

 

PHẦN V: BẢO TRỢ XÃ HỘI VÀ Y TẾ

Điều 24.

Các chương trình bảo trợ xã hội phải được từng bước mở rộng tới các dân tộc được đề cập trong Công ước này và phải được áp dụng không có sự phân biệt đối xử nào với họ.

Điều 25.

1. Các chính phủ phải bảo đảm cung cấp các dịch vụ y tế thích đáng cho các dân tộc được đề cập trong Công ước này, hoặc phải cung cấp cho họ các nguồn lực để họ tự thiết lập và tổ chức những dịch vụ như vậy với sự quản lý và trách nhiệm của riêng họ, để họ có thể hưởng thụ những tiêu chuẩn cao nhất có thể đạt được về sức khỏe thể chất và tinh thần.

2. Các dịch vụ y tế phải được mở rộng đến mức có thể và phải dựa trên cơ sở cộng đồng. Các dịch vụ này phải được xây dựng và quản lý với sự hợp tác của các dân tộc được đề cập trong Công ước này, có tính đến các điều kiện về văn hóa, xã hội, địa lý và kinh tế của họ cũng như đến các loại dược thảo, phương pháp phòng, chữa bệnh truyền thống của họ.

3. Phương thức chăm sóc sức khỏe phải được chuyển giao và đào tạo để được thực hiện bởi các nhân viên y tế cộng đồng, và chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe ban đầu trong khi vẫn chú ý duy trì các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở các cấp độ khác.

4. Quy định về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như vậy phải phù hợp với các điều kiện về văn hóa, kinh tế và xã hội ở quốc gia.

PHẦN VI: GIÁO DỤC VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THÔNG

Điều 26.

Phải tiến hành các biện pháp nhằm bảo đảm cho các thành viên trong các dân tộc được đề cập trong Công ước này có cơ hội tiếp cận với giáo dục ở mọi cấp độ, ít nhất là ngang bằng với các thành viên trong các cộng đồng khác ở quốc gia.

Điều 27.

1. Phải xây dựng và thực hiện các chương trình và dịch vụ giáo dục cho các dân tộc được đề cập trong Công ước này với sự hợp tác của họ để đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của họ, và phải liên hệ với lịch sử, các tri thức, các công nghệ, hệ thống các giá trị của họ và những nguyện vọng về văn hóa, kinh tế, xã hội của họ. Phải bảo đảm sự tham gia của họ vào việc lập, thực hiện và đánh giá các kế hoạch, chương trình phát triển khu vực và quốc gia mà có tác động trực tiếp đến họ.

2. Các nhà chức trách có thẩm quyền phải bảo đảm đào tạo các thành viên của các dân tộc được đề cập trong Công ước này cũng như bảo đảm sự tham gia của họ vào việc thiết lập và thực hiện các chương trình giáo dục, nhằm chuyển giao dần dần trách nhiệm điều hành các chương trình này cho các dân tộc đó khi thích hợp.

3. Thêm vào đó, các chính phủ phải thừa nhận quyền của các dân tộc được đề cập trong Công ước này được thiết lập các thiết chế và cơ sở giáo dục của riêng họ, với điều kiện các thiết chế đó phải đáp ứng những chuẩn mực tối thiểu do nhà chức trách có thẩm quyền quy định trên cơ sở có sự tư vấn của các dân tộc này. Các nguồn lực thích hợp phải được cung cấp cho mục đích này.

Điều 28.

1. Trẻ em thuộc các dân tộc được đề cập trong Công ước này, ở bất cứ nơi nào có thể, phải được dạy đọc và viết bằng ngôn ngữ bản địa của riêng các dân tộc đó hoặc bằng ngôn ngữ phổ biến nhất được sử dụng trong các cộng đồng của họ. Nếu điều này không thể thực hiện được, những nhà chức trách có thẩm quyền phải lấy ý kiến tư vấn của các dân tộc này để xác định những biện pháp nhằm đạt được mục tiêu đó.

2. Phải thực hiện các biện pháp thích hợp để bảo đảm rằng các dân tộc được đề cập trong Công ước này có cơ hội đạt được sự thuần thục về ngôn ngữ chính thức dùng trong quốc gia hoặc về một trong các ngôn ngữ chính thức được sử dụng ở quốc gia.

3. Phải thực hiện các biện pháp nhằm bảo tồn và thúc đẩy sự phát triển, thực hành các ngôn ngữ bản địa của các dân tộc được đề cập trong Công ước này.

Điều 29.

Việc phổ biến những kiến thức và kỹ năng thông thường mà sẽ giúp trẻ em của các dân tộc được đề cập trong Công ước này tham gia một cách đầy đủ và bình đẳng vào đời sống của cộng đồng họ và vào đời sống cộng đồng của quốc gia phải được coi là một mục tiêu trong giáo dục của các dân tộc này.

Điều 30.

1. Các chính phủ cần phải đưa ra những biện pháp thích hợp với truyền thống và văn hóa của các dân tộc được đề cập trong Công ước này, để giúp họ nhận thức được các quyền và nghĩa vụ của họ, đặc biệt về các vấn đề lao động, các cơ hội kinh tế, các vấn đề giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội và các quyền của họ được ghi nhận trong Công ước này.

2. Nếu cần thiết, vấn đề này cần phải được thực hiện bằng các biện pháp như dịch các văn kiện có liên quan ra các ngôn ngữ của họ và sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền bằng các ngôn ngữ của họ.

Điều 31.

Các biện pháp giáo dục phải được thực hiện trong tất cả các cộng đồng sinh sống ở quốc gia, và đặc biệt là trong số các cộng đồng mà có quan hệ trực tiếp nhất với các dân tộc được đề cập trong Công ước này, với mục đích nhằm xóa bỏ những thành kiến với các dân tộc bản địa. Để xóa bỏ những thành kiến đó, cần có những nỗ lực để bảo đảm rằng các sách giáo khoa về lịch sử và các tài liệu giáo dục khác phải đề cập một cách đúng đắn, chính xác và miêu tả sinh động về xã hội và văn hóa của các dân tộc bản địa.

PHẦN VII: LIÊN LẠC VÀ HỢP TÁC QUA BIÊN GIỚI

Điều 32.

Các chính phủ phải thực hiện các biện pháp thích hợp, bao gồm việc thiết lập các thỏa thuận quốc tế, để trợ giúp duy trì các mối liên hệ và hợp tác giữa các dân tộc và bộ tộc bản địa qua các biên giới, bao gồm các hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, tinh thần và môi trường.

PHẦN VIII: VIỆC QUẢN LÝ

Điều 33.

1. Những nhà chức trách có thẩm quyền có trách nhiệm với các vấn đề được nêu trong Công ước này phải bảo đảm thiết lập các cơ quan đại diện hoặc các cơ chế hiện hành thích hợp khác để quản lý các chương trình tác động đến các dân tộc được đề cập trong Công ước này, và phải bảo đảm rằng các thiết chế đó phải có các biện pháp cần thiết để hoàn thành đúng đắn các chức năng mà họ được giao phó.

2. Các chương trình này cần bao gồm:

a. Việc thiết lập, điều phối, thực hiện và đánh giá các biện pháp để thực hiện Công ước này, với sự cộng tác của các dân tộc được đề cập trong Công ước này.

b. Đề xuất các văn bản pháp luật và các biện pháp khác với các nhà chức trách có thẩm quyền và việc giám sát việc áp dụng các biện pháp đã tiến hành, với sự cộng tác của các dân tộc được đề cập trong Công ước này.

PHẦN IX: CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 34.

Tính chất và phạm vi của các biện pháp được đưa ra để thực hiện Công ước này phải được quyết định theo một cách thức mềm dẻo, có tính đến các điều kiện đặc thù của mỗi quốc gia.

Điều 35.

Việc áp dụng các quy định của Công ước này phải không làm ảnh hưởng bất lợi đến các quyền và lợi ích của các dân tộc được đề cập trong Công ước này theo quy định tại các công ước và khuyến nghị, các văn kiện, hiệp định quốc tế hoặc các đạo luật, quy định, tập quán và các thỏa thuận khác ở quốc gia.

PHẦN X: CÁC QUY ĐỊNH CUỐI CÙNG

Điều 36.

Công ước này sửa đổi Công ước về nhân dân bản địa và bộ lạc năm 1957.

Điều 37.

Công ước này phải được đăng ký phê chuẩn chính thức với Tổng giám đốc Văn phòng Lao động quốc tế.

Điều 38.

1. Công ước này chỉ ràng buộc các Quốc gia thành viên Tổ chức Lao động quốc tế đã đăng ký phê chuẩn.

2. Công ước này sẽ có hiệu lực sau 12 tháng kể từ ngày có hai Quốc gia thành viên đăng ký phê chuẩn.

3. Sau đó, Công ước sẽ có hiệu lực sau 12 tháng với bất kỳ Quốc gia thành viên nào đăng ký phê chuẩn với Tổng giám đốc Văn phòng Lao động quốc tế.

Điều 39.

1. Mỗi Quốc gia thành viên đã phê chuẩn Công ước này có thể tuyên bố rút khỏi Công ước sau 10 năm kể từ thời điểm Công ước này bắt đầu có hiệu lực, bằng cách thông báo bằng văn bản cho Tổng giám đốc. Việc bãi ước này chỉ có hiệu lực sau một năm kể từ ngày quốc gia đó đăng ký bãi ước với Tổng giám đốc.

2. Mỗi Quốc gia thành viên đã phê chuẩn và chưa phê chuẩn Công ước này, trong vòng một năm sau khi kết thúc thời hạn 10 năm nói trong khoản trên mà không thực hiện quyền bãi ước đã quy định tại điều này thì sẽ bị ràng buộc trong thời hạn 10 năm nữa rồi sau đó mới được bãi ước mỗi khi kết thúc thời hạn 10 năm theo những quy định tại điều này.

Điều 40.

1. Tổng giám đốc Văn phòng Lao động quốc tế sẽ thông báo cho các nước thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế biết mọi trường hợp đăng ký phê chuẩn và bãi ước nhận được.

2. Khi thông báo cho các nước thành viên Tổ chức Lao động quốc tế về việc đăng ký phê chuẩn của nước thành viên thứ hai, Tổng giám đốc sẽ lưu ý các nước thành viên về thời điểm Công ước có hiệu lực

Điều 41.

Tổng giám đốc Văn phòng Lao động quốc tế phải thông tin đầy đủ với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc để đăng ký theo Điều 102 của Hiến chương Liên Hợp Quốc về những chi tiết của tất cả các hành động phê chuẩn và bãi ước đã được đăng ký theo nội dung của các điều khoản trên.

Điều 42.

Mỗi khi xét thấy cần thiết, Hội đồng Quản trị của Văn phòng Lao động quốc tế sẽ trình một báo cáo về tình hình thực hiện Công ước này lên Hội nghị toàn thể của tổ chức và sẽ xem xét có cần đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị toàn thể vấn đề sửa đổi một phần hay toàn bộ Công ước này hay không.

Điều 43.

1. Nếu Hội nghị toàn thể chấp nhận một công ước mới sửa đổi lại một phần hoặc toàn bộ Công ước này và nếu công ước mới không quy định khác thì:

a. Việc phê chuẩn của một Quốc gia thành viên với một Công ước mới sửa đổi Công ước này, sẽ đương nhiên dẫn đến sự bãi ước ngay lập tức với Công ước này mà không cần theo quy định tại Điều 39 trên đây, vào lúc Công ước sửa đổi bắt đầu có hiệu lực.

b. Kể từ ngày Công ước mới sửa đổi bắt đầu có hiệu lực, Công ước này sẽ thôi không mở để các nước phê chuẩn nữa.

2. Trong mọi trường hợp, Công ước này vẫn sẽ giữ nguyên hiệu lực về mặt hình thức và nội dung như hiện nay với những Quốc gia thành viên nào đã phê chuẩn Công ước này mà không phê chuẩn Công ước mới sửa đổi.

Điều 44.

Cả hai bản tiếng Anh và tiếng Pháp của Công ước này đều có giá trị như nhau.

 

 

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Nội dung văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

Thông tư 26/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính bãi bỏ Thông tư 132/2016/TT-BTC ngày 18/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chuẩn bị và tổ chức Hội nghị cấp cao Hợp tác chiến lược kinh tế Ayeawady - Chao Phraya - Mê Công lần thứ bảy, Hội nghị cấp cao Hợp tác bốn nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ tám và Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Mê Công tại Việt Nam

Thông tư 26/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính bãi bỏ Thông tư 132/2016/TT-BTC ngày 18/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chuẩn bị và tổ chức Hội nghị cấp cao Hợp tác chiến lược kinh tế Ayeawady - Chao Phraya - Mê Công lần thứ bảy, Hội nghị cấp cao Hợp tác bốn nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ tám và Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Mê Công tại Việt Nam

Tài chính-Ngân hàng, Chính sách

×
×
×
Vui lòng đợi