ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ------- Số: 4964/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 10 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRUYỀN THÔNG CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NĂM 2014 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
----------------
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính;
Căn cứ Quyết định số 79/2011/QĐ-UBND ngày 13 tháng 12 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quy định về kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Quyết định số 26/2014/QĐ-UBND ngày 01 tháng 8 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính tại Thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Quyết định số 488/QĐ-UBND ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính năm 2014 trên địa bàn Thành phố;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 23/TTr-STTTT ngày 11 tháng 9 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch truyền thông công tác kiểm soát thủ tục hành chính năm 2014 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như Điều 3; - Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp); - Thường trực Thành ủy, - Thường trực Hội đồng nhân dân TP; - UBMTTQ TP và các thành viên (6); - TTUB: CT, các PCT; - VPUB: các PVP; - Sở Tư pháp (Phòng Kiểm soát TTHC); - TT Công báo TP; TT Tin học TP; - Sở Thông tin và Truyền thông (trang web TP); - Lưu: VT, (CCHC/Đ). | CHỦ TỊCH Lê Hoàng Quân |
KẾ HOẠCH
TRUYỀN THÔNG CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NĂM 2014 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4964/QĐ-UBND ngày 08 tháng 10 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố)
I. Mục đích, Yêu cầu.
1. Mục đích:
a) Tăng cường tuyên truyền việc kiểm soát chất lượng những quy định về thủ tục hành chính trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Ủy ban nhân dân thành phố; Thực hiện tốt công tác công bố, công khai thủ tục hành chính theo đúng quy định làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện thủ tục hành chính và phòng ngừa, hạn chế tham nhũng, tiêu cực.
b) Phát hiện các quy định, thủ tục hành chính không cần thiết, không phù hợp, không đáp ứng được các nguyên tắc về quy định và thực hiện thủ tục hành chính, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức kinh tế và đời sống của nhân dân; cắt giảm chi phí về thời gian và tài chính trong việc tuân thủ thủ tục hành chính của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
c) Tuyên truyền về mục tiêu đơn giản hóa, đảm bảo tính thống nhất đồng bộ của quy định, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính; góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, giải phóng mọi nguồn lực của xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh.
d) Tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân về ý nghĩa, mục tiêu, nội dung, giải pháp tổ chức thực hiện cải cách hành chính; nhiệm vụ của các cấp, các sở ngành trong việc thực hiện cải cách hành chính Nhà nước...
đ) Thực hiện có hiệu quả Chương trình cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn; đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển thành phố và hội nhập kinh tế quốc tế.
a) Tuyên truyền rộng rãi kết quả thực hiện rà soát thủ tục hành chính là phương án sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định về thủ tục hành chính; cắt giảm những thủ tục hành chính không cần thiết, không phù hợp nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính; Huy động sự đóng góp trí tuệ của lực lượng cán bộ, công chức tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố trực tiếp tham gia giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.
b) Tuyên truyền việc áp dụng nguyên tắc công khai, minh bạch để tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện và rà soát quy định, thủ tục hành chính; Kết hợp công tác tuyên truyền với việc thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước; lồng ghép phổ biến tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
c) Đáp ứng kịp thời việc nắm bắt, tìm hiểu thông tin của cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp về công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính.
d) Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn tiếp tục quán triệt và xác định cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm chính trị trong xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, phục vụ, vì dân.
1. Các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và của thành phố về công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính.
2. Đẩy mạnh tuyên truyền các quy định mới có liên quan đến công tác kiểm soát thủ tục hành chính như:
- Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh;
- Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính;
- Quyết định số 25/2014/QĐ-UBND ngày 22 tháng 7 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thực hiện cơ chế một cửa liên thông nhóm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm y tế và đăng ký, quản lý cư trú trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 07/2013/QĐ-UBND ngày 30 tháng 01 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh;
- Quyết định số 26/2014/QĐ-UBND ngày 01 tháng 8 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính tại Thành phố Hồ Chí Minh;
3. Trách nhiệm của cán bộ, công chức được phân công thực hiện thủ tục hành chính; Quyền và nghĩa vụ của đối tượng thực hiện thủ tục hành chính. Đảm bảo cho người dân kịp thời nắm được các quy định về thủ tục hành chính mới ban hành, các thủ tục đã được chỉnh sửa, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đã bị hủy bỏ các quy định, thủ tục hành chính không cần thiết.
4. Công khai, minh bạch thủ tục hành chính; việc tiếp nhận, giải quyết phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị; nhất là các quy trình giải quyết liên thông.
5. Thông tin rộng rãi đến cộng đồng người dân và doanh nghiệp về hoạt động và kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính của các cấp, các ngành, trọng tâm tuyên truyền vào việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước cho cá nhân, tổ chức trong đó tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu, nhạy cảm như: đầu tư, xây dựng, đất đai, đăng ký kinh doanh...
6. Biểu dương những tập thể, cá nhân thực hiện tốt, có thái độ tích cực trong công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính; phê phán những hiện tượng tiêu cực, có thái độ cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà cho công dân, tổ chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
1. Cung cấp thông tin tại cuộc họp giao ban hàng tuần với lãnh đạo cơ quan báo chí Thành phố;
2. Xây dựng các chuyên mục thực hiện công tác tuyên truyền về kiểm soát thủ tục hành chính trên các báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, cổng thông tin điện tử Thành phố và các trang thông tin điện tử thành viên (các Sở ngành, Ủy ban nhân dân quận - huyện).
3. Các cơ quan, báo đài có các chuyên trang, chuyên mục, các kịch bản truyền thanh, tác phẩm truyền hình với nhiều hình thức phong phú, đa dạng để tuyên truyền về công tác kiểm soát thủ tục hành chính.
4. Cải tiến và đẩy mạnh việc đăng tải, cập nhật thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử của Thành phố và Sở, ban, ngành, quận huyện (cải tiến về hình thức xây dựng các công cụ tiện ích hỗ trợ việc tra cứu, tìm kiếm, thống kê thông tin về thủ tục hành chính, đảm bảo sự nhanh chóng và chính xác; rà soát về nội dung đảm bảo cập nhật chính xác, kịp thời các thủ tục hành chính được công bố).
IV. Phân công thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
- Cơ quan phối hợp: Sở, ban, ngành, UBND quận - huyện, các cơ quan báo chí.
- Thời gian thực hiện: tháng 5/2014.
2. Tuyên truyền về công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên các cơ quan báo chí:
- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
- Cơ quan phối hợp: các cơ quan báo chí, Sở Tư pháp.
- Thời gian thực hiện: thường xuyên
3. Tiến hành giao ban định kỳ, nhắc nhở cơ quan báo đài đẩy mạnh công tác tuyên truyền:
- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
- Cơ quan phối hợp: các cơ quan báo chí
- Thời gian thực hiện: thường xuyên
4. Phối hợp với các đơn vị sở ban ngành, quận - huyện tuyên truyền và phổ biến hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính:
- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
- Cơ quan phối hợp: các Sở ban ngành, UBND quận - huyện, Sở Tư pháp.
- Thời gian thực hiện: thường xuyên.
5. Cập nhật tin bài có liên quan tới hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính và cải cách thủ tục hành chính trên trang web của thành phố và trang thông tin điện tử tổng hợp của Sở, ban, ngành; UBND quận - huyện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
- Cơ quan phối hợp: Cityweb, Sở Tư pháp, UBND quận - huyện.
- Thời gian thực hiện: thường xuyên
6. Xây dựng và sản xuất các chuyên trang, chuyên mục, video, phóng sự, bài phát thanh tuyên truyền về công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố:
- Cơ quan chủ trì: Đài truyền hình Thành phố, Đài tiếng nói nhân dân Thành phố.
- Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp.
- Thời gian thực hiện: thường xuyên
V. Tổ chức thực hiện:
1. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân Thành phố kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cơ quan báo chí thực hiện truyền thông công tác cải cách thủ tục hành chính gắn liền với truyền thông công tác kiểm soát thủ tục hành chính; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định.
2. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã - phường, thị trấn và các đơn vị có liên quan chủ động thực hiện Kế hoạch này đồng thời xây dựng Kế hoạch truyền thông tại cơ quan, đơn vị; báo cáo kết quả thực hiện cho Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố.
3. Sở Tài chính có trách nhiệm cân đối, bố trí kinh phí phục vụ truyền thông công tác kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định của Ủy ban nhân dân Thành phố.
Trong quá trình thực hiện Kế hoạch, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.