VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 258/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 31 tháng 07 năm 2015 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CUỘC HỌP VỀ TÌNH HÌNH
TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Ngày 16 tháng 7 năm 2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì đoàn công tác kiểm tra thực địa Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 1, Bến Thành - Suối Tiên, Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 2, Bến Thành - Tham Lương và họp giao ban về tình hình triển khai các dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo các cơ quan: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ban quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi kiểm tra thực địa, nghe báo cáo của Ban quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh và ý kiến của đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:
Các dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt đô thị là các dự án mang tính chiến lược trong việc giải quyết cơ bản vấn đề ùn tắc giao thông mà hệ thống đường bộ không đáp ứng được tại các thành phố lớn. Thời gian qua, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều cố gắng trong công tác chuẩn bị và thực hiện các dự án đường sắt đô thị, đặc biệt đã tập trung chỉ đạo quyết liệt trong việc thu xếp nguồn vốn, triển khai thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng... Đến nay, các dự án đều được triển khai theo kế hoạch. Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 1, Bến Thành - Suối Tiên, dự án metro được thực hiện đầu tiên tại Việt Nam, được chuẩn bị trong nhiều năm, thời gian đầu chậm tiến độ do vướng mắc trong thủ tục đầu tư xây dựng, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nhưng đến nay công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn tất, các hạng mục công trình đều được triển khai đúng tiến độ. Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 2, Bến Thành - Tham Lương cũng đang trong quá trình thi công.
Để đạt được mục tiêu đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả, đúng tiến độ, yêu cầu các Bộ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực thực hiện những nhiệm vụ cụ thể sau đây:
1. Đối với Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 1, Bến Thành - Suối Tiên:
- Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tập trung quyết liệt triển khai, sớm khởi công gói thầu CP1a để bảo đảm thực hiện đồng bộ và hoàn thành Dự án vào năm 2020.
- Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo sát sao chủ đầu tư, các nhà thầu bảo đảm an toàn cho người, thiết bị và công trình lân cận trong điều kiện thi công khó khăn, phức tạp. Đồng thời, sớm thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh, khẩn trương triển khai đào tạo đội ngũ vận hành, bảo dưỡng để bảo đảm an toàn tuyệt đối trong vận hành, khai thác đường sắt đô thị sau này.
- Để tránh phát sinh chi phí do chậm thanh toán hợp đồng, Bộ Tài chính cần có giải pháp xử lý nhanh chóng hồ sơ, thủ tục thanh toán cho các nhà thầu.
2. Đối với Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 2, Bến Thành - Tham Lương:
- Đến nay, Dự án đã bị chậm tiến độ theo kế hoạch. Đồng ý tiếp tục triển khai Dự án. Yêu cầu Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực đẩy nhanh quá trình thực hiện Dự án, đặc biệt tích cực chỉ đạo hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và thực hiện giải ngân đúng tiến độ; đồng thời, khẩn trương phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị hồ sơ báo cáo Quốc hội cho phép điều chỉnh Dự án tại kỳ họp tháng 10 năm 2015. Hồ sơ trình Quốc hội cần cập nhật nghiên cứu đối với toàn tuyến đường sắt đô thị số 2, Thủ Thiêm - Tây Ninh.
- Đồng ý về nguyên tắc người có thẩm quyền của Dự án áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu để lựa chọn đơn vị tổng thầu thiết kế - thi công thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác giải phóng mặt bằng của Dự án. Giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm triển khai việc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt này theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát trong quá trình thực hiện.
3. Đối với tuyến đường sắt đô thị số 5 Thành phố Hồ Chí Minh:
Cùng với Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tuyến metro số 5, giai đoạn 1, ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn đã được lập, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng tuyến metro số 5, giai đoạn 2, ngã tư Bảy Hiền - bến xe Cần Giuộc mới, tổng hợp thành báo cáo chung để Hội đồng thẩm định Nhà nước tiến hành thẩm định Dự án tổng thể toàn tuyến đường sắt đô thị số 5, cầu Sài Gòn - bến xe Cần Giuộc mới và trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo đúng quy định.
4. Về ủy quyền thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật: Đồng ý về nguyên tắc Bộ Giao thông vận tải thực hiện thí điểm ủy quyền cho Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật đối với các dự án đường sắt đô thị do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định (đầu tư, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải. Trong quá trình thực hiện thí điểm, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm kịp thời báo cáo Bộ Giao thông vận tải những khó khăn, vướng mắc để giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm chất lượng công tác thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật các dự án đường sắt đô thị.
5. Về chính sách bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng tại khu vực giáp ranh: Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn địa phương thực hiện việc xử lý giá đất tại khu vực giáp ranh theo đúng quy định của Luật Đất đai và Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về giá đất, bảo đảm công tác giải phóng mặt bằng được thuận lợi tại khu vực giáp ranh.
6. Về các nhà thầu trong nước: Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng đánh giá năng lực các nhà thầu trong nước để bảo đảm việc chuyển giao công nghệ mới đạt hiệu quả; tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp thu công nghệ và tiến tới làm chủ công nghệ thi công, khai thác, chế tạo trong lĩnh vực vận tải đường sắt đô thị.
7. Về bảo đảm an toàn đường sắt đô thị: Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo thực hiện chặt chẽ công tác kiểm định, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người tham gia giao thông đường sắt đô thị. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đồng bộ các hình thức thông tin, tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân hiểu và tự giác thực hiện tốt các quy định về an toàn đường sắt đô thị.
8. Về tiêu chuẩn đường sắt đô thị: giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát để hướng đến hài hòa giữa các tiêu chuẩn về đường sắt đô thị.
9. Về nguồn vốn đầu tư các dự án đường sắt đô thị: Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thành công tác lập dự án đầu tư để có cơ sở kêu gọi đầu tư, huy động nguồn vốn, kể cả nguồn vốn từ hình thức đối tác công tư.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP; - Các Bộ: GTVT, XD, TNMT, KHĐT, TC; - UBND TP Hồ Chí Minh; - Ban quản lý đường sắt đô thị (29 Lê Quý Đôn, P7, Q3, TP HCM); - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, QHQT, TH; - Lưu: VT, KTN(3). | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Sỹ Hiệp |