Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 13078-1:2020 IEC 61851-1:2017 Hệ thống sạc điện có dây dùng cho xe điện - Phần 1: Yêu cầu chung
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tiêu chuẩn liên quan
- Lược đồ
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 13078-1:2020
Số hiệu: | TCVN 13078-1:2020 | Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Cơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ | Lĩnh vực: | Công nghiệp, Điện lực |
Năm ban hành: | 2020 | Hiệu lực: | |
Người ký: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 13078-1:2020
IEC 61851-1:2017
HỆ THỐNG SẠC ĐIỆN CÓ DÂY DÙNG CHO XE ĐIỆN - PHẦN 1: YÊU CẦU CHUNG
Electric vehicle conductive charging system - Part 1: General requirements
Lời nói đầu
TCVN 13078-1:2020 hoàn toàn tương đương với IEC 61851-1:2017;
TCVN 13078-1:2020 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/E1 Máy điện và khí cụ điện biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ tiêu chuẩn TCVN 13078 (IEC 61851), Hệ thống sạc điện có dây dùng cho xe điện, gồm có các phần sau:
- TCVN 13078-1:2020 (IEC 61851-1:2017), Phần 1: Yêu cầu chung
- TCVN 13078-21-1:2020 (IEC 61851-21-1:2017), Phần 21-1: Yêu cầu tương thích điện từ của bộ sạc lắp trên xe điện kết nối có dây với nguồn cấp điện xoay chiều/một chiều
- TCVN 13078-21-2:2020 (IEC 61851-21-2:2018), Phần 21-2: Yêu cầu về xe điện kết nối có dây với nguồn cáp điện xoay chiều/một chiều - Yêu cầu tương thích điện từ của bộ sạc không lắp trên xe điện
- TCVN 13078-23:2020 (IEC 61851-21-2:2014), Phần 23: Trạm sạc điện một chiều cho xe điện
HỆ THỐNG SẠC ĐIỆN CÓ DÂY DÙNG CHO XE ĐIỆN - PHẦN 1: YÊU CẦU CHUNG
Electric vehicle conductive charging system - Part 1: General requirements
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này áp dụng cho thiết bị cấp điện cho phương tiện giao thông chạy điện (trong tiêu chuẩn này được gọi là xe điện - EV) dùng để sạc điện cho các EV, có điện áp cấp danh định đến 1 000 V xoay chiều (AC) hoặc đến 1 500 V một chiều (DC), và điện áp ra danh định đến 1 000 V AC hoặc 1 500 V DC.
EV bao gồm các tất cả các loại xe điện, kể cả các xe điện hybrid kiểu cắm vào (PHEV), lấy hoàn toàn hoặc một phần năng lượng của chúng từ các hệ thống tích trữ năng lượng sạc lại được (RESS) lắp trên xe.
Tiêu chuẩn này cũng áp dụng cho thiết bị cấp điện cho EV được cấp nguồn từ các hệ thống tích trữ năng lượng tại chỗ (ví dụ các pin/acquy đệm).
Các khía cạnh được đề cập trong tiêu chuẩn này bao gồm:
• đặc tính và điều kiện làm việc của thiết bị cấp điện cho EV;
• quy định kỹ thuật của kết nối giữa EV và thiết bị cấp điện cho EV;
• các yêu cầu về an toàn điện đối với thiết bị cấp điện cho EV.
Các yêu cầu bổ sung có thể áp dụng cho thiết bị được thiết kế cho các môi trường hoặc các điều kiện cụ thể, ví dụ:
• thiết bị cấp điện cho EV được đặt tại các khu vực nguy hiểm, nơi có khí hoặc hơi dễ cháy và/hoặc vật liệu cháy, nhiên liệu hoặc các chất đốt dễ cháy khác, hoặc vật liệu nổ;
• thiết bị cấp điện cho EV được thiết kế để lắp đặt ở độ cao so với mực nước biển cao hơn 2 000 m;
• thiết bị cấp điện cho EV được thiết kế để sử dụng trên tàu thủy.
Các yêu cầu đối với thiết bị và linh kiện điện được sử dụng trong thiết bị cấp điện cho EV không được đề cập trong tiêu chuẩn này mà thuộc phạm vi áp dụng trong các tiêu chuẩn sản phẩm cụ thể của chúng.
Yêu cầu về tương thích điện từ (EMC) đối với thiết bị cấp điện cho EV được đề cập trong TCVN 13078-21-2 (IEC 61851-21-2).
Các yêu cầu đối với việc truyền năng lượng hai chiều đang được xem xét và chưa đưa vào tiêu chuẩn này.
Tiêu chuẩn này không áp dụng cho:
• các khía cạnh an toàn liên quan đến bảo dưỡng;
• sạc điện cho xe buýt điện, tàu điện, xe tải nặng và các xe điện được thiết kế chủ yếu để sử dụng ngoài địa hình.
• thiết bị trên EV;
- yêu cầu EMC đối với thiết bị trên EV đang được kết nối, các yêu cầu này được đề cập trong TCVN 13078-21-1 (IEC 61851-21-1);
• sạc điện cho RESS không nằm trên EV;
• thiết bị cấp điện DC cho EV dựa vào cách điện kép/tăng cường hoặc bảo vệ chống điện giật cấp III. Xem TCVN 13078-23 (IEC 61851-23) hoặc bộ tiêu chuẩn IEC 61851-3 (sắp xây dựng).
Bộ tiêu chuẩn TCVN 13078 (IEC 61851) đề cập đến tất cả các thiết bị cấp điện cho EV ngoại trừ thiết bị điều khiển và bảo vệ lắp trên cáp (IC-CPD) để sạc điện chế độ 2 cho xe điện được đề cập trong IEC 62752.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn dưới đây là cần thiết để áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn có ghi năm công bố thì áp dụng các bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất (kể cả các sửa đổi).
TCVN 4255 (IEC 60529), Cấp bảo vệ bằng vỏ ngoài (mã IP)
TCVN 6188-1 (IEC 60884-1), Ổ cắm và phích cắm dùng trong gia đình và các mục đích tương tự - Phần 1: Yêu cầu chung
TCVN 6434 (IEC 60898) (tất cả các phần), Khí cụ điện - Áptômát bảo vệ quá dòng dùng trong gia đình và các hệ thống lắp đặt tương tự
TCVN 6434-1 (IEC 60898-1), Khí cụ điện - Áptômát bảo vệ quá dòng dùng trong gia đình và các hệ thống lắp đặt tương tự - Phần 1: Áptômát dùng cho điện xoay chiều
TCVN 6592-2 (IEC 60947-2), Cơ cấu đóng cắt và điều khiển hạ áp - Phần 2: Áptômát
TCVN 6592-3 (IEC 60947-3), Cơ cấu đóng cắt và điều khiển hạ áp - Phần 3: Cơ cấu đóng cắt, dao cách ly, cơ cấu đóng cắt, dao cách ly và khối kết hợp cầu chảy
TCVN 6592-4-1 (IEC 60947-4-1), Cơ cấu đóng cắt và điều khiển hạ áp - Phần 4-1: Côngtắctơ và bộ khởi động động cơ - Côngtắctơ và bộ khởi động động cơ kiểu điện - cơ
TCVN 6950-1 (IEC 61008-1), Áptômat tác động bằng dòng dư không có bảo vệ quá dòng dùng trong gia đình và các mục đích tương tự (RCCB) - Phần 1: Quy định chung
TCVN 6951-1 (IEC 61009-1), Áptômat tác động bằng dòng dư có bảo vệ quá dòng dùng trong gia đình và các mục đích tương tự (RCBO) - Phần 1: Quy định chung
TCVN 7447-4-41 (IEC 60364-4-41), Hệ thống lắp đặt điện hạ áp - Phần 4-41: Bảo vệ an toàn - Bảo vệ chống điện giật
TCVN 7447-5-54 (IEC 60364-5-54), Hệ thống lắp đặt điện của các tòa nhà - Phần 5-54: Lựa chọn và lắp đặt thiết bị điện - Bố trí nối đất, dây bảo vệ và dây liên kết bảo vệ
TCVN 7699-2-1 (IEC 60068-2-1), Thử nghiệm môi trường - Phần 2-1: Các thử nghiệm - Thử nghiệm A: Lạnh
TCVN 7699-2-78 (IEC 60068-2-78), Thử nghiệm môi trường - Phần 2-78: Các thử nghiệm - Thử nghiệm Cab: Nóng ẩm, không đổi
TCVN 7995 (IEC 60038), Điện áp tiêu chuẩn
TCVN 10884-1:2015 (IEC 60664-1:2007), Phối hợp cách điện dùng cho thiết bị trong hệ thống điện hạ áp - Phần 1: Nguyên tắc, yêu cầu và thử nghiệm
TCVN 11325 (IEC 61180), Kỹ thuật thử nghiệm điện áp cao dùng cho thiết bị điện hạ áp - Định nghĩa, yêu cầu thử nghiệm và quy trình, thiết bị thử nghiệm
TCVN 12237-1 (IEC 61558-1), An toàn đối với máy biển áp, cuộn cảm, khối cấp nguồn và các sản phẩm tương tự - Phần 1: Yêu cầu chung và thử nghiệm
TCVN 12237-2-4 (IEC 61558-2-4), An toàn đối với máy biến áp, cuộn cảm, khối cấp nguồn và các sản phẩm tương tự có điện áp nguồn đến 1 100 V - Phần 2-4: Yêu cầu cụ thể và các thử nghiệm đối với máy biến áp cách ly và khối cấp nguồn có chứa máy biến áp cách ly
TCVN 12772:2020 (ISO 17409:2015), Phương tiện giao thông đường bộ chạy điện - Đầu nối với nguồn cấp điện điện từ bên ngoài - Yêu cầu an toàn
TCVN 13078-23:2020 (IEC 61851-23:2014), Hệ thống sạc điện có dây dùng cho xe điện - Phần 23: Trạm sạc điện một chiều cho xe điện
IEC 60309-1, Plugs, socket-outlets and couplers for industrial purposes - Part 1: General requirements (Phích cắm, ổ cắm và bộ nối dùng cho mục đích công nghiệp - Phần 1: Yêu cầu chung)
IEC 60309-2, Plugs, socket-outlets and couplers for industrial purposes - Part 2: Dimensional interchangeability requirements for pin and contact-tube accessories (Phích cắm, ổ cắm và bộ nối dùng cho mục đích công nghiệp - Phần 2: Yêu cầu tính lắp lẫn về kích thước đối với các chân cắm và phụ kiện dạng ống tiếp xúc)
IEC 60947-6-2, Low-voltage switchgear and controlgear - Part 6-2: Multiple function equipment - Control and protective switching devices (or equipment) (CPS) (Cơ cấu đóng cắt và điều khiển hạ áp - Phần 6-2: Thiết bị đa chức năng - Cơ cấu đóng cắt bảo vệ và điều khiển)
IEC 60950-1:2005 1, Information technology equipment - Safety - Part 1: General requirements (Thiết bị công nghệ thông tin - An toàn - Phần 1: Yêu cầu chung)
IEC 60990, Methods of measurement of touch current and protective conductor current (Phương pháp đo dòng điện chạm và dòng điện trên dây bảo vệ)
IEC 61316:1999, Industrial cable reels (Lô cáp dùng trong công nghiệp)
IEC TS 61439-7:2014, Low-voltage switchgear and controlgear assemblies - Part 7: Assemblies for specific applications such as marinas, camping sites, market squares, electric vehicles charging stations (Cụm lắp ráp cơ cấu đóng cắt và điều khiển hạ áp - Phần 7: Cụm lắp ráp dùng cho các ứng dụng đặc biệt như bến du thuyền, nơi cắm trại, hội chợ, trạm sạc xe điện)
IEC 61508 (all parts), Functional safety of electrical/electronic/programmable electronic safety-related systems (An toàn chức năng của các hệ thống điện/điện tử/điện tử lập trình liên quan đến an toàn)
IEC 61810-1, Electromechanical elementary relays - Part 1: General and safety requirements (Rơle sơ cấp điện cơ - Phần 1: Yêu cầu chung và yêu cầu về an toàn)
IEC 61851 (all parts), Hệ thống sạc điện có dây dùng cho xe điện
IEC 61851-24:2014, Electric vehicle conductive charging system - Part 24: Digital communication between a d.c. EV charging station and an electric vehicle for control of d.c. charging (Hệ thống sạc điện có dây dùng cho xe điện - Phần 24: Truyền thông số giữa trạm sạc điện một chiều cho EV và xe điện để điều khiển việc sạc một chiều)
IEC 62196 (all parts), Plugs, socket-outlets, vehicle connectors and vehicle inlets - Conductive charging of electric vehicles (Phích cắm, ổ cắm, phích nối dùng cho xe điện và ổ nối vào xe điện)
IEC 62196-1:2014, Plugs, socket-outlets, vehicle connectors and vehicle inlets - Conductive charging of electric vehicles - Part 1: General requirements (Phích cắm, ổ cắm, phích nối dùng cho xe điện và ổ nối vào xe điện - Phần 1: Yêu cầu chung)
IEC 62196-2:2016, Plugs, socket-outlets, vehicle connectors and vehicle inlets - Conductive charging of electric vehicles - Part 2: Dimensional compatibility and interchangeability requirements for a.c. pin and contact-tube accessories (Phích cắm, ổ cắm, phích nối dùng cho xe điện và ổ nối vào xe điện - Phần 2: Yêu cầu tương thích về kích thước và lắp lẫn dùng cho các phụ kiện xoay chiều dạng chân cắm và dạng ống tiếp xúc dòng xoay chiều)
IEC 62196-3:2014, Plugs, socket-outlets, vehicle connectors and vehicle inlets - Conductive charging of electric vehicles - Part 3: Dimensional compatibility and interchangeability requirements for d.c. and a.c./d.c. pin and contact-tube vehicle couplers (Phích cắm, ổ cắm, phích nối dùng cho xe điện và ổ nối vào xe điện - Phần 3: Yêu cầu tương thích về kích thước và lắp lẫn dùng cho các phụ kiện một chiều và xoay chiều/một chiều dạng chân cắm và dạng ống tiếp xúc)
IEC 62262, Degrees of protection provided by enclosures for electrical equipment against external mechanical impacts (IK code) (Cấp bảo vệ bằng vỏ ngoài của thiết bị điện chống các va đập về cơ từ bên ngoài)
IEC 62423, Type F and type B residual current operated circuit-breakers with and without integral overcurrent protection for household and similar uses (Áptômát tác động bằng dòng dư kiểu K và kiểu B có và không có bảo vệ quá dòng tích hợp dùng trong gia đình và các mục đích tương tự)
IEC 62752, In-cable control and protection device for mode 2 charging of electric road vehicles (IC-CPD) (Thiết bị điều khiển và bảo vệ lắp trên cáp dùng cho sạc điện chế độ 2 của xe điện)
3 Thuật ngữ và định nghĩa
Tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa dưới đây.
3.1 Thiết bị cấp điện
3.1.1
Thiết bị cấp điện cho EV (EV supply equipment)
Thiết bị hoặc tổ hợp thiết bị, cung cấp các chức năng chuyên dụng để cấp điện năng từ hệ thống điện cố định hoặc mạng nguồn nhằm mục đích sạc điện cho EV.
VÍ DỤ 1: Đối với Chế độ 3 trường hợp B, thiết bị cấp điện cho EV bao gồm trạm sạc và cụm cáp.
VÍ DỤ 2: Đối với Chế độ 3 trường hợp C, thiết bị cấp điện cho EV bao gồm trạm sạc và cụm cáp của trạm sạc.
3.1.2
Thiết bị cấp điện xoay chiều cho EV (AC EV supply equipment)
Thiết bị cấp điện xoay chiều cho EV.
3.1.3
Thiết bị cấp điện một chiều cho EV (DC EV supply equipment)
Thiết bị cấp điện một chiều cho EV.
3.1.4
Hệ thống sạc EV (EV charging system)
Hệ thống đồng bộ bao gồm thiết bị cấp điện cho EV và các chức năng của EV được yêu cầu để cấp điện năng nhằm mục đích sạc điện cho EV.
3.1.5
Trạm sạc EV (EV charging station)
Phần cố định của thiết bị cấp điện cho EV được nối với mạng nguồn.
CHÚ THÍCH: Đối với trường hợp C, cụm cáp là một phần của trạm sạc EV.
3.1.6
Trạm sạc điện một chiều cho EV (DC EV charging station)
Trạm sạc cấp điện một chiều cho EV.
3.1.7
Trạm sạc điện xoay chiều cho EV (AC EV charging station)
Trạm sạc cấp điện xoay chiều cho EV.
3.1.8
Sạc điện (charging)
Tất cả các chức năng cần thiết để ổn định điện áp và/hoặc dòng điện cung cấp bởi mạng nguồn xoay chiều hoặc một chiều nhằm đảm bảo cấp nguồn điện năng cho RESS.
3.1.9
Chế độ sạc điện (charging mode)
Phương pháp đấu nối EV với mạng nguồn để cấp điện cho xe điện.
CHÚ THÍCH: Chế độ 1, Chế độ 2, Chế độ 3 và Chế độ 4 được mô tả trong Điều 6.
3.1.10
Trường hợp A (case A)
Kết nối EV với mạng nguồn bằng phích cắm và cụm cáp được nối cố định với EV.
Xem Hình 1.
CHÚ THÍCH: Cụm cáp là một phần của xe điện.
Hình 1 - Đấu nối trường hợp A
3.1.11
Trường hợp B (case B)
Kết nối EV với mạng nguồn bằng cụm cáp có thể tháo ở cả hai đầu.
Xem Hình 2.
CHÚ THÍCH: Cụm cáp tháo ra được không phải là một phần của xe điện hoặc của trạm sạc.
Hình 2 - Đấu nối trường hợp B
3.1.12
Trường hợp C (case C)
Kết nối EV với mạng nguồn sử dụng cụm cáp và phích nối dùng cho xe điện được gắn cố định với trạm sạc EV.
Xem Hình 3.
CHÚ THÍCH: Cụm cáp là một phần trạm sạc EV.
Hình 3 - Đấu nối trường hợp C
CHÚ DẪN cho các hình từ Hình 1 đến Hình 3
(a) Ổ cắm | (f) Ổ nối vào EV |
(b) Phích cắm | (g) Trạm sạc |
(c) Cáp | (h) Ổ cắm dùng cho EV |
(d) Phích nối dùng cho EV | (i) Phích cắm dùng cho EV |
(e) Bộ nối dùng cho EV |
|
3.2 Cách điện
3.2.1
Cách điện chính (basic insulation)
Cách điện của phần mang điện nguy hiểm cung cấp bảo vệ chính.
[NGUỒN: IEC 60050-826:2004, 826-12-14]
3.2.2
Tiếp xúc trực tiếp (direct contact)
Tiếp xúc điện của người hoặc động vật với các phần mang điện.
[NGUỒN: IEC 60050-195:1998, 195-06-03]
3.2.3
Cách điện kép (double insulation)
Cách điện bao gồm cả cách điện chính và cách điện phụ.
[NGUỒN: IEC 60050-826:2004, 826-12-16]
3.2.4
Phần dẫn (conductive part)
Phần có thể mang điện.
[NGUỒN: IEC 60050-195:1998, 195-01-06]
3.2.5
Phần dẫn hở (exposed conductive part)
Phần dẫn của thiết bị điện có thể chạm vào và thường không mang diện nhưng có thể trở nên mang điện khi cách điện chính bị hỏng.
CHÚ THÍCH: Phần dẫn của thiết bị điện chỉ có thể trở nên mang điện chỉ khi thông qua việc tiếp xúc với phần dẫn hở đã trở nên mang điện thì bản thân nó không được coi là phần dẫn hở.
[NGUỒN: IEC 60050-442:1998, 442-01-21]
3.2.6
Phần mang điện nguy hiểm (hazardous-live-part)
Phần mang điện mà trong các điều kiện nhất định có thể gây ra điện giật có hại.
[NGUỒN: IEC 60050-195:1998, 195-06-05]
3.2.7
Bảo vệ sự cố (fault protection)
Bảo vệ khỏi điện giật trong các điều kiện sự cố đơn.
[NGUỒN: IEC 60050-195:1998/AMD1:2001, 195-06-02]
3.2.8
Cách điện (insulation)
Tất cả các vật liệu và các phần được sử dụng để cách điện các thành phần dẫn của thiết bị hoặc một tập hợp các đặc tính đặc trưng cho khả năng của cách điện để cung cấp chức năng của nó.
[NGUỒN: IEC 60050-151:2001, 151-15-41, có sửa đổi và 151-15-42, có sửa đổi]
3.2.9
Phần mang điện (live part)
Dây dẫn hoặc phần dẫn được thiết kế để được cấp điện trong làm việc bình thường, bao gồm cả dây trung tính nhưng theo quy ước không bao gồm dây PEN, dây PEM hoặc dây PEL.
CHÚ THÍCH: Khái niệm này không nhất thiết hàm ý là điện giật.
[NGUỒN: IEC 60050-195:1998/AMD1:2001, 195-02-19]
3.2.10
Cách điện tăng cường (reinforced insulation)
Cách điện của các phần mang điện nguy hiểm cung cấp cấp bảo vệ chống điện giật tương đương với cách điện kép.
CHÚ THÍCH: Cách điện tăng cường có thể gồm một vài lớp mà không thể được thử nghiệm riêng rẽ như cách điện chính hoặc cách điện phụ.
[NGUỒN: IEC 60050-195:1998, 195-06-09]
3.2.11
Cách điện phụ (supplementary insulation)
Cách điện độc lập đặt bổ sung lên cách điện chính để bảo vệ sự cố.
[NGUỒN: IEC 60050-826:2004, 826-12-15]
3.3 Chức năng
3.3.1
Dây dẫn điều khiển quá trình sạc (control pilot conductor)
Dây dẫn được cách điện được lắp trong cụm cáp mà, cùng với dây bảo vệ, tạo thành một phần của mạch điều khiển quá trình sạc.
3.3.2
Mạch điều khiển quá trình sạc (control pilot circuit)
Mạch được thiết kế để truyền các tín hiệu hoặc truyền thông giữa EV và thiết bị cấp điện cho EV.
CHÚ THÍCH: Đối với Chế độ 2, mạch điều khiển quá trình sạc nằm giữa EV và ICCB hoặc IC-CPD.
3.3.3
Chức năng điều khiển quá trình sạc (control pilot function)
Chức năng được sử dụng để theo dõi và điều khiển sự tương tác giữa EV và thiết bị cấp điện cho EV.
3.3.4
CPFC
Bộ điều khiển chức năng điều khiển quá trình sạc (control pilot function controller)
Bộ phận trong EV và thiết bị cấp điện cho EV đảm nhiệm chức năng điều khiển quá trình sạc và phát tín hiệu PWM.
3.3.5
Chức năng tiệm cận (proximity function)
Phương tiện điện hoặc cơ để chỉ thị trạng thái cắm phích nối dùng cho xe điện trong ổ nối vào xe điện đến xe điện và/hoặc để chỉ thị trạng thái cắm phích cắm vào ổ cắm của trạm sạc EV.
3.4 Xe điện
3.4.1
Xe điện (electric vehicle/electric road vehicle)
EV
Phương tiện bất kỳ truyền động bằng động cơ điện lấy dòng điện từ RESS, được thiết kế chủ yếu để sử dụng trên các tuyến đường công cộng.
CHÚ THÍCH 1: Trong tiêu chuẩn này, thuật ngữ này chỉ liên quan đến các xe điện có thể sạc điện từ nguồn điện bên ngoài.
[NGUỒN: TCVN 12772 (ISO 17409)]
3.4.2
Xe điện hybrid kiểu cắm vào (plug-in hybrid electric road vehicle)
PHEV
Phương tiện chạy điện có thể sạc điện cho thiết bị trữ năng lượng điện sạc lại được từ nguồn điện bên ngoài và cũng lấy một phần năng lượng của nó từ nguồn khác tích hợp trên xe.
3.4.3
Hệ thống tích trữ năng lượng sạc lại được (rechargeable energy storage system)
RESS
Hệ thống tích trữ năng lượng dùng để cấp điện năng và có thể sạc lại được.
VÍ DỤ: Pin/acquy, tụ điện.
[NGUỒN: TCVN 12772 (ISO 17409)]
3.5 Dây nguồn, cáp và phương tiện kết nối
3.5.1
Bộ tiếp hợp (adaptor)
Phụ kiện xách tay có kết cấu như một bộ tích hợp có lắp cả phần phích cắm và một phần ổ cắm.
[NGUỒN: IEC 60050-442:1998, 442-03-19, có sửa đổi]
3.5.2
Cụm cáp (cable assembly)
Cụm lắp ráp gồm cáp hoặc dây nguồn mềm lắp với phích cắm và/hoặc phích nối xe điện được sử dụng để thiết lập kết nối giữa EV và mạng nguồn hoặc trạm sạc EV.
CHÚ THÍCH 1: Cụm cáp có thể tháo ra được hoặc là một phần của EV hoặc trạm sạc EV.
CHÚ THÍCH 2: Cụm cáp có thể có một hoặc nhiều cáp có hoặc không có ống bảo vệ cố định mà có thể nằm trong ống mềm hoặc lối đi dây.
[NGUỒN: IEC 60050-442:1998, 442-03-19, có sửa đổi]
3.5.3
Hệ thống quản lý cáp (cable management system)
Một hoặc nhiều thiết bị được thiết kế để bảo vệ cụm cáp khỏi hư hại về cơ và/hoặc tạo thuận tiện để thao tác cáp.
VÍ DỤ: Thiết bị treo cáp.
3.5.4
Bộ dây nguồn kéo dài (cord extension set)
Cụm láp rắp gồm cáp hoặc dây nguồn mềm có lắp phích cắm và ổ cắm di động hoặc phích nối mà có thể cắm được vào nhau.
CHÚ THÍCH 1: Dây nguồn được gọi là “dây nguồn tiếp hợp” khi phích cắm và ổ cắm không cắm được vào nhau.
CHÚ THÍCH 2: Cụm cáp Chế độ 1, Chế độ 2 hoặc Chế độ 3 không được coi là bộ dây nguồn kéo dài.
[NGUỒN: IEC 60050-461:2008, 461-06-17, có sửa đổi]
3.5.5
Hộp điều khiển lắp trên cáp (in-cable control box)
ICCB
Thiết bị được lắp trong cụm cáp Chế độ 2, thực hiện các chức năng điều khiển và chức năng an toàn.
CHÚ THÍCH: ICCB được gọi là “hộp chức năng” trong IEC 62752.
3.5.6
IC-CPD
Cụm cáp Chế độ 2 phù hợp với IEC 62752.
3.5.7
Ổ cắm dùng cho EV (EV socket-outlet)
Ổ cắm cụ thể được thiết kế để sử dụng như một phần của thiết bị cấp điện cho EV và được định nghĩa trong bộ tiêu chuẩn IEC 62196.
3.5.8
Phích cắm dùng cho EV (EV plug)
Phích cắm cụ thể được thiết kế để sử dụng như một phần của thiết bị cấp điện cho EV và được định nghĩa trong bộ tiêu chuẩn IEC 62196.
3.5.9
Phích cắm (plug)
Phụ kiện có các tiếp điểm được thiết kế để cắm với các tiếp điểm của ổ cắm, cũng lắp các phương tiện để đấu nối điện và giữ các cáp hoặc dây nguồn mềm.
[NGUỒN: IEC 60050-442:1998, 442-03-01, có sửa đổi - Thay từ “chân” bằng từ “tiếp điểm”]
3.5.10
Ổ cắm (socket-outlet)
Phụ kiện có các tiếp điểm dạng lỗ được thiết kế để cắm với các tiếp điểm của phích cắm và có các đầu nối để đấu nối các cáp hoặc dây nguồn.
[NGUỒN: IEC 60050-442:1998, 442-03-02, có sửa đổi - Thay từ “chân” bằng từ “tiếp điểm”]
3.5.11
Phích cắm và ổ cắm tiêu chuẩn (standard plug and socket-outlet)
Phích cắm và ổ cắm đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn bất kỳ có quy định tính lắp lẫn trong các tờ rời tiêu chuẩn, ngoại trừ các phụ kiện EV đặc biệt như đề cập trong bộ tiêu chuẩn IEC 62196.
CHÚ THÍCH: IEC 60309-1, IEC 60309-2, TCVN 6188-1 (IEC 60884-1) và IEC TR 60083 xác định các phích cắm và ổ cắm tiêu chuẩn.
3.5.12
Bộ nối của xe điện (vehicle coupler/electric vehicle coupler)
Phương tiện cho phép đấu nối cáp mềm, khi cần, với xe điện.
CHÚ THÍCH: Bộ nối gồm hai phần: phích nối dùng cho EV và ổ nối vào EV.
[NGUỒN: IEC 62196-1:2014, 3.3]
3.5.13
Phích nối dùng cho xe (vehicle connector/electric vehicle connector)
Phần của bộ nối tích hợp với, hoặc được thiết kế để gắn với cụm cáp.
[NGUỒN: IEC 62196-1:2014, 3.3.1]
3.5.14
Ổ nối vào xe điện (vehicle inlet/electric vehicle inlet)
Phần của bộ nối được lắp với, hoặc được cố định với, xe điện.
[NGUỒN: IEC 62196-1:2014, 3.3.2]
3.5.15
Điểm đấu nối (connecting point)
Điểm mà tại đó một xe điện được kết nối với hệ thống lắp đặt điện cố định.
CHÚ THÍCH 1: Điểm đấu nối Chế độ 1 và 2 là điểm tại đó một xe điện được kết nối với hệ thống lắp đặt điện cố định hoặc mạng nguồn.
CHÚ THÍCH 2: Điểm đấu nối Chế độ 3 và 4 là điểm tại đó một xe điện được kết nối với trạm sạc EV.
CHÚ THÍCH 3: Điểm đấu nối Chế độ 1, 2 và 4 được kết nối bởi cáp và phích cắm là ổ cắm tiêu chuẩn.
CHÚ THÍCH 4: Điểm đấu nối Chế độ 3 và Chế độ 4 được nối cố định là ổ cắm dùng cho EV (trường hợp A và trường hợp B) hoặc phích nối EV (trường hợp C).
3.5.16
Khóa liên động (interlock)
Thiết bị hoặc tổ hợp các thiết bị thực hiện chức năng ngăn các tiếp xúc điện của ổ cắm/phích nối dùng cho EV khỏi trở nên mang điện trước khi tiếp nhận đủ với phích cắm/ổ nối vào EV, và ngăn phích cắm/phích nối dùng cho EV khỏi bị rút ra trong khi các tiếp điểm vẫn mang điện hoặc làm cho các tiếp điểm hết mang điện trước khi chúng tách ra.
3.5.17
Cơ cấu giữ (retain means)
Cơ cấu (ví dụ bằng cơ hoặc điện cơ) giữ phích cắm hoặc phích nối xe điện ở đúng vị trí khi nó được gài khớp đúng và ngăn việc rút ra không chủ ý.
[NGUỒN: IEC 62196-1:2014, 3.9]
3.5.18
Cơ cấu chốt (latching device)
Phần của cơ cấu khóa liên động được cung cấp để giữ phích cắm trong ổ cắm hoặc phích nối xe điện trong ổ nối vào EV để ngăn việc rút ra có chủ ý hoặc không chủ ý.
VÍ DỤ: Xem các tờ tiêu chuẩn 2-II và 2-IIId trong IEC 62196-2:2014 và 3-IIIc trong IEC 62196-3:2014.
[NGUỒN: IEC 62196-1:2014, 3.10, có sửa đổi]
3.5.19
Cơ cấu khóa (locking mechanism)
Phương tiện được thiết kế để giảm khả năng cắm vào hoặc rút ra không được phép của các phụ kiện.
[NGUỒN: IEC 62196-1:2014, 3.11, có sửa đổi]
3.5.20
Bộ tiếp hợp của xe điện (vehicle adaptor)
Các phụ kiện xách tay có kết cấu ở dạng bộ tích hợp gồm cả phần ổ nối vào EV và phần phích nối dùng cho EV.
3.6 Bảo trì và sử dụng
3.6.1
Sử dụng trong nhà (indoor use)
Được thiết kế để hoạt động trong các điều kiện môi trường bình thường trong tòa nhà.
[NGUỒN: IEC 60050-151:2001, 151-16-06, có sửa đổi - Thuật ngữ “trong nhà” được thay bằng “sử dụng trong nhà”.]
3.6.2
Sử dụng ngoài trời (outdoor use)
Có khả năng hoạt động trong phạm vi các điều kiện ngoài trời quy định.
[NGUỒN: IEC 60050-151:2001, 151-16-05, có sửa đổi - Thuật ngữ “ngoài trời” được thay bằng “sử dụng ngoài trời”.]
3.6.3
Thiết bị dùng cho các vị trí có hạn chế tiếp cận (equipment for locations with restricted access)
Thiết bị mà tất cả mọi người có thẩm quyền tiếp cận vị trí đó đều có thể tiếp cận (ví dụ thiết bị được đặt trong nhà riêng, khu vực đỗ xe riêng hoặc những nơi tương tự) đều có thể tiếp cận.
[NGUỒN: IEC 60050-195:1998, 195-04-04, có sửa đổi]
3.6.4
Thiết bị dùng cho các vị trí không hạn chế tiếp cận (equipment for locations with non-restricted access)
Thiết bị mà mọi người, có thể tiếp cận được trong khu vực công cộng, đều có thể tiếp cận.
3.6.5
Thiết bị xách tay (portable equipment)
Thiết bị được kết nối với dây nguồn và phích cắm, cụm cáp, bộ tiếp hợp hoặc các phụ kiện khác có khả năng mang vác bởi một người và được thiết kế để có thể chở trong EV.
3.6.6
Thiết bị di động (mobile equipment)
Thiết bị điện được di chuyển trong khi làm việc hoặc có thể dễ dàng di chuyển từ nơi này sang nơi khác trong khi vẫn được nối với nguồn cấp điện.
[NGUỒN: IEC 60050-826:2004, 826-16-04]
3.6.7
Thiết bị đặt tĩnh tại (stationary equipment)
Thiết bị hoặc thiết bị điện không được cung cấp tay cầm và có khối lượng sao cho không thể dễ dàng di chuyển.
CHÚ THÍCH: Thiết bị đặt tĩnh tại được thiết kế để kết nối cố định với mạng nguồn hoặc kết nối với mạng nguồn qua cáp và phích cắm.
[NGUỒN: IEC 60050-826:2004, 826-16-06]
3.6.8
Lắp vào đất (ground mounted)
Thiết bị có một phần được thiết kế để chôn hoặc gắn vào đất.
3.6.9
Thiết bị cấp điện cho EV được nối cố định (permanently connected EV supply equipment)
Thiết bị cấp điện cho EV chỉ có thể được nối với, hoặc ngắt khỏi, mạng nguồn xoay chiều hoặc một chiều khi sử dụng dụng cụ.
[NGUỒN: IEC 60050-151:2001/amd2:2014, 151-11-29, có sửa đổi]
3.6.10
Người sử dụng (user)
Bên sẽ đưa ra quy định kỹ thuật, mua, sử dụng và/hoặc vận hành thiết bị cấp điện cho EV, hoặc một ai đó sẽ thực hiện việc này thay cho bên đó.
[NGUỒN: IEC 61439-1:2011, 3.10.3, có sửa đổi]
3.7 Thuật ngữ chung
3.7.1
Mạng nguồn (supply network)
Nguồn điện năng bất kỳ (ví dụ nguồn lưới tức là lưới điện, các nguồn năng lượng phân tán (DER), dàn pin/acquy, hệ thống lắp đặt PV, máy phát điện, v.v.)
3.7.2
Dây bảo vệ (protective conductor)
Dây dẫn được cung cấp cho mục đích an toàn, ví dụ bảo vệ chống điện giật.
VÍ DỤ: Ví dụ về dây bảo vệ gồm dây liên kết bảo vệ, dây nối đất bảo vệ và dây nối đất khi được sử dụng cho bảo vệ chống điện giật.
[NGUỒN: IEC 60050-826:2004, 826-13-22, có sửa đổi]
3.7.3
Dây nối đất bảo vệ (protective earthing conductor/protective grounding conductor/equipment grounding conductor)
Dây bảo vệ được cung cấp để nối đất bảo vệ.
[NGUỒN: IEC 60050-195:1998, 195-02-11]
3.7.4
Đầu nối đất (earthing terminal/grounding terminal)
Đầu nối được cung cấp trên thiết bị hoặc trên cơ cấu và được thiết kế để nối điện với bố trí nối đất.
[NGUỒN: IEC 60050-195:1998, 195-02-31]
3.7.5
Nối đất bảo vệ (protective earthing/ protective grounding)
Nối đất một điểm hoặc nhiều điểm trong hệ thống hoặc trong hệ thống lắp đặt hoặc trong thiết bị vì mục đích an toàn điện.
[NGUỒN: IEC 60050-195:1998/amd1:2001, 195-01-11]
3.7.6
Thiết bị bảo vệ dòng dư (residual current device)
RCD
Cơ cấu đóng cắt cơ khí được thiết kế để đóng, mang và cắt các dòng điện trong điều kiện vận hành bình thường và làm mở các tiếp điểm khi dòng dư duy trì giá trị cho trước trong các điều kiện quy định.
CHÚ THÍCH: Thiết bị bảo vệ dòng dư có thể là tổ hợp của các phần tử riêng rẽ khác nhau được thiết kế để phát hiện và đánh giá dòng dư và đóng và cắt dòng điện.
[NGUỒN: IEC 60050-195:1998, 195-05-02]
3.7.7
Dòng rò (leakage current)
Dòng điện trong tuyến dẫn không mong muốn trong các điều kiện làm việc bình thường.
[NGUỒN: IEC 60050-195:1998, 195-05-15]
3.7.8
Cơ cấu đóng cắt (switching device)
Cơ cấu được thiết kế để mang hoặc cắt dòng điện trong một hoặc nhiều mạch điện.
[NGUỒN: IEC 60050-441:1984, 441-14-01]
3.7.9
Cơ cấu đóng cắt cơ khí (mechanical switching device)
Cơ cấu đóng cắt được thiết kế để đóng và mở một hoặc nhiều mạch điện bằng các tiếp điểm có thể tách rời.
[NGUỒN: IEC 60050-441:1984, 441-14-02, có sửa đổi - Bỏ chú thích]
3.7.10
Dòng điện chạm (touch current)
Dòng điện chạy qua cơ thể người hoặc qua cơ thể động vật khi chạm vào một hoặc nhiều phần tiếp cận được của hệ thống lắp đặt điện hoặc thiết bị điện.
[NGUỒN: IEC 60050-826:2004, 826-11-12]
4 Yêu cầu chung
Thiết bị cấp điện cho EV phải có kết cấu để EV có thể được kết nối với thiết bị cấp điện cho EV sao cho trong các điều kiện sử dụng bình thường, việc truyền năng lượng được thực hiện một cách an toàn, và tính năng truyền là tin cậy và giảm thiểu rủi ro nguy hiểm cho người sử dụng hoặc môi trường xung quanh.
Kiểm tra sự phù hợp bằng cách đáp ứng tất cả các yêu cầu liên quan của bộ tiêu chuẩn IEC 61851.
Nếu không có quy định khác, tất cả các thử nghiệm được nêu trong tiêu chuẩn này đều là các thử nghiệm điển hình.
Nếu không có quy định khác, tất cả các thử nghiệm được yêu cầu bởi tiêu chuẩn này có thể được thực hiện trên các mẫu riêng rẽ. Các thử nghiệm này có thể được thực hiện trên cùng một mẫu nếu có sự thỏa thuận của nhà chế tạo.
Nếu không có quy định khác, mỗi thử nghiệm được thực hiện một lần.
Nếu không có quy định khác, tất cả các thử nghiệm phải được tiến hành ở nơi không có gió lùa và ở nhiệt độ môi trường 20 °C ± 5 °C.
Thiết bị cấp điện cho EV phải có thông số đặc trưng đối với một hoặc nhiều điện áp và tần số danh nghĩa tiêu chuẩn như cho trong TCVN 7995 (IEC 60038).
CHÚ THÍCH: Ở Nhật, các tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn quốc gia đưa ra các yêu cầu khác nhau về tần số.
Các cụm lắp ráp dùng cho thiết bị cấp điện cho EV phải phù hợp với IEC TS 61439-7 với các ngoại lệ hoặc bổ sung như cho trong Điều 13.
Tiêu chuẩn này áp dụng cho thiết bị được thiết kế để sử dụng ở độ cao so với mực nước biển đến 2 000 m.
Đối với thiết bị được thiết kế để sử dụng ở độ cao trên 2 000 m, phải tính đến việc giảm độ bền điện môi và hiệu quả làm mát của không khí. Thiết bị điện được thiết kế để làm việc trong các điều kiện này phải được thiết kế hoặc sử dụng theo thỏa thuận giữa nhà chế tạo và người sử dụng.
5 Phân loại
5.1 Đặc tính của nguồn cấp điện và đầu ra cấp điện
5.1.1 Đặc tính nguồn cấp điện đầu vào
Thiết bị cấp điện cho EV phải được phân loại theo hệ thống mạng nguồn được thiết kế để nối với:
- thiết bị cấp điện cho EV nối với mạng nguồn xoay chiều;
- thiết bị cấp điện cho EV nối với mạng nguồn một chiều.
Thiết bị cấp điện cho EV phải được phân loại theo phương pháp kết nối điện:
- kết nối bằng phích cắm và cáp;
- kết nối cố định.
5.1.2 Đặc tính của nguồn cấp điện dầu ra
Thiết bị cấp điện cho EV phải được phân loại theo kiểu dòng điện mà thiết bị cấp điện cho EV cung cấp:
- thiết bị cấp điện xoay chiều EV xoay chiều;
- thiết bị cấp điện một chiều EV;
- thiết bị cấp điện xoay chiều và/hoặc một chiều cho EV.
5.2 Điều kiện môi trường bình thường
Thiết bị cấp điện cho EV phải được phân loại theo các điều kiện môi trường và sử dụng:
- sử dụng trong nhà;
- sử dụng ngoài trời.
CHÚ THÍCH: Các điều kiện xác định sử dụng trong nhà và ngoài trời được cho trong 7.1.1 của IEC 61439-1:2011.
5.3 Điều kiện môi trường đặc biệt
Thiết bị cấp điện cho EV có thể được phân loại theo tính thích hợp cho sử dụng trong các điều kiện môi trường đặc biệt khác với điều kiện được quy định trong tiêu chuẩn này, nếu được nhà chế tạo công bố như vậy.
5.4 Tiếp cận
Thiết bị cấp điện cho EV phải được phân loại theo vị trí mà chúng được thiết kế để sử dụng:
- thiết bị dùng cho những nơi có hạn chế tiếp cận;
- thiết bị dùng cho những nơi không có hạn chế tiếp cận.
5.5 Phương pháp lắp đặt
Thiết bị cấp điện cho EV được phân loại theo kiểu lắp đặt:
a) thiết bị đặt tĩnh tại
- được lắp trên vách, cột hoặc các vị trí tương đương;
• lắp bằng mặt;
• lắp trên bề mặt.
- được lắp trên cột/ống;
- được lắp trên sàn;
- được lắp trên mặt đất.
b) thiết bị không đặt tĩnh tại
- thiết bị xách tay;
- thiết bị di động.
CHÚ THÍCH: Có thể áp dụng nhiều hơn một phân loại.
5.6 Bảo vệ chống điện giật
Thiết bị phải được phân loại theo bảo vệ chống điện giật như sau:
- thiết bị cấp I;
- thiết bị cấp II;
- thiết bị cấp III.
CHÚ THÍCH: Mô tả Cấp I, Cấp II và Cấp III có thể tìm thấy trong IEC 61140:2016, 7.3, 7.4 và 7.5.
5.7 Chế độ sạc
Thiết bị cấp điện cho EV phải được phân loại theo 6.2:
- Chế độ 1;
- Chế độ 2;
- Chế độ 3;
- Chế độ 4.
CHÚ THÍCH: Thiết bị cấp điện cho EV có nhiều đầu ra có thể được phân loại là hỗ trợ nhiều hơn một chế độ.
6 Chế độ sạc và chức năng
6.1 Quy định chung
Điều 6 mô tả các chế độ sạc khác nhau và các chức năng truyền năng lượng khác nhau cho EV.
6.2 Chế độ sạc
6.2.1 Chế độ 1
Chế độ 1 là phương pháp kết nối EV với ổ cắm tiêu chuẩn của mạng nguồn xoay chiều, sử dụng cáp và phích cắm, cả hai không có lắp các tiếp điểm điều khiển quá trình sạc bổ sung hoặc các tiếp điểm phụ trợ.
Các giá trị danh định đối với dòng điện và điện áp không được vượt quá:
- 16 A và 250 V xoay chiều, một pha,
- 16 A và 480 V xoay chiều, ba pha.
Thiết bị cấp điện cho EV được thiết kế cho sạc điện Chế độ 1 phải cung cấp dây nối đất bảo vệ từ phích cắm tiêu chuẩn đến phích nối dùng cho EV.
Các giới hạn về dòng điện cũng phải tuân thủ các thông số đặc trưng tiêu chuẩn của ổ cắm nêu trong 9.2.
CHÚ THÍCH 1: Ở Mỹ, Israen và Anh, sạc điện Chế độ 1 bị cấm bởi quy phạm lắp đặt điện quốc gia.
CHÚ THÍCH 2: Ở Italia, sạc điện Chế độ 1 bị cấm trong các khu vực công cộng bởi quy phạm lắp đặt điện quốc gia.
CHÚ THÍCH 3: Ở Canada, sạc điện Chế độ 1 không có ngắt dòng rò sự cố chạm đất tích hợp là không được phép.
CHÚ THÍCH 4: Ở Thụy Sỹ, phích cắm và ổ cắm theo IEC 60309-2 được khuyến cáo cho các đấu nối Chế độ 1 lớn hơn 8 A (2 kVA).
CHÚ THÍCH 5: Ở Đan Mạch, đối với thiết bị cấp điện cho EV có trang bị phích cắm dùng trong gia đình và mục đích tương tự, các tải liên tục lặp lại trong thời gian dài phải được hạn chế ở 6 A.
CHÚ THÍCH 6: Ở Na Uy, thiết bị cấp điện cho EV có trang bị phích cắm dùng trong gia đình và mục đích tương tự, nếu chu kỳ sạc có thể vượt quá 2 h thì dòng điện danh định lớn nhất là 10 A.
CHÚ THÍCH 7: Ở Pháp, thiết bị cấp điện cho EV có trang bị phích cắm dùng trong gia đình và mục đích tương tự, nếu chu kỳ sạc có thể vượt quá 2 h thì dòng điện danh định lớn nhất là 8 A.
CHÚ THÍCH 8: Ở Đức, không được sử dụng cụm cáp Chế độ 1 không có PCRD mà chỉ được sử dụng các cáp Chế độ 1 có PCRD.
(Do Điều 14 trong hiến pháp của Đức đóng khung sự duy trì nguyên hiện trạng của hệ thống lắp đặt điện nên không thể đảm bảo rằng các hệ thống lắp đặt điện lúc nào cũng cung cấp RCD).
6.2.2 Chế độ 2
Chế độ 2 là phương pháp đấu nối EV với ổ cắm tiêu chuẩn của mạng nguồn AC sử dụng thiết bị cáp điện xoay chiều cho EV có cáp và phích cắm, với chức năng và hệ thống điều khiển quá trình sạc để bảo vệ cá nhân chống điện giật đặt giữa phích cắm tiêu chuẩn và EV.
Các giá trị danh định của dòng điện và điện áp không được vượt quá:
- 32 A và 250 V một pha xoay chiều;
- 32 A và 480 V ba pha xoay chiều.
Các giới hạn về dòng điện cũng phải tuần thủ các thông số đặc trưng của ổ cắm tiêu chuẩn quy định trong 9.2.
Thiết bị cấp điện cho EV được thiết kế để sạc điện Chế độ 2 phải cung cấp dây nối đất bảo vệ từ phích cắm tiêu chuẩn đến phích nối dùng cho EV.
Thiết bị Chế độ 2 dùng để lắp đặt trên vách nhưng người sử dụng có thể tháo ra hoặc được sử dụng trong vỏ bọc chống xóc phải sử dụng thiết bị bảo vệ như yêu cầu trong IEC 62752.
CHÚ THÍCH 1: Ở Mỹ và Canada, sạc điện Chế độ 2 được giới hạn ở giá trị lớn nhất 250 V bởi quy phạm lắp đặt điện quốc gia.
CHÚ THÍCH 2: Ở Italia, Chế độ 2 không được phép trong các khu vực công cộng.
CHÚ THÍCH 3: Ở Thụy Sỹ, Chế độ 2 không được vượt quá 16 A và không vượt quá 250 V xoay chiều trong các hệ thống điện một pha.
CHÚ THÍCH 4: Ở Thụy Sỹ, việc sử dụng các phụ kiện theo IEC 60309-2 được khuyến cáo cho các kết nối Chế độ 2 lớn hơn 8 A (2 kVA).
CHÚ THÍCH 5: Ở Đan Mạch, đối với thiết bị cấp điện cho EV có trang bị phích cắm dùng trong gia đình và mục đích tương tự, các tải liên tục lặp lại trong thời gian dài phải được hạn chế ở 6 A.
CHÚ THÍCH 6: Ở Pháp, thiết bị cấp điện cho EV có trang bị phích cắm dùng trong gia đình và mục đích tương tự, nếu chu kỳ sạc có thể vượt quá 2 h thì dòng điện danh định lớn nhất là 8 A.
CHÚ THÍCH 7: Ở Na Uy, thiết bị cấp điện cho EV có trang bị phích cắm dùng trong gia đình và mục đích tương tự, nếu chu kỳ sạc có thể vượt quá 2 h thì dòng điện danh định lớn nhất là 10 A.
CHÚ THÍCH 8: Ở Italia, việc sử dụng các phụ kiện theo IEC 60309-2 được khuyến cáo cho các kết nối Chế độ 2 lớn hơn 10 A.
6.2.3 Chế độ 3
Chế độ 3 là phương pháp đấu nối EV với thiết bị cấp điện cho EV xoay chiều nối cố định với mạng nguồn xoay chiều, với chức năng điều khiển quá trình sạc kéo dài từ thiết bị cấp điện xoay chiều cho EV đến EV.
Thiết bị cấp điện cho EV được thiết kế cho sạc điện Chế độ 3 phải có dây nối đất bảo vệ cho ổ cắm dùng cho EV và/hoặc phích nối dùng cho EV.
6.2.4 Chế độ 4
Chế độ 4 là phương pháp kết nối EV với mạng cấp nguồn xoay chiều hoặc một chiều bằng cách sử dụng thiết bị cấp điện một chiều cho EV, có chức năng điều khiển quá trình sạc kéo dài từ thiết bị cấp điện một chiều cho EV đến EV.
Thiết bị Chế độ 4 có thể được kết nối cố định hoặc được kết nối bằng cáp và phích cắm với mạng nguồn.
Thiết bị cấp điện cho EV được thiết kế cho sạc điện Chế độ 4 phải cung cấp dây nối đất bảo vệ hoặc dây bảo vệ đến phích nối dùng cho xe điện.
Các yêu cầu bổ sung đối với thiết bị cấp điện một chiều cho EV được cho trong TCVN 13078-23 (IEC 61851-23).
6.3 Chức năng được cung cấp trong các Chế độ 2, 3 và 4
6.3.1 Các chức năng bắt buộc trong các Chế độ 2, 3 và 4
6.3.1.1 Quy định chung
Các chức năng điều khiển quá trình sạc dưới đây phải được cung cấp bởi thiết bị cấp điện cho EV:
• Kiểm tra sự liền mạch của dây bảo vệ theo 6.3.1.2;
• Kiểm tra xác nhận rằng EV đã được kết nối đúng cách với thiết bị cấp điện cho EV theo 6.3.1.3;
• Đóng điện nguồn cấp điện cho EV theo 6.3.1.4;
• Ngắt điện nguồn cấp điện cho EV theo 6.3.1.5;
• Dòng điện lớn nhất cho phép theo 6.3.1.6.
Kiểm tra sự phù hợp bằng cách xem xét và bằng thử nghiệm khi có quy định áp dụng.
Nếu thiết bị cấp điện cho EV có thể cấp điện đồng thời cho nhiều hơn một xe điện thì nó phải đảm bảo răng chức năng điều khiển quá trình sạc thực hiện các chức năng trên một cách độc lập tại mỗi điểm kết nối.
CHÚ THÍCH: Các chức năng điều khiển quá trình sạc có thể đạt được bằng cách sử dụng một tín hiệu PWM và một tín hiệu điều khiển quá trình sạc như mô tả trong Phụ lục A hoặc bằng hệ thống không PWM khác bất kỳ cung cấp các kết quả tương tự và tương thích với Phụ lục A. Ví dụ được cho trong Phụ lục D để tham khảo.
Thiết bị cấp điện cho EV được thiết kế đối với Chế độ 2 hoặc Chế độ 3, bằng cách sử dụng dây điều khiển quá trình sạc và sử dụng các phụ kiện theo IEC 62196-2, phải có chức năng điều khiển quá trình sạc theo Phụ lục A.
6.3.1.2 Kiểm tra sự liền mạch của dây bảo vệ
Trong khi sạc ở Chế độ 2, sự liền mạch về điện của dây nối đất bảo vệ giữa ICCB và tiếp điểm EV tương ứng phải được theo dõi liên tục bằng ICCB.
Trong khi sạc ở Chế độ 3, sự liền mạch về điện của dây nối đất bảo vệ giữa trạm sạc EV và tiếp điểm EV tương ứng phải được theo dõi liên tục bằng thiết bị cấp điện cho EV.
Trong khi sạc ở Chế độ 4, sự liền mạch về điện của dây bảo vệ giữa trạm sạc EV và tiếp điểm EV tương ứng phải được theo dõi liên tục bởi thiết bị cấp điện cho EV.
Thiết bị cấp điện cho EV phải ngắt nguồn đến EV trong trường hợp:
• mất sự liền mạch về điện của dây bảo vệ (tức là hở mạch điều khiển quá trình sạc), trong vòng 100 ms;
• không có khả năng kiểm tra sự liền mạch của dây bảo vệ (ví dụ ngắn mạch giữa dây dẫn điều khiển quá trình sạc và dây bảo vệ) trong vòng 3 s.
6.3.1.3 Kiểm tra xác nhận EV đã kết nối đúng cách với thiết bị cấp điện cho EV
Thiết bị cấp điện cho EV phải có khả năng xác định EV đã được kết nối đúng cách với thiết bị cấp điện cho EV.
Việc kết nối đúng cách được giả định khi phát hiện thấy có sự liền mạch của mạch điều khiển quá trình sạc.
6.3.1.4 Đóng điện nguồn cấp điện cho EV
Ổ cắm dùng cho EV hoặc phích nối xe điện chỉ được cấp điện khi chức năng điều khiển quá trình sạc giữa EV và thiết bị cấp điện cho EV đã được thiết lập đúng cách với các trạng thái tín hiệu cho phép đóng điện.
Sự có mặt của các trạng thái này không có nghĩa là năng lượng sẽ được truyền giữa thiết bị cấp điện cho EV và EV bởi vì điều này có thể tùy thuộc vào các điều kiện bên ngoài khác, ví dụ hệ thống quản lý năng lượng.
Nếu EV đòi hỏi thông gió, thiết bị cấp điện cho EV chỉ đóng điện cho hệ thống nếu thông gió được cung cấp bởi hệ thống lắp đặt hoặc nơi lắp đặt.
6.3.1.5 Cắt điện nguồn cấp điện cho EV
Nếu tín hiệu điều khiển quá trình sạc bị ngắt thì nguồn cấp điện cho EV phải được ngắt theo 6.3.1.2.
Nếu trạng thái tín hiệu điều khiển quá trình sạc không cho phép đóng điện nữa thì nguồn cấp điện cho EV phải được ngắt nhưng việc phát tín hiệu điều khiển quá trình sạc có thể vẫn đang hoạt động.
6.3.1.6 Dòng điện lớn nhất cho phép
Phải có phương tiện để thông tin cho EV về giá trị dòng điện lớn nhất được phép lấy. Giá trị dòng điện lớn nhất cho phép phải được truyền dẫn và không được vượt quá giá trị bất kỳ dưới đây:
• dòng điện ra danh định của thiết bị cấp điện cho EV,
• dòng điện danh định của cụm cáp.
CHÚ THÍCH: Cụm cáp gồm các cụm cáp Chế độ 2 và Chế độ 3.
Giá trị được truyền dẫn có thể thay đổi, nhưng không vượt quá dòng điện lớn nhất cho phép, để phù hợp với các giới hạn về điện, ví dụ để quản lý phụ tải.
Thiết bị cấp điện cho EV có thể ngắt nguồn năng lượng nếu dòng điện mà EV lấy ra vượt quá giá trị được truyền dẫn.
6.3.2 Các chức năng tùy chọn đối với các Chế độ 2, 3 và 4
6.3.2.1 Quy định chung
Các chức năng tùy chọn để thực hiện phải được nêu trong sổ tay hướng dẫn và phải đáp ứng các yêu cầu trong 6.3.2.
Có thể cung cấp các chức năng khác.
Kiểm tra sự phù hợp bằng cách xem xét và thử nghiệm khi có quy định áp dụng.
6.3.2.2 Thông gió trong quá trình sạc
Thiết bị EV có thể trao đổi thông tin với hệ thống lắp đặt liên quan đến các yêu cầu và việc thông gió.
CHÚ THÍCH 1: Các yêu cầu về thông gió có thể tùy thuộc vào các quy định hoặc tiêu chuẩn địa phương hoặc quốc gia.
CHÚ THÍCH 2: Ở Canada, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có thể đòi hỏi thông gió trong một số trường hợp đối với sạc điện trong nhà trong các điều kiện nhất định.
CHÚ THÍCH 3: Đây chủ yếu cho sạc điện trong nhà.
6.3.2.3 Ngắt có chủ ý hoặc không có chủ ý của phích nối và/hoặc phích cắm dùng cho EV
Phải có phương tiện cơ hoặc điện cơ nhằm ngăn ngừa việc ngắt mạch có chủ ý hoặc không chủ ý khi phích nối và/hoặc phích cắm dùng cho EV đang có tải theo IEC 62196-1.
CHÚ THÍCH 1: IEC 62196-1:2014 xác định ba mức ngăn ngừa việc ngắt như đã nêu trong các định nghĩa 3.9, 3.10 và 3.11 theo thứ tự tăng sự ràng buộc, như sau:
- ngăn ngừa ngắt không chủ ý à cơ cấu giữ,
- ngăn ngừa ngắt không chủ ý và có chủ ý à cơ cấu chốt,
- ngăn ngừa ngắt không chủ ý, có chủ ý và ngăn ngừa sự can thiệp à cơ cấu khóa,
CHÚ THÍCH 2: ở Canada và Mỹ, yêu cầu có phương tiện ngăn ngừa việc ngắt không chủ ý các phụ kiện EV.
6.3.2.4 Chế độ 4 bằng cách sử dụng hệ thống sạc kết hợp
Hệ thống sạc kết hợp như mô tả trong Phụ lục CC của TCVN 13078-23:2020 (IEC 61851-23:2014) và TCVN 12772 (ISO 17409) phải được thiết kế sao cho:
• EV có thể sạc bằng dòng điện xoay chiều với ổ nối vào xe điện không đòi hỏi phương tiện bất kỳ để bảo vệ EV khỏi điện áp một chiều ở ổ nối vào.
• Thiết bị cấp điện xoay chiều cho EV không yêu cầu phương tiện bất kỳ để tự bảo vệ khỏi điện áp một chiều đến từ EV.
CHÚ THÍCH 1: Các tờ dữ liệu tiêu chuẩn đối với cấu hình EE và FF của IEC 62196-3 đưa ra các kích thước, thông số đặc trưng và các chức năng cơ khí liên quan của các giao diện EE và FF đối với điện một chiều. Hệ thống sạc C cho EV được mô tả trong Phụ lục CC của TCVN 13078-23:2020 (IEC 61851-23:2014).
Đối với sạc một chiều, truyền thông số phải được thiết lập giữa xe điện và trạm sạc EV xác nhận việc truyền năng lượng một chiều. Nguồn cấp điện điện một chiều cho xe điện chỉ được kết nối khi đã hoàn thành sự xác nhận này từ xe điện.
Giao diện kết hợp mở rộng việc sử dụng giao diện cơ bản đối với việc sạc dòng điện xoay chiều và một chiều.
Sạc dòng điện một chiều có thể đạt được bằng cách sử dụng các tiếp điểm dòng một chiều riêng rẽ và bổ sung để cấp năng lượng một chiều cho EV hoặc bằng cách sử dụng các tiếp điểm điện đặt tại vị trí của các tiếp điểm điện xoay chiều của giao diện cơ bản, nếu phích nối dùng cho xe điện và ổ nối vào EV đều thích hợp đối với dòng điện một chiều.
Phần cơ bản của ổ nối vào EV kết hợp có thể được sử dụng với phích nối cơ bản chỉ dùng cho sạc điện xoay chiều hoặc với phích nối kết hợp có các tiếp điểm riêng rẽ để sạc điện xoay chiều hoặc sạc điện một chiều.
Truyền điện xoay chiều và một chiều không được xảy ra đồng thời qua giao diện kết hợp.
Giao diện kết hợp được sử dụng để sạc điện một chiều chỉ được sử dụng với “Hệ thống sạc kết hợp” được mô tả trong Phụ lục CC của TCVN 13078-23:2020 (IEC 61851-23:2014).
Phân tích và thiết kế của thiết bị cấp điện cho EV bằng cách sử dụng giao diện cơ bản cho dòng điện một chiều phải áp dụng phân tích rủi ro theo IEC 61508 (tất cả các phần) bằng cách áp dụng mức khắc nghiệt tối thiểu là S2 đối với chức năng ngăn ngừa rủi ro của đầu ra điện áp một chiều ngoài dự kiến.
CHÚ THÍCH 2: Phân tích này bao gồm ảnh hưởng của các sự cố của xe điện lên thiết bị cấp điện cho EV.
7 Truyền thông
7.1 Truyền thông số giữa EV và thiết bị cấp điện cho EV
Truyền thông số là tùy chọn đối với Chế độ 1, 2 và 3.
Đối với Chế độ 4, truyền thông số như mô tả trong IEC 61851-24 phải được cung cấp để cho phép EV điều khiển thiết bị cấp điện cho EV.
CHÚ THÍCH 1: Truyền thông số như mô tả trong bộ tiêu chuẩn ISO/IEC 15118 cũng được gọi là truyền thông mức cao.
CHÚ THÍCH 2: Phụ lục D cũng cung cấp thông tin về truyền thông số.
7.2 Truyền thông số giữa thiết bị cấp điện cho EV và hệ thống quản lý
Mạng viễn thông hoặc cổng viễn thông của thiết bị cấp điện cho EV được kết nối với mạng viễn thông, nếu có, phải phù hợp với các yêu cầu để kết nối với các mạng viễn thông theo Điều 6 của IEC 60950-1:2005.
8 Bảo vệ chống điện giật
8.1 Cấp bảo vệ chống tiếp cận đến các phần mang điện nguy hiểm
Các phần khác nhau của thiết bị cấp điện cho EV như đã đề cập phải đáp ứng các yêu cầu sau:
• Cấp bảo vệ bằng vỏ ngoài IP phải tối thiểu là IPXXC;
• Phích nối dùng cho xe điện khi đã lắp với ổ nối vào xe điện: IPXXD;
• Phích cắm tương thích với ổ cắm: IPXXD;
• Phích nối dùng cho xe điện được thiết kế để sử dụng Chế độ 1, không tương thích: IPXXD;
• Phích nối dùng cho xe điện được thiết kế để sử dụng Chế độ 2, không tương thích: IPXXB và đáp ứng các yêu cầu sau:
Khe hở nhỏ nhất của tiếp điểm bằng khe hở không khí theo TCVN 10884-1 (IEC 60664-1) xét đến quá điện áp cấp 2 (ví dụ giá trị cho trong TCVN 10884-1 (IEC 60664-1) đối với 230 V / 400 V là khả năng chịu điện áp xung danh định 2,5 kV nghĩa là phân tách tiếp điểm 1,5 mm) và hạn chế việc sạc và cảnh báo người sử dụng trong trường hợp tiếp điểm hàn.
• Phích nối dùng cho xe điện và ổ cắm dùng cho EV được thiết kế để sử dụng Chế độ 3, không tương thích: IPXXB với điều kiện nó kết hợp trực tiếp với cơ cấu đóng cắt cơ khí phía nguồn (xem thêm 12.3) và đáp ứng một trong các yêu cầu sau:
a) Khe hở nhỏ nhất của tiếp điểm bằng với khe hở không khí theo TCVN 10884-1 (IEC 60664-1) xét đến quá điện áp cấp 3 (ví dụ giá trị cho trong TCVN 10884-1 (IEC 60664-1) đối với 230 V / 400 V là khả năng chịu điện áp xung danh định 4 kV nghĩa là phân tách tiếp điểm tối thiểu là 3 mm);
b) Có theo dõi các tiếp điểm đóng cắt kết hợp với phương tiện tác động cơ cấu đóng cắt cơ khí khác tạo ra chức năng cách ly về phía nguồn trong trường hợp sự cố thao tác cơ cấu đóng cắt về phía nguồn của phụ kiện;
c) Có các tấm chắn trên lỗ ổ nối vào mang điện của ổ cắm hoặc phích nối đối với trường hợp C.
CHÚ THÍCH 1: Ở Nhật, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Áo, Đức, Bỉ, Phần Lan, IPXXB được yêu cầu đối với Chế độ 1
CHÚ THÍCH 2: Ở Hà Lan, Italia, tùy chọn a và b chỉ được chấp nhận nếu cả 2 tùy chọn này được sử dụng đồng thời.
CHÚ THÍCH 3: Ở Bỉ và Thụy Sĩ không được phép nếu chỉ sử dụng tùy chọn b.
CHÚ THÍCH 4: Ở Pháp và Anh, ổ cắm có trang bị tấm chắn là bắt buộc trong các khu vực nhà ở và khu vực công cộng.
CHÚ THÍCH 5: Ở Đan Mạch, ổ cắm tiêu chuẩn có trang bị cửa sập là bắt buộc trong các khu vực nhà ở và khu vực công cộng.
CHÚ THÍCH 6: Ở Tây Ban Nha, các hệ thống điện trong nhà ở và đối với các ứng dụng 16 A Quy tắc đi dây quốc gia quy định việc sử dụng các ổ cắm có cửa sập.
CHÚ THÍCH 7: Ở Thụy Điển, các quy định quốc gia yêu cầu cửa sập hoặc phương pháp bảo vệ tương tự có mức an toàn tương đương. Ví dụ chiều cao lắp đặt chướng ngại vật chống khả năng chạm, khóa liên động, nắp khóa.
CHÚ THÍCH 8: Ở Anh, phương tiện được điều khiển bằng phần mềm không được sử dụng để điều khiển các thiết bị cách ly.
Kiểm tra sự phù hợp bằng cách xem xét và bằng phép đo.
8.2 Năng lượng tích trữ
8.2.1 Ngắt thiết bị cấp điện cho EV được nối bằng phích cắm
Đối với thiết bị cấp điện cho EV được nối bằng phích cắm, trong trường hợp các chân nối tiếp cận được sau khi rút phích cắm, sau một giây kể từ khi rút phích cắm tiêu chuẩn khỏi ổ cắm tiêu chuẩn, điện áp giữa sự kết hợp bất kỳ của các tiếp điểm tiếp cận được của phích cắm tiêu chuẩn phải nhỏ hơn hoặc bằng 60 V một chiều hoặc năng lượng tích trữ sẵn có phải nhỏ hơn 50 μC.
Kiểm tra sự phù hợp bằng cách xem xét và bằng thử nghiệm với EV được ngắt theo 2.1.1.5 của IEC 60950-1:2005.
CHÚ THÍCH: Yêu cầu đối với EV được quy định trong TCVN 12772 (ISO 17409).
8.2.2 Mất điện áp nguồn đến thiết bị cấp điện cho EV nối cố định
Điện áp giữa các đường dây hoặc giữa đường dây và dây nối đất bảo vệ, khi được đo ở các đầu nối nguồn vào của thiết bị cấp điện cho EV, phải nhỏ hơn hoặc bằng 60 V một chiều hoặc năng lượng tích trữ phải nhỏ hơn hoặc bằng 0,2 J trong vòng 5 giây sau khi ngắt điện áp nguồn cho thiết bị cấp điện cho EV.
Kiểm tra sự phù hợp bằng cách xem xét và bằng thử nghiệm với EV không nối đến thiết bị cấp điện cho EV theo 2.1.1.7 của IEC 60950-1:2005
8.3 Bảo vệ sự cố
Bảo vệ sự cố phải bao gồm một trong các biện pháp bảo vệ được phép theo TCVN 7447-4-41 (IEC 60364-4-41):
• tự động ngắt nguồn;
• cách điện kép hoặc cách điện tăng cường;
• phân cách về điện nếu giới hạn ở nguồn của một hạng mục thiết bị sử dụng điện;
• điện áp cực thấp (SELV và PELV).
Phân cách về điện được đáp ứng nếu có một mạch điện được phân cách về điện trong mỗi EV.
Kiểm tra sự phù hợp bằng cách xem xét.
8.4 Dây bảo vệ
Dây nối đất bảo vệ và dây bảo vệ phải có thông số đặc trưng đủ theo các yêu cầu của IEC TS 61439-7.
CHÚ THÍCH: Ở Canada, Mỹ, Nhật, kích cỡ và thông số đặc trưng của dây nối đất bảo vệ được xác định bởi quy phạm quốc gia và quy định quốc gia.
Đối với Chế độ 1, 2 và 3, phải có dây nối đất bảo vệ giữa đầu nối đất đầu vào nguồn xoay chiều của thiết bị cấp điện cho EV và EV.
Thiết bị cấp điện cho EV Chế độ 4 phải có:
a) dây nối đất bảo vệ từ đầu nối đất đầu vào của mạng nguồn xoay chiều đến EV, hoặc
b) dây bảo vệ từ thiết bị cấp điện cho EV đến EV nếu bảo vệ sự cố dựa trên phân cách nguồn.
Đối với thiết bị cấp điện cho EV nối cố định Chế độ 3 và 4, các dây nối đất bảo vệ không được đóng cắt.
Kiểm tra sự phù hợp bằng cách xem xét.
8.5 Thiết bị bảo vệ dòng dư
Thiết bị cấp điện cho EV có thể có một hoặc nhiều điểm nối để cấp năng lượng cho EV.
Trong trường hợp các điểm nối có thể được sử dụng đồng thời và được nối với đầu nối vào chung của thiết bị cấp điện cho EV, chúng phải có bảo vệ riêng lắp trong thiết bị cấp điện cho EV.
Nếu thiết bị cấp điện cho EV có nhiều hơn một điểm nối mà không thể được sử dụng đồng thời thì các điểm nối này có thể có thiết bị bảo vệ chung.
Thiết bị cấp điện cho EV có RCD và không sử dụng biện pháp bảo vệ phân cách về điện thì phải đáp ứng yêu cầu sau:
• Điểm nối của thiết bị cấp điện cho EV phải được bảo vệ bằng RCD có dòng điện tác động dư danh định không quá 30 mA;
• Các điểm nối bảo vệ của (các) RCD phải tối thiểu là kiểu A;
• RCD phải phù hợp với một trong các tiêu chuẩn TCVN 6950-1 (IEC 61008-1), TCVN 6951-1 (IEC 61009-1), TCVN 6592-2 (IEC 60947-2) và IEC 62423;
• RCD phải ngắt tất cả các dây mang điện.
CHÚ THÍCH 1: Yêu cầu này áp dụng cho các điểm nối một pha hoặc ba pha.
Trong trường hợp thiết bị cấp điện cho EV có trang bị ổ cắm hoặc phích nối dùng cho EV để sử dụng điện xoay chiều theo IEC 62196 (tất cả các phần), phải thực hiện các biện pháp bảo vệ chống dòng điện sự cố một chiều. Các biện pháp thích hợp phải là:
• RCD kiểu B, hoặc
• RCD kiểu A và thiết bị thích hợp đảm bảo việc ngắt nguồn trong trường hợp dòng điện sự cố một chiều lớn hơn 6 mA.
CHÚ THÍCH 2: Ví dụ về thiết bị thích hợp đảm bảo việc ngắt nguồn trong trường hợp sự cố một chiều được cho trong IEC 62955.
CHÚ THÍCH 3: RCD hoặc thiết bị thích hợp đảm bảo việc ngắt nguồn trong trường hợp sự cố một chiều có thể được cung cấp trong thiết bị cấp điện cho EV trong hệ thống lắp đặt hoặc trong cả hai.
CHÚ THÍCH 4: Tính chọn lọc có thể được duy trì giữa RCD bảo vệ điểm nối và RCD được lắp đặt về phía nguồn khi được yêu cầu cho mục đích bảo trì.
CHÚ THÍCH 5: Ở Nhật, khi hệ thống lắp đặt có trang bị RCD kiểu AC, phương tiện bảo vệ dòng điện sự cố với tính năng tối thiểu bằng kiểu A bổ sung cho thiết bị thích hợp đảm bảo việc ngắt nguồn trong trường hợp dòng điện sự cố một chiều lớn hơn 6 mA được cung cấp bởi thiết bị cấp điện cho EV.
CHÚ THÍCH 6: Ở Mỹ và Canada, yêu cầu sử dụng hệ thống bảo vệ được thiết kế để ngắt mạch điện đến tải khi:
- dòng điện sự cố chạm đất vượt quá giá trị xác định trước mà nhỏ hơn giá trị đó đòi hỏi tác động thiết bị bảo vệ quá dòng của mạch nguồn.
- tuyến nối đất trở nên hở mạch hoặc có trở kháng quá mức, hoặc tuyến nối đất được phát hiện trên hệ thống được cách ly (hoặc không nối đất).
CHÚ THÍCH 7: Ở Nhật, Thụy Điển, Anh và Canada, cho phép sử dụng RCD kiểu AC đối với EV được nối bởi Chế độ 1 với các hệ thống lắp đặt điện trong nhà.
CHÚ THÍCH 8: Ở Mỹ và Canada, yêu cầu thiết bị đo dòng điện rò sử dụng mạng nhạy với tần số và tác động ở các mức xác định trước của dòng điện rò đến 20 mA, dựa trên tần số.
CHÚ THÍCH 9: PRCD như mô tả trong IEC 61540 hoặc IEC 62335, có thể được sử dụng để cải thiện bảo vệ khi đấu nối với các mạng nguồn cấp điện xoay chiều hiện có ở Chế độ 1.
8.6 Yêu cầu về an toàn đối với các mạch báo hiệu giữa EV và thiết bị cấp điện cho EV
Mạch điện bất kỳ để báo hiệu, nhô ra khỏi vỏ bọc của thiết bị cấp điện cho EV để nối với EV (ví dụ mạch điều khiển quá trình sạc) phải có điện áp cực thấp (SELV hoặc PELV) theo TCVN 7447-4-41 (IEC 60364-4-41).
8.7 Biến áp cách ly
Biến áp cách ly (không kể biến áp cách ly an toàn được sử dụng để báo hiệu) phải phù hợp với các yêu cầu của TCVN 12237-1 (IEC 61558-1) và TCVN 12237-2-4 (IEC 61558-2-4).
Kiểm tra sự phù hợp bằng cách xem xét.
9 Yêu cầu đối với giao diện điện dẫn
9.1 Quy định chung
Điều 9 đưa ra mô tả các yêu cầu về giao diện điện dẫn.
9.2 Mô tả chức năng của các phụ kiện tiêu chuẩn
Các phụ kiện tiêu chuẩn được sử dụng cho thiết bị cấp điện cho EV phải theo IEC 60309-1, IEC 60309-2 hoặc TCVN 6188-1 (IEC 60884-1) hoặc tiêu chuẩn quốc gia khác. Các phụ kiện tiêu chuẩn có khả năng kết hợp với các giao diện mô tả trong bộ tiêu chuẩn IEC 60320 không được sử dụng cho thiết bị cấp điện cho EV.
Kiểm tra sự phù hợp bằng cách xem xét.
CHÚ THÍCH 1: Ở Anh, TCVN 6188-1 (IEC 60884-1), TCVN 6188-2-5 (IEC 60884-2-5) và tất cả các phần khác của bộ tiêu chuẩn TCVN 6188 (IEC 60884) là không cần thiết và không áp dụng. Áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia cho phích cắm và ổ cắm dùng cho mục đích gia dụng.
Ổ cắm và phích cắm được thiết kế cho mục đích gia dụng và mục đích tương tự có thể không được thiết kế cho việc lấy dòng điện kéo dài hoặc sử dụng liên tục ở các dòng điện danh định lớn nhất và có thể phải tuân thủ các quy định kỹ thuật quốc gia và các tiêu chuẩn quốc gia đối với việc cấp nguồn năng lượng cho EV.
CHÚ THÍCH 2: Ở Mỹ và Canada, bảo vệ quá dòng mạch nhánh được dựa trên 125 % dòng điện danh định.
CHÚ THÍCH 3: Ở Mỹ, có thể áp dụng các yêu cầu cụ thể cho việc sử dụng các phụ kiện để nguồn năng lượng cho EV.
CHÚ THÍCH 4: Ở Pháp, thiết bị cấp điện cho EV có trang bị phích cắm dùng cho mục đích gia dụng và mục đích tương tự, dòng điện lớn nhất danh định là 8 A nếu chu kỳ sạc có thể vượt quá 2 h.
CHÚ THÍCH 5: Ở Na Uy, thiết bị cấp điện cho EV có trang bị phích cắm dùng cho mục đích gia dụng và mục đích tương tự, nếu chu kỳ sạc có thể vượt quá 2 h thì dòng điện lớn nhất danh định là 10 A.
CHÚ THÍCH 6: Ở Đan Mạch, thiết bị cấp điện cho EV có trang bị phích cắm dùng cho mục đích gia dụng và mục đích tương tự, nếu các tải lặp lại liên tục trong thời gian dài phải được giới hạn ở 6 A.
CHÚ THÍCH 7: Ở Thụy Sỹ, phích cắm và ổ cắm theo IEC 60309-2 được khuyến cáo dùng cho các đấu nối Chế độ 1 và Chế độ 2 lớn hơn 8 A (2 kVA).
CHÚ THÍCH 8: Ở Nhật, khuyến cáo sử dụng ổ cắm 20 A cho điện xoay chiều 200 V.
9.3 Mô tả chức năng của giao diện cơ bản
Các yêu cầu chung và thông số đặc trưng phải theo các yêu cầu quy định trong IEC 62196-1.
Giao diện cơ bản được quy định trong 6.5 của IEC 62196-1:2014.
Phải chỉ ra các tiếp điểm sau:
• đến ba pha (L1, L2, L3);
• trung tính (N);
• dây bảo vệ (PE);
• điều khiển quá trình sạc (CP);
• tiếp xúc tiệm cận (PP).
Nó có thể được sử dụng cho một pha hoặc ba pha hoặc cả hai.
Các thông số đặc trưng và các yêu cầu để sử dụng giao diện cơ bản phải theo các yêu cầu quy định trong IEC 62196-2.
9.4 Mô tả chức năng của giao diện chung
Các yêu cầu chung và thông số đặc trưng phải theo các yêu cầu quy định trong IEC 62196-1.
Giao diện chung được quy định trong 6.4 và Bảng 2 của IEC 62196-1:2014.
9.5 Mô tả chức năng của giao diện điện một chiều
Các yêu cầu chung và thông số đặc trưng phải theo các yêu cầu quy định trong IEC 62196-1.
Giao diện, kết cấu và thông số đặc trưng điện một chiều được quy định trong 6.6 và Bảng 4 của IEC 62196-1:2014.
Các thông số đặc trưng và các yêu cầu để sử dụng giao diện điện một chiều phải theo các yêu cầu quy định trong IEC 62196-3.
9.6 Bản mô tả chức năng của giao diện kết hợp
Giao diện kết hợp được quy định trong 6.7 và Bảng 5 của IEC 62196-1:2014.
Các yêu cầu chung và thông số đặc trưng phải theo các yêu cầu quy định trong IEC 62196-1.
Các thông số đặc trưng và các yêu cầu để sử dụng giao diện kết hợp với điện xoay chiều phải theo các yêu cầu quy định trong IEC 62196-2.
Các thông số đặc trưng và các yêu cầu để sử dụng giao diện kết hợp với điện một chiều phải theo các yêu cầu quy định trong IEC 62196-3.
9.7 Hệ thống đi dây cố định của dây trung tính
Trong trường hợp các phụ kiện theo IEC 62196 được sử dụng cho nguồn cấp điện ba pha, dây trung tính phải luôn được nối đến các phụ kiện này.
Trong trường hợp các phụ kiện theo IEC 62196 được sử dụng cho nguồn cấp điện một pha, các đầu nối L (L1) và N (trung tính) phải luôn được nối dây.
Kiểm tra sự phù hợp bằng cách xem xét.
CHÚ THÍCH: Ở Mỹ, Bỉ, Italia, Canada, Nhật, Thụy Sỹ và Na Uy, một số mạng nguồn xoay chiều không có dây trung tính.
Các hướng dẫn đi dây phải được cung cấp trong sổ tay hướng dẫn (xem 16.1).
10 Yêu cầu đối với bộ tiếp hợp
Bộ tiếp hợp của xe điện không được sử dụng để nối phích nối xe điện với ổ nối vào EV.
Bộ tiếp hợp giữa ổ cắm dùng cho EV và phích cắm dùng cho EV chỉ được sử dụng nếu được ấn định riêng và được nhà chế tạo xe điện hoặc nhà chế tạo thiết bị cấp điện cho EV chấp thuận, và phù hợp với các yêu cầu quốc gia, nếu có (xem 16.2).
Các bộ tiếp hợp phải phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn này, và các tiêu chuẩn liên quan khác chi phối các phần của phích cắm dùng cho EV hoặc ổ cắm dùng cho EV của bộ tiếp hợp. Bộ tiếp hợp phải được ghi nhãn để thể hiện các điều kiện sử dụng cụ thể được nhà chế tạo cho phép, ví dụ bộ tiêu chuẩn IEC 62196.
Các bộ tiếp hợp không được phép chuyển đổi từ chế độ này sang chế độ khác.
CHÚ THÍCH 1: Ở Italia, Thụy Điển, Bỉ và Thụy Sỹ, được phép sử dụng bộ tiếp hợp từ các ổ cắm tiêu chuẩn đến cụm cáp của xe điện Chế độ 3 duy trì các yêu cầu an toàn tổng thể của tiêu chuẩn này.
CHÚ THÍCH 2: Ở Pháp và Italia, được phép sử dụng các ổ cắm tiêu chuẩn đến cụm cáp có giao diện cơ bản hoặc giao diện chung mà duy trì các yêu cầu an toàn tổng thể của tiêu chuẩn này.
CHÚ THÍCH 3: Ở Thụy Điển, đối với Chế độ 1 và Chế độ 2, được phép sử dụng bộ dây nguồn ngắn có chiều dài nhỏ hơn hơn 30 cm và có phích cắm tiêu chuẩn và không thay đổi chế độ cho thiết bị cấp điện cho EV.
CHÚ THÍCH 4: Ở Thụy Sỹ, được phép sử dụng cụm cáp của bộ tiếp hợp có phích cắm theo TCVN 6188 (IEC 60884) và ổ cắm theo IEC 60309, không có thay đổi chế độ, có chiều dài nhỏ hơn 30 cm và bảo vệ chống quá dòng 8 A trong phần phích cắm.
11 Yêu cầu đối với cụm cáp
11.1 Quy định chung
Cụm cáp phải có cáp phù hợp với ứng dụng.
CHÚ THÍCH: IEC 62893 là tiêu chuẩn dùng cho một số loại cáp của thiết bị cấp điện cho EV.
Cụm cáp không được phép chuyền từ chế độ này sang chế độ khác. Điều này không liên quan đến các cụm cáp Chế độ 2 có kết cấu theo IEC 62752.
11.2 Thông số đặc trưng về điện
Đối với trường hợp C, thông số đặc trưng về điện áp và dòng điện của cụm cáp phải tương thích với thông số đặc trưng của thiết bị cấp điện cho EV.
Đối với các phụ kiện đòi hỏi ghi mã dòng điện theo Phụ lục B và IEC 62196-2, giá trị lớn nhất của mã dòng điện như thể hiện trong Điều B.2 phải phù hợp với thông số đặc trưng của dòng điện của cụm cáp.
Cáp được sử dụng với các phụ kiện theo IEC 62196-2 đối với Chế độ 3 trường hợp B, phải có giá trị I2t nhỏ nhất là 75 000 A2s.
Kiểm tra sự phù hợp bằng cách xem xét.
CHÚ THÍCH 1: IEC 62893 cho cáp sạc EV đang được xem xét.
CHÚ THÍCH 2: Ở Mỹ (kiểu cáp EV, họ EVJ), Nhật (VCT, v.v.), các loại cáp cụ thể dùng cho các cụm cáp được yêu cầu bởi quy định kỹ thuật quốc gia.
CHÚ THÍCH 3: Giá trị I2t có thể được đánh giá theo 434.5.2 của TCVN 7447-4-43:2010 (IEC 60364-4-43:2008).
11.3 Khả năng chịu điện môi
Khả năng chịu điện môi của cụm cáp phải được chỉ ra đối với thiết bị cấp điện cho EV trong 12.7.
Đối với thiết bị Cấp I: giữa phần mang điện và đất với điện áp thử nghiệm dùng cho thiết bị Cấp I;
Đối với thiết bị Cấp II: giữa phần mang điện và phần dẫn hở với điện áp thử nghiệm dùng cho thiết bị Cấp II.
11.4 Yêu cầu về kết cấu
Cụm cáp phải được kết cấu sao cho nó không thể được sử dụng như một bộ dây nguồn kéo dài.
CHÚ THÍCH: Như trong IEC 62196-1, phích cắm và phích nối được thiết kế không phù hợp với nhau.
Cụm cáp có thể lắp với tấm chắn bằng kim loại nối đất.
Cách điện của cáp phải chịu được ăn mòn và duy trì tính mềm dẻo trên toàn dải nhiệt độ yêu cầu bởi phân loại của thiết bị cấp điện cho EV.
Kiểm tra sự phù hợp bằng cách xem xét.
11.5 Kích thước cáp
Chiều dài lớn nhất của cáp phải phù hợp với các quy phạm quốc gia nếu có.
CHÚ THÍCH 1: Ở Mỹ, chiều dài tổng của cáp nguồn EV không vượt quá 7,5 m trừ khi có trang bị hệ thống quản lý cáp như yêu cầu bởi quy phạm quốc gia và quy định kỹ thuật quốc gia.
CHÚ THÍCH 2: Ở Thụy Sỹ, chiều dài tổng của cáp nguồn EV không vượt quá 5 m trừ khi có trang bị hệ thống quản lý cáp như yêu cầu bởi quy phạm quốc gia và quy định kỹ thuật quốc gia.
Kiểm tra sự phù hợp bằng cách xem xét.
11.6 Cơ cấu giảm sức căng
Cơ cấu giảm sức căng của cáp trong phích nối xe điện, phích cắm dùng cho EV hoặc trong phích cắm tiêu chuẩn phải như quy định trong tiêu chuẩn sản phẩm liên quan (ví dụ IEC 62196-1, IEC 60309-1 hoặc TCVN 6188-1 (IEC 60884-1)).
Đối với trường hợp C, cơ cấu giảm sức căng ở thiết bị cấp điện cho EV phải phù hợp với các yêu cầu trong IEC 62196-1.
11.7 Phương tiện quản lý và phương tiện bảo quản các cụm cáp
Đối với thiết bị cấp nguồn trường hợp C, phương tiện bảo quản phải được cung cấp đối với phích cắm xe điện khi không sử dụng.
Đối với thiết bị cấp nguồn trường hợp C, điểm thấp nhất của phích cắm xe điện khi được bảo quản phải ở độ cao từ 0,5 m đến 1,5 m tính từ mức mặt đất.
CHÚ THÍCH: Ở Mỹ, các yêu cầu liên quan đến người khuyết tật được cho trong các quy định kỹ thuật quốc gia.
Đối với các trạm sạc EV trường hợp C có các cáp dài hơn 7,5 m, phải có hệ thống quản lý cáp. Chiều dài cáp tự do không được vượt quá 7,5 m khi không sử dụng.
Phải đảm bảo việc ngăn ngừa quá nhiệt của cáp hoặc các cụm cáp được sử dụng ở vị trí bảo quản hoặc bảo quản một phần.
Kiểm tra sự phù hợp theo Điều 22 của IEC 61316:1999 đối với bảo quản bằng tời cáp.
12 Yêu cầu và thử nghiệm kết cấu đối với thiết bị cấp điện cho EV
12.1 Quy định chung
Phương tiện điều khiển và phương tiện bảo vệ ở thiết bị cấp điện cho EV Chế độ 2 được thiết kế để sử dụng như thiết bị đặt tĩnh tại và thiết bị di động phải phù hợp với IEC 61851-1 và IEC 62752.
Đối với thiết bị cấp điện cho EV trường hợp C, cụm cáp đầu ra được coi là một phần của cụm lắp ráp dùng cho mục đích thử nghiệm.
Thiết bị điện và linh kiện điện của thiết bị cấp điện cho EV phải phù hợp với các tiêu chuẩn liên quan của nó. Các thử nghiệm thiết bị và linh kiện phải được tiến hành với mẫu hoặc phần di chuyển được của nó, được đặt ở vị trí bất lợi nhất có thể xảy ra trong sử dụng bình thường.
Đối với môi trường cực đoan hoặc các điều kiện vận hành đặc biệt, xem IEC TS 61439-7.
CHÚ THÍCH 1: Ở Nhật, Mỹ và Canada, có các yêu cầu khác cần đáp ứng đối với thiết bị cấp điện cho EV.
CHÚ THÍCH 2: Ở Thụy Điển, như một ngoại lệ của 10.2.101 và 10.2.102 của IEC TS 61439-1:2014, sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu của IP XXB sau khi thử nghiệm.
12.2 Đặc tính của cơ cấu đóng cắt cơ khí
12.2.1 Quy định chung
Cơ cấu đóng cắt cơ khí trong thiết bị cấp điện cho EV được thiết kế để cấp nguồn cho các điểm đấu nối phải phù hợp với các tiêu chuẩn liên quan của nó, với tối thiểu là các đặc tính cho trong 12.2.
12.2.2 Cơ cấu đóng cắt và cơ cấu đóng cắt-dao cách ly
Cơ cấu đóng cắt và cơ cấu đóng cắt-dao cách ly phải phù hợp với TCVN 6592-3 (IEC 60947-3).
Đối với các ứng dụng xoay chiều, cơ cấu đóng cắt và cơ cấu đóng cắt-dao cách ly phải có dòng điện danh định, ở cấp sử dụng tối thiểu là AC-22A, không nhỏ hơn dòng điện danh định của mạch điện mà chúng được thiết kế để làm việc.
Đối với các ứng dụng một chiều, cơ cấu đóng cắt và cơ cấu đóng cắt-dao cách ly phải có dòng điện danh định, ở cấp sử dụng tối thiểu là DC-21A, không nhỏ hơn dòng điện danh định của mạch điện mà chúng được thiết kế để làm việc.
Kiểm tra sự phù hợp bằng cách xem xét.
CHÚ THÍCH: Ở Nhật, các tiêu chuẩn quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đưa ra các yêu cầu khác nhau.
12.2.3 Côngtắctơ
Côngtắctơ phải phù hợp với TCVN 6592-4-1 (IEC 60947-4-1).
Đối với ứng dụng xoay chiều, côngtắctơ phải có dòng điện danh định, ở cấp sử dụng tối thiểu là AC-1, không nhỏ hơn dòng điện danh định của mạch điện mà chúng được thiết kế để làm việc.
Đối với ứng dụng một chiều, côngtắctơ phải có dòng điện danh định, ở cấp sử dụng tối thiểu là DC-1, không nhỏ hơn dòng điện danh định của mạch điện mà chúng được thiết kế để làm việc.
Kiểm tra sự phù hợp bằng cách xem xét.
CHÚ THÍCH: Ở Nhật, các tiêu chuẩn quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đưa ra các yêu cầu khác nhau.
12.2.4 Áptômát
Áptômát phải phù hợp với TCVN 6434-1 (IEC 60898-1) hoặc TCVN 6592-2 (IEC 60947-2) hoặc TCVN 6951-1 (IEC 61009-1).
Kiểm tra sự phù hợp bằng cách xem xét.
CHÚ THÍCH: Ở Nhật, các tiêu chuẩn quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đưa ra các yêu cầu khác nhau.
12.2.5 Rơle
Rơle được sử dụng để đóng cắt tuyến dòng điện chính phải phù hợp với IEC 61810-1 với các đặc tính tối thiểu sau:
• 50 000 chu kỳ,
• cấp tiếp điểm: CC 2.
12.2.6 Dòng điện khởi động
Thiết bị cấp điện xoay chiều cho EV phải chịu được dòng điện khởi động theo 8.2.2 của TCVN 12772:2020 (ISO 17409:2015).
Các giá trị sau được quy định trong TCVN 12772 (ISO 17409):
• Sau khi đóng côngtắctơ trong thiết bị cấp điện cho EV ở giá trị đỉnh của điện áp nguồn, thiết bị cấp điện cho EV phải có khả năng chịu được dòng điện đỉnh 230 A trong thời gian 100 μs.
• Trong giây tiếp theo, thiết bị cấp điện cho EV phải có khả năng chịu được 30 A (hiệu dụng).
Kiểm tra sự phù hợp với yêu cầu này có thể được kiểm tra bằng thử nghiệm trên thiết bị cấp điện cho EV hoàn chỉnh hoặc trên cơ cấu đóng cắt riêng rẽ theo IEC TS 61439-7.
CHÚ THÍCH: Ví dụ về thử nghiệm được cho trong 9.8 của IEC 62752:2016.
Phương tiện bảo vệ phải được chọn để không tác động với dòng điện khởi động.
12.2.7 Thiết bị theo dõi dòng điện dư một chiều (RDC MD)
Nội dung này sẽ được đưa vào IEC 62955.
12.3 Khe hở không khí và chiều dài đường rò
Khe hở không khí và chiều dài đường rò trong thiết bị cấp điện cho EV, được lắp đặt như thiết kế bởi nhà chế tạo, phải phù hợp với các yêu cầu quy định trong TCVN 10884-1 (IEC 60664-1).
Các phần của thiết bị cấp điện cho EV được nối trực tiếp với mạng nguồn xoay chiều công cộng phải được thiết kế theo quá điện áp cấp IV.
Thiết bị cấp điện cho EV nối cố định phải được thiết kế theo quá điện áp cấp III nhỏ nhất ngoại trừ ổ cắm hoặc phích nối xe điện trong trường hợp C khi áp dụng quá điện áp cấp II nhỏ nhất.
Thiết bị cấp điện cho EV được cấp nguồn thông qua cáp và phích cắm phải được thiết kế theo quá điện áp cấp II nhỏ nhất.
Thiết bị được thiết kế để sử dụng trong các điều kiện cấp quá điện áp cao hơn phải có thiết bị bảo vệ quá điện áp thích hợp (xem 4.3.3.6 của TCVN 10884-1:2015 (IEC 60664-1:2007)).
12.4 Cấp bảo vệ bằng vỏ ngoài (mã IP)
12.4.1 Cấp bảo vệ chống các vật rắn từ bên ngoài và nước đối với vỏ ngoài
Vỏ ngoài của thiết bị cấp điện cho EV phải có cấp IP theo TCVN 4255 (IEC 60529) như sau:
• Sử dụng trong nhà: tối thiểu IP41;
• Sử dụng ngoài trời: tối thiểu IP44.
Kiểm tra sự phù hợp bằng thử nghiệm theo TCVN 4255 (IEC 60529).
Cấp IP nhỏ nhất đối với ổ cắm và phích nối xe điện phải phù hợp với các tiêu chuẩn thích hợp của nó.
IPX4 có thể đạt được bằng cách kết hợp ổ cắm hoặc phích nối và nắp hoặc mũ, vỏ ngoài của thiết bị cấp điện cho EV hoặc vỏ ngoài của EV.
12.4.2 Cấp bảo vệ chống sự thâm nhập của vật rắn từ bên ngoài và nước đối với các giao diện cơ bản, giao diện chung, giao diện kết hợp và giao diện điện một chiều
Cấp IP nhỏ nhất đối với sự thâm nhập của vật rắn và chất lỏng phải là:
• Sử dụng trong nhà:
- phích nối xe điện kết hợp với lối vào của xe điện: IP21;
- phích cắm dùng cho EV kết hợp với ổ cắm dùng cho EV: IP21;
- phích nối xe điện đối với trường hợp C khi không kết hợp: IP21;
- phích nối xe điện đối với trường hợp B khi không kết hợp: IP24.
• Sử dụng ngoài trời:
- phích nối xe điện kết hợp với lối vào của xe điện: IP44;
- phích cắm dùng cho EV kết hợp với ổ cắm dùng cho EV: IP44;
- phích nối xe điện khi không kết hợp: IP24;
- phích nối xe điện đối với trường hợp B khi không kết hợp: IP24;
- ổ cắm khi không kết hợp: IP24.
Kiểm tra sự phù hợp bằng thử nghiệm theo TCVN 4255 (IEC 60529).
IPX4 có thể đạt được bằng cách kết hợp ổ cắm hoặc phích nối và nắp hoặc mũ, vỏ ngoài của thiết bị cấp điện cho EV hoặc vỏ ngoài của EV.
CHÚ THÍCH: Ở Mỹ và Canada, ngón tay thử nghiệm có khớp UL được sử dụng theo quy định kỹ thuật quốc gia.
12.5 Điện trở cách điện
Điện trở cách điện được đo với điện áp một chiều 500 V đặt vào giữa tất cả các đầu vào/đầu ra được nối với nhau (kể cả nguồn điện) và các phần tiếp cận được phải bằng:
• R > 1 MΩ đối với thiết bị cấp điện cho EV cấp I;
• R > 7 MΩ đối với thiết bị cấp điện cho EV cấp II.
Đối với thử nghiệm này, tất cả các mạch điện áp cực thấp (ELV) phải được nối với các phần tiếp cận được trong suốt thử nghiệm. Phép đo điện trở cách điện phải được thực hiện với trở kháng bảo vệ được ngắt ra, và sau khi đặt điện áp thử nghiệm trong thời gian 1 min và ngay sau khi thử nghiệm nóng ẩm liên tiếp của TCVN 7699-2-78 (IEC 60068-2-78), thử nghiệm Ca, ở 40 °C ± 2 °C và độ ẩm tương đối 93 % trong bốn ngày.
Thử nghiệm ổn định trong thử nghiệm cách điện và dòng điện chạm có thể tránh được nếu việc ổn định cho thử nghiệm ở 12.9 sau đó là thử nghiệm ở 12.5, 12.6 và thử nghiệm cuối cùng ở 12.9 được thực hiện theo trình tự đó.
12.6 Dòng điện chạm
Đo dòng điện chạm giữa các cực của mạng nguồn xoay chiều bất kỳ và phần kim loại tiếp cận được được nối với nhau, và với lá kim loại phủ các phần bên ngoài được cách điện, theo IEC 60990 và các giá trị đo được không được vượt quá các giá trị cho trong Bảng 1.
Dòng điện chạm phải được đo trong một giờ sau khi thử nghiệm nóng ẩm liên tiếp của TCVN 7699-2-78 (IEC 60068-2-78), thử nghiệm Ca, ở 40 °C ± 2 °C và độ ẩm tương đối 93 % trong bốn ngày, với trạm sạc EV được nối với mạng cấp nguồn AC theo IEC 60990.
Điện áp thử nghiệm phải bằng 1,1 lần điện áp lớn nhất danh định.
Bảng 1 - Các giới hạn dòng điện chạm
| Cấp 1 | Cấp II |
Giữa các cực của mạng bất kỳ và các phần kim loại tiếp cận được được nối với nhau và nối với lá kim loại bọc các phần bên ngoài được cách điện | 3,5 mA | 0,25 mA |
Giữa các cực của mạng bất kỳ và các phần kim loại không tiếp cận được bình thường không được kích hoạt (trong trường hợp cách điện kép) | Không áp dụng | 3,5 mA |
Giữa các phần không tiếp cận được và tiếp cận được được nối với nhau và nối với lá kim loại bọc các phần bên ngoài được cách điện (cách điện bổ sung) | Không áp dụng | 0,5 mA |
Thử nghiệm này phải được thực hiện khi thiết bị cấp điện cho EV làm việc với tải điện trở ở công suất ra danh định.
Mạch điện được nối thông qua điện trở cố định hoặc được tham chiếu với đất (ví dụ chức năng cảm ứng vị trí và chức năng điều khiển quá trình sạc) được ngắt ra trước thử nghiệm này.
Thiết bị được nuôi thông qua biến áp cách ly hoặc được lắp đặt theo cách sao cho chúng được cách ly với đất.
12.7 Điện áp chịu thử điện môi
12.7.1 Điện áp chịu thử xoay chiều
Điện áp chịu thử điện môi, ở tần số nguồn 50 Hz hoặc 60 Hz, phải được đặt vào trong 1 min như sau:
1) Đối với thiết bị cấp điện cho EV cấp I.
(Un + 1 200 V) hiệu dụng ở phương thức chung (tất cả các mạch điện liên quan đến các phần dẫn hở) và phương thức vi sai (giữa từng mạch điện độc lập về điện và tất cả các phần dẫn điện để hở hoặc mạch điện khác) như quy định trong 5.3.3.2 của TCVN 10884-1:2015 (IEC 60664-1:2007).
CHÚ THÍCH 1: Un là điện áp danh nghĩa pha-trung tính của hệ thống nguồn có trung tính nối đất.
2) Đối với thiết bị cấp điện cho EV cấp II.
Hai lần (Un + 1 200 V) hiệu dụng ở phương thức chung (tất cả các mạch điện liên quan đến các phần dẫn hở) và phương thức vi sai (giữa từng mạch điện độc lập về điện và tất cả các phần dẫn điện để hở hoặc mạch điện khác) như quy định trong 5.3.3.2.3 của TCVN 10884-1:2015 (IEC 60664-1:2007).
3) Đối với cả thiết bị cấp điện xoay chiều cho EV cấp I và cấp II ở đó có cách điện giữa mạng nguồn xoay chiều và mạch điện áp cực thấp bằng hai lần cách điện kép hoặc cách điện tăng cường, phải đặt vào cách điện một điện áp bằng 2 lần (Un + 1 200 V) hiệu dụng.
Một cách khác, thử nghiệm có thể được tiến hành bằng cách sử dụng điện áp một chiều bằng giá trị đỉnh của điện áp xoay chiều.
Đối với thử nghiệm này, tất cả các thiết bị điện phải được nối, ngoại trừ các thiết bị mà theo quy định kỹ thuật liên quan, được thiết kế cho điện áp thử nghiệm thấp hơn; thiết bị tiêu thụ dòng (ví dụ cuộn dây, thiết bị đo, thiết bị triệt đột biến điện áp) trong đó việc đặt điện áp có thể gây ra dòng điện thì phải được ngắt ra. Thiết bị này phải được ngắt ra ở một trong các đầu nối của nó trừ khi chúng được thiết kế để chịu được điện áp thử nghiệm đầy đủ, trong trường hợp như vậy tất cả các đầu nối có thể được ngắt ra.
CHÚ THÍCH 2: Đối với dung sai điện áp thử nghiệm và việc chọn thiết bị thử nghiệm, xem TCVN 11325 (IEC 61180).
12.7.2 Khả năng chịu thử điện môi xung (1,2 μs/50 μs)
Khả năng chịu thử điện môi của mạch điện trong thử nghiệm xung phải được thử nghiệm theo TCVN 10884-1 (IEC 60664-1).
Điện áp xung phải được đặt vào các phần mang điện và phần dẫn hở.
Thử nghiệm phải được tiến hành theo các yêu cầu trong TCVN 11325 (IEC 61180).
Các phần của thiết bị cấp điện cho EV được nối trực tiếp với mạng nguồn xoay chiều công cộng phải được thử nghiệm theo quá điện áp cấp IV.
Thiết bị cấp điện cho EV nối cố định phải được thử nghiệm theo quá điện áp cấp III ngoại trừ ổ cắm hoặc phích nối xe điện trong trường hợp C thì áp dụng quá điện áp cấp II.
Thiết bị cấp điện cho EV được cấp nguồn thông qua cáp và phích cắm phải được thử nghiệm theo quá điện áp cấp II.
12.8 Độ tăng nhiệt
Thiết bị cấp điện cho EV phải phù hợp với IEC TS 61439-7.
12.9 Thử nghiệm chức năng nóng ẩm
Sau ổn định được xác định như dưới đây, thiết bị cấp điện cho EV được coi là đạt thử nghiệm nếu nó đạt trình tự thử nghiệm bình thường theo A.4.7 của Phụ lục A. Độ chính xác của việc định thời gian không cần thiết phải kiểm tra.
Ổn định:
- Đối với các khối sử dụng trong nhà, 6 chu kỳ mỗi chu kỳ 24 h theo thử nghiệm chu kỳ nóng ẩm theo IEC 60068-2-30 (Thử nghiệm Db) ở (40 ± 3) °C và độ ẩm tương đối 95 %.
- Đối với các khối sử dụng ngoài trời, hai giai đoạn 12 ngày, mỗi giai đoạn gồm 5 chu kỳ 24 h mỗi chu kỳ theo thử nghiệm chu kỳ nóng ẩm trong IEC 60068-2-30 Thử nghiệm Db) ở (40 ± 3) °C và độ ẩm tương đối 95 %.
12.10 Thử nghiệm chức năng nhiệt độ nhỏ nhất
Thiết bị cấp điện cho EV phải được ổn định trước theo TCVN 7699-2-1 (IEC 60068-2-1), Thử nghiệm Ab, ở nhiệt độ làm việc nhỏ nhất (-5 °C đối với sử dụng trong nhà, -25 °C đối với sử dụng ngoài trời hoặc giá trị thấp hơn do nhà chế tạo công bố ± 3 K) trong (16 ± 1) h.
Thiết bị cấp điện cho EV được coi là đạt thử nghiệm nếu, ngay sau quá trình ổn định trước, nó đạt trình tự thử nghiệm theo A.4.7 của Phụ lục A trong khi ở nhiệt độ làm việc nhỏ nhất. Độ chính xác của việc định thời gian không cần thiết phải kiểm tra.
12.11 Độ bền cơ
Đối với thiết bị cấp điện cho EV Chế độ 2, cấp bảo vệ bằng vỏ ngoài nhỏ nhất chống các va đập về cơ khí phải là IK08 theo IEC 62262.
Sau thử nghiệm, các mẫu phải cho thấy:
- cấp IP theo 12.4 không bị ảnh hưởng;
- không có phần nào di chuyển, nới lỏng, rời ra hoặc biến dạng đến mức ảnh hưởng đến các chức năng an toàn;
- thử nghiệm không gây ra tình trạng khiến cho thiết bị không còn phù hợp với các yêu cầu của cơ cấu giảm sức căng, nếu áp dụng được;
- thử nghiệm không làm giảm chiều dài đường rò và khe hở không khí giữa các phần mang điện không được cách điện có cực tính ngược nhau, các phần mang điện không được bọc cách điện và các phần kim loại được nối đất tiếp cận được xuống thấp hơn các giá trị nhỏ nhất chấp nhận được;
- thử nghiệm không gây ra bằng chứng hỏng hóc bất kỳ mà có thể làm tăng rủi ro cháy hoặc điện giật.
13 Bảo vệ quá tải và bảo vệ ngắn mạch
13.1 Quy định chung
Trong trường hợp các điểm đấu nối có thể được sử dụng đồng thời và được thiết kế để được cấp nguồn từ cùng một đường dây vào thì chúng phải có bảo vệ riêng rẽ lắp trong thiết bị cấp điện cho EV. Nếu thiết bị cấp điện cho EV có nhiều hơn một điểm đấu nối thì các điểm đấu nối này có thể có phương tiện bảo vệ quá tải chung và có thể có phương tiện bảo vệ ngắn mạch chung nếu các phương tiện bảo vệ này cung cấp bảo vệ cần thiết cho từng điểm đấu nối (ví dụ thiết bị bảo vệ chung phải có thông số đặc trưng không cao hơn thông số đặc trưng nhỏ nhất của các điểm đấu nối).
CHÚ THÍCH 1: Cấu hình này có thể có tác động đến khả năng sẵn có, mà có thể được giải quyết bằng việc quản lý tải thích hợp (ví dụ chia sẻ tải).
Nếu thiết bị cấp điện cho EV có nhiều hơn một điểm đấu nối mà không thể được sử dụng đồng thời thì các điểm đấu nối này có thể có các phương tiện bảo vệ chung.
Thiết bị bảo vệ quá dòng phải phù hợp với TCVN 6592-2 (IEC 60947-2), IEC 60947-6-2 hoặc TCVN 6951-1 (IEC 61009-1) hoặc với phần liên quan của bộ tiêu chuẩn TCVN 6434 (IEC 60898) và bộ tiêu chuẩn IEC 60269.
CHÚ THÍCH 2: Ở Mỹ, Nhật và Canada, phương pháp bảo vệ chống quá dòng và quá điện áp phù hợp với quy phạm quốc gia.
CHÚ THÍCH 3: Ở Mỹ và Canada, bảo vệ quá dòng mạch điện nhánh được dựa trên 125 % thông số đặc trưng của thiết bị.
CHÚ THÍCH 4: Ở Mỹ và Canada, sạc điện EV được coi là tải liên tục và được giới hạn ở 80 % thông số đặc trưng của cầu chảy hoặc của áptômát của mạch điện nhánh bởi quy định quốc gia.
CHÚ THÍCH 5: Thiết bị bảo vệ có thể được cung cấp bên trong thiết bị cấp điện cho EV, trong hệ thống lắp đặt cố định hoặc cả hai vị trí trên.
CHÚ THÍCH 6: Ở Nhật, tuyến nối đất của thiết bị phù hợp với yêu cầu thử nghiệm trong tiêu chuẩn quốc gia.
13.2 Bảo vệ quá tải của cụm cáp
Các trạm sạc EV hoặc thiết bị cấp điện cho EV Chế độ 2 phải có bảo vệ quá tải đối với tất cả các trường hợp đối với tất cả các kích cỡ ruột dẫn cáp nếu không được cung cấp bởi mạng nguồn phía nguồn.
Bảo vệ quá tải có thể được cung cấp bởi áptômát, cầu chảy hoặc kết hợp của chúng.
Nếu bảo vệ quá tải được cung cấp bởi phương tiện khác không phải áptômát, cầu chảy hoặc kết hợp của chúng thì phương tiện này phải tác động trong vòng 1 min nếu dòng điện vượt quá 1,3 lần dòng điện danh định của cụm cáp.
13.3 Bảo vệ ngắn mạch của cáp sạc
Trạm sạc EV hoặc thiết bị cấp điện cho EV Chế độ 2 phải có bảo vệ ngắn mạch đối với cụm cáp nếu không được cung cấp bởi mạng nguồn.
Trong trường hợp ngắn mạch, giá trị I2t ở ổ cắm dùng cho EV của trạm sạc Chế độ 3 không được vượt quá 75 000 A2s.
Trong trường hợp ngắn mạch, giá trị I2t ở phích nối xe điện (trường hợp C) của trạm sạc Chế độ 3 không được vượt quá 80 000 A2s.
CHÚ THÍCH 1: Điều này có thể đạt được bằng cách tích hợp thiết bị bảo vệ ngắn mạch thích hợp trong trạm sạc EV hoặc bằng cách cung cấp thông tin liên quan trong sổ tay hướng dẫn lắp đặt.
CHÚ THÍCH 2: Bảo vệ chống ngắn mạch có thể được cung cấp bên trong trạm sạc EV, trong hệ thống lắp đặt cố định hoặc trong cả hai.
CHÚ THÍCH 3: Giá trị 80 000 A2s là đồng nhất với giá trị cho trong TCVN 12772:2020 (ISO 17409:2015).
Giá trị thực của dòng điện ngắn mạch kỳ vọng được đánh giá tại điểm ở đó nối cụm cáp.
14 Tự động đóng lại thiết bị bảo vệ
Đóng lại tự động hoặc từ xa các thiết bị bảo vệ sau khi tác động trong thiết bị cấp điện cho EV chỉ có thể xảy ra trong trường hợp đáp ứng yêu cầu sau:
• ổ cắm không được kết hợp với phích cắm. Điều này có thể kiểm tra bằng thiết bị cấp điện cho EV.
Đối với đóng lại tự động hoặc từ xa, cho phép sử dụng các thiết bị tự động đóng lại (ARD) với phương tiện đánh giá.
Thiết bị cấp điện cho EV có thể đóng côngtắctơ trong chu kỳ đặt lại tự động hoặc từ xa để thiết lập độ dẫn giữa thiết bị bảo vệ và ổ cắm.
Bằng quy trình này, thiết bị cấp điện cho EV có thể kiểm tra mạch điện đến ổ cắm là không có dòng điện sự cố.
CHÚ THÍCH: Ở Đan Mạch, Anh, Pháp và Thụy Sỹ, không cho phép tự động đóng các phương tiện bảo vệ.
Đối với trường hợp C, thiết bị cấp điện cho EV không được đóng thiết bị bảo vệ một cách tự động hoặc từ xa.
15 Đóng cắt hoặc ngắt khẩn cấp (tùy chọn)
Cơ cấu đóng cắt hoặc ngắt khẩn cấp phải được sử dụng để ngắt mạng nguồn khỏi thiết bị cấp điện cho EV hoặc để ngắt (các) ổ cắm hoặc (các) cụm cáp khỏi mạng nguồn.
Thiết bị này phải được lắp đặt theo các quy tắc quốc gia.
Thiết bị này có thể là một phần của mạng nguồn hoặc trạm sạc EV hoặc thiết bị cấp nguồn Chế độ 2.
CHÚ THÍCH: Ở Mỹ và Canada, phương tiện ngắt khẩn cấp được cung cấp ở vị trí tiếp cận được đối với một số thiết bị cấp điện cho EV có thông số đặc trưng lớn hơn 60 A hoặc lớn hơn 150 V với đất theo các quy tắc quốc gia.
16 Ghi nhãn và hướng dẫn
16.1 Hướng dẫn lắp đặt các trạm sạc EV
Hướng dẫn lắp đặt các trạm sạc EV phải chỉ ra phân loại như cho trong Điều 5.
Nhà chế tạo thiết bị cấp điện cho EV phải quy định đặc tính giao diện quy định trong Điều 5 của IEC TS 61439-7:2014 trong sổ tay hướng dẫn trong trường hợp áp dụng được. Phải cung cấp hướng dẫn đi dây.
Nếu thiết bị bảo vệ được đưa vào trạm sạc EV thì sổ tay hướng dẫn phải chỉ ra đặc tính của các thiết bị bảo vệ này mô tả rõ kiểu và thông số đặc trưng. Thông tin này có thể có trong sơ đồ mạch điện chi tiết.
Nếu thiết bị bảo vệ không được đưa vào trạm sạc EV thì sổ tay hướng dẫn phải chỉ ra tất cả các thông tin cần thiết cho hệ thống lắp đặt của bảo vệ bên ngoài mô tả rõ kiểu và thông số đặc trưng của thiết bị cần sử dụng.
Sổ tay hướng dẫn lắp đặt nên được chuẩn bị sẵn sàng cho khách hàng.
Nếu trạm sạc EV có nhiều hơn một đấu nối thiết bị với mạng nguồn xoay chiều và không có bảo vệ riêng rẽ cho từng điểm đấu nối với xe điện thì sổ tay hướng dẫn lắp đặt phải chỉ ra rằng từng đấu nối của thiết bị với mạng nguồn xoay chiều đòi hỏi phải có bảo vệ riêng rẽ.
Sổ tay hướng dẫn lắp đặt phải chỉ ra nếu có chức năng tùy chọn cho thông gió được hỗ trợ bởi trạm sạc (6.3.2.2).
Sổ tay hướng dẫn lắp đặt phải chỉ ra các thông số đặc trưng hoặc thông tin khác chứng tỏ các điều kiện môi trường sử dụng đặc biệt (khắc nghiệt hoặc không bình thường), xem 5.3.
16.2 Sổ tay hướng dẫn sử dụng đối với thiết bị cấp điện cho EV
Thông tin người sử dụng phải được nhà chế tạo cung cấp trên thiết bị cấp điện cho EV hoặc trong sổ tay hướng dẫn sử dụng.
Thông tin này phải nêu:
• bộ tiếp hợp hoặc bộ tiếp hợp chuyển đổi nào được phép sử dụng, hoặc
• bộ tiếp hợp hoặc bộ tiếp hợp chuyển đổi nào không được phép sử dụng, hoặc
• không được phép sử dụng bộ tiếp hợp hoặc bộ tiếp hợp chuyển đổi, và
• không được phép sử dụng bộ dây nguồn kéo dài.
Sổ tay hướng dẫn sử dụng phải có thông tin về các hạn chế sử dụng của quốc gia.
16.3 Ghi nhãn thiết bị cấp điện cho EV
Nhà chế tạo thiết bị cấp điện cho EV phải cung cấp cho từng thiết bị cấp điện cho EV một hoặc nhiều nhãn, được ghi theo cách bền và đặt ở vị trí sao cho chúng có thể nhìn thấy và dễ đọc trong quá trình lắp đặt và bảo trì:
a) tên, họ, thương hiệu hoặc nhãn phân biệt của nhà chế tạo thiết bị cấp điện cho EV;
b) mã hiệu kiểu hoặc số nhận biết hoặc phương tiện nhận biết bất kỳ khác, để nó có thể có thông tin liên quan từ nhà chế tạo thiết bị cấp điện cho EV;
c) “chỉ sử dụng trong nhà” hoặc tương đương nếu được thiết kế chỉ để sử dụng trong nhà;
Nhà chế tạo thiết bị cấp điện cho EV phải cung cấp cho từng thiết bị cấp điện cho EV một hoặc nhiều nhãn được ghi theo cách bền và đặt ở vị trí sao cho chúng có thể nhìn thấy và dễ đọc trong quá trình lắp đặt và bảo trì:
d) phương tiện nhận biết ngày chế tạo;
e) kiểu dòng điện;
f) tần số và số pha trong trường hợp dòng điện xoay chiều;
g) điện áp danh định (đầu vào và đầu ra nếu khác nhau);
h) dòng điện danh định (đầu vào và đầu ra nếu khác nhau) và nhiệt độ môi trường được sử dụng để xác định dòng điện danh định;
i) cấp bảo vệ;
j) tất cả các thông tin cần thiết liên quan đến các phân loại, đặc tính và (các) hệ số đa dạng đặc biệt được công bố, các điều kiện môi trường sử dụng khắc nghiệt hoặc không bình thường, xem 5.3.
CHÚ THÍCH: Ở Mỹ và Canada, các điều kiện môi trường đặc biệt được yêu cầu phải ghi trên nhãn.
Kiểm tra sự phù hợp bằng cách xem xét và bằng 16.5.
16.4 Ghi nhãn của các cụm cáp sạc trường hợp B
Các cụm cáp đối với Chế độ 1 trường hợp B hoặc Chế độ 3 trường hợp B phải được ghi nhãn theo cách bền với thông tin sau:
a) tên hoặc thương hiệu của nhà chế tạo;
b) mã hiệu kiểu hoặc số nhận biết hoặc phương tiện nhận biết bất kỳ khác, để nó có thể có thông tin liên quan từ nhà chế tạo;
c) điện áp danh định;
d) dòng điện danh định;
e) số pha;
f) cấp bảo vệ.
CHÚ THÍCH: Ở Đức, tất cả các cụm cáp Chế độ 1 không có PRCD phải mang thông tin an toàn sau: “Không được sử dụng ở Đức”.
Ghi nhãn đối với toàn bộ cụm cáp phải được cung cấp theo cách rõ ràng bằng nhãn hoặc phương tiện tương đương.
Kiểm tra sự phù hợp bằng cách xem xét và bằng 16.5.
16.5 Thử nghiệm độ bền ghi nhãn
Ghi nhãn được thực hiện bằng cách đúc, dập, khắc hoặc tương tự, kể cả các nhãn có vỏ bọc bằng nhựa cán mỏng, không phải chịu thử nghiệm sau đây.
Ghi nhãn được yêu cầu bởi tiêu chuẩn này phải dễ đọc với thị lực được điều chỉnh, bền và có thể nhìn thấy trong khi sử dụng.
Kiểm tra sự phù hợp bằng cách xem xét và bằng cách chà xát nhãn bằng tay trong 15 s với miếng vải thấm đẫm nước và 15 s với miếng vải thấm đẫm spirit dầu mỏ.
CHÚ THÍCH: Spirit dầu mỏ được xác định là dung môi hexan có hàm lượng chất thơm tối đa 0,1 % về thể tích, giá trị kauributanol 29, điểm sôi ban đầu 65 °C, điểm sôi cuối cùng 69 °C và tỷ trọng xấp xỉ 0,68 g/cm3.
Sau thử nghiệm, ghi nhãn phải dễ đọc đối với thị lực bình thường hoặc có điều chỉnh nhưng không phóng đại. Không được có thể di chuyển tấm nhãn và chúng không được bị cong vênh.
Phụ lục A
(quy định)
Chức năng điều khiển quá trình sạc thông qua mạch điều khiển quá trình sạc sử dụng tín hiệu PWM và dây dẫn điều khiển quá trình sạc
A.1 Quy định chung
Phụ lục A mô tả chức năng điều khiển quá trình sạc thông qua mạch điện điều khiển quá trình sạc sử dụng điều chế độ rộng xung (PWM) đối với Chế độ 2, Chế độ 3 và Chế độ 4.
Hai loại chức năng điều khiển quá trình sạc có thể có: đơn giản (A.2.3) và thông thường (A.2.2).
Phụ lục A mô tả các tham số mạch điện và trình tự các sự kiện đối với các chức năng điều khiển quá trình sạc này. Các tham số được chỉ ra trong Phụ lục A được chọn để đảm bảo khả năng tương tác của hệ thống với các hệ thống được thiết kế theo tiêu chuẩn SAE J1772.
Yêu cầu bổ sung để thực hiện trong hệ thống Chế độ 4 được mô tả trong TCVN 13078-23 (IEC 61851-23).
Phụ lục A áp dụng được cho thiết bị cấp điện cho EV và EV sử dụng chức năng điều khiển quá trình sạc dựa trên tín hiệu PWM trong mạch điều khiển quá trình sạc.
A.2 Mạch điều khiển quá trình sạc
A.2.1 Quy định chung
Hình A.1 và Hình A.2 minh họa mạch điện tương đương của mạch điều khiển quá trình sạc. Thiết bị cấp điện cho EV phải đặt chu kỳ làm việc của tín hiệu điều khiển quá trình sạc PWM để chỉ thị dòng điện lớn nhất theo Bảng A.7. Dòng điện lớn nhất được truyền không được vượt quá giá trị theo 6.3.1.6.
Thiết bị cấp điện cho EV có thể mở cơ cấu đóng cắt cấp điện cho EV nếu EV lấy dòng điện cao hơn tín hiệu PWM (chu kỳ làm việc) chỉ ra. Trong trường hợp này, thiết bị cấp điện cho EV phải đáp ứng các điều kiện sau:
• thời gian đáp ứng cho phép của EV, theo Bảng A.6 (ví dụ trình tự 6).
• dung sai dòng điện liên quan đến chu kỳ làm việc phát ra bởi thiết bị cấp điện cho EV (điểm 1 phần trăm).
• các dung sai của phép đo dòng điện được sử dụng trong bản thân thiết bị cấp điện cho EV.
CHÚ THÍCH: Các dung sai tổng có thể cao hơn 15 %.
Mạch điều khiển quá trình sạc phải được thiết kế theo Hình A.1 hoặc Hình A.2 với các giá trị được xác định trong Bảng A.2, Bảng A.3 và Bảng A.4.
Chức năng của mạch điều khiển quá trình sạc phải tuân thủ các yêu cầu xác định trong Bảng A.4, Bảng A.6, Bảng A.7 và Bảng A.8.
A.2.2 Mạch điều khiển quá trình sạc thông thường
CHÚ DẪN:
G-PWM | Bộ phát tín hiệu PWM đối với chức năng điều khiển quá trình sạc | Vb | Phép đo EV của điện áp, chu kỳ làm việc và tần số |
Va | Điện áp dây dẫn điều khiển quá trình sạc được đo tại đầu ra của thiết bị cấp điện cho EV | CP | Tiếp điểm điều khiển quá trình sạc |
Vg | Điện áp nội của bộ phát tín hiệu PWM | Khung | Nối với khung của xe điện |
R1, Cs | Như xác định trong Bảng A.2 |
|
|
R2, R3, Cv, D | Như xác định trong Bảng A.3 |
|
|
Hình A.1 - Mạch điều khiển quá trình sạc thông thường (mạch điện tương đương)
Thiết bị cấp điện cho EV truyền thông bằng cách đặt chu kỳ làm việc của tín hiệu PWM hoặc tín hiệu điện áp một chiều liên tục (Bảng A.7).
Thiết bị cấp điện cho EV có thể thay đổi chu kỳ làm việc của tín hiệu PWM bất cứ lúc nào.
EV đáp ứng bằng cách đặt tải điện trở đến nửa sóng dương vào mạch điều khiển quá trình sạc.
Để có thêm thông tin về tín hiệu PWM, xem thêm Bảng A.2, Bảng A.3 và Bảng A.4.
EV sử dụng mạch điều khiển quá trình sạc thông thường (Hình A.1) phải có khả năng tạo ra trạng thái B và sử dụng nó theo trình tự quy định trong Bảng A.6.
EV sử dụng mạch điều khiển quá trình sạc thông thường phải xác định dòng điện lớn nhất từ thiết bị cấp điện cho EV từ chu kỳ làm việc của tín hiệu PWM (xem Bảng A.8).
A.2.3 Mạch điều khiển quá trình sạc đơn giản
CHÚ DẪN:
G-PWM | Bộ phát tín hiệu PWM đối với chức năng dẫn hướng | Vb | Phép đo EV của điện áp, chu kỳ làm việc và tần số |
Va | Điện áp dây dẫn hướng được đo tại đầu ra của thiết bị cấp điện cho EV | CP | Tiếp điểm điều khiển quá trình sạc |
Vg | Điện áp nội của bộ phát tín hiệu PWM | Khung | Nối với khung của xe điện |
R1, Cs | Như xác định trong Bảng A.2 |
|
|
Re, Cv, D | Như xác định trong Bảng A.3 |
|
|
Hình A.2 - Mạch điều khiển quá trình sạc đơn giản (mạch điện tương đương)
EV sử dụng mạch điều khiển quá trình sạc đơn giản phải tự nó giới hạn sạc điện một pha và không được lấy dòng điện quá 10 A.
Thiết bị cấp điện cho EV hỗ trợ EV sử dụng điều khiển quá trình sạc đơn giản phải điều biến tín hiệu PWM theo cách tương tự như với EV sử dụng mạch điều khiển quá trình sạc thông thường.
EV sử dụng mạch điều khiển quá trình sạc đơn giản (Hình A.2) không được có khả năng tạo ra tình trạng B.
EV sử dụng mạch điều khiển quá trình sạc đơn giản có thể đo chu kỳ làm việc.
Người thiết kế EV sử dụng mạch điều khiển quá trình sạc đơn giản cần nhận thức rằng thiết bị cấp điện cho EV có thể mở cơ cấu đóng cắt của nó, nếu thiết bị cấp điện cho EV chỉ thị dòng điện nhỏ hơn (bởi chu kỳ làm việc) so với dòng điện được EV lấy ra (xem A.2.1).
Không khuyến cáo sử dụng mạch điều khiển quá trình sạc đơn giản đối với thiết kế EV mới.
CHÚ THÍCH: Ở Mỹ và Canada, không cho phép sử dụng mạch điều khiển quá trình sạc đơn giản.
A.2.4 Các linh kiện bổ sung và các tín hiệu tần số cao
Truyền thông số như mô tả trong bộ tiêu chuẩn ISO 15118 có thể được tiến hành trên dây điều khiển quá trình sạc. Có thể cần các linh kiện bổ sung để ghép tín hiệu tần số cao này lên tín hiệu điều khiển quá trình sạc.
Các linh kiện bổ sung cần thiết cho ghép nối tín hiệu không được làm biến dạng tín hiệu điều khiển quá trình sạc quá các giới hạn xác định trong Bảng A.2 và Bảng A.4.
Kiểm tra sự phù hợp bằng thử nghiệm theo A.4.6.
Độ tự cảm lớn nhất của mạch điều khiển quá trình sạc của thiết bị cấp điện cho EV được giới hạn ở 1 mH (xem Bảng A.3).
Độ tự cảm lớn nhất của mạch điều khiển quá trình sạc của EV được giới hạn ở 1 mH (xem Bảng A.2).
CHÚ THÍCH: ISO 15118-3 đưa ra hướng dẫn lựa chọn các linh kiện làm nhụt.
Tín hiệu bổ sung đối với truyền thông số phải có tần số tối thiểu là 148 kHz.
Điện áp của tín hiệu tần số cao (được sử dụng cho truyền thông số) phải phù hợp với các giá trị cho trong Bảng A.1.
Bảng A.1 - Điện áp lớn nhất cho phép của tín hiệu tần số cao trên dây điều khiển quá trình sạc và dây bảo vệ
Tần số kHz | Giá trị đỉnh lớn nhất/Điện áp đỉnh V |
148-249 | 0,4 |
250-499 | 0,6 |
500-1 000 | 1,2 |
> 1 000 | 2,5 |
Một nhánh điện dung bổ sung (lớn nhất là 2 000 pF) (trên xe điện và trên thiết bị cấp điện cho EV) có thể được sử dụng để phát hiện các tín hiệu tần số cao, với điều kiện điện trở/trở kháng với đất cao hơn 10 kΩ. Nhánh điện dung/điện trở này thường được sử dụng cho các đầu vào tín hiệu và tự động điều khiển điện áp tín hiệu (xem Bảng A.1).
A.3 Yêu cầu đối với các tham số và đáp ứng của hệ thống
Các tham số mạch điều khiển quá trình sạc phải theo Bảng A.2 và Bảng A.3 và được thể hiện trên Hình A.1 và Hình A.2.
Bảng A.2 - Tham số và giá trị của mạch điều khiển quá trình sạc dùng cho thiết bị cấp điện cho EV
Tham số a | Ký hiệu | Giá trị nhỏ nhất | Giá trị thông thường | Giá trị lớn nhất | Đơn vị | Lưu ý |
Điện áp dương hở mạch của bộ phát c | Voch | 11,4 | 12 | 12,6 | V |
|
Điện áp âm hở mạch của bộ phát c | Voch | -12,6 | -12 | -11,4 | V |
|
Đầu ra của bộ phát tần số | Fo | 980 | 1 000 | 1 020 | Hz |
|
Độ rộng xung b c | Pwo | -5 μs theo Bảng A.7 | theo Bảng A.7 | +5 μs theo Bảng A.7 | μs |
|
Thời gian tăng (10 % đến 90 %) c | Trg | - |
| 2 | μs | Giá trị thiết kế cho bộ hiện sóng |
Thời gian giảm (90 % về 10%) c | Tfg | - |
| 2 | μs | Giá trị thiết kế cho bộ hiện sóng |
Đặt thời gian đến 95 % trạng thái ổn định c | Tsg | - |
| 3 | μs | Giá trị thiết kế cho bộ hiên sóng |
Điện trở nguồn tương đương | R1 | 970 | 1 000 | 1 030 | Ω | 970 Ω đến 1 030 Ω Thường khuyến cáo điện trở tương đương 1 % |
Điện dung thiết bị cấp điên cho EV d | Cs | 300 | - | 1 600 | pF |
|
Điện dung cáp | Cc | - | - | 1 500 | pF | Trường hợp B (bộ dây nguồn) |
Dung kháng (bị làm nhụt) nối tiếp tùy chọn e | Lse | - | - | 1 | mH | Giá trị lớn nhất cho phép trên thiết bị cấp điện cho EV không nằm trên xe điện |
a Dung sai được duy trì trên toàn bộ tuổi thọ có ích và trong các điều kiện môi trường như quy định bởi nhà chế tạo. b Điểm cắt giữa tín hiệu 12 V tại 0 V. c Tại điểm Vg như thể hiện trên Hình A.1 và Hình A.2 (được đo ở đầu ra mạch hở). d Đối với Chế độ 3 trường hợp C và bộ dây nguồn Chế độ 2, điện dung tương đương lớn nhất bằng Cc + Cs. e Điện cảm làm nhụt. Các giá trị danh nghĩa của linh kiện bổ sung ví dụ L và (R-damp) làm nhụt yêu cầu được sử dụng cho tín hiệu tần số cao, được xác định trong Bảng A.11 của ISO 15118-3:2015. |
Các giá trị và tham số của mạch dẫn hướng EV như chỉ ra trên Hình A.1 và Hình A.2 được cho trong Bảng A.3.
Bảng A.3 - Tham số và giá trị của mạch điều khiển quá trình sạc dùng cho EV
Tham số | Ký hiệu | Giá trị nhỏ nhất | Giá trị thông thường | Giá trị lớn nhất | Đơn vị |
Giá trị điện trở cố định (Hình A.1) | R3 | 2 658 | 2 740 | 2 822 | Ω |
Giá trị điện trở đóng cắt đối với các xe điện không yêu cầu thông gió (Hình A.1) | R2 Trạng thái Cx | 1 261 | 1 300 | 1 339 | Ω |
Giá trị điện trở đóng cắt đối với các xe điện có yêu cầu thông gió (Hình A.1) | R2 Trạng thái Dx | 261,9 | 270 | 278,1 | Ω |
Giá trị điện trở tương đương không yêu cầu thông gió (Hình A.2) | Re Trạng thái Cx | 856 | 882 | 908 | Ω |
Giá trị điện trở tương đương có yêu cầu thông gió (Hình A.2) | Re Trạng thái Dx | 239 | 246 | 253 | Ω |
Sụt áp trên điốt (D) (2,75 - 10 mA, -40 °C đến +85 °C) | Vd | 0,55 | 0,7 | 0,85 | V |
Thời gian phục hồi ngược | Tr | - | - | 200 | ns |
Tổng điện dung đầu vào tương đương a | Cv | - | - | 2 400 | pF |
Dung kháng (bị làm nhụt) nối tiếp bổ sung tùy chọn b | Lsv | - |
| 1 | mH |
a Đối với Chế độ 3 trường hợp A, điện dung tương đương lớn nhất bằng Cc + Cs. Cc được cho trong Bảng A.2. b Điện cảm làm nhụt. Các linh kiện bổ sung và tạp tán ví dụ như (R-damp) và L được sử dụng cho tín hiệu tần số cao, được xác định trong Bảng A.11 của ISO 15118-3:2015. |
Dải giá trị phải được duy trì trên toàn bộ vòng đời hữu ích và trong các điều kiện môi trường theo thiết kế.
Các điện trở dung sai 1 % thường được khuyến cáo cho ứng dụng này.
Bảng A.4 chỉ thị dải điện áp dẫn hướng dựa trên các giá trị linh kiện cho trong Bảng A.2 và Bảng A.3. Nó bao gồm một biên điện áp được mở rộng đối với Va để cho phép các dung sai đo của thiết bị cấp điện cho EV.
Bảng A.4 - Các trạng thái của hệ thống được phát hiện bởi thiết bị cấp điện cho EV
Va a | Trạng thái PWM b | Trạng thái của hệ thống | EV nối với thiết bị cấp điện cho EV | S2 d | EV sẵn sàng nhận năng lượng e | Thiết bị cấp điện cho EV sẵn sàng nhận năng lượng f | Lưu ý | ||
Mức thấp V | Danh nghĩa V | Mức cao V | |||||||
11 | 12 | 13 | Tắt | A1 | Không | N/A | Không | Chưa sẵn sàng | Vb = 0 V |
11 | 12 | 13 | Bật | A2 g | Không | sẵn sàng | |||
10 |
| 11 | Bật hoặc tắt | Ax hoặc Bx h | Không/có | Mở | Không | Phụ thuộc vào trạng thái |
|
8 | 9 | 10 | Tắt | B1 | Có | Mở | Không | Chưa sẵn sàng | Re = R3 = 2,74 kQ được phát hiện |
8 | 9 | 10 | Bật | B2 g | Không | sẵn sàng | |||
7 |
| 8 | Bật hoặc tắt | Bx hoặc Cx h | Mở/đóng | Phụ thuộc vào trạng thái |
| ||
5 | 6 | 7 | Tắt | C1 | Đóng | Có | Chưa sẵn sàng | Re = 822 kΩ được phát hiện EV không yêu cầu thông gió khu vực sạc | |
5 | 6 | 7 | Bật | C2 c,g | Có | Sẵn sàng | |||
4 |
| 5 | Bật hoặc tắt | Cx hoặc Dx h | Có | Phụ thuộc vào trạng thái |
| ||
2 | 3 | 4 | Tắt | D1 |